Những chú chim được sinh ra trong lồng nghĩ rằng bay là tội lỗi.
“Nhìn mọi thứ như nó là“, hoặc là “nhìn với cặp mắt trong suốt”, “cho phép mọi điều xảy ra” mà không phán xét còn có nghĩa là gạt bỏ đi những định kiến, chuẩn mực, khuôn mẫu, đạo đức, lề thói xã hội để quay về bản chất nguyên thủy của mình.
Thước đo của xã hội không xấu, không sai, chúng xuất hiện như là một phương tiện để giữ cho xã hội trật tự và phát triển. Giống như là những luật trong trò chơi. Muốn thắng trò chơi thì cần hiểu luật. Nhưng cuối cùng thì đó chỉ là phương tiện, chưa phải đích đến. Đích đến là trải nghiệm chơi của bạn, chứ không phải giữ mình trong “chiếc khuôn” để an toàn.
Khi nhìn thẳng vào bản chất của những lề thói đó, bạn sẽ thấy chúng là những “hệ quy chiếu” khác nhau tương ứng với hệ giá trị của một cộng đồng nào đó. Ví dụ, đối với người Hồi giáo, ăn thịt heo là điều cấm kỵ, trong khi với phần còn lại của thế giới là hết sức bình thường. Một ví dụ khác, trong làn giải trí Hàn Quốc, thần tượng có người yêu là điều cấm kỵ, thậm chí còn có thể bị tẩy chay, trong khi đó ở thị trường Mỹ mọi thứ lại thoải mái hơn rất nhiều.
Cũng có những định kiến đã thay đổi dần theo thời gian nhờ có giáo dục và các cuộc đấu tranh đòi bình đẳng: Bình đẳng về chủng tộc, tôn giáo, giới tính,… Giờ thì cán cân lại đảo ngược, ai không có tư tưởng cởi mở, tôn trọng sự khác biệt, đặc biệt đối với thiểu số, thì người đó được coi là bảo thủ và đáng lên án.
No masters or kings when the ritual begins
There is no sweeter innocence than our gentle sin
In the madness and soil of that sad earthly scene
Only then I am human
Only then I am clean
Oh, oh, Amen, Amen, Amen
Để giữ cho xã hội trật tự, cần có những cái khuôn. Nhưng để những con người trong xã hội đó thực sự tự do, thì cái khuôn là rào cản.

Tự do, nghe có vẻ thật hoang dại và thiếu kiểm soát. “Sẽ ra sao nếu ai cũng có một hệ chuẩn riêng chứ không theo cái chung?” – có lẽ nhiều người sẽ hỏi như thế.
Về cơ bản có hai “kiểu” tự do. Người số một nhân danh “tự do” để sống phóng túng, buông thả, theo ý muốn của bản ngã. Kiểu này vừa gây rối loạn xã hội vừa hủy hoại chính mình. Thế nhưng, đây cũng là một cách để đi đến “kiểu” tự do số hai.
Người số một, ban đầu sẽ phá bỏ những vỏ bọc mà chính bản thân họ và xã hội khoác lên mình, buông thả sống theo bản năng. Sau đó, chính họ gặt những quả mà mình đã gieo, chán ngấy với những cuộc tìm kiếm bên ngoài và cái thỏa mãn sớm nở chóng tàn, họ tự đi về trung đạo và trở thành “kiểu” người tự do số hai: Tự do tuôn chảy cùng với luật Tự nhiên.
Người số hai không bị gò bó bởi tiêu chuẩn bên ngoài, đồng thời cũng chẳng chịu ảnh hưởng của tiêu chuẩn mà bản ngã đề ra (thường cũng là phóng chiếu từ bên ngoài). Họ sống thật thà với những suy nghĩ, cảm xúc, cảm hứng sinh diệt xuất phát từ bên trong. Họ khéo léo, uyển chuyển đáp ứng với tình huống mà không có bất kỳ chướng ngại tâm trí nào. Họ sẽ không nghĩ rằng “Vì tôi thế này, nên tôi sẽ không thế kia.” Họ này, hay kia tùy theo tình huống yêu cầu. Một người thực sự được giải phóng thì cũng sẽ chẳng có vấn đề gì với một xã hội còn gò bó. Họ thông minh, khéo léo đáp ứng với xã hội đó nếu cần, và đưa ra những thay đổi, tác động tích cực nếu có thể.
Người thực sự thoải mái với chính mình mới có thể thoải mái với người khác. Thế thì hãy quan sát xem, bạn có thực sự thoải mái với chiều hướng vận động của người khác hay chưa? Chẳng nói gì đến những tiêu chuẩn vĩ mô, chỉ cần xem bạn có đang muốn bạn mình chia tay người yêu của cô ấy vì BẠN nghĩ rằng anh chàng đó không tốt? Hoặc bạn có đang muốn cha mẹ mình sống lành mạnh hơn theo định nghĩa về “lành mạnh” của mình? Bạn có sân lên khi nhìn những nội dung chia sẻ một lối sống khác với cách bạn chọn, nghĩ rằng như vậy là sai trái?
Chỉ cần thấy ai đó nằm ngoài cái khuôn mà bạn đang giới hạn chính mình, bạn sẽ ngay lập tức sợ hãi. Đôi khi nỗi sợ đó được biểu hiện ra ngoài bằng sự lên án, chỉ trích, cáu gắt hoặc đơn giản là một cảm xúc thoáng qua.
Mỗi lần bắt gặp một cái gì đó khác với cách bạn đang vận hành là một cơ hội để bạn mở rộng vùng an toàn của mình, để học cách chấp nhận, cảm thông, chia sẻ lẫn nhau.
Có rất nhiều khoảnh khắc trong đời mình cảm thấy mình khác biệt, cảm thấy ít ai có thể hiểu và kết nối với mình. Trong một xã hội hướng ra ngoài, thì người đi vào bên trong bị cho là thần kinh. :)) Hoặc ít ra thì hiếm khi được hiểu, được sẻ chia.
Nhưng mà mọi thứ dần thay đổi khi mình chọn mở cửa sổ tâm hồn ra nhiều hơn, chọn kết nối thay vì ngắt kết nối. Giống như Phong hay gọi là “Extend Ki”. Chìa khóa chính là mình chọn “tìm điểm giống nhau” thay vì chỉ chăm chăm vào cái khác nhau trên bề mặt.
Hành trình quay vào bên trong đúng là cần có bước tách ly khỏi phố chợ để một mình. Nhưng sau khi đã trụ vững trong chính mình, bạn sẽ thấy rằng chúng ta kết nối với tất cả bằng muôn vạn cách không tên.
Tiên Alien
Trả lời