Hỏi: Nếu những bạn trẻ, mà chưa đạt được những thành tựu trong công việc và cuộc sống, ví dụ công việc thu nhập chưa cao… hoặc những bạn giống như ở trên mà mới lập gia đình, hoặc đã lập gia đình được một thời gian rồi, mà chịu áp lực rất lớn từ gia đình về tài chính và những áp lực gia đình khác, về tư duy, suy nghĩ với vợ/chồng.
Mà bạn quan tâm đến phát triển tâm linh giống như “tôi chỉ cần mình tôi vui, mình tôi thấy thoải mái, mình tôi thấy hạnh phúc là đủ”, đó sẽ là một mâu thuẫn và một áp lực cho các bạn, trên con đường phát triển tâm linh và giải quyết các công việc hàng ngày đó. Rất mong nhận được chia sẻ của Cô Tiên về điều này?
Trả lời: Đây là câu hỏi tiêu biểu cho câu hỏi chung “Làm thế nào để cân bằng giữa đời và đạo?” Với tâm thế của mình hiện tại, mình không thấy nó có mâu thuẫn hay áp lực, cũng không thấy đạo và đời tách biệt, chia chẻ để mà cân bằng. Đời cũng là đạo, mà đạo ở trong đời. Làm sao để cân bằng một thứ đây?
Chính suy nghĩ rằng chúng mâu thuẫn nhau, phải chọn một trong hai, đã kéo ta chia lìa khỏi đạo (cái Một hằng có). Vì nghĩ rằng đời thường và tâm linh là khác nhau, nên phải chọn một. Nếu ta thấy nó giống, hài hòa nhau, tương tức nhau, vận động trong nhau, chuyển hóa lẫn nhau, ta vẫn có thể sống giữa đời thường, trong khi đó duy trì lối sống tâm linh.
Trên đây là góc nhìn của đạo. Đạo tiếp cận mọi thứ với thái độ hòa giải chứ không chống đối, là Một chứ không chia chẻ. Mà thực tế là nếu sống thuận đạo, thuận tự nhiên, mọi hành động, tương tác trong cuộc sống tự đó mà trôi xuôi. Hay cụ thể trong trường hợp của câu hỏi là nếu sống đúng tinh thần tâm linh, dòng chảy tự nhiên sẽ đưa người đó trở thành điều mà họ sinh ra để trở thành, đồng thời chẳng có mâu thuẫn với ngoại cảnh, vậy chính là thành công rồi. Hãy nhìn những cây xanh trong khu rừng, chúng tự do mọc theo cách của riêng nhưng vẫn chừa những khoảng không gian cho nhau, cùng nhau sinh hóa.
Nói đến đây, mình sẽ bước thêm 1 bước nữa để tiếp cận câu hỏi ở góc nhìn của những bạn đặt câu hỏi (tức là có thể bạn chưa nhìn thấy được tính liên thuộc của tất cả, của đạo và đời).
Tại sao chúng ta phải “đạt được thành tựu trong công việc và trong cuộc sống”? Mà thế nào gọi là “có thành tựu”? Tại sao một người phải có thu nhập cao? Nếu như một người không cảm thấy cần có thu nhập nhiều hơn mức họ đang làm ra, và cũng không có nhu cầu tiêu nhiều hơn mức sống hiện tại, có lý do nào người đó phải nỗ lực để nâng cao thu nhập? Mình thấy trong trường hợp này có lẽ chúng ta lại gắn chuẩn mực phải có nhiều tiền mới là có thành tựu vào trong chính mình và gắn lên người khác rồi. Bất kể thứ gì mà nhiều hơn mức chúng ta cần, đều sinh ra khổ, không sớm thì muộn.
Một người tâm linh không phải là phủ định tầm quan trọng của vật chất, hoặc vị trí trong xã hội. Họ cũng có thể làm ra rất nhiều tài sản, nhưng tác ý của họ xuất phát từ mong muốn, khát khao, nội lực bên trong. Thiền nhân sẽ làm việc quan trọng, cần làm đối với họ, xuất phát từ niềm yêu thích thật sự, chứ không vì tác nhân bên ngoài. Vậy thì khi có mâu thuẫn xảy ra, hãy thử tự hỏi mình xem mình đang vận hành dựa trên khát khao thực sự của bản thân hay do yếu tố nào khác?
Đối với mình thì thành tựu thực sự chính là sống đúng với con người mình, tự do khỏi mọi quy chuẩn, kể cả tự do khỏi tiêu chuẩn do chính mình đặt ra. Người ta hay gắn nhãn cho người tâm linh là phải thoát ly khỏi vật chất. Đó cũng là một vướng bận.
Xét về các yếu tố ngoại cảnh tác động lên lựa chọn cá nhân người thực hành tâm linh (ở đây là gia đình), mình tin vào thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Thái độ của mình luôn là hòa giải, hài hòa bên trong lẫn bên ngoài. Mình có những lựa chọn sống rất riêng mà người thân mình chẳng thể nào hiểu được. Nhưng mình không yêu cầu ai sống như mình cả, ngược lại, mình tôn trọng mọi lựa chọn của mọi người. Nó giống như việc ta đưa hai tay lên đầu hàng, thể hiện thiện chí cho đối phương thấy.
Mình nghĩ ưu tiên chính là mấu chốt. Có những lúc bạn phải chọn thay tã cho con, thay vì ngồi thiền. Có những thời bạn phải chọn bỏ tham gia một khóa tu, để đi làm, dành tiền cho con đi học. Mỗi thời điểm có một sự ưu tiên khác nhau, mà chỉ có bạn mới biết điều gì thực sự quan trọng và thiết yếu vào lúc đó. Không có công thức nào chung cho tất cả.
Mình không nghĩ thái độ “tôi chỉ cần mình tôi vui, mình tôi thấy thoải mái, mình tôi thấy hạnh phúc là đủ” là hoàn toàn phù hợp. Thay vào đó nên là hướng đến sự thoải mái cho tất cả. Thực hành tâm linh của bạn nên đem lại hạnh phúc cho tất cả, đó là đích đến cuối cùng.
Mình nghĩ mọi thứ mang tính giai đoạn. Tức là một giai đoạn nào đó, bạn cần một mình, thế thì sự một mình là cần thiết. Giai đoạn khác bạn cần mang cái bình yên của mình ra bên ngoài, thế thì hòa nhập là điều cần. Không có trạng thái cân bằng mãi mãi, mà thực chất thực hành sống với đạo cũng như việc đạp xe vậy, bạn sẽ chỉ có thể tiếp tục đạp để duy trì những điểm thăng bằng tạm thời mà thôi.
Tuy vậy, chia sẻ này từ mình cũng chỉ là một chỉ dẫn khác mà thôi. Có lẽ cái vướng của nhiều bạn thực hành tâm linh chính là đọc nhiều, hiểu nhiều (bằng trí năng) mà không thực sự đưa nó vào đời sống. Vì vậy cho nên để trả lời câu hỏi “Làm thế nào?” thì chỉ có duy nhất một cách đó là “Làm thôi!”
Có thể bạn sẽ va vấp nhiều lần, bạn sẽ vẫn thấy nhiều mâu thuẫn, trắc trở, lắng lo. Có thể bạn đã rất nỗ lực nhưng vẫn không sao làm “đúng” được cả. Có thể bạn chẳng tìm ra được cái điểm cân bằng đó, mà chỉ thấy đời cứ bấp bênh, lộn xộn, ngả nghiêng qua lại giữa hai thái cực.
Mà chính cuộc sống sẽ dạy cho bạn thông qua trải nghiệm. Ví dụ như bạn ích kỷ, tách biệt với thế giới một thời gian, bạn thấy ồ nó cũng không thuận đạo lắm, thế thì lại đi ra ngoài. Ra ngoài sân si, bon chen với đời một hồi, bạn lại thấy ồ đây cũng không mang lại chân phúc. Tự bạn nhận ra, tự bạn thay đổi, tự bạn gia giảm gia vị cho bữa ăn của chính mình.
Mình nghĩ đối với các bạn trẻ có lẽ điều cần là kiên nhẫn với bản thân. Biết rằng mình đang không biết. Cho phép mình được không biết. Thoải mái với trạng thái hiện tại. Trưởng thành là một quá trình, không ai có thể làm đúng ngay từ lần thử đầu tiên.
Tiên Alien
Trả lời