Bạn mình kể: “Tao đăng ký học vẽ. Nhưng học được 3 hôm thì nghỉ.” Mình hỏi nguyên do, bạn bảo là vì không đủ động lực, mặc dù rất thích. Mình bảo “Động lực chỉ là cái theo sau thôi. Bản chất là mày không thích đủ nhiều nên không có động lực.”
Niềm đam mê và tình yêu là người cầm lái trong khi động lực chính là động cơ xe. Động cơ xe thì quan trọng đấy, nhưng thiếu định hướng của người lái thì chẳng đi đến đâu cả.
Học vẽ, đàn, hát, ngôn ngữ mới, hoặc làm bất kỳ điều gì chúng ta cũng cần trả lời được câu hỏi “Để làm gì?” hay “Tại sao?” Kể cả khi cái “Để làm gì?” chỉ đơn giản là vì yêu thích, để thư giãn đầu óc hay xả stress.
Người hành Đạo thường theo cái “chẳng để làm gì cả”. Làm chỉ để làm, vô mục đích. Nhưng nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy phải có nguyên nhân nào đó cho việc làm. Dù nguyên nhân đó chỉ là nhất thời bạn muốn thế.
Vô mục đích thường hướng đến “không làm gì”. Nhưng nếu bạn muốn hoàn thành điều gì đó trong đời, bạn cần trả lời được câu hỏi “Tại sao?”
Có lần độc giả hỏi mình: “Tiên có bao giờ nghĩ mình tạo ra giá trị cho cuộc đời không?” Thật kỳ lạ là “tạo ra giá trị” hiếm khi nằm trong mối quan tâm của mình. Mình thậm chí chẳng nghĩ tới, cho đến khi bạn đó hỏi. Vì mình thấy “tạo giá trị” chỉ là thứ theo sau thôi.
Bản chất con người khao khát trở thành người có giá trị để làm gì? Họ muốn được chấp nhận và yêu thương như chính mình là, dù cho họ có đang làm gì đang là ai trong đời. Nên mình chẳng thèm theo đuổi việc trở nên có giá. Mình chỉ đơn giản chấp nhận và yêu thương mình thôi.
Và bạn ơi, bông hoa “tạo giá trị” chỉ đơn giản bằng việc nở và tỏa hương. Con người “có ích” cho đời nhất là khi họ đơn giản là chính mình mà không cần gồng hay cố để “tạo giá trị”.
Trải qua quá trình sống, chúng ta dần rập khuôn phương tiện trở thành mục đích. Nghĩa là quên mất đi “Vì sao?” mà chỉ chăm chăm vào “Cái gì? và “Làm thế nào?”
Ví dụ như ban đầu ta kiếm tiền để nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhưng chạy theo đồng tiền mãi, ta chỉ nhớ phải kiếm tiền. Gán tiền trở thành mục đích cuối cùng mà quên rằng nó chỉ là phương tiện trao đổi với những vật chất và dịch vụ khác mình cần.
Hoặc khi “rơi vào” tình yêu, ta dễ gán cho đối phương trở thành mục đích cuối cùng. Rằng bằng mọi giá người đó nên yêu thương mình và cùng mình suốt đời. Sinh ra lụy tình, phiền não.
Thay vì thế, ta có thể nhớ đến cái gốc ban đầu: Ta muốn được yêu và hạnh phúc trong yêu. Thế thì cùng với ai hay không cùng ai cũng được. Kết hôn hay không kết hôn cũng được. Ta cùng nhau khi hạnh phúc và tình yêu hiện diện. Và rời đi khi yêu và vui không còn ở đây. Để rồi lại tiếp tục rung động cùng những nhịp đập khác.
Cái gốc chính là bản chất, bộ mặt nguyên thủy, nơi mà những điều khác ra đời. “Neo” vào cái gốc là vững. Xa rời cái gốc là khổ.
Nếu bạn thấy bạn đi mãi mà chẳng đến đâu, rất có thể bạn đã quên mất bản chất của cuộc đi rồi.
Tiên Alien
Trả lời