Để có câu trả lời xuất phát từ Sự thật, hoặc chính xác hơn đạt đến điểm mà mọi câu hỏi biến mất, bạn cần có câu hỏi “đúng” – câu hỏi nảy sinh từ thái độ, tâm thế, cách tiếp cận minh triết đến vấn đề. Vì nếu nảy sinh những câu hỏi không hướng đến Sự thật, câu hỏi xuất phát từ thái độ “sai”, bạn sẽ chỉ nhận được những câu trả lời mà ở đó tiếp tục đi lòng vòng trong ma trận tâm trí, luẩn quẩn không lối thoát khỏi nhị nguyên.
“Đúng” và “sai” mình xin phép để trong ngoặc kép, vì thực chất chẳng có gì là đúng và sai theo trí năng bạn có thể hiểu cả. Chỉ có phù hợp hay không phù hợp, hiệu quả hay không hiệu quả, dẫn đến kết quả cuối cùng hay tiếp tục đi vòng quanh.
Những câu hỏi vô nghĩa là khi không giúp bạn bình an, thoải mái hơn, trái lại còn dẫn đến những kiến thức mà bạn chẳng thể nào xác thực. Đương nhiên biết thêm kiến thức cũng tốt, không biết cũng chẳng sao. Rủi ro của việc có nhiều kiến thức đó là bạn vô tình vận hành đời mình bằng ma trận kiến thức vay mượn từ thế gian, vì nó mà sướng và cũng do nó mà khổ. Bạn có thể nhận diện những kiến thức kiểu này khi tự nhiên vì biết thông tin đó nên cách bạn sống đổi khác đi, nhưng khi bạn chẳng đặt chú tâm vào nó, quên nó đi thì đời bạn vẫn ung dung bình thường, chẳng ảnh hưởng gì. Nó quan trọng và có ý nghĩa chỉ vì bạn đã gán cho nó ý nghĩa mà thôi.
Lấy ví dụ những thông tin về ngày tận thế hoặc những “thuyết âm mưu” được lan truyền trong các cộng đồng tâm linh, đặc biệt là trong thời kỳ nhiều hoang mang và nỗi sợ như hiện nay. Khi chưa biết đến chúng, bạn không hề có bất kỳ nhận thức nào về những “âm mưu” ngầm cả. Khi biết rồi, bạn dễ dàng bị ảnh hưởng, thao túng, trở nên sợ hãi hoặc tệ hơn nhìn đời với con mắt màu đen. Bạn bắt đầu tích trữ đồ đạc, ít tin tưởng hơn vào hệ thống ngân hàng, thậm chí nghĩ rằng lương thực mình ăn đầy chất độc,… Chẳng cần xác minh tính đúng hay sai của những thông tin đó, chỉ thấy rất rõ tự dưng bạn bị ảnh hưởng (một cách tiêu cực) vì những điều vô thưởng vô phạt. Nhưng sau đó, bạn có thể lựa chọn khác đi, mặc kệ những thông tin đó, bạn lại sống vui vẻ, khỏe mạnh bình thường chẳng ảnh hưởng gì.
Những gì khi bạn đặt chú tâm vào nó mới có, khi bạn quên đi thì nó mất, không phải là Sự thật. Chỉ là bạn đã thu hút chúng đến với mình bằng cách đặt năng lượng vào đó mà thôi.
Sau đây là điển hình một số câu hỏi mình cho là vô nghĩa, là cách tiếp cận chưa phù hợp:
Khi đang buồn, làm sao để vui lên? Làm sao để thoát khổ? Làm sao để luôn hạnh phúc? (và những câu tương tự)
Cuộc đời được dệt từ nhân, từ duyên, vô số các biến số và khả năng có thể xảy ra. Bạn cũng là một mắt xích trong chuỗi tự nhiên đó. Thế thì, có bất kỳ khả năng nào bạn – một dấu chấm nhỏ xíu, có thể kiểm soát được dòng chảy tạo hóa này chăng? Khi bạn chỉ muốn vui vẻ, hạnh phúc, tốt đẹp, tích cực,… bạn vô tình rơi vào lưới nhị nguyên. Về cơ bản điều gì là sướng hay khổ chỉ có thể được “định nghĩa” bằng việc nó có thuận ý hay trái ý bạn. Tức là bạn muốn sự việc xảy ra theo hướng có lợi cho mình, muốn người ta phải cư xử theo ý mình,… Nếu không được như ý, sinh ra khổ. Mong muốn nảy sinh từ lòng tham của bản ngã. Nên sẽ chẳng bao giờ có điểm kết thúc, kể cả khi bạn may mắn đạt được một số điều như ý nguyện bằng cách vận dụng luật hấp dẫn, gieo hạt năng đoạn kim cương,… Bạn chỉ may mắn trong nhất thời mà thôi. Thất vọng, vỡ mộng là điều chắc chắn. Bạn sẽ trở thành chú hamster cứ mãi chạy đuổi theo miếng pho mát trong chiếc lồng, chẳng bao giờ chạm đến, mãi mãi không hài lòng.
Thế thì, câu hỏi phù hợp nên là Làm thế nào để bình an bất chấp thế gian? (hoặc không) :))
Rằng sao cũng được! Bình an cũng được, không an cũng chẳng sao. Có thời vui. Có thời lại buồn. Mọi thời đều đẹp như nhau. Điều duy nhất xấu xí chính là sự chống đối trong bất lực của bản ngã, hoặc cứ cố vui trong khi thật sự rất buồn, cố tích cực trong khi đầy tiêu cực, cố “giác ngộ” trong khi còn vô minh.
Thế thì, thái độ đúng chính là chào đón tất cả hỉ, nộ, ái, ố thế gian, biết rằng chúng đến và đi, sinh và diệt theo quy luật tự nhiên chẳng cần tác động. Bạn là người thưởng thức bữa tiệc cảm xúc này. Người đang ăn đâu phải là món ăn! Một số người không (dám) sung sướng, vì họ sợ lạc vào cám dỗ, sợ rằng sướng sẽ hóa khổ theo cách mà đời sẽ bù lại một phần khổ (cho cân bằng). Thế thì bạn đang trì hoãn sự sống thực sự, không dám sống hết mình. Sự sống đang gõ cửa và bạn cứ mãi ru rú trong nhà, sợ rằng mình bị lệch khỏi cân bằng. Nếu cân bằng của bạn được xây dựa trên sự né tránh va chạm, cân bằng đó là giả. Như vàng giả chẳng dám thử lửa vậy.
Cho nên, cứ đơn giản hết mình với cảm xúc: Sướng hết mình, khổ hết sức. Dần dần bạn sẽ thấy mình ở trung đạo, chẳng còn ý muốn của bản ngã. Khi ý muốn biến mất, mọi điều được quay về với bản mặt nguyên thủy của nó, chẳng có gì là “sướng” hay “khổ” nữa cả.
Điều này có ý nghĩa là gì?
Cụ thể hơn, mọi người hay hỏi những câu như “Tôi ngồi thiền thấy Phật, có nghĩa là gì?”; “Tôi ngồi thiền thấy rung lắc, có sao không?”; “Tôi hay nhìn thấy số 1111, 222,… thì thông điệp là gì?”; “Đêm qua tôi mơ thấy… thì là điềm báo gì?”; “Nhà tôi tự dưng mọc cây bồ đề có phải là điềm lành chăng?”…
Những câu hỏi trên điểm chung là bạn đang đi tìm một ý nghĩa nào đó để gán cho sự vật, sự việc. Bạn không nhìn mọi thứ như nó là. Người tu tập tâm linh rất dễ sa vào trò chơi này (cơ bản vì nó hấp dẫn, cho bạn cảm giác mình đang trải nghiệm, biết điều mà mọi người không biết). Khi tu tập tâm linh, một số ngày trở nên có ý nghĩa (hơn bình thường) ví dụ 7/7, 8/8, ngày trăng tròn, ngày siêu trăng, ngày Phật Đản,… trong khi bình thường thì đó chỉ là ngày săn sale Shopee mà thôi.
“Trước khi gặp thiện tri thức, tôi thấy núi sông là núi sông.
Sau khi gặp thiện tri thức chỉ dạy, tôi thấy núi sông không phải là núi sông.
Sau ba mươi năm, tôi thấy núi sông là núi sông.”
– Thanh Nguyên Duy Tín
Trong thiền, gặp Phật giết Phật, thấy ma giết ma. Chúng đều là ảo ảnh. Nếu không thì bạn sẽ thấy Phật mãi mãi, chứ chẳng thoắt ẩn thoắt hiện. Bám chấp vào một linh ảnh, một cảm giác, một thông điệp,… trong thiền đều là mê đắm vào bông hoa ven đường mà quên cả hành trình.
Tự thân những hình ảnh, âm thanh, sự vật, sự việc đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Thậm chí cả cuộc đời này cũng thế. Nhưng tâm trí con người muốn nó có ý nghĩa, nên đã gắn nghĩa lên cảnh. Nó giống như việc bạn đeo vào chiếc kính thực tế ảo, tự huyễn hoặc mình trong giấc mơ bản thân tạo ra. Và giấc mơ thực tế giống y như thật, nó hoàn toàn là thật đối với bạn. Mình không phủ nhận bất kỳ điều gì hay trải nghiệm của bất kỳ ai. Mình tin vào tiềm năng, tức là mọi điều đều có thể thành thật chỉ cần bạn đặt năng lượng vào đó. Ví dụ, nếu bạn thật tâm tin rằng thiền có thể giúp chữa lành, tự bạn sẽ khỏi bệnh chỉ nhờ ngồi thiền. Mọi điều bạn tin đều trở thành hiện thực trong thực tại của bạn, không phải vì nó là Sự thật thường hằng, chỉ đơn giản vì bạn là Đấng Tạo hóa mà thôi.
Đến đây bạn có thể nói rằng thế thì hãy chọn điều tích cực để tin vào. Đó cũng là một lựa chọn thông minh! Bạn có thể ám thị mình bằng những điều tích cực ví dụ tin rằng thấy 2222 là sắp có người yêu (dù tin mình đi mình thấy cả mấy năm nay rồi 🙂 ); hoặc ứng dụng tác dụng thanh tẩy của đá để thu hút năng lượng tốt;… Một lần nữa, mình không phủ nhận tất cả những ứng dụng tâm linh này. Ý của mình chỉ là chúng là công cụ, phương pháp, là ngón tay chỉ trăng chứ chưa phải mặt trăng.
Thế thì mặt trăng là gì? Là khi bạn đặt hết mọi ý nghĩa xuống. Nó là cái quái gì cũng được cả! Bạn chẳng quan tâm điểm mọc, Sao Kim của mình ở đâu, sao nào đang đi lùi, người kia có hợp mệnh với mình không nhỉ, hay Cộng hưởng Schumann (Schumann resonances) hôm nay thế nào,… Bạn chỉ sống thôi, chào đón mọi điều xảy ra một cách bất ngờ. Tìm để hiểu đối phương bằng chính tâm của bạn, chứ không qua lớp lọc “nhãn dán” nào. Thế thì, cái cây chỉ là cái cây. Bạn là bạn, chứ không là starseed hay lightworker chi đâu.
Một số câu hỏi vô nghĩa điển hình khác
- Ai tạo ra thế giới này?
- Có những chủng tộc người ngoài hành tinh nào (có thể ở các chiều kích khác của thời gian và không gian)?
- Chết rồi ta đi về đâu?
Tham khảo thêm Những câu hỏi Đức Phật không trả lời.
Vì thứ nhất, chúng ta không xác minh được tính chân thực của câu trả lời. Bạn dựa vào đâu để biết câu trả lời được đưa ra là thật? Vì người trả lời là uy tín chăng? Có những điều cả thế giới công nhận là thật nhưng sau đó được chứng minh là không phải.
Thứ hai, những câu hỏi đó sinh thêm câu hỏi, chứ không chấm dứt câu hỏi. Bạn đi sâu vào tâm trí, chứ không vượt lên trên.
Nguyên nhân thứ ba, mà đối với mình quan trọng hơn cả, đó là biết những điều đó chẳng giúp gì cho sự bình an nội tâm nơi mình cả. Nếu bạn muốn phát triển trí thông minh, tìm hiểu kiến thức, thông tin là rất tốt. Còn đối với giác ngộ, Niết bàn, thì những kiến thức siêu hình chẳng liên quan. Chúng chỉ kéo bạn ra xa khỏi trung tâm bản thể bạn mà thôi.
Thế thì, thay đổi cách tiếp cận có lẽ giúp ích cho hành trình của bạn. Câu hỏi đưa ra phản ánh tâm thế của bạn đang là. Hỏi “đúng” và rồi một ngày bạn sẽ nhận ra mọi câu hỏi đã biến mất tiêu.
Tiên Alien
Thông điệp này thật lớn lao!
Cảm ơn bạn đã đọc nhen!