Mình nghỉ việc vào một ngày cuối tháng 8 trong sự chia tay nhẹ nhàng từ các anh chị đồng nghiệp đáng yêu. Vài người hỏi mình đã kiếm được việc ở đâu chưa. Chị HR thì kiên quyết kéo tay mình lại để hỏi rằng có vấn đề gì với công việc hiện tại hay không? Có điều gì công ty có thể hỗ trợ để mình tiếp tục làm việc hay không? Trả lời tất cả những băn khoăn của mọi người, mình chỉ cười bảo mình đơn giản cần một khoảng nghỉ, một dấu ba chấm ở giữa những đoạn văn liên tiếp mà mình đã viết từ lúc sinh ra, đến trường, lên Đại học rồi đi làm.
Mọi người quen với việc có kế hoạch cho cuộc đời họ. Họ hỏi tiếp theo mình sẽ làm gì. Và câu hỏi đó lặp lại mỗi khi mình ngồi trò chuyện với ai đó. Nói thật, lúc gửi mail xin nghỉ việc, mình không biết điều gì đang chờ mình tiếp theo. Mình không có kế hoạch dự phòng, cũng không cầm chắc một ý tưởng nào sẽ được thực thi cả. Nhưng có một điều mình biết rất rõ, nếu mình cứ ôm hết những công việc đó, chờ đến ngày chắc chắn về bước tiếp theo, tay mình sẽ không đủ chỗ trống, tâm mình sẽ không đủ tự do để có thể chạm tới những chân trời mới. Thế là mình đặt nó xuống. Mình đặt công việc văn phòng xuống. Và cả cậu người yêu mà mình chưa kịp tìm hiểu nhiều.
Lần đầu tiên trong 22 năm sống trên cuộc đời, mình hoàn toàn tự do. Mình không phải đi học lớp tiếp theo trong hệ thống giáo dục 12 lớp. Mình không phải đăng ký những khóa học mình không thích lắm chỉ để tốt nghiệp Đại học. Mình không bị cám dỗ bởi một cặp mắt hai mí đen lấp lánh, đôi mắt mà mỗi lần nhìn vào mình sẵn sàng tạm gác lại mọi công việc hay kế hoạch cá nhân để ở bên cạnh. Mình không phải chấm công mỗi sáng và mỗi chiều. Mình tự do. Đồng nghĩa với việc có rất nhiều khả năng, nhiều cơ hội mở ra trước mắt. Đồng nghĩa là lựa chọn đôi khi khiến mình băn khoăn.
Nhưng mình chưa một lần ngoảnh lại. Mình chỉ đơn giản là bước từng bước một về phía trước, chào đón từng cơ hội đến với mình mỗi ngày. Mình một mực tin vào các dấu hiệu, tin vào dòng chảy tự nhiên của cuộc đời. Khi mình đi theo con nước, cuộc đời sẽ dẫn dắt đến nơi cần đến.
Kế hoạch của mình là gì?
Là một kẻ sống ở thì hiện tại, trân trọng những gì mình có và xuôi theo dòng chảy, thú thật mình không tài nào ngồi xuống lập kế hoạch 5 năm hay 10 năm (như sếp cũ vẫn thường dặn mình làm). Vì hai năm trước, mình có ngờ là bây giờ mình sẽ làm nghề hiện tại, sống cuộc sống như hiện tại đâu. Cho nên biết đâu hai năm sau, mình lại trở thành một người khác, làm công việc hoàn toàn không liên quan thì sao? Nếu bạn lên một kế hoạch cứng nhắc, bạn tự bó buộc mình trong những tư duy của bản thân đã lỗi thời. Bản thân bạn là một cá thể phát triển từng ngày. Bạn của hôm nay đã không còn chấp nhận những giá trị của bạn hôm qua nữa. Điều này không có nghĩa là phủ nhận mình của quá khứ. Chỉ là ta trưởng thành, mở rộng giới hạn của mình, và làm được nhiều thứ tuyệt vời hơn là lý trí ta tưởng.
Mình biết hướng đi. Mình biết mình muốn gì và không muốn gì. Mình biết điều gì là phù hợp và không phù hợp với mình ở thời điểm hiện tại. Kế hoạch của mình ấy à? Đó là cứ tiến về phía trước, đón nhận những cơ hội đến với mình, nói “Không” với những thứ không phù hợp, hành động khi thấy đúng lúc và dừng lại quan sát những lúc còn lại.
Một phần trong mình là một cô gái của văn phòng hiện đại, thích mặc bộ đồ công sở đẹp đẽ, đi giày cao gót và bước vào các tòa nhà. Mình không ngại làm việc chăm chỉ, nỗ lực thăng tiến. Chỉ là giờ không phải lúc. Chưa phải lúc.
Giống như một người đốn cây dành 80% thời gian anh ta có để mài rìu và 20% để chặt cây, mình biết thời gian này là cần thiết để mình tiếp tục học hỏi thay vì dùng vốn đang có để đi làm. Đương nhiên chuyện này là chuyện cá nhân mình, phù hợp với mình mà thôi. Không phải ai cũng cần phải như vậy. Mình biết mình thông qua thời gian bền bỉ quan sát bản thân và thiền định. Không phải ai cũng cần gap year (một năm nghỉ thường là để đi du lịch, làm bán thời gian, đi học những khóa học không chính thức,…). Và cũng không phải ai cũng cần phải lao đầu vào công ty đi làm sau Đại học.
Mình có thể cảm nhận rõ áp lực của chuyện có công việc ổn định với mức lương ổn định sau tốt nghiệp xung quanh. Mình cảm thấy áp lực đó trong các cuộc trò chuyện, khi mà người ta hỏi bạn làm nghề gì, chức gì, công ty nước ngoài hay không, đặc biệt là khi bạn chuẩn bị ra trường. Mình cảm nhận được áp lực khi ai đó thấy bạn ở nhà vào một ngày giữa tuần và trông không có vẻ gì là tất bật cả.
Nhưng may mắn cho mình, mình miễn nhiễm với áp lực xã hội đó. Thế giới của bạn là nội tâm của bạn. Tâm mình an lành, mình chắc chắn về lựa chọn của mình nên môi trường xung quanh chẳng có gì là thử thách lựa chọn đó cả. Rồi mình chơi với toàn những người giống mình. Họ có thể vẫn đi làm, nhưng họ hiểu quyết định của mình là cần thiết. Gia đình của mình cũng dễ chịu. Lúc mình thông báo sẽ nghỉ việc, họ chỉ bảo “Ừ. Nghỉ đi.” và không một ai nóng lòng muốn mình đi làm lại.
The only way to deal with an unfree world is to become so absolutely free that your very existence is an act of rebellion.
– Albert Camus
Sau đó, mình đi làm tỉ tỉ công việc không tên khác.
Mình có một thái độ cầu tiến và ham học hỏi. Trong suốt hơn 2 tháng nghỉ việc, hóa ra mình làm được rất nhiều việc. Mình nhận vài công việc tự do để có thể chi trả cho việc đi học những thứ mình thích và du lịch. Mình trở thành hướng dẫn viên bất đắc dĩ cho một cô người Nhật ghé Sài Gòn 3 ngày. Vì cô thiền và ăn chay giống mình nên cảm giác như gặp lại người bạn cũ. Cô và mình có nhiều cuộc trò chuyện ý nghĩa và tỉnh thức. Mình làm cộng tác viên cho vài buổi hội thảo tâm linh. Mình trở thành thông dịch viên trực tiếp cho một vài hội thảo khác. Mình thực hiện chuyến du lịch ngắn ngày đi Huế, lạc giữa Đại nội mang đậm truyền thống lịch sử, rồi hòa mình vào dòng nước suối trong vắt, hay ngồi đọc sách giữa tiếng rì rào của biển.
Cuộc sống không đi làm toàn thời gian của mình cũng bận rộn chẳng kém gì hồi còn đi làm. Chỉ khác là thay vì những trật tự được lặp lại, mỗi ngày giờ đây thực sự là một ngày mới. Mình nhận mọi cơ hội đến, những cơ hội phù hợp với mục đích của mình, con người mà mình muốn trở thành. Cuộc đời kỳ diệu ở chỗ những người mình cần gặp, những việc mình cần làm đều tự nhiên đến, đúng lúc, đúng chỗ.
Điều quan trọng là mình vẫn đi làm tự do. Những công việc phải cho mình tài chính đủ để thực hiện các dự định và thời gian để làm những thứ mình muốn, những thứ mình chưa có cơ hội làm thời còn đi học, đi làm toàn thời gian. Thời gian này, mình chỉ làm những việc cho mình thời gian để đến lớp học ngôn ngữ mỗi sáng, và đến lớp thiền, hoặc lớp đàn buổi tối. Mình chọn những dự án mà mình có thể biến mất một tuần để đi hành hương, chắp tay, ngồi thiền giữa tiếng chuông chánh niệm mà không phải lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra ở nhà. Mình chọn những anh chị sếp đáng yêu sẵn sàng thông cảm cho những chuyến du lịch mình cần thực hiện, với cam kết mình vẫn sẽ đảm bảo hoàn thành công việc trước chuyến đi.
Con còn có những hành trình cho con đi mòn đế
Đến những nơi xa thật xa con mơ khi còn bé
Còn những món đồ chơi xưa chưa đủ tiền để mua
Con còn những cuộc chiến mà con chưa đủ hiền để thua– Trời ơi con chưa muốn chết
Chẳng có thứ gì tốt mà dễ dàng cả.
Có thể mình là một kẻ quá lạc quan cho nên trải nghiệm của mình nghe có vẻ thật dễ dàng. Nhưng thực tế một chút mà nói thì chẳng có thứ gì có chất lượng mà đạt được dễ dàng cả. Nếu ai đó nói bạn cứ nghỉ việc đi, hoặc bạn cứ đi làm tự do đi cuộc sống của bạn sẽ ăn trắng mặc trơn, tự do tự tại như những blogger hay vlogger toàn thời gian ngoài kia kìa, thì… bạn đừng vội tin họ. Cuộc sống của họ là … của họ. Họ đã có đủ bản lĩnh, sự chuẩn bị cần thiết và những yếu tố ngoại cảnh kết hợp lại để đủ cho một cú nhảy như vậy. Còn bạn? Bạn đã đủ chưa? Bạn có đủ khát khao, có đủ biết mình muốn gì và cần đi đâu để thả mình vào sự tự do, không ràng buộc này chưa? Chỉ có bạn mới có thể trả lời.
Bên cạnh áp lực xã hội mà bạn có thể gặp phải như mình đã viết ở trên, có thể bạn phải đối mặt với rủi ro về tài chính. Mình không phải là một đứa trẻ tiêu tiền vào những thứ xa xỉ. Nhưng đôi khi những ước mơ của mình lớn đến nỗi mà số tiền cần để thực hiện nó cũng lớn tương đương. Mình biết mình không thể có tất cả mọi thứ cùng một lúc. Mình không thể làm công việc cho mình thời gian mà vẫn kiếm được nhiều tiền cùng lúc. Mình không thể vừa có đủ nhiều tiền để thực hiện những dự định đồng thời vẫn có thời gian làm những điều muốn làm. Đó là một điểm cân bằng mà mình thậm chí không biết có tồn tại hay không để mà nỗ lực hướng tới.
Vì vậy, thay vì đặt áp lực phải cân bằng giữa thời gian và tiền bạc, cân bằng việc kiếm tiền và thực hiện ước mơ, mình chọn đặt mọi thứ theo thứ tự ưu tiên. Người ta bảo sau này có tiền rồi hẵng đi học múa học hát, có tiền rồi hẵng đi du lịch. Nhưng mình biết ưu tiên hiện tại của mình là học hỏi. Mọi thứ đều mang tính thời điểm. Nên nhân lúc mình còn trẻ, chân mình còn cuồng đi, đầu óc còn minh mẫn, mình sẵn sàng chấp nhận việc “để dành” áp lực cơm áo gạo tiền ra phía sau để mà đi học trước.
Một “cái bẫy” của tự do là việc quản trị bản thân, và vượt lên những cám dỗ. Khi không có ai quan sát, không có quy định nào giới hạn cả, bạn có đủ bản lĩnh để thức dậy buổi sáng làm những việc cần làm hay không? Khi không ai cầm tay chỉ việc, bạn có đủ khả năng để tự dạy mình những kỹ năng cần thiết? Khi không có người cố vấn cho lời khuyên, khiển trách mỗi khi bạn mắc lỗi, bạn có đủ kỷ luật để sửa mình hay chưa? Bạn có quản lý thời gian hiệu quả?
Cho nên, nếu bạn đọc bài viết này và có cảm hứng muốn tạm nghỉ, hãy chuẩn bị thật kỹ cho nó cả về kiến thức lẫn tinh thần.
Bạn lựa chọn cuộc sống của mình.
Đến đây, có thể bạn nghĩ mình là một kẻ quá được ưu ái. Mình không phủ nhận điều đó. Thú thật, mình luôn biết ơn gia đình luôn ủng hộ và tin tưởng mọi quyết định của mình. Mình cảm ơn những người bạn thực sự luôn hiểu và chia sẻ với mình về những chặng đường sắp tới, dù mình biết họ cũng bộn bề với những trăn trở của họ. Mình luôn biết ơn sếp và các anh chị đồng nghiệp công ty cũ vẫn luôn thương, hiểu cho lựa chọn của mình và mong mình quay lại làm việc một ngày nào đó. Mình cảm ơn các anh chị sếp chọn làm việc với mình với vai trò làm việc tự do vì đã hiểu cho một cô “nhân viên” thỉnh thoảng sẽ biến mất hẳn một thời gian vì lý do đi học.
Mình hiểu những cơ hội mà mình có không tự dưng mà có. Mình được làm điều mình yêu, học thứ mà trái tim mình tò mò, được sống chậm hơn nhịp độ Sài Gòn vài nhịp đều là nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của nhiều người xung quanh.
Nhưng bạn biết không tất cả những thứ này cũng có phần nỗ lực của mình nữa! Mình viết tất cả những dòng này để cho bạn biết là bạn có thể LỰA CHỌN khác đi, đi con đường khác đi, vượt ra những lo toan thường nhật hay lề thói xã hội thông thường. Mình đã lựa chọn cuộc sống này bằng cách kiên quyết NÓI “KHÔNG” với những thứ không đưa mình đến với mục đích. Mình từ chối những công việc có thể có nhiều tiền nhưng không cho mình thời gian. Mình từ chối những nơi làm việc không có chánh ngữ và sự tử tế. Cho nên nếu bạn thấy mình quá may mắn khi xung quanh toàn người tốt, đó là do mình đã tỉnh thức “chọn bạn mà chơi” đó thôi.
Nhiều bạn bị mắc kẹt trong một văn phòng mà bạn không thích, làm công việc bạn không ưa chỉ để hài lòng ông sếp làm bạn bực bội. Hoặc nhiều bạn đi học chỉ vì bằng cấp, nghĩ rằng bằng cấp sẽ nâng số lương bạn nhận được mỗi tháng lên một chút. Tin mình đi, việc nói “Không” là không hề dễ dàng, đặc biệt khi mình là một cô gái sống tình cảm. Nhưng cuộc sống vận hành theo cách mà nếu bạn nói “Có” với thứ gì, Vũ trụ sẽ gửi đến bạn nhiều hơn những thứ đó. Hãy nghĩ về quy luật này, rồi xem lần tiếp theo một ai đó tiếp cận bạn, bạn có xởi lởi đồng ý để duy trì mối quan hệ nữa hay không. Nếu bạn cầm quá nhiều thứ trong tay, bạn không có chỗ cho những điều tốt đẹp hơn đến với mình. Hãy dũng cảm từ bỏ để đón nhận.
Yêu bản thân đúng cách đôi khi là đặt những ưu tiên của bạn lên trước thay vì sống theo kỳ vọng xã hội hoặc sống vì người khác. Đây không phải là ích kỷ. Đây là “Tôi chỉ có thể giúp bạn một cách bền vững khi tôi đã giúp được chính mình.”
Có sao cũng không sao lắm đâu!
Cuộc sống suy cho cùng là trải nghiệm sai và làm lại. Nếu công ty bạn đang làm không phù hợp, hãy mạnh dạn nộp đơn công ty khác. Nếu bạn không thích đi làm nữa, hãy thử chuyển sang đi học. Nếu bạn muốn khám phá thế giới, hãy lên kế hoạch cho các chuyến đi. Dẫu cho công ty mới không tốt bằng công ty cũ, dẫu cho đi học lại tiếp tục làm bạn nản chí, dẫu bạn cuối cùng không đủ tài chính cho chuyến đi của mình, thì ít ra bạn dám thử. Nếu không bước đi, bạn không thể tưởng tượng được là mình có thể đi xa đến mức nào.
Hãy tiếp tục theo dõi “những chuyến phiêu lưu kỳ thú” của mình ở website này, trên YouTube hoặc Instagram, vì sẽ còn nhiều câu chuyện thú vị đang chờ phía trước.
Tiên Alien
Phát says
An amazing way to be called “living”
tien_admin says
Sure! I want to “be” rather than “do”; to “observe” rather than “react”. Thank you for reading!
Ngọc Anh says
Mình cũng đang chuẩn bị nghỉ việc để theo đuổi ước mơ đây, mong là sẽ suôn sẻ
tien_admin says
Chúc bạn mọi điều tốt đẹp nhất! 😉
Thương says
Hi bạn. Mình nghĩ rằng việc nghỉ việc full-time và làm freelancer thì cái quan trọng nhất vẫn là tài chính. Mà bài viết của bạn chưa đề cập tới nhiều vấn đề đó lắm. Bạn có thể chia sẻ về những công việc đã giúp bạn kiếm tiền trong khoảng thời gian làm freelancer được ko ạ? Bạn tìm được việc bằng cách nào? Có cần kĩ năng gì đặc biệt không? Mình cảm ơn bạn ạ.
tien_admin says
Chào bạn, cảm ơn bạn đã để lại comment. Mục đích mình viết bài này chỉ là để cho mọi người thấy có một hướng suy nghĩ khác, một lối đi khác. Mình là người coi trọng nguyên nhân cốt lõi và thái độ tiếp cận vấn đề hơn là câu hỏi “Làm thế nào?” vì mình tin rằng khi bạn vững về nội lực và động cơ, tự động những thứ khác sẽ có cách. Mình làm tất cả những công việc nhỏ liên quan đến nội dung: viết social post, dịch sách, dịch hội thảo, hỗ trợ tổ chức hội thảo,… Vì làm nhiều việc cùng lúc nên vẫn đủ trang trải cuộc sống cá nhân mình thôi. Và khi làm nhiều việc như vậy, mình chọn những việc mà mình đã có nền trước rồi, không cần tìm hiểu thêm quá nhiều kiến thức mới. Chủ yếu những công việc hiện tại mình làm chỉ là executive, nên đơn giản và có thể tìm thấy trên Social media. Mình có xây dựng hình ảnh cá nhân: website, Facebook, YouTube, Instagram một thời gian khá dài trước khi chuyển sang freelance nên việc tìm công việc cũng không quá khó khăn. Kỹ năng mình nghĩ phụ thuộc vào từng ngành nghề và yêu cầu công việc (JD) thôi bạn. Khi bạn chưa có nhiều kinh nghiệm có thể bắt đầu từ những job đơn giản trước chịu khó lương thấp 1 chút. Cho đến khi bạn đã có khả năng quản lý, lead thì sẽ có những job freelance nhiều tiền hơn. Nếu bạn muốn làm freelance mà kiếm thật nhiều tiền thì bạn phải giỏi trong lĩnh vực của mình. Người ta sẽ sẵn sàng trả tiền cho bạn.