Câu hỏi của bạn là “Làm thế nào để từ bỏ một thói quen xấu ảnh hưởng tới Đức trong sạch?”
Mình không biết bạn đang ở đâu trên hành trình của bạn và bạn đang mang những niềm tin như thế nào, vì đối với ý hiểu của mỗi người thì “Đức” lại khác nhau.
Đầu tiên, bạn đang thấy một thói quen là xấu. Bản chất là không có thói quen tốt hay xấu, chỉ có suy nghĩ của bạn (hoặc do hệ tư tưởng bên ngoài đã thuyết phục bạn) tin rằng nó xấu. Và rồi dù nghĩ rằng nó xấu, nhưng ta vẫn tiếp tục làm. Phần lớn mọi người vẫn mâu thuẫn giữa thân và tâm như vậy: Biết ăn nhiều dầu mỡ không tốt cho sức khỏe, nhưng vẫn ăn vô tội vạ. Biết yêu người này là khổ, nhưng vẫn đâm đầu vào. Biết một hành động là bất thiện, là gây hại cho mình và cho người, nhưng vẫn làm bất chấp.
Chính niềm tin của bạn hình thành nên trải nghiệm của bạn. Ví dụ nếu bạn uống nước sạch nhưng tin chắc đó là thuốc độc, bạn hoàn toàn có thể ngộ độc ngay lập tức. Nếu bạn liên tục lặp lại một hành vi và tin rằng nó đang làm hại cơ thể, cơ thể bạn sẽ càng ngày yếu đi. Bản chất tốt hay xấu không nằm ở thói quen, mà ở niềm tin của bạn về thói quen đó.
Mình không thấy mọi thứ là tốt hay xấu, chỉ có sự phù hợp tại từng thời điểm. Ví dụ chạy bộ thì tốt với một người có sức khỏe bình thường, nhưng lại không phù hợp với một người đang lên cơn đau tim. Gluten thì tốt với người bình thường, nhưng là tác nhân gây dị ứng với người bệnh Celiac. Cắt đi cánh tay là xấu với người đang khỏe mạnh, nhưng lại là cách cứu sống một người vừa tai nạn có tay đang hoại tử.
Vậy thì nên nhìn một hành vi, thói quen (hành vi được lặp lại thường xuyên) như thế nào?
Về cơ bản mỗi hành động sẽ dẫn đến một kết quả tương đương. Kết quả có thể chia thành điều khiến bạn thoải mái và không thoải mái. Thường thì nếu tỉnh thức, và không chuộng cái khổ, thì người ta sẽ nhận biết kết quả đó là không thoải mái đối với chính mình, và lựa chọn không lặp lại hành động đó nữa.
Vậy thì vì sao chúng ta vẫn có thói quen chọn khổ, bất chấp lý trí biết đó là khổ, là có hại?
“Trong sao ngoài vậy, trên sao dưới vậy.” Vì bên trong bạn còn phần tối chưa được quang hợp, tổn thương chưa được chữa lành nên vẫn thu hút những trải nghiệm phù hợp rung động với chúng. Chúng ta vận hành đời mình dựa trên “đồng thanh tương ứng” chứ không bằng ý chí.
Do đó, cách bền vững nhất để chuyển hóa một lối sống, chính là thanh lọc, thanh tẩy, chữa lành, buông xả đi những phần bên trong không còn phục vụ cho phiên bản của mình hiện tại nữa. Mà mọi người chỉ tập trung phần biểu hiện, là thói quen. Cố ép mình để thay đổi cái ngọn trong khi gốc vẫn như cũ, làm sao mà hết được?
Làm thế nào để “từ bỏ một thói quen xấu” trong tu tập?
Về cơ bản, có hai con đường:
Con đường thứ nhất chính là thông qua tạo lập giới hạn, kiềm chế bằng lý trí và kỷ luật. Vì lý trí bạn biết một thói quen là có hại cho cơ thể, nên bạn sẽ áp đặt bản thân không được làm. Những điều này, trong tu tập người ta thường gọi là “giữ giới”. Vì bạn biết một hành động nào đó (nhân) dẫn đến cái quả mà bạn không ưa chuộng, bạn sẽ chọn không gieo nhân từ ban đầu. Có nhiều người phù hợp với con đường kỷ luật và khổ hạnh, nó cũng dẫn đến kết quả mong muốn thông qua việc tiết chế. Nhưng lẽ dĩ nhiên nó chưa phù hợp với bạn (vì bạn đã cố nhiều lần và không được, nên mới tìm đến mình).
Cho nên chúng ta đến với con đường thứ hai chính là cho phép mọi thứ diễn ra trong nhận biết. Lần tới, khi bạn thấy mình có tác ý muốn thực hiện hành vi gây hại cho cơ thể, hãy quan sát, thay vì làm theo quán tính cũ. Sau đó, có thể cái tác ý đó lớn đến nỗi phát triển thành hành động, hãy làm việc đó, nhưng vẫn giữ quan sát. Trở thành người đang quan sát nhân vật “tôi” thực hiện hành động. Kiên nhẫn một chút. Cách này cần thời gian, có thể lặp lại nhiều lần, có thể kết quả bạn không thích (là tổn thương chính mình) vẫn cứ đến. Nhưng rồi bạn sẽ thấy là quá trình từ chỗ xuất hiện tác ý muốn làm, đến lúc làm, và kết thúc việc làm ngày càng giãn ra, chậm đi. Thậm chí là rồi sẽ vẫn xuất hiện ý nghĩ muốn làm, nhưng không làm nữa.
Hãy quan sát xem điều gì khiến bạn hình thành niềm tin rằng phải làm việc đó? Đau khổ, đối với bạn, đồng nghĩa với yêu thương? Hay bạn đã tin rằng chỉ có thông qua việc làm đó thì mới có được cảm giác thỏa mãn?… Ở lại với phần tối bên trong bạn lâu hơn một chút, ôm ấp những vết thương chưa lành miệng, thừa nhận sự tồn tại của chúng, cho phép chúng gào thét trong tâm can,…
Dần dần, giống như là quá trình lọc nước vào cái bình, đổ đi phần nước bẩn, tưới đầy bằng nước mới, bạn sẽ cảm thấy hấp dẫn đối với những thói quen lành mạnh mới. Lấy ví dụ từ mình, cách để mình chuyển sang ăn chay dễ dàng chính là làm việc với thân và tâm. Khi thân tâm thanh nhẹ hơn, mình ít bị hấp dẫn bởi thức ăn có nguồn gốc động vật, chứ mình không gồng hay ép bản thân. Mình không ăn chay vì nghĩ nó tốt. Không thấy đồ ăn ngon, không ăn cũng là hiển nhiên thôi.
Làm việc với thói quen không lành mạnh cần thời gian và sự kiên nhẫn. Nhưng nếu bạn bỏ được gốc, bạn sẽ gieo hạt mầm mới, cho ra những quả tốt lành mới.
Còn nếu không thì, cách cuối cùng, chính là cứ tiếp tục thói quen đó, cho đến khi bạn đã chán ngấy trải nghiệm xấu xí là hệ quả của nó rồi. Lúc đó, khỏi cần ai nói hay là cố công thay đổi, bạn tự động đổi một cách dễ dàng.
Chúc bạn thành công!
Để lại một bình luận