Chúng ta sống trong thời đại mà phải lăn xả, phải chủ động, phải giỏi giao tiếp mới là “đúng”, là tốt còn im lặng, tách ly với xã hội là có vấn đề. Chúng ta được dạy con trai phải mạnh mẽ, không được khóc lóc, phải “trên cơ” con gái (ít nhất là trong một mối quan hệ), còn con gái phải yếu đuối, mềm mỏng để được bảo vệ, chở che. Chúng ta đặt thành công trong sự nghiệp, ổn định về tài chính, có một người để yêu thương là chuẩn mực xã hội. Chúng ta lao ra đường và theo đuổi thứ gọi là “tình yêu bản thân” và “tư duy tích cực”. Nhưng bạn không biết là tất cả những thứ đó nằm ở bên trong mình, chẳng có ở đâu đó ngoài kia. Hạnh phúc là chân lý là mục tiêu để ta lao tới. Nhưng bạn càng tìm bạn càng nhận ra rằng hạnh phúc là chiếc đuôi, bạn càng đuổi theo, nó càng chạy mất. Bạn ép mình suy nghĩ tích cực, nhưng bạn chẳng biết là đó không phải bạn, là bạn chưa đủ sức để nghĩ như thế. Khi ai đó khóc, chúng ta có xu hướng bảo họ “Thôi đừng khóc nữa”. Khi ta buồn, ta bắt mình phải vui lên. Tuy nhiên giống vòng tròn âm dương (yin and yang), cuộc sống có tốt và xấu, hạnh phúc và khổ đau. Bạn không thể nào hạnh phúc thực sự nếu như bạn không cho phép mình đau thương đủ.
Mình từng đấu tranh để hạnh phúc, cỗ vũ lối sống hạnh phúc. Mình muốn mọi người thấy là bạn có thể sống hạnh phúc đến mức này này, đừng chọn những gì tệ hơn. Là một người thiền, sống cân bằng, mình cũng từng nghĩ mình phải sống hạnh phúc và bình yên lắm. Nhưng mà cuộc đời không đơn giản như thế. Mỗi người dù cho họ đang làm nghề gì, dù họ có đi tu đi nữa, mình nghĩ họ đều có cuộc đấu tranh của riêng họ. Mỗi ngày. Mỗi giờ. Để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Một người chị từng bảo với mình là “Một sinh vật hoàn hảo là sinh vật chết.” Chỉ cần bạn còn sống, còn thở, bạn luôn phải có thứ để vật lộn mỗi ngày, hoặc mỗi tháng, mỗi năm để phát triển và tiến hóa. Và có một điều bạn phải chấp nhận: Những điều xấu, khó khăn, nỗi buồn, cơn khủng hoảng,… mà bạn đang quằn quại mỗi ngày cũng ổn và cần thiết cho sự trưởng thành của bạn.
Buồn? Cũng ổn thôi!
Mình biết, mình không phải là bạn, mình không bao giờ có thể hiểu được cặn kẽ nỗi đau bạn đang mang để mà mình nói là điều đó cũng ổn thôi. Tuy vậy, mình chắc chắn một điều, cuộc sống là tập hợp của lên và xuống, trắng và đen, phải và trái. Nếu bạn đang ở tận cùng đau khổ, chúc mừng bạn, hạnh phúc trọn vẹn đang chờ bạn phía trước. Những điều tiêu cực về mặt cảm xúc cũng giống như bệnh tật trên cơ thể vật lý. Nếu như bệnh tật là dấu hiệu rằng thói quen ăn uống, tập luyện của bạn đang chưa đúng và cần điều chỉnh (Đọc bài Chữa lành cơ thể); thì những cảm xúc tiêu cực như buồn, tức giận, sợ hãi,… là dấu hiệu nhắc nhở bạn đang làm điều gì đó sai với chính mình, cần thay đổi lựa chọn. Bản ngã của bạn có trực giác tốt hơn bạn tưởng. Người tu tập thiền định chỉ khác người bình thường ở chỗ họ lắng nghe tiếng nói bên trong kỹ hơn một chút. Cảm xúc nổi lên trong bạn là một trong những cách mà trái tim nói với bạn rằng con người bên trong đang thực sự cần gì, muốn gì, rằng lựa chọn này của bạn có phải là lựa chọn đến từ trái tim. Không có đúng cũng không có sai. Chỉ có lựa chọn đó có phải là lựa chọn tâm hồn bạn cần hay không mà thôi.
Khi nhìn những cảm xúc tiêu cực giống như một cách để trò chuyện, giao tiếp với chính mình, bạn sẽ không thấy nó xấu nữa, lại càng chẳng có lý do để gạt chúng đi. Không ai có thể làm bạn buồn, trừ khi bạn cho phép điều đó. Vì vậy, đừng nhìn những cảm xúc của bạn như hệ quả của tác động bên ngoài. Những cảm xúc này nổi lên từ bạn, là kết quả mà bạn chọn lựa từ những việc bạn làm trước đó. Nghĩ như vậy không phải để bạn tự trách mình, mà khi bạn coi mình là nguyên nhân bạn hoàn toàn có khả năng thay đổi nó.
Buồn phải làm sao?
Buồn là không thể tránh khỏi và buồn cũng ổn thôi! Vậy chúng ta cần có thái độ như thế nào với nỗi buồn của mình? Chúng ta khổ vì khi chúng ta có những cảm xúc tiêu cực, những tổn thương, ta đấu tranh đẩy nó đi. Ta không lắng nghe tiếng gào thét của tâm hồn mình đủ lâu, ta không cho phép mình đưa những cảm xúc đó ra ngoài một cách lành mạnh. Bạn có thể ra ngoài ăn uống, mua sắm vô tội vạ. Bạn có thể chọn những chất kích thích để đưa mình đến trạng thái hưng phấn trong chốc lát. Bạn có thể đi chơi với bạn bè hoặc lao đầu vào công việc. Nhưng đến cuối ngày, khi bạn trở về nhà, đối diện với bốn bức tường là nỗi đau mà bạn chưa bao giờ chạy thoát khỏi. Tâm hồn bạn có một nỗi buồn cần được bạn lắng nghe và chia sẻ. Bạn chọn phớt lờ hoặc đè nén cảm xúc xuống, bản ngã sẽ càng gào thét, gây chú ý và làm tổn thương bạn mà thôi.
Có một điều mà thiền đã dạy cho mình mà mình thấy đúng với mọi trường hợp đó là sống thuận theo dòng chảy. Khi buồn, bạn hãy cho phép mình buồn cho đến khi bạn chẳng muốn buồn nữa. Tốt hơn nữa, hãy khóc hết ra. Cơn buồn khó chịu nhất là cơn buồn tắc nghẽn trong lòng, không khóc ra được. Bạn đừng ngại bạn là con trai. Con trai hay con gái đều chỉ là con người, nên được đối xử như một con người, không phân biệt giới tính gì cả. Riêng mình thấy con trai mạnh mẽ nhất là khi họ khóc vì lúc đó họ không gồng mình đeo chiếc mặt nạ “tôi ổn” và sợ hãi định kiến xã hội. Một người con trai khóc trước mặt mình, mình càng phải trân trọng niềm tin họ đặt vào mình như thế, rằng mình sẽ chở che cho họ, ôm họ vào lòng không chút phán xét.
Khi bạn giận dữ hay phát điên, hãy tìm một nơi an toàn để đưa cơn điên đó ra ngoài mà không gây tổn thương cho người khác. Khi bạn nổi cơn điên, cơ thể bạn tiết ra chất độc và năng lượng tấn công đặc biệt là khi cơn giận lấn át lý trí còn bạn thì không đủ tỉnh táo để nhận ra điều đó. Thông thường những người bạn nổi điên là những người yêu thương bạn, ít khi là người ghét bạn. Vì họ thương bạn nên họ cho bạn cảm giác an toàn để bạn có thể giận dữ mà họ không tấn công lại hoặc bỏ đi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ xứng đáng làm chiếc bao cát cho bạn trút giận. Và vì tình yêu của họ dành cho bạn, họ sẽ tổn thương thật nhiều. Cho nên khi bạn tức giận, hãy dừng lại thừa nhận bạn đang tức giận, bạn cần được ở một mình. Có nhiều cách lành mạnh để đưa cơn giận ra ngoài. Cách mình thường làm đó là ngồi thiền. Nếu bạn không thể thiền, hãy đơn giản hít vào thật sâu thở ra thật chậm trong vài phút. Một cách khác nữa là đạp chân thật mạnh, thật nhanh xuống đất. Đất Mẹ sẽ thu hết cơn giận của bạn vào lòng. Ngay cả khi bạn tưởng bạn chẳng giận gì cả (vì bạn đã quá quen với việc đè nén cảm xúc), khi đạp chân xuống đất đủ nhiều và đủ mạnh bạn sẽ thấy cơn giận nổi lên. Khi đó, hãy đạp tiếp tục cho đến khi bạn chẳng còn một chút năng lượng giận dữ nào.
Thế còn cảm giác tiếc nuối thì sao? Là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo, hơn ai hết mình hiểu cảm giác tiếc nuối một điều gì xảy ra mà mình không làm đúng hoặc nghĩ mình đã có khả năng làm tốt hơn. Có những lỗi nhỏ mình tự trách bản thân trong thời gian ngắn, nhưng cũng có những chuyện quan trọng khiến mình dằn vặt trong một thời gian rất dài. Phim ảnh thể hiện mong muốn sửa chữa lỗi lầm của con người trong quá khứ cũng như biết trước tương lai để có sự chuẩn bị tốt. Mình nhớ trong phim About Time nhân vật chính có khả năng quay lại quá khứ để thay đổi những chuyện vừa xảy ra như anh ta muốn. Tuy vậy, vẻ đẹp cuộc sống nằm ở những lỗi lầm rất con người như thế. Nếu không có sai, không có cảm giác tiếc nuối, con người sẽ không chịu học từ sai lầm. Khi bạn sống quá sung sướng và hạnh phúc, bạn không biết là bạn cần thay đổi và sửa chữa. Tương tự như cơn đau và nỗi buồn, cảm giác thiếu mất một chút gì đó để trở nên hoàn hảo giúp chúng ta học hỏi và phát triển, dù cho sự phát triển đó đau đớn, tốn mất của chúng ta các mối quan hệ, mồ hôi và nước mắt.
Thuận theo tự nhiên không có nghĩa là buông xuôi theo số phận mà nó chỉ mang nghĩa là không cố chấp, không đè nén cũng không phủ nhận.
Khi bạn đối diện với nỗi sợ, nỗi buồn, khủng hoảng tâm lý hoặc tệ nhất là trầm cảm, bạn phải quyết định bạn là người sẽ cứu mình, là người chữa lành (healer) của chính mình. Người khác không thể cứu bạn khi bạn không cho phép điều đó. Hãy cẩn thận khi làm việc với cảm xúc chính mình. Nếu bạn quá nuông chiều cảm xúc tiêu cực, cho cơn buồn của mình ăn, những cảm xúc đó phát triển lớn dần lên. Thay vào đó, hãy tìm những phương pháp lành mạnh để đưa những cảm xúc đó ra ngoài một cách an toàn (không làm tổn thương bản thân và mọi người xung quanh). Tổn thương về cơ thể hay tổn thương tinh thần đều đau như nhau và thậm chí vết thương tinh thần còn khó lành hơn vì chẳng ai nhìn thấy, không ai thông cảm. Vì vậy chúng cần được quan tâm, chăm sóc như nhau. Hãy học cách Thương mình , chăm sóc tốt cho tâm hồn mình, bạn sẽ được chữa lành. ❤
Hope is important because it can make the present moment less difficult to bear. If we believe that tomorrow will be better, we can bear a hardship today.
Zen Master Thich Nhat Hanh
Tình yêu chính là “liều thuốc”.
Những cảm xúc tiêu cực là không xấu, chúng chỉ là những dấu hiệu. Khi những người ta thương buồn thì mình nên làm gì nếu như không bảo họ ngừng khóc, ngừng buồn? Hãy yêu thương họ vô điều kiện! Mình tin trái ngược với tổn thương không phải là bình yên, vui vẻ mà chính là yêu thương. Một người làm những chuyện điên rồ, hoặc chìm đắm trong cô đơn và nỗi buồn vì họ thiếu tình yêu. Hãy ôm ấp tâm hồn ấy, xoa dịu nỗi đau của họ. Hãy cho họ thấy bạn ở đây, vì họ. Bạn không phán xét. Bạn thương họ dù họ có đang làm tổn thương chính mình. Năng lượng yêu thương là liều thuốc chữa lành tuyệt vời nhất. ❤ Đôi khi chúng ta chẳng cần niềm vui, mà cần nhất là một người thương mình, thương cả những tổn thương, nỗi đau mà mình mang dù nó là những vết sẹo xấu xí mà ta luôn che giấu.
A voice that says, “I’ll be here”
And “you’ll be alright”City of stars
Và dù bạn là ai, luôn luôn có ít nhất một người trên Trái đất này yêu thương bạn vô điều kiện, luôn mong muốn mọi điều tốt đẹp đến với bạn. Hãy luôn nhớ điều đó mà tiếp tục cố gắng. Vì bạn. Và vì những người đã làm tất cả chỉ mong bạn bình yên, vui vẻ. Cuộc đời này còn nhiều thứ để mong chờ hơn nỗi buồn của bạn rất nhiều. Không có nỗi buồn nào dài đến vô cực cả. Hãy dũng cảm nắm tay nhau đi qua cơn đau. ❤
*ôm thật chặt*
Tiên Alien
Ngọc Bảo says
Mỗi khi mình buồn hay có cảm xúc tiêu cực gì mình luôn tự nhủ nó chỉ là sản phẩm của “Tâm”, và mình luôn nhắc nhở mình rằng mình không phải là Tâm này, cứ nv liên tục mình sẽ thấy nỗi buồn mình trôi qua nhanh hơn. Và mình cũng đồng ý vs Tiên ở chỗ là khi ta buồn ta cứ nên để nó “tự nhiên”, k cổ vũ cũng k cố gắng chối bỏ nó (vì bản chất của Tâm là bạn càng cố gắng deny điều gì nó lại càng nhân lên:), có lẽ ta chỉ nên nhận diện và quan sát nó (trôi đi). Còn về ý tình yêu chữa lành thì mình cũng ko có trải nghiệm gì nên cũng k rõ : ) cảm ơn bạn đã cho m ý tưởng có lẽ mình sẽ thử 🙂 (m định cmt trên fb nhưng thấy hơi dài nên chắc trên này sẽ phù hợp hơn:)
Tiên Trần says
Bạn ơi bạn có thiền không mà bạn sống thiền quá! Thật vui vì mình có thêm một người bạn nè. Tuần mới an yên nhe!
Ngọc Bảo says
À có B có thiền 😀 trong cũng nh năm, B cũng từng thử nh kiểu thiền.. mà cũng hơi ngắt quãng k có đc chăm như cậu hehe. Rất vui đc làm quen vs Tiên 😀 Chúc cậu tuần mới an yên nhé 🙂