Bệnh là sự bất hòa về mặt năng lượng trong cơ thể vật lý.
Cuộc sống có sinh – lão – bệnh – tử. Dù cẩn thận thế nào cũng không thoát khỏi chữ bệnh. Tuy nhiên, không thể vì vậy mà đua xe bất chấp tính mạng, hoặc sử dụng chất có hại cho sức khoẻ rồi đổ lỗi sống chết có số. Bệnh là sự bất hòa về mặt năng lượng bên trong cơ thể vật lý. Bệnh, hoặc những tổn thương về mặt cơ thể là một phần của cuộc sống, nhắc chúng ta cách mình đối xử với cơ thể chưa đúng và cần phải thay đổi. Nếu như sau khi chúng ta đã ăn uống lạnh mạnh, tập thể dục điều độ mà vẫn bệnh, hoặc do bất cẩn gặp phải chấn thương thì cách để vượt qua chúng như thế nào?
Tổn thương vật lý hay tâm lý đều cần được quan tâm như nhau vì hậu quả của chúng đều là ta mất đi sự cân bằng vốn có, mất đi khả năng làm những việc mà một cơ thể bình thường, khoẻ mạnh có thể làm dễ dàng. Vết thương trên cơ thể dễ nhìn thấy hơn, dễ nhận được sự đồng cảm của mọi người xung quanh hơn so với vết thương tâm lý, tuy vậy không thể vì thế mà coi nhẹ.
Khi cơ thể có vấn đề, cơ thể sẽ thông báo với bạn bằng một số triệu chứng cụ thể ví dụ như sốt, ho, sổ mũi… Sốt là quá trình hệ miễn dịch của bạn đang chống lại có virus có hại cho cơ thể. Vì vậy, việc bạn cần làm là để quá trình đó diễn ra mà không can thiệp. Một trong những sai lầm chúng ta thường mắc phải là uống thuốc hạ sốt. Khi uống thuốc, bạn tắt đi hệ thống báo động của cơ thể. Dần dần, khi cơ thể gặp vấn đề, hệ thống đó sẽ không hoạt động nữa. Bạn chỉ phát hiện ra bệnh sau một thời gian bệnh đã ủ quá lâu và bùng phát ra ngoài. Khi đó thường là đã quá trễ, hoặc khó khăn hơn trong việc trị bệnh. Cơ thể có khả năng miễn dịch và bản năng sinh tồn rất tốt. Hãy học để có kiến thức đúng để chữa bệnh và phòng bệnh hiệu quả.
Thái độ bình tĩnh và lạc quan là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc chữa lành dù là vết thương vật lý hay tâm lý.
Trong trường hợp bạn phát hiện cơ thể có bệnh, hoặc có những tổn thương do tai nạn gây ra thì việc quan trọng đầu tiên cần làm là giữ bình tĩnh. Thái độ bình tĩnh và lạc quan là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc chữa lành dù là vết thương vật lý hay tâm lý. Luôn nhớ rằng mọi chuyện xảy ra đều có lý do. Bệnh tật và tổn thương chỉ là lời nhắc nhở, là bài học để bạn thay đổi hành vi.
Khi bạn khoẻ mạnh, vui vẻ, bạn có rất nhiều bạn bè. Nhưng khi gặp khó khăn, bạn mới biết đâu là bạn tốt. Khi bạn tin tổn thương đó là điều cần thiết cho sự phát triển, bạn sẽ dễ dàng chấp nhận nó. Khoa học đã dùng Placebo- giả dược để chữa bệnh trong rất nhiều trường hợp: Những bệnh nhân nhận được giả dược cũng phục hồi khoẻ mạnh tương đương với những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc thật. Điều đó chứng minh được là niềm tin và sự kỳ vọng là yếu tố quyết định bạn có khả năng hồi phục hay không.
Bệnh tật và cái chết làm cho cuộc sống có ý nghĩa.
Mình không sử dụng cụm từ “chiến đấu với bệnh tật” (người ta thường dùng cụm từ này khi nói đến những bệnh nặng và chưa có thuốc điều trị như ung thư) vì đối với mình bệnh tật là người bạn, một lời nhắc nhở, một dấu hiệu bạn nhận được từ cuộc sống. Bệnh tật và cái chết làm cho cuộc sống có ý nghĩa, giúp bạn biết trân trọng sức khoẻ và hạnh phúc, dù hầu hết tất cả chúng ta chẳng ai thích bệnh chút nào. Khi bạn chấp nhận những tổn thương cơ thể là một phần thiết yếu, bạn sẽ có thái độ đúng. Bạn không đặt câu hỏi “Tại sao lại là tôi?” nữa.
Một số người sinh ra với khiếm khuyết trên cơ thể vì cuộc đời trao cho họ một sứ mệnh lớn hơn: Truyền cảm hứng sống cho nhiều người bình thường khác. Helen Keller điếc và mù bẩm sinh. Nhưng bà quyết định vượt lên nghịch cảnh và trở thành nữ văn sĩ, nhà hoạt động xã hội, diễn giả truyền động lực sống cho triệu người trên thế giới. Randy Pausch, một giảng viên đại học phát hiện mình bị ung thư giai đoạn cuối khi đang ở giai đoạn phát triển sự nghiệp và phải sớm tạm biệt gia đình nhỏ hạnh phúc của mình. Nhưng Pausch vẫn luôn lạc quan và cảm thấy hạnh phúc vì đã sống một cuộc đời ý nghĩa, hoàn thành những ước mơ tuổi thơ. Anh dành những năm tháng cuối đời để hoàn thành Bài giảng cuối cùng về ý nghĩa thật sự của cuộc sống nhất là khi ta đối diện với cái chết. Cho nên, nếu bạn đang chịu đựng cơn đau, hãy trân trọng nó và tìm hiểu xem ý nghĩa cơn đau đó là gì.
The Ancient One: “It’s not about you! When you first came to me, you asked me how I was able to heal Jonathan Pangborn. I didn’t. He channels dimensional energy directly into his own body.”
Dr. Stephen Strange: “He uses magic to walk.”
– Doctor Strange
Để chữa lành, bạn phải có kiến thức đúng.
Có nhiều bệnh tật và những vết thương cơ thể khác nhau, nhưng điểm chung để chữa lành là có kiến thức. Chúng ta bệnh nặng hơn thường là do chủ quan và thiếu kiến thức. Nhất là ở Việt Nam, khi có bệnh ta sẽ đi đến hiệu thuốc gần nhất, nói với người bán một vài triệu chứng ta gặp phải và mua thuốc về uống. Điều này vô cùng nguy hiểm vì bạn không chắc người đứng sau quầy thuốc kia có phải là dược sĩ hay không (thường là không). Hơn nữa, ở Việt Nam việc sử dụng một số loại thuốc đặc trị như kháng sinh vô cùng dễ dàng mà không đòi hỏi đơn thuốc bác sĩ, dẫn đến việc lạm dụng thuốc và ảnh hưởng đến sức khoẻ. Hoặc bạn đi bệnh viện nhưng bạn không có một số kiến thức cơ bản về thuốc, không quan tâm bạn đang được tiêm gì, được kê loại thuốc gì mà hoàn toàn phụ thuộc vào bác sĩ.
Khi bạn kiểm soát được quá trình chữa lành của mình, tức là có hiểu biết nhất định về việc bạn đang được điều trị như thế nào, có hợp lý hay không, bạn sẽ kiểm soát được quá trình phục hồi. Nếu bạn không hề có cơ sở kiến thức nào cả, ít nhất bạn cần biết “chọn mặt gửi vàng”. Tốt nhất là có người thân làm trong ngành, hoặc kết bạn với những người làm trong ngành để hỏi lúc gặp vấn đề về sức khoẻ.
Thiền để chữa lành
Thiền là hình thức nạp năng lượng vào cơ thể. Khi đầu óc ta không suy nghĩ, chỉ tập trung quan sát hơi thở, năng lượng sẽ tràn vào. Khi năng lượng đi vào từng ngóc ngách tế bào, mọi bệnh tật sẽ được chữa lành. Vì vậy, thiền có thể được coi là phương pháp chữa lành cơ thể hiệu quả không dùng thuốc (tất nhiên là phải đi kèm với ý chí và niềm tin mạnh mẽ). Tuy nhiên, phần lớn chúng ta chưa có được tự do ý chí đủ lớn để chữa bệnh không dùng thuốc. Chúng ta không nên quá chấp niệm vào thiền định mà không khử trùng vết thương hoặc sử dụng các loại thuốc cần thiết. Hãy dùng thiền như một công cụ hỗ trợ giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành. Tuỳ theo từng căn bệnh cụ thể mà có những bài thiền trị liệu tương ứng. Ở đây mình sẽ để một vài đường dẫn (tác dụng của âm nhạc trong việc chữa lành mình đã từng nhắc đến trong bài viết Chữa lành trái tim)
Đây là đường dẫn âm nhạc giúp làm dịu cơn đau:
Âm nhạc giúp phục hồi tế bào, đưa tế bào về trạng thái ban đầu:
Bài dẫn thiền tăng cường hệ miễn dịch, thay đổi niềm tin:
Người chữa lành đóng vai trò quan trọng.
Bên cạnh tự do ý chí mỗi người, sự hỗ trợ đúng của bác sĩ, y tá hoặc người giúp đỡ vô cùng quan trọng. Nếu bạn là người chăm sóc cho người bệnh hoặc bị thương, đặc biệt là bác sĩ hoặc y tá, bên cạnh việc có kiến thức chuyên môn chắc chắn về việc bạn đang làm, có tay nghề cao thông qua quá trình thực nghiệm, thì bạn cũng cần có cái tâm của người làm nghề và sự thấu cảm. Có nhiều bác sĩ chữa bệnh cho hàng chục người mỗi ngày, nhưng chưa bao giờ bị bệnh nên chẳng hiểu được cảm giác của bệnh nhân. Bệnh nhân có hợp tác hay không, có bình tĩnh để bạn làm công tác chuyên môn hay không, có tin tưởng vào quá trình điều trị hay không, tất cả đều phụ thuộc vào cách bạn đối xử với bệnh nhân chứ không phải việc bạn đạt được danh hiệu gì hoặc bạn chữa cho họ bằng biện pháp nào.
Tác giả cuốn Phi lý trí đã viết các y tá thường có xu hướng tháo băng cho bệnh nhân (bị bỏng) rất nhanh vì họ có tâm lý sợ gây đau cho người khác, và họ được bảo là tháo nhanh sẽ đỡ đau hơn. Nhưng tác giả, với vai trò là một bệnh nhân, đã nhận ra rằng việc tháo băng từ từ từng chút một mới giảm cơn đau. Cái tâm của người làm nghề nằm ở chỗ cách họ chăm sóc cho bệnh nhân của mình. Trước khi bạn làm gì, hãy đặt trường hợp mình là một bệnh nhân vừa đau đớn vừa hoang mang, sợ hãi, mình muốn được đối xử như thế nào. Để trấn an bệnh nhân, cũng như giảm đau, hãy thông báo cụ thể cho họ việc bạn chuẩn bị làm với họ và thông thường làm vậy sẽ cảm thấy thế nào. Ví dụ như: “Anh chuẩn bị sát trùng nước muối vết thương này nè. Nước muối sẽ không cay, không rát đâu nè.” Hoặc là “Chị chuẩn bị nhổ cái răng nằm ngang nè. Thuốc tê đã ngấm rồi em sẽ không đau lắm đâu”.
Bệnh viện trung ương thường hay rơi vào tình trạng quá tải. Bác sĩ do có quá nhiều ca bệnh trong ngày nên không có thời gian chăm sóc cho bệnh nhân chu đáo cũng như trở nên vô cảm trước cơn đau của bệnh nhân. Nhưng việc sống là một người chữa lành có tâm hay không là quyết định của bạn, bạn không có quyền đổ lỗi cho xã hội, bạn chỉ có thể cố gắng hết khả năng. Mình rất hi vọng những người làm nghề y sẽ là những người có đạo đức. Nghề gì ác cũng được, nghề gì cũng có thể mua bằng cấp, nhưng làm ơn đừng là nghề cứu người. Đó là tội ác. Mình mong đạo đức sẽ được dạy trong trường y một cách đàng hoàng, mong những người chọn nghề y hoặc nghề y chọn là những người có nhân phẩm và kiến thức.
Có tổn thương sẽ có chữa lành. Có đau khổ mới biết trân trọng hạnh phúc. Đừng sợ bệnh tật hay tổn thương. Chỉ sợ không đủ dũng cảm, không đủ tích cực đi qua tổn thương.
Cuối cùng, mong là mọi vết thương của bạn sẽ được chữa lành. Có sức khoẻ là có tất cả. Hãy chăm sóc bản thân đúng cách để hạn chế bệnh tật.
Thương,
Tiên Alien
Để lại một bình luận