Hôm qua, ngồi trò chuyện cùng người anh, mình bảo: “Cuối tháng này là hết hai tháng thử việc của em. Mà em vẫn đang cân nhắc đấy.”
Phần lớn mọi người đều biết mình làm freelancer một thời gian kha khá, dù mình vẫn hay đùa về deadline rằng sao mà lắm thế, làm mãi không hết việc, đôi khi deadline là một “cái cớ” để mình không phải gặp gỡ loài người, nhưng mà về cơ bản thì mình yêu sự chủ động và tự do khi làm freelance.
Không ít người đọc bài mình viết rồi nghĩ mình sống cuộc đời thoải mái, tự do, thong dong, vô lo, vô nghĩ. Chà, mình lại thấy cái sự thoải mái đó đến từ tâm thế của mình, chứ chẳng liên quan đến hoàn cảnh. Nghĩa là có nhiều người cũng chịu cùng một “nồng độ” áp lực giống mình nhưng đối với họ đó là bế tắc, là đường cùng, là khổ. Còn mình chỉ đơn giản thích thế thôi.
Quay lại thì, dạo này mình vừa bắt đầu hành trình mới, quay lại làm công ty (dù mình thấy xưa giờ mình chưa thực sự làm văn phòng bao giờ. Từ lúc đi thực tập đến nay mình toàn “va vào” những nơi hybrid, có thể làm việc ở bất cứ đâu mà không cần chấm công sáng chiều).
Xét về lâu dài thì, mình rồi cũng sẽ chọn làm tự do, vì mình thích sự chủ động trong thời gian lẫn thu nhập. Sự chủ động đó cỏ thể bao gồm cả việc sẽ có những lúc mình không “cá kiếm” được nhiều, nhưng mình sẵn sàng đánh đổi điều đó để được nghỉ ngơi, hoặc dành thời gian cho những ưu tiên khác, như là nuôi dưỡng những mối quan hệ mình cho là ý nghĩa, hoặc du lịch, hoặc một đam mê nào đó đột nhiên xuất hiện chẳng hạn. Mình muốn sống, nhiều hơn là “làm việc”. Mình thích tự do, đồng nghĩa mình cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm cho mọi lựa chọn bất định, sẵn sàng đón nhận mọi kết quả không “ổn định” như một công việc 925 có thể mang lại.
Điều đó không đồng nghĩa là mình không tham vọng hay cầu tiến. Tiêu biểu là những khoảng thời gian như lúc này, khi một người yêu tự do như mình, lại sẵn sàng nhảy vào một công ty ở tận thành phố khác, chăm chỉ đi làm, hết mình với công việc. Bạn bè biết mình lâu ngày chẳng hiểu vì sao một nơi lại hấp dẫn mình nhiều đến mức mình sẵn sàng từ bỏ những sự thoải mái thường nhật để phải “ngược sóng, ngược gió” đi làm, với rất nhiều áp lực và thử thách.
Mình chỉ thấy là giữa rất nhiều lựa chọn tại thời điểm này, việc đi làm là thuận nhất. Dù có nhiều ngày đầu tắt mặt tối, lắm lúc mình trở nên căng thẳng (với chính mình và những người xung quanh), nhưng mà về cơ bản thì mình thấy mình đang trưởng thành và có nhiều điều để học hỏi ở đây. Mình có một người sếp xịn và đội ngũ có tâm. Một môi trường “lành tính”.
Vì vậy, trông bên ngoài mọi thứ có vẻ “ngược ngạo”, nhưng về bản chất gốc rễ thì cái gốc này đủ vững để mình có thể cân hết những khó khăn bề mặt.
Mình thấy một trong những điều thú vị của trải nghiệm làm người chính là tham gia hết mình vào cuộc sống. Mà ở đây là hết mình với công việc, trở nên giỏi hơn mỗi ngày, tạo ra giá trị và làm ra thật nhiều tiền.
Mình có những người bạn chỉ yêu công việc, chứ không cần giàu. Họ thấy giàu chẳng có gì thú vị. Nhưng đối với mình thì sự thịnh vượng là một phương tiện để tự do, thoải mái. Dù rằng chúng ta nên thoải mái kể cả khi không có tiền. Nhưng rõ ràng sự tự do về tài chính giúp chúng ta đỡ “hèn” đi, ta sẽ mạnh dạn nói “Không” với những công việc không phù hợp hơn, sẽ có những lựa chọn tốt hơn trong cuộc sống dù đó là thực phẩm, du lịch, dịch vụ, học tập,… Và đó cũng là một sự sung sướng xứng đáng.
Khi dư dả, con người ta mới có thể thực sự hào phóng với người khác. Dù mình biết có nhiều người không có nhiều tiền nhưng thoải mái cho đi, và ngược lại nhiều người giàu nhưng tính toán thiệt hơn. Nhưng sự dư dả ở đây có lẽ là nhiều về “cảm giác” dư dả, hơn là bạn có bao nhiêu tiền trong tài khoản. Khi bạn dư dả, bạn mới có thể cho đi thoải mái mà không cần phải “cắt bớt” mình hoặc những người phụ thuộc vào mình (con cái chẳng hạn).
Hôm trước, trong buổi chia sẻ bên “Triết học đường phố”, một bạn có hỏi mình “Tiên nghĩ sao về công việc?” Mà xét trong ngữ cảnh thì câu hỏi đó nghĩa là Góc nhìn tâm linh về công việc là như thế nào. Đối với mình, công việc là một trong nhiều trải nghiệm sống trên đời, là môi trường để mình khám phá và sáng tạo chính mình. Thông qua công việc, chúng ta trao đổi sức lao động và chất xám để nhận lại những điều ta cho là xứng đáng (thường là lương, cổ tức, phúc lợi xã hội, mối quan hệ,…).
Mình thấy công việc không nhất thiết phải làm thứ mà ta đam mê hay cho là có ý nghĩa (vì cái đó cũng vô thường thôi). Quan trọng là sự phù hợp ở từng giai đoạn khác nhau trong đời.
Tiên Alien 🤓
Trả lời