Có lẽ, “thoát khổ” hay “giác ngộ” – duy trì trạng thái phúc lạc vĩnh cửu là động lực gốc rễ của nhân loại trong suốt lịch sử phát triển của mình, dù cho người ta có ý thức về nó hay không.
Mỗi lựa chọn của bất kỳ ai trong bất kỳ khoảnh khắc nào cũng đều được thực hiện chỉ vì họ cho rằng lựa chọn đó đem lại cho họ cảm giác hạnh phúc (hơn so với những lựa chọn khác). Từ những hành động vĩ mô nhất ở phía “tiêu cực” như Hitler phát động chiến tranh thế giới thứ hai, hay ở phía “tích cực” như Mahatma Gandhi với phong trào đầu tranh bất bạo động; đến những lựa chọn vi mô nhất ở phía “không lành mạnh” như ăn gà rán thay vì đến phòng tập, hay “lành mạnh” như thiền mỗi buổi sáng;…
Tạm thời không bàn tới đúng và sai, tích cực và tiêu cực, tốt và xấu,… Bản chất động cơ mọi lựa chọn của tất cả mọi người trong cuộc sống đều để họ cảm thấy thoải mái, và tốt hơn nữa là hạnh phúc. Thanos không nghĩ mình là kẻ xấu, mà trên thực tế đang “cứu thế giới”. Nếu chúng ta đi đôi giày của những người ta cho là không hiểu được, vô lý, điên rồ hay “độc ác”,… có lẽ ta sẽ hiểu và yêu thương họ.
Nhưng chúng ta có thực sự muốn chấm dứt khổ không?
Nếu xung quanh chỉ toàn ánh sáng, bạn có an lạc không?
Nếu không có thăng và trầm, liệu bản nhạc có còn hấp dẫn?
Nếu không có vị đắng, chua và cay, món ăn có còn kích thích vị giác?
Nếu không có thắt nút gỡ nút, bộ phim có thu hút người xem?
Nếu không có tranh luận, làm sao có sự phát triển?
Nếu không có sự khác biệt, liệu chúng ta có biết rằng tận sâu bên dưới mình giống nhau?
Có lẽ, chúng ta không muốn chấm dứt khổ – cái đối nghịch với sung sướng. Chúng ta cực thích trải nghiệm hai cực của nhị nguyên, vì cái đối nghịch – này và kia, trong và ngoài, trên và dưới,… giúp cho Vũ trụ càng mở rộng và phát triển từng phút giây bên trong chính nó.
Ở bài Bản chất của khổ, mình có đề cập khổ là do ta chọn. Bạn ra bên ngoài tìm cách thoát khổ trông cũng giống như là tự bạn liên tục đổ nước nóng vào tay mình và yêu cầu người khác giúp bạn khỏi bỏng.
Điều chúng ta muốn chấm dứt chính là sự không tỉnh thức về nhịp điệu của Tạo hóa. Ta muốn dừng Vô minh, dừng những lập trình cũ kỹ tự động chạy bên trong bản thân, cái mà tôn giáo gọi là Karma hay Nghiệp quả. Để được thực sự tự do, trong mọi suy nghĩ, cảm xúc, hành động, để chủ động trải nghiệm những điều ta thực sự muốn thưởng thức.
Khi một người đến với bạn và hỏi làm sao để dừng đau khổ của họ, hãy hỏi họ liệu họ có thực sự muốn chấm dứt khổ đau hay không. Vì cuối cùng thì, để dừng khổ chỉ cần đặt nó xuống.
Nếu không thích trò chơi, hãy thoát game.
Không thích một chương trình, hãy chuyển kênh.
Don’t settle: Don’t finish crappy books. If you don’t like the menu, leave the restaurant. If you’re not on the right path, get off it.
– Chris Brogan
Tiên Alien
Trả lời