Hôm nay nói một chút về tiền – chuyện chi tiêu và tiết kiệm
Mình thường quy đổi mọi thứ mình muốn chi tiêu thành level of happiness (mức độ hạnh phúc) của mình sau khi sở hữu hoặc trải nghiệm nó để xem nó có xứng đáng với những gì mình phải trao đổi để có nó hay không. Việc quy đổi này giúp mình không chi tiêu vô tội vạ chỉ vì cảm xúc nhất thời, mà chỉ chi cho những điều bền vững, cần thiết và xứng đáng.
Ví dụ như mình nhận ra mức độ hạnh phúc của mình khi ăn một tô bún 60 cành và một ổ bánh mì 16 cành là như nhau (hơn nữa cái bụng mình cũng no như nhau, có thể nếu rảnh quá thì xem xét thêm các yếu tố dinh dưỡng nữa và thấy không quá khác biệt). Thế là mình chọn ổ bánh mì. Mình nhấn mạnh vào mức độ hạnh phúc nhé, nghĩa là nếu ăn bún mình thấy vui hơn (thèm hơn) thì mình vẫn chọn bún thôi. :))
Dạo này mình đang mê cái nhẫn 3 chẹo, nhưng mình đang nghĩ nếu mình hốt về cái nhẫn mới 3 chăm thì mình cũng vui y chang vậy thôi. Niềm vui khi sở hữu một món đồ mới nó chỉ có khi chúng ta chuẩn bị sở hữu nó và giảm dần sau những ngày đầu tiên nó là của mình. Nên chắc mình sẽ không thỉnh cái nhẫn nào cả. =))) vì nó thuộc hàng xa xỉ phẩm, không có cũng không sao.
Nói vậy các bạn lại nghĩ mình tiết kiệm, nhưng không phải. Mình thấy mức độ tiêu tiền của mình ít nhiều phải ngang ngửa mức độ tiết kiệm (mình có ghi chép, quản lý chi tiêu đàng hoàng). Với xui là khi để các ngón tay mình sát nhau thì vẫn có những khoảng trống, dấu hiệu của người khó giữ tiền. =)))) Nhưng bù lại mình lại có động lực kiếm tiền nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống đó. Một quy tắc nữa mà không biết mình học lỏm ở đâu là không chi cho món đồ hay trải nghiệm nào mà vượt quá 10% thu nhập hàng tháng, trừ đồ điện tử hay những tài sản lớn lớn, chuyến du lịch xa xa (mấy cái đó chắc mình sẽ trích mỗi tháng một ít ra thì vẫn “ăn gian” được 🤣).
Mình không thắt lưng buộc bụng (Live below your means). Mà mình sẽ làm việc chăm chỉ và thông minh hơn để có thể chi tiêu thoải mái. Ví dụ người ta hay ý kiến về chuyện mình đi grab, bảo là nếu mình tự lái xe thì sẽ tiết kiệm hơn. Nhưng nếu mình có đủ tài chính để đáp ứng chuyện đó thì đâu vấn đề gì. 🤷♀️🤷♀️ Mỗi người đều có những nhu cầu, sở thích và khả năng chi trả khác nhau. Chỉ có bạn mới có thể đánh giá là đáng hay không đáng.
Chúng ta khi nhìn vào người khác sẽ vô thức đánh giá mức độ giàu có của họ dựa trên những món đồ họ sở hữu: điện thoại, xế hộp, biệt thự,… Khi mình quan sát người khác thì mình cũng dễ thấy thế thôi. Nhưng khi mình quan sát chính mình, thì mình thấy mức độ thịnh vượng của mình không nằm ở những món đồ mình chi trả (để người khác thấy) mà nằm ở số tiền mình đã không tiêu. =))) Mình càng giàu hơn nếu mình không chi cho một món đồ xa xỉ, một bữa ăn đắt tiền hay một resort hạng sang.
Đến đây bạn đừng tranh luận với mình về asset và liability (xin lỗi mình cũng không biết tiếng việt 2 từ này). Mình biết asset là những gì mình đầu tư vào mà đem lại thu nhập, còn liability là thứ mình đầu tư vào nhưng đem lại nợ. Nhưng ý mình ở trên chỉ là nếu mình bớt đi một món đồ hay một dịch vụ nào đó không thực sự cần thiết thì mình sẽ giàu hơn là cứ chi tiền vào những thứ để gây ấn tượng với thế gian hay là đánh bóng tên tuổi.
Nhận ra điều này mình chợt hết áp lực đồng trang lứa khi mọi người đều đang sở hữu nhà đất hay xe hơi. Sao mình biết được có khi họ đã chi hết tài sản mình có và nợ ngập đầu chỉ để mình “thấy” họ giàu có thế nào. Sức khỏe tài chính là phần chìm của tảng băng, nơi mà chỉ có mỗi chúng ta tự biết và tự sướng hay khổ với nó. Nên thịnh vượng đích thực khá là low-key. :))
Tuy nhiên mình cũng không cổ vũ chuyện quá hà tiện mà không yêu bản thân hay là không trải nghiệm cuộc sống. Suy cho cùng, trải nghiệm là những thứ sẽ theo ta lâu dài. Thì bạn cứ quay lại cái level of happiness ở đầu bài: điều gì đem lại sustainable happiness thì cứ mạnh tay chi. =))) Tiền của bạn bạn thấy xứng đáng với công sức lao động của bạn là được rồi.
Mà hạnh phúc bền vững không được tính chỉ bởi cảm xúc vui vẻ, hào hứng nhất thời đâu. Nó sẽ bao gồm sức khỏe của bạn về dài hạn nè, giá trị món đồ có giúp cuộc sống bạn dễ dàng tiện lợi hơn không, tuổi thọ món đồ có cao hay không,…
Bài này thì tạm không bàn đến nhiều yếu tố vô hình (intangible) khác cũng có thể được xem là giàu có, như là giàu tình yêu thương, lòng nhân ái, sự tự do về thời gian, sức khỏe, gia đình, mối quan hệ lãng mạn,…
Tuy nhiên, những yếu tố đó cũng có thể được đem ra xem xét trước mỗi lựa chọn của bạn để xem số tiền bạn chi ra hay tiết kiệm cho tương lai có xứng đáng hay không.
Mình đang tạm thấy những yếu tố vô hình trên thì ảnh hưởng nhiều hơn đến cán cân của làm việc để tạo ra tài sản. Nghĩa là mình thực sự nghĩ dù mình cũng muốn trở nên giàu có, nhưng mình không cần phải sở hữu khối tài sản khủng, vì phải đánh đổi nhiều thứ khác mà mình coi trọng hơn như là sự tự do, thoải mái, các mối quan hệ thân cận, sức khỏe,… Mình tin rằng nếu ai muốn gì sẽ được nấy thôi á, vì họ sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ khác để đạt được. Quan trọng ưu tiên của bạn là gì.
Tiên Alien 💛
Để lại một bình luận