Mình có một anh bạn từng chia sẻ với mình là anh cũng từng thiền Vipassana nhưng nói chung anh cũng không muốn đi sâu vào tâm linh, vì anh thấy giác ngộ, không còn muốn gì cả, chán òm à. Trong khi anh vẫn đang muốn sống cuộc sống có ý nghĩa, tạo ra thật nhiều giá trị.
Mình thấy nỗi sợ, hoặc băn khoăn của anh bạn mình cũng giống nhiều bạn trên hành trình tỉnh thức, đặc biệt là những người đang đối diện với “ngưỡng cửa”. Lúc mình nhận diện ra “cái tôi tâm linh” và trải qua “bóng tối linh hồn” lần 2 (dù đến giờ thì mình thấy cả “cái tôi tâm linh” cũng là một ảo ảnh), mình cũng từng có những nỗi sợ tương tự như vậy. Thật buồn cười khi phải nói rằng mình sợ mình chưa kịp yêu một người cho đàng hoàng tử tế thì đã… chuyển sang yêu vạn vật rồi. :)))
Nhưng mà sau đó, mình thấy mọi thứ không như mình từng nghĩ, từng tưởng. Nỗi sợ là thức ăn của bản ngã. Cái tôi nhỏ bé này chỉ có thể tồn tại nếu ta tiếp tục nuôi dưỡng nó bằng những ý nghĩa, giá trị nhất thời, những việc ta cho là quan trọng.
Vì sao ta sống?
Nhiều người cho rằng nếu thấy cuộc đời vô nghĩa, thì rất dễ chán sống. Thậm chí lúc mình chia sẻ bài “3 giai đoạn thức tỉnh tâm linh“, còn có bạn bảo thế sao không chết đi? Chà, nếu mà ta chỉ sống khi đời có nghĩa, và đòi chết nếu ý nghĩa (cái mà tâm trí ta gán vào cuộc sống chứ không phải bản chất cuộc sống) mất đi, thì thành phần đòi chết đó cũng là một bản ngã khác.
Về cơ bản, nhân vật mà muốn sống cuộc đời ý nghĩa, để lại “dấu ấn” của mình lên cuộc sống, cho dù mình có mất đi thì người đời sau còn nhớ mãi, là một bản ngã. Nó sẵn sàng chết đi khi nhận ra ý nghĩa mà nó từng sống vì hóa ra chỉ là một giấc mơ. Nó thấy toàn bộ tồn tại của nó trở nên vô nghĩa. Mọi cố gắng, nỗ lực, thậm chí là cái khổ mà nó từng chịu đựng vì một tương lai đầy hứa hẹn đột nhiên hóa hư không. Nên nó thà chết còn hơn phải sống với một thực tại trống rỗng như thế.
Mình thấy việc chủ động chọn kết thúc sinh mạng khi chưa đến hạn của nó là đi ngược với tự nhiên, là ý muốn của cái tôi nhỏ bé, chứ không phải của cái toàn bộ. Thế thì mình vẫn sống tiếp, đơn giản vì còn có thể. :))
Có vô vạn nhân duyên đã hợp thành cho ta ở đây vào ngay lúc này, trải nghiệm thực tại này. Tự nhiên đòi chết có phải là phí của trời không? :)) Đã có duyên ở đời, thì mình cứ sống thôi, dù cho mình thấy chán, thấy thích, hay thấy gì đi nữa, cái thấy hay cái cảm giác đó cũng chỉ là nhất thời. Kiểu gì mình cũng sẽ chuyển sang trạng thái mới.
Tại sao tỉnh thức không… chán òm như ta vẫn tưởng?
Khi nhận ra bản chất thật của mình không phải chỉ là cơ thể này, cái tên này, chức vụ hay vị trí của mình trong xã hội, cũng không phải vai trò của mình trong gia đình, càng không phải là một linh hồn luân hồi qua nhiều kiếp,… ta sẽ tham gia vào cuộc sống với một tâm thế rất khác.
Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta.
– Kinh Vô ngã tướng
Bạn nhận ra cuộc sống “của bạn” thực chất chỉ tạm thời, giống như một trò chơi trên máy tính. Bạn biết trò chơi là ảo, nhưng vẫn thấy nó hấp dẫn, vẫn tham gia nhiệt tình. Sự không đồng hóa mình với nhân vật trong trò chơi đôi khi còn giúp bạn chơi với tâm thế thoải mái và hết mình hơn, khi không còn nỗi sợ. Cụ thể là giả như nhân vật trong trò chơi của bạn có bị thương, bị mất đi một số chiến lợi phẩm, thì bạn ở ngoài đời vẫn chẳng hề hấn gì. Bạn vẫn khỏe và vẫn có thể chơi lại từ đầu. Đó là lợi lạc của việc không đồng hóa.
Nếu bạn chán trò chơi đó, bạn hoàn toàn có thể thoát ra, và chọn chơi trò khác. Bạn không giới hạn mình trong không gian trò chơi ban đầu, nghĩ rằng mình chính là nhân vật trong đó, khi màn chơi kết thúc thì mình cũng đi tong.

Ảnh cắt từ phim Free Guy
Bên cạnh đó, bạn thoải mái sáng tạo, trải nghiệm nhiều cách hoàn thành trò chơi, mà không sợ hãi rằng nếu mình đi sai nước này là tiêu đời rồi. Ứng dụng vào đời sống, khi bạn coi nhiều thứ là quan trọng và có ý nghĩa, bạn không dám sống hết mình vì nỗi sợ. Ví dụ như không dám tỏ tình vì sợ mất mặt, không dám nghỉ việc để tự làm riêng vì sợ đói,… Nếu bạn nhận ra rằng đây chỉ là một trò chơi, một giấc mơ, nó sẽ kết thúc trước khi bạn kịp trải nghiệm trọn vẹn mọi cung bậc của nó, có lẽ bạn sẽ hết mình với một tâm thế khác.
Cái hết mình của người sống có ý nghĩa khác cái hết mình của người sống mà không cần dựa vào ý nghĩa hay giá trị.
Người thứ nhất nghĩ rằng mình chỉ có giá trị khi mình tạo ra giá trị, do đó, họ cố sức cả đời để đạt được những mục tiêu mới, chinh phục những ngọn núi mới, sau đó, vỡ mộng khi dù đứng trên đỉnh rồi vẫn không cảm thấy thỏa mãn. Động lực của họ dựa trên sự thiếu thốn bên trong, dù có bù đắp bằng nhiều thành tựu bên ngoài vẫn không sao lấp đầy.
Người thứ hai nhận ra bản chất thật của mình, nên không còn cần đi tìm, không có gì để đạt được. Họ luôn cảm thấy trọn vẹn, đủ đầy bên trong chính mình. Mọi cái chạm của họ vào cuộc sống dựa trên sự dư dả, cho đi mà không thấy mất, trái lại còn thấy được. Họ tự do trải nghiệm mọi cung bậc của cuộc sống mà không dính mắc vào cuộc sống.
Họ vẫn sống, hết mình, sáng tạo và cống hiến xuất phát từ niềm vui, hoan hỉ và thoải mái. Chính trong sự cởi mở đó, Tạo hóa sáng tạo thông qua họ, nhờ vậy mà không cần cố sức hay mong cầu, mà việc vẫn thành.
Vô ngã
Vì chúng ta vẫn sống giữa phố chợ, giữa đời thường, vẫn có cái tên, vẫn còn gia đình, bè bạn, nên không thể nói tỉnh thức là phải từ bỏ mọi nhân dạng đó. Cái bỏ chỉ diễn ra trong tâm thức mà thôi.
Sự buông bỏ đem lại cảm giác thoải mái để hết mình với tất cả. Giống như bông hoa nhận ra nó không chỉ là hoa hồng, mà hoa đào bên cạnh cũng cùng “chất liệu” như nó. Nhưng nó vẫn là hoa hồng, và đào vẫn là đào. Thông qua việc nở thành bông hồng, nó làm đẹp cho cuộc đời, hay cuộc đời trải nghiệm và hiển lộ thông qua bông hoa.
Tiên Alien
Trả lời