Tiếp theo của bài viết Bạn có thực sự muốn chấm dứt khổ không?
Hãy nhớ rằng mọi trạng thái bạn đang LÀ đều đẹp. Chỉ có sự không chấp nhận, chống đối của bạn khiến hành trình trở nên khó khăn, làm tắc nghẽn dòng chảy sự sống. Khổ, hay sự không thoải mái, chỉ xảy ra khi bạn không chấp nhận trạng thái bạn đang là. Nếu bạn hoàn toàn ôm ấp, tận hưởng trạng thái của mình, kể cả trạng thái không thoải mái, bạn biến nó thành một trải nghiệm dễ chịu.
Don’t look for peace. Don’t look for any other state than the one you are in now; otherwise, you will set up inner conflict and unconscious resistance. Forgive yourself for not being at peace. The moment you completely accept your non-peace, your non-peace becomes transmuted into peace. Anything you accept fully will get you there, will take you into peace. This is the miracle of surrender.
– Eckhart Tolle, The Power of Now: A Guide to Spiritual Enlightenment
Nếu bạn thấy mình đang chìm, hãy thả lỏng, dòng nước sẽ nâng bạn lên.
Dù mình nắm trong tay một loạt các “phương pháp” có thể giúp bản thân hạnh phúc ngay lập tức, mình vẫn chọn ngồi lại với nỗi buồn của mình vì mình thấy nỗi buồn cũng đẹp như một bài thơ. Mọi cảm xúc là để trải nghiệm và cảm nhận, không phải để lựa chọn bằng lí trí rằng cảm xúc này là tích cực, cảm xúc kia là tiêu cực, nên hay không nên được cảm nhận. Nếu chúng ta chỉ sống một cuộc đời không có chất thơ của nỗi buồn, nó sẽ nhàm chán đến cỡ nào?
Để ta nói cho nàng một bí mật, điều mà không ai nói với nàng ở các đền thờ. Đó là thần linh luôn ghen tị với loài người. Bởi các vị thần thì bất tử, còn mỗi một phút giây của con người cũng có thể là giây phút cuối cùng. Chúng ta sẽ không bao giờ cùng ở đây nữa. Nàng cũng sẽ không bao giờ đẹp như lúc này… Chính cái chết mới làm cho mỗi phút giây chúng ta đang sống đều vô giá.
– Phim Troy
Mình chẳng thấy có vấn đề gì với nỗi buồn của mình cả! Tuy vậy, bằng một cách nào đó, mọi người có xu hướng muốn “kéo mood” mình lên. Cảm giác như là họ không thể chấp nhận chuyện bạn của họ đang ôm ấp và tận hưởng một nỗi buồn!? Không thể thế được! Họ phải can thiệp và “giải quyết” nó thôi. Và bạn biết đấy, đối với mình sự can thiệp dù trên danh nghĩa có ý tốt đó không có nghĩa rằng bạn đang giúp mình, bạn chỉ đang giúp bạn khỏi chuyện phải “chịu đựng” một ý tưởng là nỗi buồn có thể được tận hưởng theo cách đó. Sâu hơn nữa bạn đang không chấp nhận nỗi buồn hay cảm xúc “tiêu cực” được tồn tại trên cuộc đời. Hoặc đơn giản trong mối tương quan với mình, bạn không tin mình, không tin cách “buồn đến tận cùng” của mình là có hiệu quả (đối với mình). Mình tin rằng, cách tử tế nhất để chia sẻ cùng một người đó là hoàn toàn tin tưởng và chấp nhận trạng thái ĐANG LÀ của họ, không phán xét, can thiệp hay sửa đổi. Điều này trẻ con làm tốt nhất, hãy quan sát chúng mà xem!
Mặt trái của tâm lý học tích cực, hay “tu tỉnh thức” nhưng chỉ thức chứ không tỉnh chính là việc từ chối, chối bỏ, che lấp, phủ nhận những điều mà tâm trí “dán nhãn” là tiêu cực, xấu xa, năng lượng đen, tần số thấp,…
Mình chọn ngồi lại với nỗi buồn của mình vì đây là cơ hội tuyệt vời để mình đi đến đỉnh điểm của nó, sâu cốt của nó, để nhận ra rằng cuối cùng nó… thật là xàm! Chẳng ai, kể cả tâm trí mình, có thể thuyết phục mình về sự vô nghĩa của nỗi đau của mình cả. Cách duy nhất là đào sâu vào tận trung tâm của nó, đi đến khởi nguyên, nơi nó bắt đầu, như cách các nhà khoa học tách những hạt nguyên tử ra tiếp để nhận ra cuối cùng vật chất được cấu tạo từ không-gì-cả. Cuối cùng thì, vở tuồng đau khổ chỉ mình bạn diễn cho mình bạn xem. Kết màn, mình bạn tán thưởng hoặc phê phán.
Còn nỗi đau nào đau đớn hơn nỗi đau này hay không?
Rồi sao nữa?
Vì sao mình lại cảm thấy…?
Đó là những câu hỏi tự vấn mà mình dùng làm phương tiện để đi sâu vào hành trình khám phá bản thân. Mình đã vận hành đời mình dựa trên những mô thức vô ý thức, khiến mình vô thức thu hút những điều khác với trái tim mình hằng mong. Và khi một cuộc khủng hoảng xảy ra, đó là cơ hội để lớp bọc bên ngoài bị vỡ. Ánh sáng tràn vào. Đau đớn. Khó chịu. Nhưng nó giúp bạn nhận ra những điều gì thực sự đang là. Không che giấu. Không giả vờ. Hãy đủ tĩnh lặng để lắng nghe thanh âm của Sự thật.
LÀM SAO ĐỂ BỚT BUỒN VÀO BUỔI TỐI
Đùa đấy. Làm gì được mà làm. Làm gì thì cũng chỉ để tránh, để che đi, để không phải cảm thấy. Nhưng cơn buồn đâu có đi đâu. Nó cứ lặng lẽ ở đó, và đợi.
Đợi mình nhận biết là nó tồn tại. Đợi mình cảm thấy nó, trò chuyện với nó. Đợi mình không vội, không sợ, không trốn tránh. Đợi mình thôi không còn coi nó là hiểm hoạ hay kẻ thù.
Đợi mình kiên nhẫn ở lại, một lúc thôi, một vài phút, một vài ngày, một vài kiếp, tất cả thời gian cần thiết, trước khi nó tan đi, theo cách giọt sương tan vào trong tia nắng ban mai.
Đừng nửa vời! Hãy hết mình dù với buồn hay vui, sướng hay khổ, yêu hay ghét,… Hãy đi đến cực này rồi cực kia, chỉ có như vậy, một ngày sự cân bằng của bạn mới là quán tính tự nhiên của con lắc. Hãy buồn thật nhiệt tình và thường xuyên đến nỗi mà một ngày thức dậy bạn chán ngấy buồn. Bạn chia tay nó trong một tích tắc!

Làm hòa với những cực đối lập của bản thân, để rồi mâu thuẫn không còn vận hành bên trong bạn nữa.
Đương nhiên tâm trí của bạn sẽ gào lên hàng ngàn rủi ro: “Đừng để khổ nhấn chìm.”, “Đừng đưa mình thấp đến nỗi trầm cảm.”, “Lỡ mọi thứ văng ra khỏi tầm kiểm soát thì sao?” Ồ nó giống như chuyện tập bơi vậy, bạn càng vùng vẫy càng mất sức, càng thả lỏng và tin tưởng dòng nước, nước sẽ nâng bạn lên. Bạn vẫn tiếp tục khổ, vì bạn chưa bao giờ dám nhìn thẳng vào nó. Bạn rén. Bạn gồng. Bạn né nó bằng mọi cách.
Buông bỏ
Mọi người hay hỏi làm thế nào để đặt nỗi đau xuống. Nếu bạn làm đúng vế đầu, nếu bạn cho phép khổ đi xuyên qua bạn, hoàn toàn và toàn bộ, buông sẽ tự động đến. Nó là hệ quả tất yếu. Như thể việc lấy đà để bật nhảy thật cao.
Buông bỏ thực sự diễn ra trong tâm bạn, không ở bên ngoài.
Bạn có thể kết thúc mối quan hệ nhưng vẫn tiếp tục gặm nhấm nỗi đau.
Bạn có thể nghỉ việc nhưng vẫn can thiệp vào bộ máy.
Bạn có thể rời bỏ một nơi nhưng vẫn dõi theo trên mạng xã hội.
Bạn có thể ngừng ăn món ăn dở tệ nhưng vẫn tiếp tục lên Facebook phàn nàn về nó.
Bạn chỉ đang làm ra vẻ từ bỏ mà thôi.
If you still talk about it then you still care about it.
Đến một lúc nào đó, bạn sẽ cảm thấy chẳng có gì cần có ý nghĩa cả, kể cả khổ của bạn. Rằng bạn dành nhiều thời gian và tâm sức như thế cho khổ, nhưng nó không cần đem lại một kết quả thỏa đáng nào. Rằng rồi bạn cũng đặt nó xuống. Nhẹ nhàng. Và tiếp tục sống cuộc đời của mình.
Đến một lúc bạn nói: “Tôi chán ngấy khổ rồi. Giờ sao?” Hãy tập trung vào điều làm trái tim bạn hân hoan! Bạn không cần phải tu ngàn năm mới được giải thoát. Giải thoát ở ngay đây và bây giờ! Chỉ cần bạn CHỌN nó bằng toàn bộ bản thể mình.
Khi bạn nhận ra suy nghĩ đầu tiên của khổ, hãy thay thế nó bằng một chuỗi các suy nghĩ của niềm vui. Như bông hoa hướng đến ánh mặt trời, hãy CHỌN những trải nghiệm thoải mái, từng phút giây một. Làm những điều khiến bạn cảm thấy mình may mắn vì được sống trên đời. Ăn những món ăn khiến bạn “Ummm và Aaaaa”. Học những kỹ năng mà bạn đã luôn khao khát học mà chưa có thời gian cho nó. Gặp gỡ những con người khiến bạn cảm thấy mình được kết nối và yêu thương. Mở rộng bản thân vì bạn có thể!
Biết ơn và trân trọng những trải nghiệm tích cực. Nhìn vào những điều tốt đẹp đang diễn ra với bạn và dành cho bạn. Vì bầu trời đêm có nghĩa là tồn tại những vì sao. Vì mưa có nghĩa là cơ hội để cầu vồng xuất hiện.
…Don’t think about what you’ve lost. Think of how much you have to gain. Live, Stella.
– Rachael Lippincott, Five Feet Apart
Những điều bạn CHỌN trong suy nghĩ, cảm xúc và hành động là cách bạn giao tiếp với Vũ trụ là bạn mong muốn trải nghiệm điều gì nhiều và nhiều hơn nữa trong cuộc sống. Vì vậy đừng thỏa hiệp! Một điều bạn không nói “Không”, là điều bạn cho phép nó tiếp tục được mang vào trải nghiệm của mình.
Giờ thì bạn muốn những điều tiệm cận với trái tim mình, những điều mang lại cảm giác thoải mái và trải nghiệm dễ chịu. Giờ thì như phượng hoàng lửa hồi sinh từ đống tro tàn, bạn sẽ bay trên những đám mây của tự do.
Tiên Alien
Trả lời