Nhiều bạn nhắn hỏi mình về hành trình của họ mãi sao chưa có kết quả. Kể ra thì thấy họ đã làm tất cả những chuyện có thể làm, trong khả năng của họ, trong điều kiện hoàn cảnh cho phép. Tại sao quả ngọt vẫn chưa ra?
“Tại sao em đã chữa lành cho bản thân, hiểu giá trị của mình, yêu thương mình mà người yêu phù hợp, xứng đáng với em vẫn chưa xuất hiện?” Chà, nếu em đã thực sự yêu thương bản thân thì có hay không có sự tồn tại của một người bạn đồng hành cũng không còn quan trọng lắm đâu. Em đang làm tốt, chỉ còn thiếu một bước là buông bỏ kỳ vọng vào kết quả.
“Tại sao em đã làm việc rất chăm chỉ, nhưng vẫn mãi chưa thăng tiến, chưa nổi tiếng, chưa giàu?” Nếu em làm việc chăm chỉ và thông minh, em chỉ cần kiên nhẫn thôi. Cây không trĩu quả chỉ sau một đêm. Nó cần đủ lượng để sinh ra chất. Trong kinh doanh có điểm hòa vốn (Break-even point) là nơi mà mọi nỗ lực bình bình trước đó đột nhiên sẽ được đền đáp xứng đáng theo cấp số nhân. Điều quan trọng là cần phải duy trì sự kỷ luật cũng như sáng suốt để đầu tư đúng (về thời gian, nỗ lực, nhân lực, tiền bạc,…).
“Tại sao em đã làm việc rất nhiều với bản thân, nỗ lực để chữa lành, tham gia nhiều khóa học tâm linh lẫn retreat, theo nhiều thầy, nhưng mà khi đụng đến điểm yếu em nhận ra mình vẫn bị đánh gục? Vết thương đó vẫn đau như cũ mỗi khi có ai đó chạm tới?” Hành trình kết nối với chính mình không phải là một đường thẳng. Vẫn còn cảm xúc về một sự việc không đồng nghĩa là em không phát triển. Và cảm xúc là chỉ để cảm nhận mà thôi, đôi khi không phải để loại bỏ. Nếu em bước vào hành trình tâm linh với mục đích là để kết thúc tất cả thì đó là một kỳ vọng phi thực tế. Hành trình tâm linh chỉ đơn giản giúp em “bình thường tâm” với mọi cảm xúc sinh diệt, thậm chí quay trở lại.
“Sao mình ngồi mãi mà không thể nhập thiền?” Mỗi người đều có căn cơ khác nhau. Không thể chỉ ngồi thiền vài ngày mà mong là mình có thể “biết thiền”. Thiền là hành trình tỉnh giác mỗi ngày, từng phút giây. Một người thực hành lâu năm không đồng nghĩa là chất lượng thiền của họ tốt hơn người mới. Có những người ngồi xuống nhưng đầu vẫn loạn trong suy nghĩ. Thế thì ngồi cả ngày có ích gì? Nhưng sự kiên trì kỷ luật cũng có ý nghĩa của nó, giúp cho “cơ bắp” tỉnh thức của bạn được tập luyện, từ đó trở nên săn chắc và dẻo dai hơn. Rồi thì bạn sẽ có “phản xạ” nhanh nhạy hơn trong quá trình Thấy – Biết – Quay về Tâm.
Nếu bạn làm đúng cách rồi, tất cả những việc còn lại bạn cần làm chính là duy trì bền bỉ, kỷ luật và kiên nhẫn. Mình thấy chẳng có gì quý mà đến một cách dễ dàng cả. Và đó là vị ngọt của khổ (suffering). Chính quá trình nhào nặn mới cho ra chiếc bánh mịn ngọt. Chính áp lực mới rạo ra kim cương.
Nếu bạn muốn quả chất lượng nhưng không muốn đầu tư (đủ nhiều) cho nó, thì bạn cũng chẳng mặn mà với nó lắm đâu. Bạn không thấy điều bạn muốn xứng đáng với nỗ lực của bạn.
Trong một thế giới ngày càng nhanh, liền như hiện nay, phẩm chất kiên nhẫn dường như bị mất đi. Người ta dễ cáu nếu nhà hàng phục vụ chậm một chút. Các bạn trẻ dễ nản nếu làm mà chưa cho ra ngay kết quả. Rồi mọi người nhìn quả của người khác, tự hỏi sao mình cũng nỗ lực mà không được như vậy. Bạn thấy quả chứ đâu thấy quá trình. Có khi hành trình của người ta còn lâu và trầy trật hơn bạn nhiều. Chỉ có điều là họ không bỏ cuộc, đặc biệt vào những ngày nản lòng lắm lắm.
Còn đối với mình, những gì mình thấy xứng đáng thì mình có mọi
thời gian trên đời cho nó. Mình có thể kiên nhẫn chờ, hay nói chính xác hơn, mình cũng thích quá trình chinh phục nữa. Chính hành trình đó mới tạo nên giá trị của thành quả sau cùng. Nếu cái gì mà dễ đạt được quá thì ta cũng chẳng trân trọng đâu.
“It’s the time you spent on your rose that makes your rose so important… People have forgotten this truth, but you mustn’t forget it. You become responsible forever for what you’ve tamed. You’re responsible for your rose.”
– Antoine de Saint-Exupéry, Le Petit Prince
Và đôi khi, kết quả đến khác với sự tưởng tượng (và kỳ vọng) của bạn. Nhưng đó chính xác là con đường dành cho bạn. Thế thì cứ hết mình, hết lòng dấn thân để tạo ra kết quả, nhưng vẫn cởi mở chào đón mọi khả năng đến với mình. 5 năm trước mình chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ viết, mà giờ thì viết quá trời. :))
Tuy nhiên, hãy sáng suốt để phân biệt chỗ nào nên kiên nhẫn, khi nào nên buông bỏ. Nếu điều gì bạn cứ cố mãi, ngược sóng ngược gió để làm nhưng vẫn chẳng thành, cũng có thể nó không dành-cho-bạn. Mà cái gì không dành cho mình thì mình cứ thả nó đi.
Sự kiên nhẫn đúng lúc đúng chỗ chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa những người chăm chỉ và người thực sự thành đạt. Kiên nhẫn chính là biết rằng hoa sẽ nở khi mùa tới.
Tiên Alien 🚶♀️
“Ta cứ đi cứ đi,
không oán than héo hon,
nhưng sẽ không dối nhau” – LCTL
Để lại một bình luận