Chuyện là hôm qua mình thấy một con gián trong phòng tắm.
Điều đáng sợ hơn việc thấy con gián, chính là tự nhiên không nhìn thấy nó nữa. Khi đó, rõ ràng là con gián biến mất khỏi tầm nhìn của mình, nhưng suy nghĩ về con gián vẫn còn. Lúc này, phòng tắm vẫn (trông như) không có gián (hệt như lúc trước khi con gián xuất hiện), nhưng điều thay đổi chính là trong nhận thức của mình. Mình đã ý thức: Có một con gián đang ở đây, mình chỉ không nhìn thấy nó thôi.
Chính nhận thức này thay đổi hoàn toàn cảm xúc và cách phản ứng của mình với cái phòng tắm (trông như) không có gián: Mình bắt đầu hoang mang và cẩn trọng hơn, đồng thời cũng làm mọi cách để tìm cho ra được con gián ấy.
Nếu so sánh với hình ảnh phòng tắm cũng không thấy gián trước đó, mình đâu có nỗi sợ đó, cũng không cần lục tìm coi có con vật gì lạ ở đây hay không.
Tương tự như vậy, trong cuộc sống có rất nhiều thứ mà khi có thêm thông tin, bạn sẽ thay đổi hoàn toàn cảm xúc, phản ứng cũng như hành động.
Mình gọi những điều đó là “hình tướng”, chưa phải thực tại đang là, hay sự thật tuyệt đối.
Bạn sẽ thấy “hình tướng” ở khắp nơi.
Ví dụ, người bạn yêu có thể thân thiết, gần gũi hay có tình cảm với người khác, nhưng bạn không biết thì bạn vẫn vui vẻ, hạnh phúc. Chỉ khi bạn nhìn thấy “dấu hiệu” nào đó thử thách niềm tin của bạn, bạn mới bắt đầu sợ mất người yêu, hoặc sân hận, ghen tuông,…
Tương tự như câu chuyện con gián phía trên, nếu con gián cứ thầm lặng ở trong phòng tắm mà mình không thấy, mình sẽ vẫn rất thoải mái. Thì trong trường hợp này, bạn sẽ có một “lâu đài” niềm tin kiên cố về tình yêu màu hồng của bạn và đối phương, dù thực tế có phải vậy hay không, cho đến khi bạn thấy các bằng chứng chứng minh điều ngược lại.
Lại một ví dụ khác, dạo này mình có đầu tư tiền điện tử. Nhắc đến đầu tư thì chúng ta thường xét về tầm nhìn dài hạn, hơn là lời/lỗ trong ngắn hạn. Trong đầu tư thì có hai dạng thông tin cơ bản cần quan tâm, một là các tin tức biến động trên thế giới, hai là biến động về giá trên biểu đồ.
Nếu xét về đầu tư dài hạn, bạn hoàn toàn có thể tìm hiểu thật kỹ về một thứ mà bạn muốn đầu tư, sau đó để đó cho dòng tiền tự vận động, một thời gian sau kiểm tra lại. Nhưng mà nếu bạn theo dõi tin tức và biểu đồ mỗi ngày, bạn sẽ rất dễ lạc trong mê cung của FUD (fear-uncertainty-doubt).
Biến động trong ngắn hạn có thể là rất lớn, nhưng xét về dài hạn, một số dự án phát triển bền vững sẽ sinh lời. Nhưng trong trường hợp này, vì bạn có nhiều thông tin hơn, nên bạn sẽ dễ bị tác động cảm xúc, và đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc (ví dụ như mua và bán thiếu kế hoạch).
Biến động của thị trường cũng là “hình tướng”. Chỉ vì bạn theo dõi nó, nên bạn bị ảnh hưởng bởi nó. Còn nếu bạn chẳng biết hôm nay giá cả đã có biến động lớn, bạn vẫn thản nhiên làm việc của mình, đợi một điểm thời gian nào đó trong tương lai để gặt quả.
Một ví dụ khác trong tâm linh. Trước khi tìm hiểu tâm linh, những ngày như trăng tròn, 11/11, hay những con số thiên thần,… chẳng có tác động gì đến bạn. Có những “kiến thức” tâm linh, nếu không biết thì bạn vẫn sống tốt và vui vẻ, nhưng vì biết nên bạn thay đổi cảm xúc và hành động xoay quanh “sự kiện” đó. Bạn bắt đầu “dán nhãn” người khác dựa trên bản đồ sao, hay mức năng lượng. Bạn bắt đầu cho rằng người khác đang khổ, và như bạn mới là đang “tu tập đúng hướng” và hạnh phúc viên mãn.
“Hình tướng”, một lần nữa, khác xa sự thật thường hằng ở chỗ nếu bạn đặt sự chú ý vào đó thì nó hiện, bạn kệ nó đi thì nó mất. Vô thường là bản chất của hình tướng. Nếu hạnh phúc của bạn dựa trên hình tướng, coi hình tướng là tuyệt đối, bạn tự bám chấp vào một ảo ảnh. Mà ảo ảnh nào cũng có điểm kết thúc. Nó giống như việc xây dựng một lâu đài kiên cố và đẹp đẽ trên cát, nghĩ rằng nó sẽ trường tồn như kim tự tháp Ai Cập.
Hình tướng đó có thể là sự xuất hiện của con gián, của người thứ ba trong mối quan hệ, hay giá cả lên xuống. Hình tướng đó cũng có thể là cái gì đó đằng sau nữa, ví dụ như là nỗi sợ gắn với con gián là sự không sạch sẽ, nỗi sợ bị bỏ rơi trong tình cảm, hay sợ mất hết số tiền đặt vào một phi vụ đầu tư. Hình tướng đó còn có thể là sự bám chấp vào việc phải sạch sẽ, dính mắc vào một mối quan hệ lành mạnh mà bản thân tự vẽ lên, hoặc sự giàu có bằng việc đầu tư…
Chỉ có hình tướng mới có “lớp lang” như thế, còn sự thật tuyệt đối lại rất đơn giản. Bạn có thể làm phần việc mà phần lớn các healer đang làm: bóc từng lớp vỏ hành để đào coi đằng sau một hình tướng là gì? Có thể là một khuôn mẫu cũ kỹ, một ký ức tưởng chừng đã quên, hay một tổn thương chưa lành miệng,…
Hoặc bạn cũng có thể nhận biết có hình tướng rồi thả nó đi. Dù là gì cũng buông cả. Thế thì chẳng cần đào, chẳng cần “gắn nhãn” hoặc tìm lý do cho một hiện tượng. Chỉ cần thấy hình tướng, nhận biết có hình tướng, và buông bỏ.
Buông bỏ, như mình đã viết nhiều lần, không phải là từ chối tham gia vào cuộc sống, mà là không chấp rằng cuộc sống phải vận hành như ý mình.
Thấy gián thì mình vẫn phải “săn lùng” cho ra nó rồi mới an tâm ngủ ngon, vẫn phải dọn phòng tắm, chứ không tự huyễn hoặc rằng “con gián là ảo ảnh” đâu.
Yêu và chia tay là chuyện thường tình. Muốn không chia tay thì đừng yêu. Muốn không mất tiền, thì đừng đầu tư. Muốn không chết, thì đừng sống.
Hình tướng chẳng có gì là “xấu”, hay phải đẩy đi, gạt đi như cách nhiều người tìm đạo đang làm. Hình tướng là phương tiện để chúng ta trải nghiệm cuộc sống muôn màu muôn vẻ này.
Có thêm thông tin, kiến thức không phải là chuyện tốt hay xấu. Thông tin tự nó trung tính. Cái gây ra khổ chỉ là sự dính mắc của bạn vào thông tin mà thôi. Kiến thức giống như bộ áo giáp bạn đạt được trong trò chơi, hỗ trợ bạn chơi hiệu quả hơn. Thế thì việc cần làm không phải là ngừng học hỏi kiến thức, hay từ chối cập nhật thông tin mới, mà là không coi nó là tuyệt đối.
Tham gia hết mình vào cuộc đời, nhưng vẫn neo tâm ở Trung đạo, chính là tự do đích thực. Mà nếu quan sát thật kỹ, bạn sẽ thấy bạn không thể lấy thêm gì từ cuộc đời, cũng chẳng mất gì qua những trải nghiệm cả.
Tiên Alien
Trả lời