Bài viết này không phải được viết từ một chuyên gia dinh dưỡng. Đây chỉ là một lựa chọn sống cá nhân dựa trên quá trình trưởng thành và tìm hiểu thông tin của bản thân. Thông qua bài viết này, mình mong muốn các bạn hiểu rõ hơn về lựa chọn của mình.
Mình không đưa ra những kết luận tuyệt đối. Mình chỉ dẫn chứng một số nghiên cứu khoa học để khuyến khích mọi người có cái nhìn cởi mở hơn về việc ăn chay, và nếu có thể là sử dụng nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật hơn trong bữa ăn của họ.
Từ “Tiên ăn thịt” thành “Tiên ăn chay” :))
Những bạn từng chơi thân với mình chắc chắn sẽ biết là trước đây mình không hề ăn rau. Trong suốt 20 năm cuộc đời, mình chỉ ăn thịt thôi. Rau và trái cây không có trong thực đơn ăn uống của mình.
Tính đến thời điểm mình ngồi viết bài blog này, mình đã chuyển sang ăn thực vật được nửa năm. Trong bữa ăn hàng ngày của mình chỉ có những sản phẩm có nguồn gốc thực vật, trứng, sữa và không có động vật, trừ những trường hợp không có lựa chọn và lúc đi du lịch (vì mình nghĩ cách tìm hiểu văn hóa tốt nhất là thông qua ẩm thực).
Điều gì đã xảy ra? Nguyên nhân nào đưa mình đến đây? Tất tần tận những chuyện xung quanh việc thay đổi thói quen ăn uống sẽ được gói ghém vào bài viết này.
Tự nhiên như hơi thở
Mặc dù mình biết rất rõ những lợi ích từ thực vật bằng lý trí, nhưng nó là không đủ để thay đổi hành vi. Cũng giống như rất nhiều người chọn thịt cho bữa ăn, họ biết thịt động vật làm tăng cholesterol trong máu, tăng khả năng biệt hóa tế bào ung thư, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và các bệnh thường gặp khác nhưng họ vẫn ăn đó thôi.
Mình là một người sống thiền. Đương nhiên là những người thiền thường ăn chay. Nhưng một năm đầu thực hành thiền, mình hoàn toàn không có khái niệm sẽ ăn chay trong đầu, vì trước đó mình đã có khoảng thời gian quá dài ăn thịt. Nhờ thiền mà mình bắt đầu ăn rau. Đối với mình như vậy đã là tiến bộ lắm.
Năm 21 tuổi, mình bắt đầu có cả thực vật và động vật trong bữa ăn. Nhưng thời gian sống như một người-bình-thường cũng không kéo dài. Mình không cảm thấy thịt hấp dẫn như trước, thay vào đó ăn rau nhiều hơn.
Việc chuyển sang chế độ ăn thực vật đến với mình rất nhẹ nhàng – một buổi sáng, mình bước xuống nhà và “tuyên bố” từ nay mình ăn chay. Vậy thôi.
Ăn thực vật là một lựa chọn
Mình không nhận là người ăn chay (vegetarian) hay là người ăn thực vật hoàn toàn không tiêu thụ các chế phẩm từ sữa, trứng, mật ong,… (vegan) gì cả. Tên gọi chỉ là một chiếc nhãn để mọi người đóng khung bản thân và người khác.
Mình, cũng như mọi người, có quyền lựa chọn giữa thịt và rau trong bữa ăn. Chỉ có điều mình tỉnh thức lựa chọn chỉ ăn thực vật đều đặn từ ngày này sang ngày khác.
Có thể một ngày nào đó mình sẽ là vegan, hoặc cũng có thể không. Nhưng điều đó chẳng quan trọng lắm đâu. Quan trọng là từng hành động, cử chỉ, lời nói của mình sẽ khẳng định mình là ai, mình đứng lên vì điều gì và mình sẽ trở thành ai trong tương lai.
Đương nhiên, mọi trải nghiệm sẽ được đảm bảo nếu được hỗ trợ bởi kiến thức khoa học thực nghiệm vững chắc. Đó là lý do mình đi tìm câu trả lời đã được chứng minh bởi các ngành khoa học khác nhau. Mình luôn tin rằng kiến thức đều quy về một mối. Nếu mình tìm được điểm quy hồi giữa tâm linh, vật lý, sinh học, lịch sử,… thì đó chính là câu trả lời.
Xét về vật lý lượng tử
Vật lý lượng tử đã chứng minh được là toàn Vũ trụ về cơ bản chỉ là giao động của năng lượng với những tần số khác nhau. Vạn vật đều có rung động, kể cả con người. Tần số này thường được đo bằng đơn vị Hertz (Hz) hoặc Megahertz (MHz).
Energy = Planck Constant x Frequency
Từ công thức trên, ta thấy năng lượng và tần số tỉ lệ thuận với nhau. Tần số cao mang lại năng lượng cao. Năng lượng cao gắn liền với sức khỏe tốt về mặt thể chất, tinh thần lẫn cảm xúc vì con người được cấu tạo bởi những tế bào luôn giao động.
Máy Rife đã đo được người khỏe mạnh có tần số giao động từ 62 – 72 Hz. Mỗi một bộ phận trên cơ thể giao động với một tần số khác nhau.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Napoli và Trento ở Ý đã chỉ ra rằng những tế bào ung thư giao động với tần số chậm hơn 70% so với tế bào khỏe mạnh.(1)
If you want to find the secrets of the universe, think in terms of energy, frequency and vibration.
Dr. Nikola Tesla
Người ta tiến hành nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa những gì con người tiếp xúc thông qua ăn, nhìn, nghe, ngửi và sức khỏe toàn diện của họ. Và kết quả là ta quyết định tình trạng sức khỏe của bản thân bằng việc lựa chọn những gì ta tiếp xúc mỗi ngày.
Thức ăn đóng vai trò quan trọng trong quá trình này, và cũng có rung động tần số khác nhau ở những loại thức ăn khác nhau. Trong cuốn sách Bí mật dinh dưỡng cho sức khỏe toàn diện, tác giả khẳng định: “Chỉ cần ăn đúng cách sẽ giúp phòng ngừa bệnh tật (kể cả các bệnh di truyền), đồng thời tạo ra sức khỏe và cảm giác hạnh phúc, cả về thể chất lẫn tinh thần.”
Người ta đo rung động tần số thức ăn và nhận ra rằng thức ăn có nguồn gốc thực vật – rau củ quả tươi, thảo mộc,… có tần số rung động cao nhất. Trong khi đó thực phẩm đóng hộp có tần số gần như bằng 0 Hz. Vì vậy, chế độ ăn thực vật khác với ăn chay theo tôn giáo ở chỗ ăn thực vật là lựa chọn tiêu thụ thức ăn mới, tươi, không hâm đi hâm lại nhiều lần, hạn chế sử dụng các sản phẩm khô, đóng hộp,…
Động vật trước khi bị giết thịt tiết ra một số chất độc gắn liền với cảm xúc sợ hãi, giận dữ khiến cho người ăn thịt có nhiều nỗi sợ không rõ lý do, không kiểm soát được cảm xúc, hay hờn ghen, xấu tính,… Còn cây cối chẳng biết ghen hay giận ai. Khi ta ngắt một đọt cây, từ thân sẽ mọc lên một ngọn cây mới. Đó là năng lượng của sự sống, sinh sôi và phát triển.
Thiền về cơ bản là quá trình nâng cao rung động ở người thông qua việc nạp năng lượng vào cơ thể. Vì vậy, những người thiền tập một thời gian, rung động cơ thể họ thay đổi và lựa chọn của họ cũng thay đổi theo – chuyển sang ăn thực vật nhiều hơn, tâm tính tốt hơn, suy nghĩ tích cực hơn.
Everything in life is vibration.
Albert Einstein
Ngoài việc ăn thực vật, còn có nhiều cách khác nhau để nâng cao rung động tần số ở người:
- Thiền định.
- Sử dụng tinh dầu thuần túy từ thiên nhiên, chất lượng.
- Sử dụng âm thanh. (đã được mình nhắc đến ở nhiều bài viết trước).
Xét về cấu tạo sinh học cơ thể người
Nhờ có sự ra đời của các phát minh hỗ trợ, con người có thể chế biến, bảo quản thức ăn một cách đa dạng. Tuy nhiên, chúng ta sẽ khỏe hơn khi sống thuận theo tự nhiên. Câu hỏi đặt ra là con người sinh ra với một cơ thể hỗ trợ cho việc ăn thực vật hay động vật hay là cả hai?
Cấu trúc răng
Con người có răng nhỏ và đều. Trong khi các loài ăn thịt có răng nanh lớn, móng vuốt sắc nhọn. Chúng ta cần sự trợ giúp của dao và nĩa trong khi động vật ăn thịt có khả năng xé thịt bằng răng và móng.
Nhà nhân chủng học nổi tiếng Dr. Richard Leakey khẳng định: “Con người không thể xé thịt, da bằng tay. Thêm nữa là răng của con người không đủ lực để xé thịt sống hoặc da. Chúng ta không có răng nanh lớn. Vì vậy, ta không nên ăn những thức ăn đòi hỏi răng nanh lớn đó.”
Hệ tiêu hóa
Động vật ăn cỏ ruột dài gấp 3 lần chiều dài cơ thể. Trong khi đó, động vật ăn thịt có ruột ngắn hơn số đó rất nhiều để nhanh chóng đào thải chất thải độc hại từ thịt ra ngoài cơ thể. Ruột của người là ruột dài như động vật ăn cỏ để có thể có thêm nhiều thời gian hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực vật.
Một số cấu trúc khác
Động vật ăn thịt đổ mồ hôi bằng lưỡi, không có lỗ chân lông, tuyến nước bọt nhỏ. Trong khi đó, động vật ăn cỏ đổ mồ hôi qua da, có hàng triệu lỗ chân lông, có tuyến nước bọt rất phát triển. Ngoài ra, bàn tay của con người cấu tạo hoàn hảo cho việc hái trái cây, rau quả. Và nhiều cấu tạo khác nữa.
Nhìn chung, ta thấy con người có cấu tạo cơ thể giống động vật ăn cỏ hơn là ăn thịt. (tìm hiểu kỹ hơn trong nghiên cứu A Comparative Anatomy of Eating của Dr. Milton Mills)
Xét về lịch sử
Ngành chăn nuôi mới bắt đầu khoảng 10,000 năm về trước so với lịch sử 10 triệu năm loài người nguyên thủy xuất hiện trên Trái đất (theo Dr. T. Colin Campbell). Loài người thời nguyên thủy ăn thực vật tuyệt đối. Thức ăn chính của họ là rau, củ, quả tươi sống.
“Con người thời kỳ đầu có chế độ ăn rất giống với loài vượn lớn khác, nghĩa là chế độ ăn chủ yếu là thực vật, dựa trên thực phẩm chúng ta có thể chọn bằng tay. Nghiên cứu cho thấy việc ăn thịt có lẽ bắt đầu bằng cách nhặt thức ăn thừa mà động vật ăn thịt đã bỏ lại. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta chưa bao giờ thích nghi với nó. Cho đến ngày nay, những người ăn thịt có tỷ lệ mắc bệnh tim, ung thư, tiểu đường và các vấn đề khác cao hơn. ” – Dr. Neal Barnard viết trong sách The Power of Your Plate.
Một số giả thuyết cho rằng, trong thời kỳ khan hiếm lương thực, sau trận cháy rừng, một vài động vật bị cháy, tỏa mùi thơm. Con người từ đó mới sáng tạo ra lửa và bắt đầu chế biến thịt.
Một số giả thuyết khác lại cho rằng, chúng ta quan sát thấy hổ săn mồi hoặc cũng có thể vô tình bắt gặp một con hươu đã chết và quyết định… ăn thử.
Đó là lí do hình thành niềm tin con người ăn tạp.
Xét về mối tương quan giữa chế độ dinh dưỡng và bệnh tật
If you wish to experience this pure energy you must consume pure energy. It’s that simple.
Dr Robert Morse
Nghiên cứu lớn nhất về mối liên hệ giữa dinh dưỡng và sức khỏe (The China Study) đã đưa ra những kết luận:
- Protein động vật (kể cả protein trong sữa bò) có tác động thúc đẩy ung thư phát triển. Trong khi đó, protein thực vật không thúc đẩy, thậm chí làm giảm sự phát triển của ung thư dù hàm lượng tiêu thụ cao hơn.
- Đạm động vật làm tăng cholesterol (xấu) trong máu; ngược lại, đạm thực vật làm giảm cholesterol này.
- Người ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật thì có nhiều chất xơ hơn, hấp thụ sắt tốt hơn, dẫn đến có lượng hemoglobin cao hơn đáng kể.
- Chế độ ăn nhiều carbohydrate chỉ đem lại lợi ích thực sự khi ăn kết hợp nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau củ.
Chế độ ăn uống thực vật và lối sống tích cực giúp cơ thể phát triển lành mạnh đồng thời phòng chống bệnh tật.
Một số cuốn sách hay về dinh dưỡng mọi người có thể tìm đọc:
Lợi ích khác của việc ăn thực vật
Bên cạnh việc tăng cường sức khỏe thể chất, tinh thần, cảm xúc của bản thân, ăn thực vật còn đem lại nhiều lợi ích khác:
- Bảo vệ động vật. Một người ăn chay có thể cứu 200 con vật mỗi năm (theo số liệu của PETA).
- Giảm một nửa lượng khí thải CO2 trong quá trình chế biến thức ăn, từ đó bảo vệ môi trường. (2)
- Tiết kiệm thời gian: Khi vùng lựa chọn của bạn giảm xuống một nửa, bạn sẽ đỡ mất nhiều thời gian để suy nghĩ xem “Tối nay ăn gì?”. Thay vào đó, bạn để dành năng lượng để làm những việc có ích khác.
- Đồ ăn chay rất đa dạng và ngon lành! Nửa năm ăn chay, ngày nào mình cũng cảm thấy hào hứng vì được ăn ngon, dù đó là bữa ăn trong nhà hàng chay hay chỉ đơn giản là rau luộc ăn với cơm nhà.
Ở đây, mình hướng đến việc ăn thực vật lành mạnh, đủ chất thay vì việc không ăn thịt mà nạp vào cơ thể chỉ toàn đậu hủ và cơm. Vì vậy, nếu bạn đang có mong muốn chuyển sang ăn thực vật, hãy tìm hiểu kỹ để thiết lập cho mình một chế độ ăn uống phù hợp.
Ăn uống là một nhu cầu cơ bản của con người. Hãy tỉnh thức lựa chọn thức ăn đem lại cho bạn một cơ thể khỏe mạnh, thoải mái tinh thần và cân bằng cảm xúc!
Yêu thương,
Tiên Alien
Tham khảo thêm tại: https://healthlaboratorylive.com/energy-to-burn-high-frequency-food/
https://www.peta.org/features/are-humans-supposed-to-eat-meat/
Hoang says
Bạn hãy chia sẻ them các món ăn chay của bạn để mình và các bạn đọc khác biết cách ăn chay gồm những món gì ở các bữa ăn hoặc 1 tuần cần bổ sung thực phẩm gì để đủ dinh dưỡng, da dẻ hồng hào ko bị xanh xao, tinh thần tỉnh táo nhanh nhẹn ko bị cảm giác đói bụng uể oải. Mình biết mọi người đều có thể search và tìm kiếm các nguồn khác chia sẻ về ăn uống thực vật nhưng nếu bạn có thể chia sẻ sẽ thu hút và mn an tâm hơn các nguồn mọi người tìm được. Cảm ơn bạn vì bài viết rất bổ ích!
tien_admin says
Trong bài viết mình có chia sẻ cuốn Nhân tố Enzyme là mình thấy cực kỳ dễ đọc và khoa học. Cá nhân mình không phải là chuyên gia dinh dưỡng, và những gì phù hợp với mình chưa chắc đã phù hợp với người khác. Vì vậy, mình vẫn chưa chia sẻ về thức ăn. Nhưng về cơ bản để đủ dinh dưỡng thì nên ăn rau quả tươi đầy đủ các màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng,… uống các loại sữa hạt, ăn các loại hạt như hạt điều, óc chó,… Những chất dinh dưỡng tìm thấy trong động vật thì đều có trong thực vật. Bạn chỉ cần tìm thức ăn thay thế thôi. Ngoài ra cần kết hợp quan sát bản thân xem cơ thể đang cần gì để bổ sung.