Có một coachee của mình, là một ông bố 3 con, từng nói với mình là “Cho dù con gái anh 8 tuổi, 18 tuổi, hay 68 tuổi, vẫn là con gái nhỏ của anh. Dù con gái anh sau này trở thành một nhà văn nổi tiếng, hoặc trở thành ai đó trong đời, anh vẫn là bố của nó.”
Có một số tư tưởng cho rằng chúng mình lớn, trưởng thành cần đủ lực để đỡ đần cho cha mẹ. Điều đó đúng, nhưng chưa trọn vẹn. Mình gặp nhiều người con vì suy nghĩ đó mà phải gồng gánh, đóng vai cha mẹ với chính cha mẹ của mình. Trong khi, chúng mình quên rằng cha mẹ cũng có nhu cầu được làm tròn bổn phận của họ với mình, được đơn giản làm cha mẹ.
Chúng mình lớn, kiếm được chút tiền, bèn nghĩ rằng có thể nắm được cả thế giới trong tay, có thể muaduoc hạnh phúc cho cha mẹ bằng vật chất hoặc đơn giản là bằng sự thành công của mình. Nhưng đôi khi, chính sự “tự lực” đó lấy đi của cha mẹ cơ hội được chăm sóc mình như hồi nhỏ.
Mình kể với coachee đó là “Những lúc em về quê, ba em muốn chở em đi đây đi đó (vì em không biết lái xe). Nhưng em đã nghĩ là em lớn rồi, phải tự đi được, có thể datxe để đi thì không nên làm phiền ba.” Anh bảo mình “Sao em ích kỷ như vậy, lấy đi của ba cơ hội chăm sóc em? Con gái của anh chỉ mới 8 tuổi thôi, nhưng nó hỏi anh làm thế nào để kiếm tiền. Anh hỏi ‘Thế sao con phải nghĩ đến kiếm tiền, dù bố chẳng để con thiếu thứ gì cả?’ Con bảo ‘Để bố không cần lo cho con nữa, bố chỉ cần lo cho bố thôi.'” Lúc đó thì mình hiểu ra, yêu thương có vô vàn hình tướng. Nó không nhất thiết như kiểu chúng mình nghĩ.
Sao chúng mình không đơn giản đóng vai con với cha mẹ của mình? Dù là ai trong đời, khi về nhà thì vẫn cứ là không biết, cứ vô tư, cứ dựa vào… Đó là đưa mọi thứ về đúng trật tự tự nhiên của nó.
Nhất là nếu bạn có cha mẹ đã về hưu, họ đã từng sống cuộc sống với nhiều thử thách, và việc làm này làm kia giúp họ cảm thấy sống, cảm thấy sự tồn tại của mình có ý nghĩa. Nhưng nếu bạn vì yêu thương họ, không cho phép họ làm gì cả, kể cả làm những điều rất nhỏ cho bạn, bạn đẩy họ vào cảm giác không được cần tới, không được là mình.
Nếu cha mẹ bạn muốn lo, cho phép lo của họ.
Nếu cha mẹ muốn chăm bạn, cho phép họ.
Nếu cha mẹ muốn làm, tự kiếm tiền, dù bạn có thể chăm sóc họ, hãy để họ làm việc họ muốn.
Nếu cha mẹ muốn càu nhàu, sẽ có lúc bạn thấy sự càu nhàu đó cũng dễ thương, nó khiến họ là họ. Vì mẹ là mẹ nên mẹ mới thế. :))
Đương nhiên là trừ khi cha mẹ bạn muốn khác. :))) Ý của mình chỉ là yêu thương là lắng nghe xem đối phương thực sự cần gì, cho phép họ là họ, dù cho mình chọn sống khác. Đồng thời, bạn cũng có thể để ngõ lời mời “Nếu cha mẹ cảm thấy mệt, con có thể hoàn thành phần đó thay cha thay mẹ. Nhưng nếu muốn ôm vào, thì cha mẹ được tự do làm thế.”
Mình lại có một coachee khác bảo với mình là “Chị muốn không dính mắc, lo lắng cho con chị nhiều nữa, chị cũng đâu muốn can thiệp vào cuộc sống của con nhưng chị không làm được.” Mình bảo “Vì chị là một người mẹ bình thường, những lưu luyến đó là bình thường. Chứ chị đâu phải người máy.” Chỉ là chúng mình có thể học cách lắng nghe nhau một tí để không làm nhau “ngột ngạt” trong không gian của mình.
Người cởi mở tự do thực sự không phải là người mà phải tự do, cởi mở thì mới được. Mà là người đủ rộng để chứa cả sự không tự do nữa.
Nếu bạn may mắn có tâm thức rộng hơn những người tiền nhiệm, đó là cơ hội của bạn để ôm ấp họ, chứ không phải loại trừ, từ chối, không cho phép họ.
Điều này tương tự với việc cho phép chồng là chồng của mình. Để ảnh chăm sóc mình và con cái chung.
Cho phép mình được nhận sự giúp đỡ, hỗ trợ, nguồn lực…
Điều tuyệt vời nhất bạn có thể nói với mẹ là “Mẹ ơi, con cần mẹ.”
Điều mà người đàn ông của bạn muốn nghe nhất là “Anh ơi, em cần anh. Không có anh em không biết phải làm sao.”
Chúc bạn một cái Tết ai cũng được Là Mình.
Tiên Alien
Để lại một bình luận