Vì chúng ta có sự lựa chọn, nên một số người chọn trải nghiệm bình yên, vui vẻ; một số người khác chọn bài học để phát triển và tiến hóa. Khi bạn chọn trưởng thành, trở thành bản thể tốt hơn của mình mỗi ngày, có một sự thật bạn phải chấp nhận đó là đối diện với thất bại, tổn thương và nỗi đau. Giống như hai mặt của cùng một đồng xu, một người càng cảm thông cho người khác, biết cách cư xử và thông thái là người đã từng đi qua nhiều đau khổ. Khổ đau dường như là không thể tránh khỏi. Nỗi khổ từ đâu đến?
Có thể trải nghiệm về khổ của mình không đủ nhiều và đau đớn như nhiều người khác để mình ngồi đây viết về nỗi khổ. Nhưng mình là người đã đau đủ nhiều để quyết định là mình sẽ không gây thêm bất kỳ rắc rối nào cho mình nữa. Mình hiểu gốc rễ của cơn đau, và làm thế nào để thoát khổ một cách bền vững, không tiếp tục gây tổn thương cho mình và người khác. Hôm nay, mình ngồi viết những dòng này để khi đối diện với cơn đau sẽ tự lôi ra nhắc nhở mình và hi vọng là các bạn cũng đi qua cơn đau một cách nhẹ nhàng hơn.
Có thể bạn luôn cho là khổ đến từ rất nhiều nguyên nhân ngoại cảnh mà bạn không thể nào kiểm soát được: Sếp thiên vị, người yêu bỏ rơi, áp lực công việc,… Hoặc nếu ai đó đào sâu hơn một chút họ sẽ nhận định khổ đến từ việc kỳ vọng quá nhiều, yêu thương quá mức, hoặc quá tin tưởng vào người khác. Mình thì lại nghĩ bản chất của khổ chỉ có vài chiếc gốc cơ bản, còn biểu hiện của nó trên ngọn cây lại khác nhau tùy vào hoàn cảnh mỗi người.
Và tin mình đi, mình hiểu cảm giác bất lực dù đã cố gắng hết sức nhưng những điều không mong muốn vẫn luôn xảy ra. Mình cũng không cổ súy suy nghĩ “victim blaming” (đổ lỗi cho nạn nhân). Mình hiểu là mỗi người có tâm thức khác nhau, có những cách để đối phó với cơn đau khác nhau.
Bài viết này có lẽ hơi khó nghe và khó chấp nhận đối với những người đang chịu tổn thương. Nhưng mình tin là khi bạn chịu trách nhiệm cho cảm xúc của mình, bạn mới có khả năng thay đổi nó. Không ai có thể giúp bạn trừ khi bạn cho phép điều đó.
Tất cả những chuyện xảy đến với bạn là do bạn!
Vâng, bạn không nghe nhầm đâu. Mình xin lỗi nếu như bạn đang thật sự buồn và mình lại “đổ lỗi” cho bạn về nỗi buồn đó. Tuy nhiên, giờ hãy xem xét một chút.
Vấn đề không nằm ở những gì xảy ra mà nằm ở cách bạn nhìn nhận nó.
Cùng một ly nước nhưng có người nhìn thấy nửa ly đầy, người khác lại thấy nửa ly rỗng. Cuộc sống cũng vậy. Khi sếp yêu cầu mình viết một cuốn sách, mình coi đó là cơ hội tuyệt vời để rèn luyện và phá bỏ giới hạn; trong khi người khác sẽ than vãn là sếp đặt vào họ trọng trách lớn hơn sức họ có thể gồng gánh. Khi độc thân, một số người sẽ than thân trách phận rằng tại sao cuộc đời bất công, rằng sao họ cứ phải cô đơn mãi thế; một số người khác sẽ tranh thủ cơ hội đó để phát triển bản thân, tự do làm điều mình thích trước khi cam kết với ai đó. Đây có thể nói là sự khác biệt giữa người tiêu cực và kẻ tích cực.
Bản chất sự vật, sự việc, con người trong nó không có những đặc tính mà bạn nhìn thấy. Bạn thấy những đặc tính đó là vì bạn nhìn thấy bạn trong đó mà thôi. Hay nói cách khác, cách bạn nhìn nhận thế giới phản ánh nội tâm bên trong. Cụ thể hơn, ví dụ như cùng một người đồng nghiệp mà bạn vẫn luôn không ưa, nhưng cô ấy lại là người mẹ dịu dàng đối với con và là người vợ đảm đang đối với người chồng. Cùng một người, nhưng cô ấy lại mang những nét tính cách khác nhau dưới góc nhìn của những người khác nhau, trong những tương tác khác nhau. Tự thân cô ấy không tốt cũng không xấu. Chỉ là ta nhìn cô ấy dựa trên những trải nghiệm ta đã có trong quá khứ và hệ niềm tin (đôi khi là định kiến) của ta mà thôi.
Đây là Tính Không trong Đạo Phật. Bản chất của mọi người, mọi sự vật, sự việc là không, là vô tính nhưng tùy vào tâm thức ta mà cách ta nhìn nhận bản chất đó khác đi.
Bạn là gì bạn sẽ thu hút điều đó đến.
Chúng ta giao du với những người ta nghĩ là vừa tầm với mình. Ví dụ, Selena Gomez là một cô gái tài năng, ngọt ngào, xinh đẹp, có đủ những phẩm chất mà bạn yêu thích ở người bạn gái lý tưởng của mình. Nhưng bạn không bao giờ cho Selena vào trong danh sách những cô nàng bạn có thể hẹn hò vì đơn giản là khoảng cách của hai bạn quá xa.
We accept the love we think we deserve.
Một số người liên tục hẹn hò với những anh chàng có xu hướng bạo lực, hoặc chấp nhận ở trong cuộc tình tay ba, vì họ nghĩ họ chỉ đáng như vậy thôi. Bạn đừng nghĩ là ai chẳng muốn những điều tốt nhất xảy ra với mình. Chúng ta vô thức chọn tiếp xúc với những gì mà ta tin mình xứng đáng.
Không phải tự nhiên mà có những người luôn gặp xui xẻo, lại có những người luôn may mắn. Không phải tự nhiên mà một số người luôn gặp người tốt còn người khác lại hay bị hại. Bạn hãy nghĩ đơn giản như là tần số trong vật lý. Bản chất mọi vật, kể cả con người là những hạt rất nhỏ luôn luôn giao động. Đọc thêm ở bài viết về tần số. Bạn ở tần số nào bạn sẽ “bắt được” những sự vật, sự việc ở tần số tương ứng. Nói đơn giản, mọi thứ xảy ra trong cuộc sống của bạn đều là sự lựa chọn của bạn dựa trên việc bạn làm việc với tần số của mình.
Nỗi đau chỉ tồn tại trong quá khứ hoặc tương lai.
Hãy kể ra những nỗi khổ của bạn đi, rồi bạn sẽ thấy nỗi đau đó không tồn tại ở Bây giờ. Khổ có nghĩa là trạng thái bất toại nguyện.
Thông thường, nỗi khổ ghé thăm khi bạn đang nhớ về những kỷ niệm tốt đẹp trong quá khứ, về một thời huy hoàng đã qua, hoặc về một ai đó đã rời đi. Chúng ta là con người. Và bản năng của con người có lẽ là sống tình cảm và lưu luyến. Ta không thể ổn khi nói tạm biệt với ai đó, kết thúc một chương nào đó trong cuộc đời mình. Thậm chí, ở tầng sâu hơn, ta còn không nỡ từ biệt một nỗi buồn mà ta luôn mang chỉ vì ta đã quá quen sống với nó. Nỗi đau đó lấp đầy tâm hồn đến mức ta sợ đặt nó xuống ta… trống rỗng, không còn gì để ta chiến đấu với, không còn gì để mà… đau nữa. Thực ra bạn đau vì bạn ĐÃ LỰA CHỌN nỗi đau hết lần này đến lần khác.
Nếu như bạn không chìm trong chiếc hố quá khứ mà bạn vẫn đang đau thì chắc chắn là vì bạn đang lo lắng cho tương lai. Bạn còng lưng ra kiếm tiền, làm công việc bạn chẳng thích mấy, luôn phải cười nói vui vẻ và làm hài lòng những người bạn cũng không ưa nốt vì bạn nghĩ làm như vậy sẽ có một tương lai ổn định hơn. Mình tin vào việc làm việc chăm chỉ. Nhưng mình tin là mình có thể chọn được những công việc vừa là việc mình thích, mình có khả năng và công việc đưa mình lại gần hơn với mục tiêu, sứ mệnh cuộc đời mình. Tất cả là lựa chọn của bạn. Mình không bảo đó là lựa chọn sai. Chỉ là, bạn cần nhận thức được: khổ là do bạn chọn. Không ai có thể làm bạn khổ trừ khi bạn cho phép điều đó.
Nỗi đau nhấn chìm bạn khi bạn đồng hóa mình với nó.
Dù bạn đã đủ tỉnh thức để nhận ra hay chưa thì nỗi đau KHÔNG PHẢI là bạn. Nỗi đau chỉ là trải nghiệm mà bạn chọn trải qua trong cuộc đời để học một bài học nào đó. Cơn đau giống như một người bạn già dạy bạn hết bài này đến bài khác. Bạn gặp người bạn này nhiều đến mức bạn tưởng bạn là nỗi đau. Và khi đó cơn đau sẽ được dịp hoành hành. Nó xâm chiếm lấy cơ thể cảm xúc của bạn, vượt qua hàng rào của cơ thể tinh thần (lúc này bạn mất luôn khả năng suy nghĩ tích cực) và cuối cùng thể hiện qua sự thay đổi trên cơ thể vật lý (nếu nỗi đau quá lớn và nghiêm trọng) như sụt cân đột ngột, nổi mụn, đau tim,…
When you are young everything seems like the end of the world
But no, it’s just a beginning.– 17 Again
Bạn không phải nỗi đau này. Bạn chỉ là một linh hồn đang trải nghiệm cơn đau. Dù cho đau thắt ruột gan thì cơn đau cũng như một cơn gió, nó đến rồi đi. Bạn vẫn phải tiếp tục sống qua từng cơn bão lòng đến rồi đi như thế. Bạn tưởng bạn là nỗi đau nên bạn giữ đau lại trong lòng. Dần dần khi nỗi đau quá nhiều, nó trở thành trầm cảm. Cách tốt nhất để thoát khổ, phải chăng là xem nó như gió. Gió đến làm ta lạnh thấu xương. Nhưng rồi gió sẽ đi. Hãy để nó đi.
Bạn đau vì bạn không chấp nhận để mình được đau.
Mặt trái của việc luôn luôn vui vẻ và tư duy tích cực chính là bạn không cho phép mình được buồn đau. Như mình đã viết trong bài Buồn thì có làm sao?, chúng ta học hỏi và trưởng thành thông qua con đường khó khăn hơn đó là trải nghiệm đau khổ. Nỗi buồn là không tránh khỏi, nhưng bạn có thể lựa chọn những nỗi buồn xứng đáng, hoặc những nỗi buồn mà bạn muốn trải qua.
The desire for more positive experience is itself a negative experience. And, paradoxically, the acceptance of one’s negative experience is itself a positive experience.
– Mark Manson
Đôi khi tất cả những gì bạn cần làm là chấp nhận bạn không hề vui vẻ, bạn không ổn như bạn tưởng hoặc bạn thể hiện ra bên ngoài. Đôi khi cuộc sống thật khó khăn. Và bạn cũng đang lạc lối.
Chính vì niềm tin rằng phải vui vẻ, phải luôn mỉm cười thì thế giới mới chấp nhận mình Joker đã bị dồn vào chân tường rồi trở thành tên sát nhân hàng loạt. Sulli cũng đã từng bộc bạch: “Tôi tên thật là Choi Jin Ri, là người có mặt tối trong cuộc sống. Nhưng khi sống dưới cái tên Sulli, tôi luôn phải giả vờ là mình rất hạnh phúc, vui vẻ”. Là xã hội đã nhấn chìm họ bằng sự vô cảm, bằng những cái “ném đá” giấu mặt, hay là chính họ cố gắng sống cho vừa lòng tất cả mọi người? Ở đây, mình chỉ xét ở góc độ họ đang cố gồng mình lên để tỏ ra vui vẻ, mình không xét đến yếu tố khác như họ đang trầm cảm hay bệnh tâm thần. Khi bạn có bệnh về tâm lý trường hợp nặng như vậy, bạn cần sự hỗ trợ của cộng đồng nhưng cộng đồng chỉ có thể giúp bạn khi bạn muốn, bạn nỗ lực và bạn yêu cầu giúp đỡ. Đôi khi bệnh tâm lý giống như một chiếc còng bạn đeo vào chân, tự mình “dán nhãn” nó là vô phương cứu chữa và tự động bỏ cuộc trước cả khi cố gắng vượt qua.
Nỗi đau hình thành nên bạn của hôm nay, cứng cáp và vững vàng. Một người thông thái chính là người đã từng ngu dại. Một người có thể cảm thông và thấu hiểu cho người khác là người đã từng khổ đau quá nhiều. Một người biết cách chăm sóc bản thân, chăm sóc người khác là người đã từng thất bại trong tình cảm.
Chúng ta trưởng thành thông qua trải nghiệm, chứ không phải thông qua kiến thức sách vở. Ai chẳng biết phải giữ cho mối quan hệ cân bằng lành mạnh? Nhưng yêu vào rồi bạn mới thấy có rất nhiều yếu tố chi phối, tác động và ảnh hưởng và thật khó làm sao để “giữ vững tay chèo”. Ai chẳng biết là phải tha thứ và cho đi? Nhưng chưa từng đau khổ đủ vì cứ giữ hận thù trong lòng, từ đó thu hút thêm nhiều tổn thương khác thì bạn không thể nào buông bỏ. Đôi khi, người ta buông bỏ không phải vì không muốn nữa mà vì đã quá đau trong việc giữ lấy.
Nỗi đau chỉ tồn tại khi bạn đang không trân trọng những gì mình có.
Một người sống tỉnh thức, sống trong hiện tại, sẽ không thể đau khổ. Nhưng đó là về mặt lý thuyết. Ta phải tập luyện chăm chỉ từng giây từng phút để giữ mình trong trạng thái đó vì chỉ cần lơ là một chút là những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực của cái tôi sẽ nhảy vào lôi ta về quá khứ hoặc kéo ta đến tương lai.
Bạn khổ khi bạn không nhìn thấy bạn đang có những gì hoặc bạn đang không quý trọng những thứ bạn có. Có thể bạn cho rằng người khác có nhiều thứ hơn bạn, trong khi đối với bạn ngay cả một người lắng nghe cũng không có nữa. Mình nghĩ là dù là một người vô gia cư họ cũng có những điều nhỏ xíu để biết ơn mỗi ngày. Thậm chí cả khi bạn thấy tất cả mọi chuyện xảy ra, mọi người bạn gặp đều thật tồi tệ, thì việc bạn còn sống, còn hơi thở đã là một điều kỳ diệu. Có biết bao nhiêu người mắc chứng ngưng thở khi ngủ ngoài kia. Có biết bao nhiêu đứa trẻ muốn làm người để trải nghiệm cuộc sống nhưng chưa bao giờ có cơ hội cất tiếng khóc chào đời.
Tâm: “Cha ơi, sáng nay con đã leo lên nóc nhà với ý định nhảy xuống.
Nhưng bầu trời hôm nay xanh quá!”
(Tâm nói về 1 bạn mất vì sốc phản vệ)
“Cha ơi, bạn mới 21 tuổi thôi, chưa có người yêu, chưa công việc, chưa về thăm gia đình.
Con thấy mình thật có lỗi vì đã chọn cái chết. Có người còn chẳng có lựa chọn nào cả.”– Trích phim Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi.
Bạn may mắn được trao cho sinh mệnh. Dù mình biết cuộc sống của bạn không hề dễ dàng nhưng bạn biết không, ít ra bạn còn có cơ hội.
Mình không viết bài này để xát muối vào trái tim bạn. Mình muốn cho bạn thấy sự thật trần trụi mà bạn luôn chối bỏ. Khi bạn chọn sống với những giá trị hời hợt, nỗi đau sẽ không được giải quyết tận gốc. Sống hạnh phúc hay không là trách nhiệm của bạn đối với bản thân. Việc đối diện với cơn đau cần rất nhiều dũng khí. Mình mong bạn có đủ dũng cảm.
Mình ở đây, cùng bạn đi qua cơn đau.
Tiên Alien.
Để lại một bình luận