Hôm nay là Ngày Quốc tế thiếu nhi. Đây là ngày những người lớn chúng ta dành sự quan tâm đặc biệt cho các em bé xung quanh mình.
Trẻ con là đối tượng cần nhất sự quan tâm, chăm sóc, thương yêu và lắng nghe một cách đầy đủ. Cách người lớn đối xử với trẻ ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành tính cách và tư duy sau này khi bé lớn lên. Giáo dục con trẻ cần có sự kiên nhẫn, tình yêu thương vô điều kiện và kiến thức được cập nhật hàng ngày.
Tuy nhiên, mình tin rằng để chúng ta chăm sóc những em bé nói riêng và mọi người xung quanh mình, ta cần hiểu và biết cách chăm sóc mình trước. Khi bạn hiểu mình, bạn sẽ hiểu cả thế giới là vậy. Vì vậy, ngày hôm nay, đừng làm gì lớn lao. Hãy tranh thủ quay trở về với em bé bên trong mình.
Đứa trẻ bên trong là ai?
Trong Tâm lý học có khái niệm “Đứa trẻ bên trong” (hay còn gọi là Inner Child) dùng để chỉ đứa trẻ thuần khiết bên trong mỗi người. Tâm trí con người thường được chia thành hai phần: Phần ý thức và phần vô thức. “Đứa trẻ bên trong” là phần gắn liền với tuổi thơ nằm ở miền vô thức. Những trải nghiệm tuổi thơ này có thể là tích cực hoặc tiêu cực.
Carl Jung là một chuyên gia tâm lý học nổi tiếng, người đã sáng lập ra nhiều lý thuyết về tính cách, nhân dạng và tâm lý học phân tích. Jung cho rằng “đứa trẻ bên trong” là một khái niệm để khám phá chính bản thân mình. Theo khái niệm của Jung, “đứa trẻ bên trong” hình thành một phần trong tầng ý thức dưới dạng hình ảnh. Điều này tác động đến cách chúng ta tương tác với thế giới.
Khi một em bé sinh ra, tâm hồn em như một tờ giấy trắng với những bản chất thuần khiết nhất: Tình yêu thương vô điều kiện; tính tò mò, sáng tạo không giới hạn; lòng dũng cảm;… Tuy nhiên, những trải nghiệm trong quá trình lớn lên làm chúng ta mất kết nối dần với những phẩm chất thiên thần đó. Chúng ta trở thành những người lớn hoài nghi, suy nghĩ tiêu cực, giới hạn trong tư duy, và sợ hãi nhiều thứ,…
Kết nối lại với đứa trẻ là cách tốt nhất để chữa lành!
Rồi bạn sẽ lại tin yêu, sẽ sống thêm một lần nữa, mở lòng chào đón món quà tuyệt vời của cuộc sống.
Cánh cửa luôn mở, chỉ chờ bạn trở về.
Chúng ta dù ý thức được hay không đều có những trải nghiệm tích cực và tiêu cực thời bé. Có thể bố mẹ rất thương ta. Nhưng phần lớn họ không có đủ kiến thức để biết cách thương con cho đúng. Họ cũng là những đứa trẻ tổn thương.
Có những tổn thương tâm lý hữu hình ta có thể dễ dàng nhận biết được, tuy nhiên lại có những vết thương “tinh tế” hơn. Đó là khi người ta trải qua sang chấn tâm lý đủ đau, tâm lý họ quyết định đóng băng cảm xúc, “xóa” hoặc bóp méo ký ức để bảo vệ bản thân.
Không phải ai cũng đau như thế. Không phải ai cũng có tuổi thơ buồn như thế. Nhưng hiện tại bạn cảm thấy mình khó mở lòng để yêu ai đó, bạn sợ hãi nhiều thứ và mất niềm tin vào con người,… rất có thể đứa trẻ của bạn đã bị tổn thương. Còn nếu bạn may mắn là một người tích cực, hạnh phúc, bạn vẫn cần kết nối lại với em bé đặc biệt này để khai mở những phẩm chất tinh khiết bên trong.
Em bé ấy vẫn luôn ở bên trong, chờ bạn quay trở về. Cửa luôn mở, bạn có đủ dũng cảm để bước qua?
Trở về với chính mình
Nghiên cứu chỉ ra rằng kết nối lại chính là cách để chữa lành.
Sử dụng “cỗ máy thời gian” trở về quá khứ
Bạn là người đã luôn ở đó, đồng hành cùng bạn từ ngày đầu tiên đến với cuộc sống này. Bạn là người đã chứng kiến hết tất cả. Bạn là người hiểu rõ mình nhất, đồng hành cùng mình qua những khoảnh khắc vỡ òa hạnh phúc đến những lúc đau đớn, tuyệt vọng.
Bạn còn không chịu hiểu cho mình, thương mình, chăm sóc mình thì bạn còn chờ ai hiểu cho bạn? Vào một khoảng thời gian tĩnh lặng trong ngày, hãy ngồi xuống và hồi tưởng lại tuổi thơ của mình. Lúc 5 tuổi, bạn đang ở đâu? Bạn đang làm gì? Bên cạnh bạn là ai? Cảm xúc của bạn như thế nào? Tiếp tục đi qua những cột mốc thời gian quan trọng lúc bạn còn là một em bé. Nơi nào bạn nhận ra nỗi đau và tổn thương, hãy chuyển hóa nó.
Trò chuyện với chính mình lúc nhỏ
Bạn có thể làm điều này bằng cách nhìn vào tấm ảnh “khi xưa ta bé” của mình. Đây là bước mà việc chuyển hóa được nhắc đến phía trên diễn ra. Ngoài ra, bạn có thể viết một bức thư gửi chính mình, trong đó bạn viết hết những tâm sự cũng như tách mình làm đôi như một người bạn tâm giao gửi đến em bé của mình những lời khuyên và sự quan tâm. Những điều bạn nên giao tiếp với mình là: “Tôi xin lỗi em.“, “Em hãy tha thứ cho tôi.“, “Tôi cảm ơn em.” và “Tôi yêu em.“
Hãy ôm đứa bé vào lòng với tất cả sự trìu mến và hứa rằng từ nay trở đi sẽ không bao giờ phụ bạc, bỏ rơi bé nữa.
– Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Em bé bên trong dù đã mất kết nối từ lâu, nhưng vẫn luôn tin tưởng và yêu thương bạn vô điều kiện. Chỉ cần bạn thật kiên nhẫn và chân thành, em ấy sẽ mở lòng trở lại.
Học tập trẻ con
Quay về với hiện tại, trẻ con có nhiều điều hay mà người lớn cần học hỏi:
Sống trong hiện tại
Khi đã kết nối lại với đứa trẻ, ngoài thời gian trở về quá khứ để hoàn tất quá trình chữa lành, người lớn chúng ta cần tập sống tại đây và bây giờ.
Bằng năng lực chọn lựa, chúng ta sáng tạo ra chính mình và thiết kế cuộc sống của mình mỗi phút giây. Mỗi giây phút qua đi thì không bao giờ trở lại nữa. Mỗi khắc, mỗi giờ đều là duy nhất vì vậy nó đặc biệt và kỳ diệu.
Sẽ thật là lãng phí nếu dành nguồn tài nguyên hiện tại để hối tiếc quá khứ hoặc lo lắng cho tương lai. Chỉ có sống cho trọn vẹn từng hôm nay một, bạn mới có thể sống hết với những tiềm năng bên trong.
Trẻ con mau giận cũng mau quên vì chuyện giận đã là của… 5 phút trước. Còn “Người lớn hay để bụng rồi thắc mắc sao đi tập gym mãi mà không được sáu múi.” (Trích sách Happiness Internship)
Cách đơn giản để sống trong hiện tại là cứ cách một khoảng thời gian lại tự hỏi mình: “Mình là ai?“, “Mình đang làm gì?“, “Mình đang ở đâu?” bạn sẽ không bao giờ đi lạc nữa.
Nghỉ ngơi và chơi đùa
Người lớn lúc nào cũng tự cho là công việc của họ quan trọng mà bỏ quên việc ăn uống đầy đủ và dành thời gian cho bản thân. Cuộc sống ngày càng bận rộn đòi hỏi con người phải sống vội hơn, làm nhiều việc cùng lúc hơn. Lối sống đó hình thành thói quen luôn phải làm một cái gì đó. Ngay cả khi không còn gì làm nữa, con người vẫn loay hoay thực hiện những hành động vô nghĩa.
Việc nghỉ ngơi không chỉ giúp bạn nạp lại năng lượng, mà thời gian này còn là lúc để những ý tưởng sáng tạo được phát huy. Mỗi tuần, hãy sắp xếp cho mình một ngày, một buổi để nghỉ ngơi, thư giãn hoàn toàn; tự do chơi đùa mà không sợ bị phán xét và đánh giá.
Luôn luôn tò mò và giữ tư duy mở
Trong quá trình trưởng thành, ta hình thành những hệ giá trị, định hình tính cách và niềm tin cá nhân. Chuyện này sẽ không có gì là xấu cả cho đến khi những niềm tin đó trở nên quá cứng nhắc và ngăn cản ta tiếp thu những kiến thức mới, khái niệm mới.
Mỗi người ta gặp đều biết một điều mà ta chưa biết. Mỗi nơi thân quen đều có một điểm thú vị mà ta chưa nhận ra. Giữ trong đầu niềm tin đó để luôn tìm kiếm, lắng nghe và học hỏi.
Những đứa trẻ luôn hứng thú “Quào” lên khi khám phá một địa điểm mới lạ, lặp đi lặp lại từ mới như thể đó là phát hiện lý thú nhất trên đời. Đã bao lâu rồi bạn tự cho mình là biết tuốt và thôi ngạc nhiên với sự việc, sự vật xung quanh mình?
Chẳng bao giờ có một khoảnh khắc nào là tầm thường và bình thường.
– Dan Millman
Dù bạn có ở bên cạnh ai, hãy nhớ kết nối với đứa trẻ bên trong mình. Dù bạn đang ở giai đoạn nào của cuộc đời, mình chúc bạn luôn an yên với bản thân.
Tiên Alien
Để lại một bình luận