Tiếp theo bài Mình học được gì từ lớp Leadership?, bài viết này là phiên bản đi vào trọng tâm hơn về mối quan hệ tương quan giữa leader và follower trong doanh nghiệp và mở rộng ra trong cuộc sống hàng ngày.
Đương nhiên là một bài blog chẳng thể nào bao gồm hết những tư duy đúng đắn về Khả năng Lãnh đạo. Nếu bạn cảm thấy hứng thú thì có thể đăng ký môn Leadership của thầy Trần Chí Cường (Đại học Quốc tế IU) để được “tắm mình” trong bể tư duy lãnh đạo một cách bài bản hơn.
Hãy giữ một suy nghĩ là khái niệm Leadership trong khóa học mình nhắc tới chỉ là trường hợp ứng dụng trong doanh nghiệp. Còn rất nhiều phiên bản của Lãnh đạo tùy thuộc vào từng ngành nghề và môi trường khác nhau.
Trước tiên, hãy đi vào khái niệm Leadership theo phiên bản sách (textbook) Leadership:
Leadership is an influencing process of leaders and followers to achieve organizational objectives through change.
(Viết đến đây tự nhiên mình cảm thấy hơi buồn cười khi mình đang cố gắng viết một blog Tiếng Việt về một khóa học bằng Tiếng Anh. Mình học Tiếng Anh thấy rất hay. Không biết khả năng dịch thuật của mình có đủ để viết hay như là mình cảm thấy hay không. :)) Mình sẽ không bám sát khái niệm học thuật mà sẽ viết theo cách ứng dụng vào đời sống.)
Một số định nghĩa cơ bản
Leader
Leader (người lãnh đạo) về cơ bản là người có tầm ảnh hưởng lên người khác để đạt được mục đích của doanh nghiệp thông qua việc thay đổi.
Follower
Follower là những người chịu sự ảnh hưởng từ Leader.
Tầm ảnh hưởng
Thời gian gần đây khái niệm Influencer được quan tâm hơn bao giờ hết. Tầm ảnh hưởng không chỉ đơn thuần là một chiến dịch quảng cáo, hay kế hoạch bán hàng. Tầm ảnh hưởng là thay đổi trái tim, tư duy và cuối cùng là hành vi con người để mang lại kết quả có ý nghĩa và bền vững.
Trong mối tương quan giữa leader và follower, tầm ảnh hưởng thể hiện ở việc thuyết phục được con người bằng tấm lòng chân thành, thay đổi suy nghĩ từ đó dẫn đến hành động để đạt được kết quả mong muốn thay vì sử dụng quyền lực hay những yếu tố ngoại cảnh như tiền bạc hay khen thưởng.
Ảnh hưởng mang tính chất lâu dài, hướng đến sự thay đổi và bắt buộc phải có sự thay đổi diễn ra.
Leadership is the art of getting someone else to do something you want done because he wants to do it.
Mục đích doanh nghiệp
Mục đích doanh nghiệp là lý do để công ty tồn tại.
Sự thay đổi
Khái niệm lãnh đạo chỉ tồn tại khi có sự thay đổi được diễn ra. Nếu không thì vai trò của người lãnh đạo sẽ trở thành người quản lý (Manager).
Sự thay đổi giúp cho doanh nghiệp bắt kịp với xu hướng thay đổi nhanh chóng của thị trường.
Leadership is NOT ABOUT leading people.
Mọi thứ đều bắt đầu từ bản thân.
Bền vững chẳng qua là kết quả của một quá trình có trước có sau. Ngôi nhà muốn xây lên cao cần nền móng vững chắc đào sâu xuống lòng đất.
Trước khi lãnh đạo người khác, ta cần làm chủ bản thân thật vững. Mối quan hệ của ta và mọi người cũng chỉ là phản ánh mối quan hệ của ta với chính mình. Bạn không tin bản thân, không quản lý được mình thì người khác cũng chẳng tin và nghe theo bạn.
Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
– Khổng Tử
Một leader không làm chủ được cuộc đời họ thì không thể dẫn dắt nhiều người khác đi đến kết quả tốt đẹp. Tuy vậy, mọi người thường cho là lãnh đạo bản thân thì dễ quá. Lãnh đạo một nhóm nhiều người… mới là oai.
Mình thì vẫn đang ở giai đoạn tu thân. Tu thân đơn giản là tu – sửa – bản – thân: Quan sát, học hỏi, sửa mình, và lặp lại quá trình này. Mình tu thân thông qua thiền định, tìm hiểu quy luật vận hành của cuộc sống, sống đúng giới để có định và từ đó phát triển tuệ. Mình tu với tư duy mở, sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn để phát triển đi lên.
Tu thân có vẻ là một quá trình không bao giờ kết thúc. Ngay cả khi bạn trở thành người lãnh đạo thì lãnh đạo chỉ là mối tương quan giữa bạn và mọi người, còn quan hệ giữa bạn và bản thân vẫn cần được duy trì và thay đổi mỗi phút giây. Vì giai đoạn tu thân chưa xong nên mình không lạm bàn về “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.” làm gì.
Role model
Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.
– Mahatma Gandhi
Leader không chỉ là người dẫn đầu mà còn là role model (tấm gương) để cả đội làm theo. Chẳng cần làm leader thì bạn cũng cần phải sống và làm việc như những gì bạn khẳng định về bản thân hoặc khuyên mọi người làm. Tiêu biểu nhất là mối quan hệ giữa ba mẹ và con cái. Trẻ con cũng chỉ là bản sao của ba mẹ. Để con ăn mà không xem điện thoại ba mẹ cũng chỉ cần đặt điện thoại của ba mẹ sang một bên thôi.
Chúng ta không bao giờ có thể thay đổi người khác. Ta chỉ có thể thay đổi bản thân. Mà từ việc thay đổi bản thân đó, ta trở thành nguồn cảm hứng để mọi người thay đổi.
– Tiên Alien
Tạo ảnh hưởng để mọi người thay đổi hành vi của họ không phải là việc ngắn hạn. Mọi cái cây đều cần thời gian cho hạt nảy mầm, vươn mình khỏi lớp đất cứng đón ánh bình minh.
Để mọi người đúng giờ với bạn, bạn chỉ cần luôn xuất hiện đúng giờ. Dù cho họ đi trễ 11 lần trên 10 lần bạn vẫn luôn đúng giờ đủ 10. Bạn làm điều đó với tâm thế kiên nhẫn và bao dung. Đủ lượng sẽ sinh chất. Sẽ có những việc bạn cảm thấy như là đem muối bỏ biển. Nhưng mà biển sẽ bớt mặn đi một chút nếu thiếu vài hạt muối của bạn.
Nếu bạn kiên trì làm mãi mà kết quả không thay đổi, trước tiên hãy quan sát tâm thế của mình: Bạn có thực sự bao dung cho họ hay bạn đang bực bội? Bạn làm chỉ vì để giữ lời của chính mình hay để cố ép người khác thay đổi hoặc cảm thấy có lỗi?
Nếu trạng thái tâm bạn đang là bình an và hướng đến kết quả tốt đẹp mà sự thay đổi chưa tới, hãy tin là nó đang diễn ra. Hãy nói chuyện thẳng thắn, rõ ràng với năng lượng hướng đến kết quả tốt đẹp chứ không phải là tổn thương người đối diện.
Do unto others as you want them to unto you.
– Golden Rule
Khi góp ý, hãy tập trung vào hành vi.
Ai cũng mắc lỗi. Điều quan trọng là họ có học từ lỗi lầm và thay đổi một cách triệt để hay không và nhanh chậm như thế nào.
Khi người khác làm sai, bạn có thể thẳng thắn góp ý để họ sửa đổi. Tuy nhiên, bạn cần góp ý dựa trên hành động chứ không chạm đến bản chất con người. Ví dụ: “Tuần này, cậu đã đi trễ 3 lần liên tiếp.” thay vì “Cậu là đứa luôn trễ giờ.”
Bạn nên tách biệt trong đầu rằng những việc người ta làm không phải là họ. Những việc đó chỉ là hành động của họ trong mối tương quan với bạn mà thôi. Có thể đối với vợ con, họ luôn đúng giờ vì trong thang đo giá trị của họ gia đình là trên hết. Có thể một người mà bạn cho là ác, lại rất hiền đối với một người khác.
Về cơ bản thì mọi người đều mang “tính không” trong mình. Bản thân họ không tốt, không xấu, không đúng, không sai. Chỉ có hành động của họ lúc thì đem lại hiệu quả lúc thì không hiệu quả hướng tới một mục đích nào đó trong mối quan hệ nào đó.
Những phê phán đụng chạm đến bản chất con người không chỉ gây tổn thương cho người khác, cho mối quan hệ giữa bạn và họ mà còn trùm lên họ một chiếc áo không phải họ. Mà đáng sợ hơn là họ tin chiếc áo ấy thay vì lớp da của bản thân. Họ cuối cùng trở thành phiên bản mà bạn không mong muốn họ trở thành.
Freedom is not worth having if it does not include the freedom to make mistakes.
– Mahatma Gandhi
Cách hay nhất vẫn là đặt câu hỏi: “Tôi có thể làm gì để hỗ trợ bạn cải thiện tình hình này?” (hỗ trợ không lặp lại sai lầm đó nữa). Người ta sẽ tinh ý nhận ra lỗi sai của mình và tự động thay đổi mà không cảm thấy tổn thương, xấu hổ và tệ hại.
Mọi mối quan hệ đều mang tính hai chiều.
Đôi khi xã hội đánh giá quá cao vai trò của leader. Cả thế giới tập trung học những khóa học để trở thành một leader giỏi. Nhưng họ quên mất rằng không có follower thì cũng không có leader. Leader không phải là tất cả. Họ chỉ là một trong những mảnh ghép của bức tranh.
Chúng ta đều là follower (và leader).
Mở rộng khái niệm ra khỏi khuôn khổ doanh nghiệp chúng ta có thể hiểu leader là người dẫn dắt, còn follower là người đi theo. Giống như khi khiêu vũ, luôn có một người dẫn và một người nương theo đó mà bước. Cả hai cùng dẫn hoặc cùng đợi người khác dẫn thì không thể tạo thành điệu nhảy đôi.
Trong mỗi con người bất kể là giới tính gì luôn tồn tại tính nam và tính nữ. Tính nam giữ vai trò như người leader – độc lập, ra quyết định, bảo vệ và chủ động. Tính nữ giống như follower – nuôi dưỡng, chăm sóc, thực hiện hành động và bị động.
Có thể những bạn theo chủ nghĩa nữ quyền sẽ phản đối nhận định trên. Nhưng tính nam và tính nữ này tồn tại đồng thời trong mỗi con người, trong từng mối quan hệ như trật tự của trời và đất. Nó khác rất nhiều so với việc hô hào rằng phụ nữ cũng có thể chủ động hay ngang hàng với nam giới.
Một con người hay một mối quan hệ đều cần có điểm cân bằng giữa tính nam và tính nữ. Nếu một người quá nam tính, họ có xu hướng bạo lực và không biết chăm sóc, yêu thương người khác. Ngược lại, nếu quá nữ tính, ta sẽ trở nên phụ thuộc, yếu đuối, không thể tự quyết định cuộc đời mình.
Trong một mối quan hệ, bất kể là mối quan hệ gì, giữa những người thuộc giới tính nào, cũng đều cần có một người chủ động và một người đi theo vào một thời điểm nào đó. Vai trò “leader – follower” này là tương đối và có thể thay đổi tùy hoàn cảnh cho phù hợp. Để duy trì mối quan hệ lành mạnh, điểm cân bằng âm và dương này là điều cần.
Trao quyền – thay đổi vai trò
Tổng thống Mỹ dù đứng đầu một quốc gia là cường quốc của thế giới, trụ cột của gia đình nhưng khi ngồi trong xe của ông ta thì người lái xe đóng vai trò là leader. Bạn sẽ phản đối là tổng thống vẫn ra lệnh để người lái xe đi theo đó chứ. Nhưng về mặt năng lượng, trong quá trình di chuyển từ nơi này đến nơi khác, trách nhiệm nằm trong tay người cầm lái. Trao quyền trong trường hợp này là điều cần để mối quan hệ được duy trì tốt đẹp và đưa đến kết quả mong muốn.
Lúc trước, đi Grab mình hay có thói quen tham gia vào chỉ đường cho anh lái xe ngay cả khi họ không hỏi. Sau này, mình hiểu là mỗi người đều có vai trò của họ. Làm đúng vai trò và bổn phận sẽ giúp duy trì trật tự xã hội tốt hơn là cứ ôm hết mọi việc vào người. Grab có đi đường vòng vèo một tẹo, nhưng họ cần nhận được sự tin tưởng của ta về khả năng nghề nghiệp hơn là sự giúp đỡ không đúng lúc.
Trao quyền giúp cho người được trao quyền cảm thấy được tin tưởng và chính niềm tin đó khiến cho họ nỗ lực hoàn thành công việc tốt nhất trong khả năng. Giống như trong một đội bóng, tiền vệ, hậu vệ hay thủ môn đều là đang ở vị trí phát huy được khả năng tốt nhất của mình, trao quyền cần chọn lọc người và việc sao cho nâng cao năng suất công việc: 1 + 1 > 2. Khi đó, leader sẽ có thêm thời gian đi làm những việc đúng tầm hơn và giảm stress do ôm quá nhiều việc cùng lúc.
Hãy cứ tin là ai cũng đang cố gắng hết sức để hoàn thành tốt việc của họ. Vai trò của follower về cơ bản là tin tưởng vào leader của mình. Dù là họ đang đi sai hướng, để họ học từ lỗi sai sẽ tốt hơn là cho họ thấy sự mất kiên nhẫn và niềm tin của ta.
Trong tình yêu cũng vậy, bao dung và kiên nhẫn là chất keo bền nhất. Ai mà chẳng biết họ sai. Họ không cần bạn nói họ đã sai như thế nào. Họ cần cái ôm ấm áp của bạn dù cho họ đã lỡ khờ dại. Tình yêu đến cuối cùng là một lựa chọn thương ngay cả khi không “đúng”.
People can CHOOSE to become leaders.
Điều quan trọng là đủ tinh tế và nhịp nhàng để biết khi nào cầm cương khi nào lui về đằng sau. Ai cũng chăm chăm vào leadership. Mà họ quên rằng FOLLOWERSHIP khó và cần thiết hơn rất nhiều. Ai cũng đòi diễn vai chính. Nhưng nhân vật phụ mà không hoàn thành tốt vai trò của mình thì vai chính chẳng bao giờ có thể tỏa sáng. Mọi vị trí đều quan trọng như nhau.
Dù cho bạn đang chơi ở vị trí nào, chúc bạn luôn có thái độ và tâm thế đúng đắn để sống là con người ngay thẳng và hạnh phúc.
Tiên Alien
Để lại một bình luận