Đức Phật đã làm việc trong sáu năm – làm việc nghiêm túc. Tôi nghĩ không có ai đã làm việc nghiêm túc như vậy. Người đã thực hiện bất kỳ điều gì được cho biết, thực hiện bất kỳ điều gì Người được nghe, bất kỳ điều gì Người đã thu thập ở mọi nơi. Người đến với mọi dạng Bậc Thầy và Người đã thực hiện công việc thực sự miệt mài, rất thành thực, rất nghiêm túc. Nhưng rồi vào một ngày, sau sáu năm phí hoài, Người đã thấu hiểu rằng thực tế nó sẽ không xuất hiện theo cách đó, rằng “Tôi càng làm việc về điều đó, tôi càng hiện diện.” Ngày đó Người đã không còn lo nghĩ, Người bỏ toàn bộ sự tìm kiếm. Và chính đêm đó… Và đó lại là một đêm trăng tròn. Trăng tròn có một cái gì đó liên quan đến nó: Trăng tròn ảnh hưởng đến tâm hồn bạn cũng sâu sắc như nó ảnh hưởng đến đại dương. Trăng tròn khuấy động bạn hướng tới vẻ đẹp và phúc lớn. Nó gây ra một cái gì đó trong bạn… thuốc tiên. Nó làm cho bạn nhạy cảm tới mức bạn có thể nhìn thấy những thứ bạn chưa bao giờ nhìn thấy trước đó.
Đó là đêm trăng tròn. Phật thư giãn, tuyệt đối thư giãn, lần đầu tiên ngủ – bởi vì khi bạn đang tìm kiếm một cái gì đó, làm sao bạn có thể ngủ? Ngay cả trong giấc ngủ sự tìm kiếm vẫn tiếp tục, ước mong tiếp tục tạo ra những giấc mơ. Bây giờ tất cả đã thất bại. Người đã nhìn thấy thế gian, vương quốc, niềm vui và sự đau khổ của tình yêu và mối quan hệ, sự thống khổ và mê muội của cơ thể, của tâm trí; và thế rồi Người đã là một nhà tu khổ hạnh, một nhà sư đã theo nhiều con đường – Người đã nhìn thấy quá nhiều. Người cũng đã nhìn thấy cái gọi là thế gian và cũng đã nhìn thấy cái gọi là thế giới-khác, và cả hai đều đã thất bại. Bây giờ không có nơi nào để đi, thậm chí không một tấc để di chuyển. Mọi mong muốn biến mất. Khi người ta tuyệt vọng, làm sao họ có thể ước mong? Ước mong có nghĩa là hy vọng. Ước mong có nghĩa là vẫn còn một cái gì đó có thể thực hiện.
Đêm đó Phật trở nên biết rằng KHÔNG GÌ có thể được thực hiện, không có gì cả. Hãy nhận ra điểm đó, đó là điều tuyệt vời… không gì có thể được thực hiện, không có gì cả. Người đã thư giãn. Cơ thể Người chắc phải trong trạng thái buông bỏ, trái tim Người buông bỏ, không ước mong không tương lai. Thời điểm này là tất cả.
Người thường nói với các môn đệ của mình, “Ta đã làm việc rất tích cực và không thể đạt được gì, và khi ta bỏ rơi ý tưởng làm việc thì ta đạt được.”
– Trích từ sách Bí mật của những bí mật, Osho
Hôm nay, nhân Lễ Phật Đản, mình có cảm hứng viết về hành trình đi tới Không, để rồi nhận ra thứ mình hằng tìm kiếm, tu tập cực khổ, học hành chăm chỉ, từ bỏ nhiều thứ để hướng về, hóa ra đã luôn ở đây.
Mình bắt đầu Hành trình tâm linh khoảng đầu năm 2018. Khi thế giới vật chất không đem lại cho mình phúc lạc vĩnh cửu, bước chân vào thế giới tâm linh huyền hoặc, có nhiều điều đã thu hút sự chú ý của mình. Có nhiều phương pháp thực hành hấp dẫn để chúng ta làm chủ cuộc sống, đoán biết số phận trong kiếp này, quy hồi về kiếp trước, chữa lành năng lượng…. Xin nói thêm rằng những phương pháp đó là công cụ hữu hiệu, như con dao vậy, rơi vào tay bà nội trợ thì làm ra bữa ăn ngon, rơi vào tay kẻ cướp thì thật nguy hiểm. Bản chất mình không phủ nhận mọi phương pháp, tôn giáo hay con đường tâm linh nào. Chỉ là có lẽ bạn và mình nếu đã từng đam mê các trò chơi huyền hoặc, sẽ ít nhất một lần sụp “bẫy”.
“Bẫy” hoặc “cái tôi tâm linh”
Chà, mình cũng không có dự định viết về nó, dù đã qua một thời gian đủ dài rồi, vì trên thực tế “cái tôi” là không có thật. “Cái tôi” nào dù là tâm linh hay đời thường, cũng chỉ là một ảo tưởng mà cần ta dùng năng lượng và tâm sức để duy trì.
Chúng ta duy trì sự sống của “cái tôi” bằng cách chạy đuổi theo những điều kiện ngoại cảnh thuận lợi, bằng cách đặt hạnh phúc của mình vào tay một ai đó khác không phải bản thân mình dù đó là vị thầy tâm linh, người yêu, chồng vợ, con cái hay bố mẹ…
Chúng ta nuôi dưỡng “cái tôi” bằng nỗi sợ, bằng đè nén, rén, phán xét,…
Chúng ta chăm “cái tôi” bằng việc so sánh cao thấp, trắng đen, đúng sai,…
Chúng ta tiếp năng lượng cho “cái tôi” bằng cách tôn thờ những phương pháp, những con đường, chứ không phải Sự thật.
Ta sống với “cái tôi” khi vẫn có một điều gì đó bạn cho là có ý nghĩa tối thượng, là chân lý, là khi chạm tới, đạt được, bạn sẽ bình an mãi mãi.
Ta đồng hóa mình với “cái tôi” khi vẫn còn cái muốn, cái phải, cái để, cái mục đích.
Điều gì còn quan trọng với bạn, thì cũng chính điều đó làm bạn sụp hố.
Nếu muốn quan sát điều gì đang vô tình định hình “cái tôi” của bạn hãy thử xem:
- Bạn thường xem trải bài Tarot về điều gì?
- Bạn thường sung sướng, hạnh phúc khi đạt được điều gì? Thường thì chính điều đó, nếu không đạt được sẽ đem lại khổ đau.
- Bạn có xu hướng rơi vào “khủng hoảng” do những vấn đề thế nào?
- “Gót chân Achilles” của bạn là gì?
- Bạn hay cầu xin điều gì trước khi đi ngủ vào mỗi tối? Khi đến chùa hay nhà thờ?
Mỗi người, theo ngôn ngữ tâm linh, sẽ có những “bài học” hay còn gọi là “nghiệp lực” mà ở đó những điều khác trong cuộc sống họ dễ dàng từ bỏ, nhưng còn những điều đó sẽ luôn đem lại “vòng lặp” hết lần này đến lần khác.
“Cái tôi tâm linh” xuất hiện là khi bạn phủ nhận vị trí của bạn trong xã hội, cái tên cha sinh mẹ đẻ của bạn, cơ thể của bạn, những mối quan hệ của bạn rất dễ dàng; nhưng lại đồng hóa mình với vị trí của bạn trong cấp bậc tâm linh, cái tên tâm linh (tên quy y, tên thiên thần, tên do Spiritual Guides đặt,…), cơ thể tâm linh (hay còn gọi là một linh hồn luân hồi hết kiếp này đến kiếp khác), những mối quan hệ tâm linh (soulmate, twin flames, mối quan hệ nghiệp quả từ tiền kiếp,…).
Giờ đây bạn có một “cái tôi” mới, tinh vi hơn, khoác lên mình chiếc áo tu tập chính chuyên, tử tế, ăn chay và làm điều thiện. Bạn càng làm nhiều điều thiện, càng ăn chay lâu năm, càng giúp được nhiều người, “phổ độ” thêm nhiều chúng sanh, “cái tôi” này càng ngã mạn. Thực tế là nó vi tế đến nỗi chính bạn cũng khó mà nhận ra, bạn tưởng mình là người ngồi thiền đang quan sát hơi thở. Mà phải tinh vi như thế mới hấp dẫn, chứ nếu quá rõ ràng như tham tiền tài thì… dễ nhận ra rồi.
Phải nói thêm là dù bạn tin gì thì điều đó cũng hoàn toàn 100% là thật đối với bạn. Có nghĩa là nếu bạn bám chấp vào những niềm tin tâm linh giới hạn, thì nó cũng là sự thật trong thế giới của bạn. Không có gì là “xấu”, hay “đáng lên án” ở đây. Nếu trò chơi vẫn đang vui, đâu có lý do gì bạn phải thoát game chỉ vì nhận ra đó chỉ là một trò chơi, không là thế giới thực đúng không?
Mình không viết bài này để “rù quến” ai thoát trò chơi tâm linh, hay lên án bất kỳ con đường hay pháp nào. Đây chỉ là một bài viết để bạn soi lại bản thân mình, nhìn lại xem lý do bạn bắt đầu hành trình tâm linh là gì? Nếu bạn tham gia, học hỏi cho vui, cho biết những thuật tâm linh huyền hoặc, nếu bạn cũng chẳng có lý do cụ thể,… thì bạn cứ tiếp tục, miễn là còn vui. Nhưng nếu bạn cũng như mình, bắt đầu hành trình tâm linh với khao khát cháy bỏng trong trái tim để tìm ra Sự thật, điều Phật biết, Chúa Jesus biết, để Thức tỉnh, chấm dứt khổ, bình an mãi mãi, hãy tôn thờ mặt trăng, chứ đừng bị mê hoặc bởi “ngón tay chỉ trăng”.
Trở về Không
Mọi bước trên hành trình đều cần, như là hiệu ứng domino vậy. Ít nhất trong câu chuyện của mình, việc mình phải lún sâu vào bùn để nhận ra trong bùn cũng chẳng-có-cái-gì-cả là cần thiết. Chẳng một bài viết nào, vị thầy nào, cuốn sách nào, khóa học nào có thể giúp bạn tỉnh thức. Thậm chí, dù mình có cầm biển báo hiệu nguy hiểm đứng ngay ở cửa, bạn vẫn sẽ đâm đầu vào, vì con người có xu hướng điều gì càng cấm thì họ càng làm cơ mà. :)) Nên mình thấy ngôn từ trở nên vô nghĩa. Dù bạn đang ở đâu trên chuyến du hành của bạn, hãy hết mình với những điều bạn đang làm. Dù bạn có đang nuôi dưỡng “cái tôi tâm linh” hay có đang “sai” pháp, hãy đi đến tận cùng rồi ở tận sâu của tuyệt vọng, bạn sẽ tự hóa giải câu hỏi mà bản thân tìm kiếm câu trả lời bấy lâu.
Hãy đâm đầu vào tường, hoặc dũng cảm lao xuống vách núi (theo nghĩa bóng) dù chẳng có bất kỳ điều gì đảm bảo là bạn sẽ được nâng đỡ, như mình đã từng. Vì cuối cùng thì, mọi trải nghiệm đều an toàn và đúng (ở một khoảnh khắc bạn chỉ ra được một quyết định thôi mà). Cho dù bạn cảm thấy bản thân phải trả giá rất đắt, bạn cũng không thể nào thoát khỏi bàn tay nâng của Vũ trụ. Có lẽ, lúc bạn thức tỉnh là khi bạn không còn cảm thấy giá đó đắt nữa, mọi điều đều xứng đáng.
Quay trở lại một chút về câu chuyện của mình, bắt đầu từ bài Thức tỉnh Tâm linh. Đó là lần chết đi thứ hai trong đời. Lần chết thứ nhất là lần chết của “cái tôi” đời thường. Lần chết thứ hai là của “cái tôi tâm linh”. Nó không hẳn xảy ra như câu chuyện của Đức Phật phía trên. Nhưng điểm chung là bản thân mình cũng khủng hoảng và thất vọng đến tận cùng. Có lẽ khi người ta hoàn toàn buông xuôi, khi mọi hy vọng về khả năng ta sẽ tìm thấy cái gì đó hoàn toàn bị dập tắt, là lúc người ta buông bỏ hoàn toàn, mọi suy nghĩ biến mất, mọi suy diễn đi ngủ, mọi cái tham, cái muốn, thậm chí là cái muốn giác ngộ cũng được bỏ đi, là lúc người ta rơi vào Không. Con đường và đích đến không còn là hai. Nó nhập lại thành Một.
Lần thức tỉnh đó đối với mình không diễn ra 100% vào một lúc. Cảm giác như đó chỉ là vết nứt đầu tiên trên quả trứng, tạo tiền đề cho những vết nứt tiếp sau đó kéo dài trong suốt một năm qua. Mỗi lần mình nhận ra một “lập trình” cũ, mô thức cũ, trò chơi cũ, kiến thức cũ mà bản thân không còn thấy hứng thú, mình lại bấm nút “xóa” khỏi cuộc đời.
Điều gì đã thực sự diễn ra vào khoảnh khắc “vỡ lẽ” của mình có lẽ không thực sự quan trọng, vì dù mình có kể lại nó thế nào, nó cũng chỉ là trí nhớ, mà trí nhớ chỉ là suy nghĩ. Nếu bạn đọc quá nhiều về “khoảnh khắc thức tỉnh” thậm chí tâm trí bạn có thể giả lập môi trường đó, tạo ra cho bạn một trải nghiệm như thật. Hãy thực sự cẩn thận với tâm trí. :))
The body doesn’t know the difference between an experience and a thought. You can literally change your biology, neuro-circuitry, chemistry, hormones and genes, simply by having an inner experience.
– Dr. Joe Dispenza
Đây có lẽ cũng là lý do vì sao những pháp tu tâm linh lại cảm giác như thật đến thế.
Điều quan trọng mình đã làm để “unlearn” (xóa bỏ) những điều mình đã thu nạp vào bản thân, hình thành nên một “Vũ trụ tâm linh” mà mình tin vào đó là đặt câu hỏi: “Ủa tại sao mình tin rằng…? Có gì bảo chứng cho nó hay mình chỉ đơn giản được dạy và nhiều người nói thế?” Niềm tin này dẫn đến niềm tin khác, bạn đã xây dựng cả một “đế chế” niềm tin như thật về một thế giới vô hình.
Đức Phật nói: “Này người Kalama, các con chớ có tin điều gì chỉ vì được nghe điều đó nhiều lần; chớ có tin chỉ vì đó là truyền thống; chớ có tin bởi vì đó là lời đồn; chớ có tin bởi vì điều đó đúng với sách vở và kinh điển truyền tụng; chớ có tin bởi vì nó nghe có vẻ hợp lý; chớ có tin bởi vì điều đó phù hợp với một hệ thống triết lý, tư tưởng; chớ có tin bởi vì lý luận logic và suy diễn; chớ có tin bởi vì điều đó phù hợp với quan điểm của mình; chớ có tin bởi vì người nói điều đó có vẻ là người đáng tin; chớ có tin bởi vì người đó là thầy của mình”.
Đây là phần quan trọng Đức Phật dạy tiếp:
“Nhưng này, người Kalama, khi các con tự mình biết rằng, những hành động này là bất thiện, là đáng chê trách, bị người trí chỉ trích, những hành động này khi chấp nhận và thực hiện sẽ dẫn đến gây hại, bất hạnh và đau khổ, thì này người Kalama, các con hãy từ bỏ những hành động ấy”.
– KINH KALAMA – Thiền sư Sayadaw U Jotika
Một câu hỏi khác bạn có thể tự vấn là “Đây là niềm tin hay là cái biết?” Niềm tin thì có thể đập vỡ, có thể sụp bất kỳ lúc nào. Còn cái biết trong bản thể bạn luôn trường tồn. Và “Mình thực sự cảm thấy thế nào về trạng thái hiện tại?” Nếu con đường, pháp tu đó khiến bạn bất an hơn, “nghiệp quật” nhiều hơn, khổ hơn, rối loạn hơn, xa cách trái tim mình hơn, hãy xem lại.
Sẵn sàng chết
Jesus answered him, “Truly, truly, I say to you, unless one is born again he cannot see the kingdom of God.
– John 3:3
Vì vậy, đừng ngại dấn thân, đừng sợ tan vỡ. Tái sinh chỉ xảy ra khi cái chết có đó. Hoặc, nếu bạn may mắn, không cần phải đi thật sâu vào tìm kiếm trong tuyệt vọng để nhận ra hạnh phúc đang ở ngay dưới chân mình.
Happy Vesak,
Tiên Alien
Trả lời