Cậu muốn đi đến đâu? Tớ cũng không biết nữa. Nếu không biết mình muốn đi đâu thì đi đường nào mà chẳng được.
– Alice ở xứ sở thần tiên | Lewis Carol.
Trong nhiều trường hợp, chúng ta thường có nhiều hơn những lựa chọn mà ta có thể nghĩ ra. Ví dụ:
Bạn không nhất thiết phải chọn giữa chia tay hay không chia tay. Bạn có thể chọn ngồi xuống, cùng nhau trao đổi. Bạn có thể tạm xa nhau, để suy nghĩ thật kỹ, “thoát vai” khỏi những cơn giận che mờ lý trí và cảm xúc yêu dành cho nhau trước khi quay trở lại với đôi mắt trong suốt.
Bạn không nhất thiết phải chọn giữa nghỉ việc hay làm tiếp. Bạn có thể nhận ra những điểm bạn cần được đáp ứng và vì sao nó chưa được đáp ứng trong môi trường này. Đồng thời cũng cần nhận ra mong đợi của sếp, công ty, khách hàng hoặc những người làm việc cùng. Sau đó là trao đổi để win-win.
Bạn không nhất thiết phải ăn chay hay ăn mặn. Bạn có thể ăn ch-ặn (kết hợp chay-mặn) tùy theo khả năng của mình.
Bạn không nhất thiết phải đúng hay sai. Bạn có thể đúng. Và mình cũng đúng nữa. Ai cũng đúng cả, với góc nhìn của riêng.
Bạn không nhất thiết phải thắng hay là thua. Dám thử đã là thắng.
Bạn không nhất thiết phải lựa chọn. Bạn có thể chọn tất cả, hoặc không gì cả. Hoặc bạn cũng có thể thư giãn, nghỉ ngơi, tiếp tục làm việc cần làm, để cho Tự nhiên chọn, ông trời chọn, Tạo hóa chọn. Bạn nương theo dòng chảy mà xuôi.
Nếu bạn đang phân vân, thế thì đừng chọn nữa. Để cho lựa chọn được yên, biết đâu thay gì A hay B, bạn có cả bảng chữ cái còn lại cơ mà.
Phần lớn chúng ta cứ mãi đắn đo, vì ta “biết” nhiều quá. Bạn càng có kiến thức, lựa chọn của bạn càng dựa trên nhiều dữ liệu. Mà chẳng có dữ liệu nào là có thể chắc chắn tuyệt đối đúng cả. Quan trọng là sự phù hợp trong từng trường hợp cụ thể. Do đó, càng có nhiều kiến thức, bạn càng dễ bối rối, và sa vào phân tích khi đối diện với tình huống.
Ví dụ bạn biết rằng cần phải nói “Không” với những điều không phù hợp. Nhưng trong trường hợp cụ thể nào đó, cần nói “Có” để phá vỡ mô thức cũ, đối diện với nỗi sợ để trưởng thành hơn.
Ví dụ khác, bạn biết rằng nhân duyên không thể cưỡng cầu. Nhưng nhân duyên là do nhân tạo, không thể vì không cưỡng cầu mà ta thôi nỗ lực vì nhau và cùng nhau.
Người có trí tuệ là người biết nên và cần làm gì trong tình huống cụ thể. Sự phù hợp và tính hiệu quả chính là chìa khóa. Đôi khi mình sẽ trả lời các câu hỏi của bạn bằng những bài viết dài, đôi khi mình chỉ im lặng cho qua đơn giản vì mình biết có nói gì cũng không hiệu quả.
Nó dẫn đến một câu hỏi “Làm thế nào để phát triển trí tuệ?” Câu trả lời chính là quan sát, quan sát và quan sát. Thay cho phán xét, dãn nhãn hay phản hồi ngay lập tức. Bạn cần im lặng và liên tục quay về quan sát bên trong, mọi lúc. Theo thời gian, định lực và trí tuệ sẽ phát triển.
Một nguyên nhân khác khiến ta đắn đo, chần chừ quá lâu trước những lựa chọn chính là sợ sai. Thế nhưng trong mỗi khoảnh khắc, mỗi trường hợp bạn chỉ có thể đưa ra DUY NHẤT MỘT lựa chọn mà thôi. Điều đó đồng nghĩa là trong vô vàn những khả năng có thể thành hình, trong vài dòng thời gian trội, bạn đã chọn ra duy nhất một. Thế thì đó là thực tại có thể duy nhất tại thời điểm đó. Những thứ khác trở thành ảo, giả định. Không thể so sánh cái thật và cái giả định xem cái nào là đúng “hơn”, càng chẳng có lý do gì để hối tiếc cả.
Thế thì không có lựa chọn sai. Chỉ có một chuỗi các lựa chọn liên tiếp để lái đến kết quả. Ví dụ bạn muốn đi từ nhà đến trường. Thay vì đi đường quen thuộc, bạn có thể rẽ hướng khác, sau đó lại điều chỉnh hướng sao cho đến được trường. Sự linh hoạt chính là chìa khóa. Bạn tiệm cận hơn với kết quả, qua mỗi lựa chọn.
Và cuối cùng, kết quả dù có xảy ra theo hướng nào cũng đều là điều cần xảy ra. Đôi khi bạn đi cả một vòng tròn lớn, rồi cũng đến cùng một kết quả. Thế thì đi đường nào cũng chẳng quan trọng lắm đâu. Và dù kết quả có khác so với tưởng tượng của bạn, nhưng đó chính là phước lành mà Vũ trụ ban cho.
Đôi khi bỏ lỡ một cơ hội, chính là cơ hội.
Đôi khi kết thúc, chính là sự khởi đầu.
Đôi khi khó khăn, chính là cách dễ nhất để bạn thức tỉnh.
Tiên Alien
Trả lời