Hôm trước có một anh nhắn cho mình với nội dung chính là “Nền tảng của đạo Phật là sufferings exist (đời là bể khổ), nhưng đạo Phật cũng quan niệm “there is nothing” (không có khổ, cũng như không có người chịu khổ), đấy là sự mâu thuẫn. Em viết đời không là bể khổ đúng lắm, và dũng cảm khi nói ngược với quan niệm vốn được coi là nền tảng của đạo Phật.”
Cách tiếp cận của mình với hai “lời dạy” trên là:
Đã qua rất rất lâu rồi từ khi Đức Phật tại thế. Những gì chúng ta biết chỉ là kinh sách ghi chép lại thôi. Thì nó sẽ dẫn đến khả năng thứ 1 lỗi ghi chép và truyền đạt lời Đức Phật. Hoặc thậm chí theo những ý hiểu khác nhau mà dẫn tới ghi chép sai lạc. Khả năng thứ 2 là có thể Đức Phật giảng như vậy cho hợp với đời sống thời đó. Còn giờ đã khác. Cần có cách tiếp cận khác.
Khả năng thứ 3 là cả hai lời dạy trên đều đúng sự thật, tuy nhiên là Đức Phật dành cho 2 đối tượng khác nhau: Câu “Đời là bể khổ” phù hợp với đại chúng, để mọi người phát tâm tu tập. Còn câu “Khổ không có thật, càng không có người chịu khổ” hợp với những người đã tu lâu, tìm đạo lâu ngày để giác ngộ ra chân phúc.
Giống tác giả Cao Minh từng viết “Đối với người ngộ tính, có thể lý giải hoặc thông tuệ, anh giảng giải ý nghĩa nguyên gốc cao thâm của tôn giáo để đối phương hiểu được điều kỳ diệu của tôn giáo, ví như Phật pháp. Nhưng đối với những kẻ ngu muội thiếu ngộ tính hoặc bị cảm xúc làm mờ mắt, những thứ đó chắc chắn vô tác dụng. Ví dụ, có người đang ở đỉnh cao cảm xúc, phẫn nộ chẳng hạn, anh ta muốn làm hại người khác, anh có thời gian nói với anh ta ‘Tôi giảng giải đạo lý cho anh nghe nhé’ không? Lúc đó anh ta có nghe lọt tai không? Làm vậy không thực tế, đúng không? Nếu anh hét lên: ‘Anh sẽ bị báo ứng xuống đ.ị.a n.g.ụ.c, sẽ tăng khả năng anh ta dừng tay lại, đúng không? OK, mục đích nằm ở đấy, đạt được mục đích là được, không quan tâm th.ủ đoạ.n hay phương thức, đạt được mục đích mới quan trọng. Đây cũng là không chấp tướng trong tôn giáo – không chấp tướng, không cố chấp với vẻ ngoài (biểu tướng), không cố chấp vào một hình thức, cách thức nào cũng được, đi thẳng vào lòng người mới quan trọng.”
Hiểu được điều này, có lẽ những người tu sẽ không còn phán xét hoặc có ác cảm nhiều với sự răn đe của phước và họa, thiên đường và đ.ị.a n.g.ụ.c nữa.
Những thông điệp từ mình đôi khi hợp đối tượng này nhưng hết hấp dẫn với đối tượng khác đang ở tầng nhận thức và trải nghiệm khác. Mình biết. Mình chỉ mong là tất cả chúng ta có thể đọc và tiếp nhận mọi thông tin một cách cởi mở, hiểu rằng nó không khớp với mình nhưng nó lại chạm và cần thiết cho người khác. Bản thân ngôn ngữ và sự truyền đạt đã nhị nguyên rồi. Bám chấp vào ngôn từ, hay vào ý hiểu của mình với ngôn từ cũng là một trở ngại trong tu tập. Nhìn trăng mà chỉ thấy ngón tay là vậy.
Ngay cả giáo pháp cũng có vô số. Không cần phải đấu tranh để xem đâu là chánh pháp, mà cần xem pháp tu nào hợp với mình của hiện tại, mình có cảm thấy theo pháp tu này mình bình an hơn, ít tham sân hơn, hòa bình với mọi người hơn hay không… Nếu tu mà càng ngày càng phân biệt, ngã mạn, sân si thì không phải là chánh pháp rồi.
Đừng tin chỉ vì đó là lời Phật dạy, hãy đối chiếu với sự thật bên trong.
Tiên Alien
Để lại một bình luận