Trí tuệ nhân tạo (AI) không thể thay thế con người đích thực, con người có sự tỉnh biết về chính mình.
AI, ngược lại, rất có tiềm năng thay thế những người vận hành đời mình như một cái máy, biết nghe lời, đi theo chỉ dẫn mà không tự đưa ra quyết định, không biết chịu trách nhiệm, thiếu tính tự giác. AI có thể thay thế những người thiếu kết nối với trái tim mình, hành động dựa trên lý trí mà thiếu đi trí tuệ.
AI có khả năng xoá sổ đi nhiều nghề, nhưng cũng chẳng có nghĩa là tuyệt đi đường sống của con người. Sinh lão bệnh tử, chẳng có gì là trường tồn ổn định mãi. Kể cả những nghề nghiệp từng mang đến sự chắc chắn.
Con người, đến một lúc nào đó, cần mở mắt thức dậy và chủ động nắm bắt vận mệnh mình, thay vì “cộng sinh” vào những gì là xu hướng, hoặc (được xã hội cho là) sự ổn định. Mình luôn thấy “Nghề nào hot trong những năm tiếp theo?” chưa bao giờ là thước đo hiệu quả cho lựa chọn học ngành nào ở đại học của một người. Dù vậy, rất nhiều người vẫn chạy theo điều đó. Thay vào đó, mỗi người cần xuất phát từ chính mình, mình đam mê điều gì, điều gì tắm tưới tâm hồn mình, điều gì thực sự bền vững theo thời gian.
Con người cần trau dồi nội lực của mình đến điểm mà có thể trở nên thật vững vàng vào khả năng bắt đầu lại từ đầu của mình, linh hoạt ứng phó với cảnh, vì cuộc sống này muôn đời đổi thay. Nếu không có AI, thì cũng có vô số biến cố khác có thể làm tổn thương những cá nhân không vững vàng về nội lực và khả năng của mình. Những cá nhân chỉ chạy theo xu thế phần ngọn, đi theo tâm lý đám đông, chỉ biết rập khuôn, ngoan ngoãn, nghe lời, mà không rõ về sự thật của bản thân, mình muốn gì, vì sao mình muốn như vậy, quyết định này sẽ dẫn đến đâu, mình có sẵn sàng chịu trách nhiệm cho hệ quả đi kèm hay không… Những cá nhân sống mãi trong vùng an toàn, sợ hãi cái mới, bảo thủ không chịu chấp nhận những đổi thay.
Mình cũng chưa bao giờ nhìn thị trường việc làm như một cuộc cạnh tranh khốc liệt – dù đó là sự cạnh tranh giữa người với người hay người với máy. Nếu chúng ta xem nó là ch.iến tr.ường, ta mang niềm tin rằng sự trù phú là có giới hạn, ta phải xâ.u xé nhau để giành miếng bánh to hơn. Thì cuộc đời cũng trở nên khốc liệt và thiếu thốn như chính niềm tin giới hạn đó vậy.
Mình thấy sự thịnh vượng là vô hạn, tuỳ thuộc vào con người có khả năng hình dung và hiện thực hoá (sáng tạo ra cái mới) đến đâu thì “mở khoá” nguồn năng lượng trù phú đến đó. Có sự đủ đầy cho tất cả. Mình thắng và bạn thắng, tất cả cũng được lợi. Thế thì bạn mất việc vào tay AI không phải vì máy thắng, mà vì bạn tự giới hạn bản thân ngay từ đầu.
AI là một người bạn tuyệt vời và thông minh, có thể hỗ trợ công việc cho con người, giúp nâng cao hiệu suất và tạo ra giá trị cao hơn cho thị trường. Từ đó, chiếc bánh của chung sẽ càng to hơn. Điều đó là tốt.
Đương nhiên, mình biết có nhiều hoài nghi, lo lắng và mặt trái của công nghệ. Tuy nhiên, tất cả chỉ là công cụ thôi. Rơi vào tay người biết dùng sẽ cho ra quả hữu ích. Còn nếu dùng với tác ý xấu sẽ cho ra quả xấu. Thế thì xấu tốt không nằm ở cái máy, mà ở tâm thế người dùng công cụ đó. Việc cần làm không phải là c.ấ.m đoán công cụ chỉ vì sợ hãi. Việc cần làm là giáo dục con người có thái độ đúng khi sử dụng công cụ.
Mình thấy trong công việc hàng ngày của mình có những phần sáng tạo mình thích làm, và những phần không cần suy nghĩ nhưng mình vẫn phải làm thủ công để phần sáng tạo được hoàn thành. Ví dụ như viết là chuyện mình mê làm, còn những phần thủ công kỹ thuật sẽ là đăng bài, chọn hình. Mình thực sự thấy có thể tự động hoá được những phần kỹ thuật kia để con người có thể tập trung vào những phần việc tạo ra giá trị cao. Điều đó tiết kiệm thời gian và công sức để con người có thể tận hưởng cuộc sống. Dù đúng là có công cụ rồi, làm hiệu quả hơn rồi, người ta vẫn có thể bộn bề công việc hơn hoặc phụ thuộc vào công cụ. Tất cả xuất phát từ lựa chọn có ý thức của mỗi người.
ChatGPT nói riêng và AI nói chung, dù thông minh cỡ nào thì cũng vẫn chỉ thu thập thông tin bề mặt, phần ngọn (những gì có hình tướng trên mạng) để “xào nấu” lại để chế biến ra phần nội dung vốn dựa trên những thông tin vào mà con người đã tạo ra trước đó. Nghĩa là, không có con người, AI cũng không có input. Con người đang nắm giữ phần vô hình tướng đã hiện thực hoá cái có hình tướng để AI vận hành. Ngoài ra, còn có nghĩa là AI không có quá trình trải nghiệm và phát triển nội tâm để tự đút rúc cho mình. Mà chỉ đơn giản thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu mà con người đưa ra mà thôi.
Ví dụ dễ hiểu là AI có thể đọc 100 bài Tiên Alien viết để xào nấu lại một bài mang giọng văn của Tiên, nhưng không trải qua những gì Tiên đã trải qua, không thể hiểu câu từ đó như cách Tiên hiểu, không thể sáng tạo ra điều hoàn toàn mới chỉ đơn giản vì AI không sống, va chạm, vỡ tan và hồi sinh như nhân vật Tiên vậy.
Con người, nếu không hết mình với cuộc sống này, mà chỉ sống trong vỏ bọc của nỗi sợ, lặp lại những điều đã được lập trình sẵn, thì cũng không khác gì cái máy, nhưng lại thua cái máy ở khả năng “nhảy số” siêu phàm. Con người nếu không sáng tạo ra nét riêng mình, không chân thật, nguyên bản với trải nghiệm và cảm nhận của mình cũng thế.
Ngoài ra, điều AI không có chính là cảm xúc, tình yêu thương. Nếu con người không kết nối với trái tim, lạc mất cái gốc, xa rời tâm hồn mình, thì sớm muộn cũng giống cái máy vô tri. Sống nhưng như không sống.
Tóm lại, sự phát triển của công nghệ, là cơ hội để chúng ta xem lại cách mình vận hành cuộc sống. Mình có đang thực sự sống, khám phá chính mình và sáng tạo ra phiên bản mình mới mỗi ngày? Hay mình chỉ đang ru ngủ mình trong sự an toàn và ổn định giả tạo? Mình có đang nuôi dưỡng tình yêu trong trí tuệ và nhận biết?
Thức tỉnh đi, các Neo ơi!
Mình biết mỗi bài viết của mình chỉ đúng ở thời Hiện tại. Có thể chỉ một thời gian nữa nó sẽ lỗi thời. Không loại trừ khả năng trí tuệ nhân tạo có thể làm được những điều mình đề cập ở trên. Nhưng mà mình mong cả bạn và mình sẽ luôn cởi mở đón nhận mọi đổi thay. Biết rằng thay đổi luôn là một phước lành cho tất cả.
Tiên Alien
Để lại một bình luận