Nếu tự do, nằm ngoài mọi khuôn khổ, thế thì điều gì giữ chúng ta đi đến cùng?
Nếu như không bị ràng buộc bởi kỷ luật, động lực nào để ta làm việc cần làm, hoàn thành một dự án, vẽ xong một bức tranh, viết xong một bài thơ? Đặc biệt là đối với những nhiệm vụ mang tính lâu dài như tập luyện cơ thể, phát triển sự nghiệp hay trở nên chuyên nghiệp trong một lĩnh vực?
Nếu như không bị trói buộc bởi đạo đức (điều mà con người đặt ra), lề thói xã hội, hợp đồng hôn nhân, điều gì giữ cho chúng ta chung thủy gắn kết với một người? Thậm chí, nếu bạn tự do thực sự trong bản thể mình, những lý do bên ngoài khác như là con cái, sự kỳ vọng và ngưỡng mộ của xã hội, hay bức tranh về tình yêu vĩnh cửu bạn tự vẽ ra,… cũng không đủ và không hợp lý để hai cá thể chọn ở lại cạnh nhau.
Câu trả lời là đến cùng hay không cũng chẳng quan trọng bằng hành trình. Nếu bạn hoàn thành một điều gì đó, mà không dựa trên sự tự do (để nói “có” và nói “không”), không xuất phát từ niềm vui, từ thật tâm trái tim mình, việc hoàn thành đó vô nghĩa. Còn nếu bạn đã hết mình, trọn vẹn trong khoảnh khắc, niềm hoan hỉ thực sự đã có mặt, chẳng cần đi đến đâu.
Dang dở, đôi khi cũng thật đẹp. Có lẽ nhân duyên chỉ đến thế thôi, nên bài ca mới viết được một nửa, vần thơ chưa có dấu chấm câu, bức tranh vẫn còn thiếu vài nét cuối,… Nhưng chẳng có tác phẩm nào của Tạo hóa là “thiếu” cả. Sự “thiếu”, chưa hoàn thành, chỉ nằm trong tâm trí con người mà thôi. Vì còn có cái “đáng lẽ ra phải thế”, nên mới có khái niệm về sự “chưa xong”. Mọi sáng tạo đều trọn vẹn theo cách riêng. Có lẽ toàn bộ bài thơ chỉ có thế.
Nếu tự thân quá trình làm việc của bạn đã xuất phát từ đam mê, niềm yêu thích thực sự, bạn chẳng bao giờ cảm thấy làm. Đam mê chính là nhiên liệu, là động cơ kéo bạn ra khỏi giường mỗi sáng, để ĐƯỢC làm, ĐƯỢC thỏa thích trải nghiệm chính mình thông qua việc làm.
Tuy nhiên, nếu bạn chỉ hiểu đam mê ở khía cạnh là thích làm thì chưa đầy đủ. Sở thích mang tính nhất thời. Hôm nay bạn thích điều này, ngày mai sự thích đã đổi. Bạn dễ phân tâm, phân tán năng lượng bởi nhiều cuộc vui trên đời. Theo sự quan sát bản thân của mình thì đam mê giống như ngọn lửa được nảy sinh sau khi có “ma sát” là động cơ đã chạy. Ban đầu mình yêu thích một việc, đủ nhiều để thực hiện bước đi đầu tiên. Nhưng đam mê là thứ nảy sinh sau đó, trong quá trình làm, khi mình đã vào “guồng” quay. Đam mê không hẳn là hạt mầm, mà thực chất là nhựa sống trong cái cây. Vì mê phát triển bản thân, sáng tạo bản thể mới của chính mình, mà chúng ta tiếp tục chọn đầu tư vào công việc, ở mức độ sâu sắc hơn, mỗi ngày.
Vì vậy cho nên, có lẽ việc nói tới đam mê cho các bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường, chưa thực sự trải nghiệm thế giới đi làm, chẳng khác nào nói về màu sắc cho người mù. Niềm yêu thích mà các bạn gọi là “đam mê” đó chỉ là khởi đầu. Bạn chưa sống trong công việc, trải nghiệm nó với tất cả khía cạnh, có khó khăn, có thử thách và niềm vui, sao bạn nói rằng mình đam mê nó được? Có cơ sở nào?
Thế thì, hãy để sở thích là bước đệm để bạn trải nghiệm nhiều công việc, vị trí khác nhau. Để rồi nhận ra mình muốn trồng cây hoa trên mảnh đất nào. Thậm chí, nếu đã thử rồi, bạn vẫn chẳng đủ nhiệt huyết với một ngành cụ thể nào, không sao cả, rất có thể bạn là con tàu lênh đênh trên biển cả, chẳng cần bến bờ, ít nhất là trong giai đoạn hiện tại. Miễn là thành thật về cảm nhận của bản thân và sống theo tiếng gọi con tim.
Passion develops from doing something well—from gaining expertise. This is usually confused with doing something well because one has a passion for it.
Thế còn chất liệu gắn kết hai cá thể với nhau trong tình yêu thì sao? Có thể một số bạn cho là nhờ tình yêu, hoặc ít nhất là tình thương, sự gắn bó quen thuộc, mà hai người có thể chọn ở lại với nhau, sau tất cả. Mình không thực sự có câu trả lời. Chỉ là mình nghĩ nếu một người trụ vững trong bản thể chính mình, cuộc tình có dài hay ngắn cũng chẳng sao. Nếu bạn luôn HIỆN DIỆN cùng người thương từng khoảnh khắc họ ở đây, đã nói hết điều cần nói, làm hết khả năng cần làm, bạn sẽ chẳng còn gì hối tiếc khi phải chia ly. Chia tay, bạn có thể buồn thật buồn, nhưng nỗi buồn sẽ không dài, bạn sớm sẽ lại yêu mình, yêu đời, yêu muôn điều khác.
Tương tự như đam mê trong công việc, tình yêu đối với mình có lẽ cũng lớn dần trong hành trình cùng nhau, chứ chẳng phải có mặt từ ban đầu. Ban đầu chỉ là sự hấp dẫn nhất thời. Bạn đâu biết người kia, đâu biết họ thích gì, điểm mạnh là gì, tật xấu như thế nào, nỗi sợ nằm ở đâu,… Làm sao gọi là yêu được? Yêu là một hành trình tìm để hiểu nhau. Yêu chỉ có thể xảy ra khi người này mở trái tim cho người kia bước vào. Mọi rào cản được gỡ bỏ, sự thân mật thực sự mới có thể nảy sinh.
Hai người gắn kết với nhau có lẽ không hẳn là do lựa chọn ở lại, theo nghĩa là niềm vui đã không còn ở đây, nhưng vì thế này thế kia nên chọn như vậy. Lựa chọn theo nghĩa đó xuất phát từ toan tính, từ nỗi sợ cô đơn, hay mong muốn chiếm hữu,… Mình nghĩ “chất keo” Vũ trụ thực sự “dính” hai cá thể vốn độc lập, tự do trong chính mình, chính là niềm vui. Nếu như không còn niềm vui từ hormones xuất hiện trong thời kỳ đầu, thì còn vô vàn niềm vui khác như là trải nghiệm cùng nhau, sẻ chia, cảm thông và cổ vũ,…
Và vì ở trong tình yêu với nhau, chúng ta trở thành phiên bản trọn vẹn hơn của chính mình. Người kia trở thành chất dinh dưỡng để bạn nở thành bông hoa.
Tiên Alien
Trả lời