Cảm xúc chỉ cần được cảm nhận thôi. Không có cảm xúc tốt hay xấu, không có cảm xúc nào là nên hay không nên cảm thấy cả.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, mà chúng mình tự “gồng” và ép mình bằng lý trí rằng phải cảm thấy tích cực, còn những cảm xúc tiêu cực là xấu, cần được xua đi, đè xuống, giấu đi…
Chính vì thói quen đó, những cảm xúc vốn chỉ như mưa trên trời, lại bị ẩn đi với chính mình, trở thành tắc nghẽn về mặt năng lượng. Những tắc nghẽn (blockage) và “nặng nề” này liên tục thu hút những tình huống, con người “nuôi dưỡng” tiếp nó (hay nói cách khác là đồng thanh tương ứng với nó) gây ra các vấn đề cứ được lặp lại trong đời thành mô thức.
Đó là lý do vì sao bạn có đổi việc, đổi người yêu,… thì vấn đề cũ vẫn xuất hiện với biểu hiện khác.
Dần thì bạn cũng “chai sạn” với cảm xúc và các tín hiệu khác bên trong, mất khả năng kết nối và lắng nghe chính mình. Không biết mình muốn gì, cần gì, điều gì nuôi dưỡng mình, điều gì giúp mình nở hoa…
—
Mình mời bạn kết nối lại với cảm xúc – cánh cửa quan trọng dẫn đến trái tim bạn.
5 bước LẮNG NGHE CẢM XÚC
Bước 1: Nhận diện sự có mặt của cảm xúc
Tuỳ mức độ nhạy cảm về cảm xúc của bạn mà bạn có thể phát hiện sự có mặt của cảm xúc nhanh hay chậm, ở độ sâu như thế nào. Tuy nhiên, ai cũng ít nhiều cảm nhận được có-gì-đó khác bình thường.
Đó có thể là một cảm giác tự nhiên nhói ở tim
Nóng trong lồng ngực
Khó chịu ở bụng
Nặng ở đôi vai
Cháy ở cổ họng
…
Bước 2: Cho phép cảm xúc có mặt
Phần lớn mọi người sẽ dừng ở bước 1. Họ sẽ tìm kiếm điều gì đó để xua đi, né đi, tránh, và quên đi cảm xúc một cách tạm thời và ngay liền. Có thể bằng việc lướt mạng, ăn vặt, tìm cách giải trí để kéo lại tâm trạng… giả bộ như mình không cảm thấy gì, thậm chí tưởng rằng do mình đọc nhiều học nhiều Đạo nên giờ mình “phải” và đã không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc nữa…
Đó là vòng lặp cũ. Nếu bạn muốn cho ra kết quả khác, cần thay đổi hành động khác đi. Việc đi sâu vào cảm xúc không cho kết quả thoải mái liền, và cũng không dễ chịu. Nhưng nó mang lại sự tự do và phát triển bền vững, lành mạnh về lâu dài.
Bước 2 là bước quan trọng nhất trong hành trình: Tất cả những gì bạn cần làm là cho phép mình được có cảm xúc. Biết rằng cảm xúc nào cũng đẹp cả. Cảm xúc này không phải là mình hay của mình. Không phải là “Mình đang buồn. Mình đang giận.” mà chỉ là “À, buồn đang có mặt ở đây. Giận đang ghé chơi ở đây.”
Không đồng hoá mình với cảm xúc của mình là một bước tiến lớn, giúp bạn không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc nhưng cũng không phải né tránh hay đè nén.
Bước 3: Gọi tên cảm xúc
Gọi tên cảm xúc giúp chúng mình hiểu mình hơn, hay nói đúng hơn là hiểu những gì đang chạy ngầm bên dưới thúc đẩy hành động, lựa chọn hoặc mô thức vòng lặp trong đời mình.
Cảm xúc có thể là một tập hợp đủ thứ cảm giác khác nhau: Giận, sợ, xấu hổ,… Ở bước này bạn có thể đi xa hơn một chút bằng cách hỏi “Điều gì khiến mình cảm thấy cảm xúc này?” Hoặc đôi khi không hỏi câu này cũng không sao. Cảm xúc chỉ cần được cảm nhận và giải phóng, không cần giải thích.
Bước 4: Ngồi lại với cảm xúc
Ngồi lại, quan sát, cảm nhận cảm xúc trên thân mà không “tưới nước” thêm cho cảm xúc bằng suy nghĩ.
Đơn thuần cảm nhận sự khó chịu ở bụng, đau ở vai,… mà không phán xét, không dán nhãn,… Ví dụ: Sợ thì cảm nhận sợ, không chạy theo những suy nghĩ mà sợ mang lại.
Bước 5: Giải phóng
Cảm xúc khi được cho phép, chấp nhận, cảm nhận sẽ tự nhiên được chuyển hoá và giải phóng. Giống như nước nhiều quá ngưng tụ thành mây và tạo cơn mưa, xong thì trời xanh trở lại là điều tự nhiên.
Điều chúng mình hướng tới không phải là không có cảm xúc nữa, mà là có mối quan hệ lành mạnh với mọi cung bậc cảm xúc.
Tiên Alien
Inspired by T
Để lại một bình luận