Yêu là chấp nhận toàn bộ, không có điều kiện.
Anh không cần khác đi, chỉ cần là anh, đã đủ. Em vẫn sẽ cổ vũ anh phát triển theo hướng tiệm cận hơn với cốt lõi nguyên thủy của anh (thứ mà người đời hay gọi là phát triển để hoàn thiện hơn, theo hướng tích cực. Nhưng mình thấy chúng ta trọn vẹn rồi, chỉ cần “mở khóa” nó thôi). Nhưng nếu anh y như hiện tại, hoặc theo hướng em không mong muốn, cũng không sao.
Mình thấy mọi bất đồng trong mối quan hệ đều có cái gốc là không chấp nhận nhau. Em muốn anh về nhà sớm hơn, lãng mạn tinh tế, yêu chiều hơn. Trong khi anh muốn em nấu ăn ngon hơn, bớt càu nhàu đi. Em muốn anh chung thủy, trong khi trái tim anh vốn quen nhảy nhót. Anh muốn em có một công việc ổn định, còn em thích chu du khắp nơi. Anh coi nỗi sợ độ cao của em là cỏn con, trong khi em cần một người nghiêm túc nghĩ cho em, để hiểu em. Anh muốn em tôn trọng và cổ vũ sở thích chơi game của anh, trong khi em thấy nó nhạt nhẽo và vô bổ…
Chắc chắn bất kỳ ai trong các mối quan hệ đều sẽ ít nhiều bắt gặp mình… cô đơn, không được thấu hiểu bởi đối phương. Bạn sẽ thấy mình không được… là mình, và nó khó chịu hơn cả việc bạn chẳng được yêu. Hoặc đúng hơn là, họ có yêu bạn, nhưng mà một phiên bản bạn nào đó mà họ mong đợi. Chứ không phải bạn đâu. Dù bạn có ý thức được chuyện đó hay không, trái tim và tâm hồn bạn cũng sẽ biết. Tình yêu là không thể giả vờ, ít nhất là với trực giác của chúng ta. Ta có thể tự lừa mình, nhưng vẫn vụn vỡ dần từ cốt tủy. Ta cứ chấp nhận, gạt “mình” sang một bên (bằng lý trí), cho đến ngày ta không gồng nổi nữa. Trường hợp ngược lại cũng đúng nhé, bạn cũng không yêu và chấp nhận mình, hoặc bạn không cho phép họ là họ. Ngoại tình, thực chất là một “môi trường” trong đó một người không được chấp nhận một khía cạnh nào đó trong mối quan hệ chính thức, nên khi xuất hiện ai đó bù đắp đúng cái mảnh còn thiếu thì… khớp. Mà thường thì người ta “vô minh” về sự khó chịu nơi mình, trong mối quan hệ của mình, xu hướng và nhu cầu của mình, nên mọi thứ vỡ lỡ và tổn thương nhau khi quyết định chia tay đã có.
Tuy nhiên, nhiều người lầm tưởng giữa chấp nhận trong minh triết và chấp nhận cổ suý cho bản ngã. Nếu bạn cứ buông thả, không chăm sóc cho mình, nuôi dưỡng tật xấu mà mong đợi sẽ có anh chàng nào đó xịn mịn xuất hiện, yêu bạn như chính con người bạn, và “gánh” bạn thay cho bạn luôn, là ích kỷ. Hoặc bạn tự cho rằng yêu và chịu (đựng) mình là nghĩa vụ của người yêu, cũng vậy. Sự chấp nhận trong tỉnh thức, thực tế là, cho phép đối phương được là họ, đồng thời, tự chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của mình.
Những người hiểu mình, biết giá trị bản thân và yêu mình (có self awareness) thì dường như dễ buông bỏ một mối quan hệ hơn những người không có. Đối với người bình thường, họ sẽ dễ dính mắc vào tình cảm, dễ phụ thuộc vào đối tượng, nghĩ rằng mình không có lựa chọn khác. Còn người độc lập, tự chủ thì khác. Họ yêu mình đủ nhiều, và chăm sóc mình tốt đến nỗi khi có vấn đề phát sinh họ sẽ nghĩ “Sao mình phải cố gắng cho chuyện này, trong khi mình có thể tự-yêu?” Vì luôn hiểu mình, và CHỌN mình, nên việc đối phương không để mình được là mình trở nên… không thể thỏa hiệp. Không thỏa hiệp ở đây không phải là mâu thuẫn với nhau, mà là… buông bỏ. Nếu đó thực sự là điều anh muốn, thì hãy làm. Có điều em không muốn, nên em rời đi. Đó là sự tôn trọng, cho cả hai. Vì mình nghĩ cho nhau, và thương nhau đến nỗi chúng mình nên được tự do là mình, dù có cùng nhau hay không. Em cũng chẳng bao giờ muốn anh phải làm gì đó anh không thích, chỉ vì em muốn thế. Vậy đó.
Nhưng rồi bạn sẽ gặp một người mà sự chấp nhận là tự nhiên. Chẳng phải nỗ lực để vì anh hay vì em, mà sẽ là vì nhau.
Yêu mà vắng bóng chấp nhận thì không gọi là yêu mà là cố chấp và chịu đựng. Và mình tin rằng ai trong chúng ta cũng cần được quang hợp, tưới nước để trở thành chính mình, bởi người ta yêu thương.
Tiên Alien
Để lại một bình luận