Những câu hỏi đặt ra trong bài viết không phải là câu hỏi tu từ phủ định. Mình chỉ muốn mọi người dừng lại, suy ngẫm một chút về câu trả lời cho những câu hỏi và những giả định được nhắc tới.
Mình vừa đi coi bộ phim Năm bước để yêu (5 feet apart) về. Nội dung phim kể về câu chuyện tình yêu của hai con người mà ranh giới giữa họ là sự sống và cái chết. Họ thậm chí còn không thể chạm đến nhau vì một bước gần hơn với nhau cũng là một bước tiến về phía cái chết – thứ có thể chia cắt họ mãi mãi.
Lần này, mình không còn buồn nhiều như xem Lỗi thuộc về vì sao (The fault in our stars) nữa. Lúc trước, mình luôn cảm thấy số phận con người thật bé nhỏ và yếu ớt. Rằng dù chúng ta cố gắng như thế nào, yêu nhau đậm sâu ra sao thì số phận cũng có thể cướp mất người ta thương bất kỳ lúc nào. Rằng sao thần tình yêu lại khiến chúng ta yêu nhau để rồi phải xa nhau?
Trải qua rất nhiều chuyện, mình mới nhận ra tất cả những chuyện xảy ra đều là phải xảy ra và là điều tuyệt vời nhất có thể xảy ra lúc đó. Kể cả chia tay. Kể cả nỗi buồn. Kể cả đau thương hay thậm chí là cái chết. Tất cả đều là cần thiết như nhau.
Chết chỉ là một bước nhỏ trên hành trình sống mãi.
Sự sống phải chăng chỉ là sự lùi dần về phía cái chết. Cái chết là hiển nhiên. Và con người là khả tử. Đó là sự thật mà phần lớn loài người dành thời gian để chạy trốn khỏi.
Từ thời xưa, các vị vua luôn tìm kiếm vị thuốc trường sinh bất tử. Sau này, khi Y học phương Tây phát triển, con người đạt rất nhiều thành tựu trong việc kéo dài sự sống, thậm chí cứu hàng triệu người thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Nhưng chúng ta không thể tránh khỏi quy luật lão hóa tự nhiên hoặc những tai nạn bất đắc kỳ tử. Tất cả những gì chúng ta có thể là chăm sóc sức khỏe tốt nhất, giảm thiểu rủi ro, và kéo dài sự sống sao cho chúng ta chết vì một trong hai nguyên nhân không thể tránh khỏi kể trên.
Chúng ta nỗ lực hàng ngày hàng giờ giành lấy sự sống. Nhưng mấy ai trong chúng ta thực sự sống? Mấy ai trong chúng ta đặt câu hỏi sống để làm gì? Chúng ta nỗ lực làm việc từ sáng sớm đến tối mịt để làm gì? Chúng ta kiếm tiền để làm gì? Hay đơn giản chúng ta làm những việc mình thường làm để làm gì?
Y học hiện đại kéo dài tuổi thọ của con người. Nhưng rồi để lại bài toán khó cho những người cao tuổi – kết quả của sự phát triển Y học, làm sao để sống những năm tháng cuối đời hạnh phúc, vui vẻ với những căn bệnh già, nỗi cô đơn không con cháu. Những thành tựu Y khoa để làm gì khi cuối cùng con người không được chăm sóc cẩn thận về mặt tinh thần và cảm xúc?
It’s just life, Will. It’ll be over before we know it.
– Rachael Lippincott, Five Feet Apart
Chúng ta sợ hãi cái chết phải chăng vì chúng ta không hiểu nó?
Chúng ta không biết đằng sau đó là gì. Là thiên đàng hay địa ngục? Có nỗi đau nào hay không? Có nuối tiếc hay không?
Liệu cuộc sống này có phải là một giấc mơ mà khi chết đi ta mới thực sự thức giấc? Hay ta là những cư dân từ xa tới vui chơi trên Trái đất để rồi chết đi sẽ trở về nhà? Tất cả chỉ là giả thuyết mà những người giàu trí tưởng tưởng vẽ lên.
Death does not exist.
– Neale Donald Walsch
Chúng ta theo những tôn giáo khác nhau phần lớn vì mỗi tôn giáo kể một câu chuyện về cái chết để ta tin tưởng. Rằng nếu đi theo một tôn giáo nào đó, thì khi chết đi sẽ có người đến đón ta về nhà. Những người theo Phật giáo tin rằng, những năm tháng cuối đời, niệm phật, tu thân thì lúc lâm chung, cùng với tiếng tụng niệm của các sư, bạn sẽ được đón chào về Tây phương cực lạc.
Chúng ta né tránh cái chết vì con người vốn ghét sự chia ly.
Chết được xem là sự chia tay vĩnh cữu. Và chẳng có mất mát nào lớn hơn mất đi sự sống.
Mình cũng chỉ là một con người nhỏ bé. Và quả thật mình ghét chia ly. Đặc biệt là với những người mình yêu quý. Chấp nhận dòng chảy của quy luật tự nhiên thật sự rất khó khăn. Ngay cả khi bạn hiểu quy luật, cũng còn một chặng đường rất dài để chấp nhận nó.
Mình còn nhớ trong quyển Nẻo về của Ý, thầy Thích Nhất Hạnh phải mất nhiều năm tu thiền để vơi đi nỗi đau mất mẹ. Để rồi một ngày, trong lúc thiền, thầy cảm thấy như thể mẹ ở cạnh bên. Thầy khóc và nhận ra rằng thì ra mẹ vẫn luôn ở đây. Nỗi đau kia tự nhiên tan biến.
Water evaporates and it rains back, Nature’s play continues. Everything in nature is eternal. It only gets transformed.
– Om Swami
Nếu như có kiếp sau, ta sẽ gặp lại nhau. Dẫu có sao thì…. cũng không sao đâu! Nếu như đã là duyên nợ, đi một vòng tròn lớn, chúng ta sẽ lại va vào nhau.
Thay vì sống trong sợ hãi và tiếc nuối, chúng ta có quyền lựa chọn.
Cái chết là sự thật. Nỗi đau của người ở lại là thật. Và sự thật cần được nhìn thẳng vào. Mình không viết về cuộc sống sau cái chết vì mỗi cá nhân sẽ có một niềm tin khác nhau. Niềm tin không có đúng cũng không có sai. Chỉ có những niềm tin phù hợp với người này và niềm tin phù hợp với người khác. Là con người việc của chúng ta là tôn trọng đức tin của đồng loại mình.
Phần lớn chúng ta không thể lựa chọn cái chết. Nhưng chúng ta có tự do lựa chọn cách sống, sao cho xứng đáng với sự sống ta được trao. Đừng dành cả đời ở những chỗ an toàn, chỉ để trốn tránh cái chết. Hãy đi ra ngoài kia và sống thực sự.
Mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, hãy thử làm một việc mà bạn chưa bao giờ dám thử để nhận ra bạn có thể đi xa đến mức nào. Từng bước biến vùng khó chịu thành vùng dễ chịu là cách để chúng ta lớn hơn mỗi ngày. Đó là lý do một đứa bánh bèo như mình đi trekking, hướng nội nhưng vẫn làm vlog, và rất nhiều việc khác nữa.
If I’m going to die, I’d like to actually live first.
– Rachael Lippincott, Five Feet Apart
Cuộc sống bình an là một cuộc sống vô vị chẳng học được gì cả. Mình thiền mỗi ngày không phải để mong cầu một cuộc sống yên bình. Mình chỉ học cách đón nhận mọi việc xảy ra trong cuộc sống với thái độ chấp nhận và lạc quan nhất. Thiền cho bạn sự tự do lựa chọn: Bạn để tình huống xảy ra bên ngoài và cảm xúc trỗi dậy bên trong ảnh hưởng hay là chọn để chúng đến rồi ra đi.
Because you are alive, everything is possible.
– Zen Master Thích Nhất Hạnh
Sống là để trở thành chính mình.
Thay vì so sánh bản thân với ai đó, hãy trở thành chính mình một cách tốt nhất. Chúng ta thường bảo nhau phải đi tìm mục tiêu cuộc đời, ý nghĩa cuộc sống. Nhưng khi bạn chẳng biết bạn là ai, bạn không định nghĩa được bản thân thì việc tìm kiếm đó chỉ là mò kim đáy bể.
Mình nghĩ mỗi con người khi sinh ra ý nghĩa lớn nhất của cuộc đời chỉ đơn giản là sống như chính mình là, tin vào bản thân và yêu thương mình cho đúng. Mỗi cá nhân là độc lập và độc nhất. Bạn chỉ cần là chính bạn thôi, bạn đã cống hiến cho xã hội một màu sắc không thể trộn lẫn.
Thở đi con!
Cái chết dạy cho con người về sự giới hạn. Nếu chúng ta bất tử, ta sẽ huênh hoang tự cao tự đại thế nào? Nếu như biết rằng chúng ta chỉ sống một khoảng thời gian giới hạn, bạn có làm khác đi những việc bạn đang làm hay không? Bạn sẽ biết trân trọng mỗi buổi sáng thức dậy, may quá, bạn còn hơi thở. Bạn vẫn còn cơ hội để sửa sai và làm lại.
Mình rất thích bức tranh Will vẽ với hai chữ “Just Breathe”. Xem hết cả bộ phim, câu nói cứ văng vẳng trong đầu mình là: “Mình đang làm gì ở đây? Tại sao mình làm việc từ sáng sớm đến tối mịt trong khi tất cả những việc mình cần làm là… dừng lại và hít thở?”
Mình sống thiền. Mỗi tối, mình đều ngồi và thở. Nhưng có lẽ mình và mọi người cần được nhắc nhở…thở nhiều hơn, thường xuyên hơn nữa. Rằng chúng ta cần sống tỉnh thức mỗi phút giây.
Hơi thở nhắc mình về sự sống, về tính hữu hạn của thời gian. Rằng đừng vội vàng. Đừng lo lắng. Đừng áp lực công việc. Đừng chạy theo những cái lợi trước mắt mà quên đi bức tranh lâu dài. Đừng vì những thứ nhất thời mà đánh đổi giá trị cốt lõi. Mọi chuyện rồi sẽ được sắp xếp theo quy luật diệu kỳ của nó.
…Don’t think about what you’ve lost. Think of how much you have to gain. Live, Stella.
– Rachael Lippincott, Five Feet Apart
Tình yêu là cốt lõi.
Mình chưa bao giờ phủ nhận vai trò của tiền bạc. Tiền cũng là một dạng năng lượng. Và thậm chí sự thịnh vượng về vật chất cần phải đi đôi với giàu có về tinh thần. Mình biết con người cần tiền, thậm chí thật nhiều tiền để bảo vệ, đảm bảo sự sống cho những người ta thương. Làm việc chăm chỉ để kiếm tiền rất vinh quang!
Có điều cần nhớ tiền chỉ là một công cụ để chúng ta có được chất lượng cuộc sống tốt hơn. Tiền chưa bao giờ là đích đến. Đừng vì một vài đồng bạc mà bán rẻ lương tâm, bán đứng những người bên cạnh mình. Tiền mất có thể dùng nỗ lực mà kiếm lại. Những thứ không mua được bằng tiền mới có giá trị thực sự.
Dù cho bạn đang bận rộn thế nào, dù cho cuộc sống khó khăn ra sao, đừng bao giờ quên quan tâm nhau. Ta có biết lần gặp nào là lần cuối đâu! Nếu ngày mai người không ở đây nữa thì hôm nay bạn có chọn hiện diện ở đó, với họ mà không nhìn vào màn hình điện thoại hay không?
Đừng tiếc lời khen nhau, ủng hộ nhau và nói cảm ơn nhau. Lời nói có mất tiền đâu! Mỗi người đến với cuộc sống của bạn là tự do lựa chọn của họ. Họ không có “nghĩa vụ” phải làm cho bạn cái gì cả. Hãy trân trọng những nỗ lực của họ dành cho bạn, nhất là đối với những người trong gia đình mà bạn thường coi là hiển nhiên.
Những kẻ dám yêu mới là những người dũng cảm nhất. Dù cho cái chết có chia lìa, chỉ cần hôm nay chúng ta sống trong tình yêu của nhau đã là đáng để sống. Chỉ sợ chúng ta không đủ can cảm yêu, can đảm tan vỡ trong tình yêu và can đảm nhặt lại từng mảnh vụn và yêu đương trở lại.
Dù cho chúng ta đang cãi nhau, tranh luận, bất đồng ý kiến hay thậm chí chia xa, hãy luôn nhớ là ở phía dưới, thật sâu trong chúng ta là tình yêu thương không bao giờ mất đi. Có yêu mới bỏ công sức ra mà tranh luận. Có thương thì mới ghen tuông giận hờn. Đừng vì một phút nóng vội mà bỏ lỡ nhau. Chắc gì họ bỏ đi đã là ghét ta. Chỉ là họ không biết cách thương ta mà thôi.
You can help me. You can open for me the portals of death’s house, for love is always with you, and love is stronger than death is.
– Oscar Wilde, The Canterville Ghost
Tình yêu luôn ở đó, dù cho họ đã đi thật xa. Hãy nhắm mắt, hít thở. Bạn nhất định sẽ cảm nhận được.
Thở đi nha!
Tiên Alien ❤
Để lại một bình luận