Mình cũng muốn nói với bạn là nếu không muốn làm gì thì thôi đừng làm gì. Tại sao phải gồng nhỉ? Cứ thoải mái thôi, vì chả có gì trên đời quan trọng đến thế đâu.
Nhưng… mình nghèo :))) nên mình vẫn phải thức dậy và đi làm, như thể cơn lười không tồn tại.
Hôm nay mình sẽ chia sẻ với bạn về cách mình làm việc với chính mình giữa cuộc cách mạng đòi quyền được nghỉ ngơi của cảm xúc và sự không khoan nhượng của lý trí. :))
Tin mình đi mình từng rất phóng túng, thoải mái, những ngày mình tu tập và nhận ra ồ mình không cần phải thế này hay thế kia mới là “được”. Có rất nhiều ngày mình chẳng làm gì cả, chỉ ngồi chơi với chính mình thôi.
Rồi mình cũng từng rất chăm chỉ, kỷ luật, bất kể có muốn hay không muốn đơn giản vì mình đang cố gắng cho sự thoải mái dài hạn hơn thay vì thoả mãn cơn lười nhất thời.
Nếu bạn cũng làm việc nhiều với bản thân bạn, bạn sẽ đồng tình với mình rằng rất khó để chính chúng ta hành xử, cảm nhận,… theo ý chúng ta muốn. (Thế mà ta cứ đòi người khác theo ý mình. Kỳ lạ thay! )
Quay lại chủ đề thì khi cơn lười đến và bạn vẫn còn deadline phải chạy thì nên làm gì?
Sau một thời gian “nương theo” sự thoải mái ngay tức thời, nghĩa là mình thấy nếu mình cứ thoải mái mọi khoảnh khắc thì mình sẽ thoải mái đến hết đời và không có việc gì phải làm để đạt được hạnh phúc cả. Khi muốn làm thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ sẽ giúp bạn lắng nghe được “nhịp” của riêng mình về lúc nào thì làm sẽ cho hiệu suất cao nhất, và lúc nào thì không. Thế thì bạn dụng ít công sức hơn nhưng vẫn đạt hiệu quả.
Nhưng mà đến một đoạn mình quan sát thấy có những cơn lười “ảo”, y như bạn đói bụng “giả” vậy. Nếu bạn đã từng detox, bạn sẽ nhận ra cơn đói trong 3 ngày đầu tiên là “giả”, nó xuất hiện chỉ do thói quen hàng ngày của bạn khiến bạn “buồn miệng” mà thôi. Cơn lười “ảo” là khi cơ thể hoặc/và cảm xúc của mình không cần được nghỉ ngơi, nhưng vẫn phát tín hiệu rằng tôi muốn nghỉ. Bạn sẽ hỏi sao phải phân tích lắm làm gì, mệt thì cứ nghỉ thôi! Nhưng mình tin bạn ở đây là vì bạn cũng muốn xịn hơn về phát triển bản thân, thế thì chúng ta cần đi tiếp.
Tương tự như chế độ ăn uống, nếu cơn đói của bạn là “giả”, thì bạn không cần ăn, đói thật thì nên ăn lẹ giùm!! Nếu cơ thể mệt mỏi thật thì mình sẽ nghỉ ngơi thôi, nhưng nếu sự trì trệ chỉ đến từ bản ngã thì mình phải làm chủ nó. Nếu không thì mình chỉ là cái bóng chạy theo bản ngã mà thôi. Phân biệt được đâu là thật đâu là giả cần có trí tuệ (chứ không phải trí thông minh phân tích). Còn làm sao để phát triển trí tuệ thì quan sát bản thân nhiều vào để hiểu “cái nư” của mình.
Mình nhận ra nhân vật mình này không phải là một “khối”. Mà nó là tập hợp của cô bé cảm xúc đỏng đảnh, anh chàng lý trí đầy trách nhiệm, nàng cơ thể cần được yêu chiều. Có thể có thêm nhưng chủ yếu mình “nắm đầu” 3 đứa leader đó. Và tụi mình mỗi ngày vẫn đang cố gắng để teamwork với nhau thật ăn ý để cô chủ Tiên sống và vận hành cuộc sống của cô ấy một cách trơn tru và thuận lợi.
Khi bạn nghĩ bạn là một “khối” bạn sẽ có xu hướng ngượ.c đãi bản thân, hoặc cố để điều khiển chính mình bằng lý trí đầy kỷ luật. Bạn nghĩ rằng tâm trí này là ông chủ còn tất cả những phần còn lại phải nghe theo. Nhưng cơ thể hay cảm xúc đều có ý thức, nhu cầu riêng của mình cần được đáp ứng. Nên sinh ra mâu thuẫn bên trong.
Hoặc bạn không biết cách yêu và chăm sóc bản thân như cách bạn yêu chiều người khác, vì bạn cho rằng người khác là “khối” khác, còn bạn là chính bạn rồi. Nhưng không, mình thấy mối quan hệ của mình với chính mình tốt là do mình đối xử với cô ấy như người yêu vậy, không thể thiếu sự lãng mạn tình ca.
Chắc chắn trong đời bạn từng cố để tập thói quen dậy sớm, đọc sách mỗi ngày, ăn uống lành mạnh, hay kỷ luật hơn trong tập luyện cơ thể… nhưng bạn không thể duy trì được lâu vì lý trí bạn muốn và hiểu vì sao phải làm, trong khi cảm xúc và cơ thể thì không hiểu.
Thay vì đấu tranh lý trí và cảm xúc thì mình làm hoà với chúng. Mình thấy mỗi phần trong mình đều có những nhu cầu riêng, mà khi mình chịu lắng nghe và đáp ứng trong khả năng thì chúng cũng sẽ hợp tác với mình để tất-cả-chúng-mình cùng thắng.
Ví dụ mình nhận ra nàng cơ thể sẽ cảm thấy quá sức nếu mình lao đầu vào phòng gym. Thế là sau rất nhiều năm, mình mới tìm ra một nơi tập yoga không quá nặng về mặt tập luyện cơ thể mà thiên về tinh thần. Đó cũng là lúc mà mình tìm được điểm “ở giữa” khiến cho chàng lý trí và nàng cơ thể có thể vui vẻ dắt tay nhau đi tập đều đặn.
Hoặc ví dụ mình thấy nàng cảm xúc chỉ “trì trệ” khi chưa bắt đầu làm việc thôi. Còn khi đã vào mood rồi thì có thể làm quên giờ giấc. Thế là anh lý trí sẽ làm đủ các bước như là pha cà phê thơm, bật nhạc lofi, đốt tinh dầu để ”dẫn dắt” cảm xúc có ”cảm hứng” làm việc.
Mình thấy chỉ cần tìm ra điểm mà nhu cầu của cả 3 đều được đáp ứng thì chúng sẽ sẵn sàng hợp tác với mình để hướng tới sự thoải mái bền vững. Hoặc đôi khi sự thoả hiệp cũng phải được thực hiện do hoàn cảnh yêu cầu.
Ví dụ lúc cảm xúc mình đi xuống đáy nhưng có việc gấp cần hoàn thành, thì mình sẽ “công tác tư tưởng” với chính mình một chút, rằng mình cần làm việc này thật sự, nỗi buồn có thể tạm bấm nút delay. Thế thì thay vì ép cảm xúc phải hiểu chuyện, mình thực sự trò chuyện với cảm xúc đó để bạn cũng biết rằng lựa chọn này tốt cho tất cả chúng mình về lâu dài.
Mình không thể dùng lý trí kiểm soát tất cả những phần khác. Vì cố quá sẽ gãy. Mình chỉ có thể nhận biết tất cả những gì đang diễn ra bên trong, và đưa ra quyết định sáng suốt trong từng hoàn cảnh.
Hoá ra làm việc với chính mình cũng cần teamwork, mà lại còn phải ăn ý nữa. Mà sự ăn ý chỉ có khi chúng mình thực sự lắng nghe, quan sát, thấu hiểu và bao dung cho nhau thôi.
Điều thú vị nằm ở chỗ chỉ khi mình “tách” mình ra khỏi nhân vật mình mà đối xử, đồng thời “tách” luôn các phần ra với nhau, thì đó là lúc tất cả chúng mình mới có tiềm năng trở thành Một thể.
Tiên Alien
Để lại một bình luận