Cuộc đời đưa đẩy cho mình có một ngày làm diễn viên. Thế là mình nhận ra vài điều lí thú. Mình sẽ chia sẻ ở bài viết này.
“Anh là đạo diễn chứ có phải diễn viên đâu? Anh phải ra quyết định chứ sao cũng được là sao?”
Vì là một project nho nhỏ, nên có lẽ anh đạo diễn của tụi mình không quá khắt khe, bám sát kịch bản. Các bạn diễn viên và mọi người trong đoàn lâu lâu được “nhảy vào”, góp ý diễn biến tiếp theo. Đến lúc một anh trong đoàn “chỉ điểm” ra điều này mình mới nhận ra chúng ta là đạo diễn của cuộc đời mình, nhưng chúng ta hay đặt “số phận” của mình vào tay kẻ khác: có thể là thầy cô, bố mẹ, người yêu, trong tâm linh có thể là người xem bài tarot, người dẫn kênh, các vị thầy, hay nhà chữa lành. Chúng ta dựa vào những thứ họ “phán” về số phận của mình (thường là dựa trên những xu hướng có thể xảy ra với tâm thế của mình hiện tại), từ đó hình thành niềm tin đó là “định mệnh”. Tinh thần sinh ra vật chất (Tâm sinh tướng), vô tình theo cộng hưởng, chúng ta thu hút những điều đó xảy đến với bản thân. Từ đó tạo thành một vòng lặp, càng tin hơn vào những lời người khác nói về chính mình.
Để thực sự tự do, chỉ có thể lấy lại vai trò làm đạo diễn, luôn ý thức được rằng mình là đạo diễn. Vở kịch cuộc đời dù đang vui buồn, sướng khổ cũng là do mình tạo. Mình tạo ra được thì dẹp được. Cầm lên được thì đặt xuống được.
Em tự biên, tự diễn về cuộc đời em
Em tự say, tự nói rằng i’m so lonely
Dù anh đang ở đây, đang ở đây
“Em phải nghĩ trong đầu thì mới biểu cảm được.”
Đây là bản chất những thứ vận hành cuộc sống chúng ta. Ô hóa ra ta vui thế, giận thế, yêu thế, ghét thế, đều là do suy nghĩ. Để diễn cảnh tức giận cho thật, bạn phải thực sự nghĩ đến chuyện làm mình tức điên lên. Tương tự với các cảm xúc khác. Cảm xúc sinh ra từ suy nghĩ. Suy nghĩ của ta thì nhiều trí tưởng tượng vô cùng. Sự thật, hay bản chất của hiện tượng, con người, thực ra chẳng có gì. Nhưng vì hình tượng mà ta gán cho nó, nghĩ về nó, sự thật đi qua lớp kính ta dùng để nhìn thế giới, từ đó hình thành những phản ứng là cảm xúc và hành động.
Thế giới này chẳng qua chỉ là suy nghĩ của ta. Người khác chẳng qua cũng là cách mà ta nghĩ về họ. Trò “First Impressions” trên Facebook giúp mình nhận ra rằng cảm nhận, cách nhìn của người khác về mình đôi khi là những ấn tượng mà cả bản thân mình cũng chẳng nhớ. Thậm chí cách mình nghĩ mình là cũng… chẳng phải là con người mình thực sự là. Chúng ta nghĩ rằng mình biết nhau, biết bản thân, thực ra chúng ta chỉ suy diễn và dán nhãn mà thôi.
Ta yêu một người, hay chỉ là ảo ảnh của họ trong tâm trí?
Điều thú vị là, ta thậm chí có thể đánh lừa được bản thân, chỉ bằng suy nghĩ. Nghĩ đến trái chanh, lưỡi sẽ bắt đầu tiết nước bọt và bạn sẽ bắt đầu nhăn mặt như thể đang nếm trái chanh thật vậy. Chúng ta sử dụng “chiêu” này một cách tinh vi đến nỗi, nếu không tỉnh thức quan sát sẽ rất khó nhận ra. Lúc này, suy nghĩ của bạn có khả năng tạo ra trải nghiệm như thật của chính bạn.
“Các em đừng thoát vai sớm quá.”
Khi đạo diễn chưa hô “Cắt”, tụi mình đã thoát vai rồi. Thậm chí là trong lúc diễn mình cũng chưa thực sự cảm thấy “nỗi đau” của nhân vật, có lẽ vì mình luôn biết mình không phải nhân vật này, mình sẽ về nhà vào tối nay.
Cuộc đời là một vở diễn lớn, nơi mà phần lớn chúng ta diễn quá nhập tâm. Ta nghĩ mình là nhân vật này, khi nhân vật hết đời ta cũng… đi tong. Nên ta mới đau nhiều đến thế, quan tâm nhiều đến thế. Cái gì đối với ta cũng quan trọng, gán cho nó một ý nghĩa. Mối quan hệ của ta là mối quan hệ “soulmate”, “twinflames”, là duyên nợ không thể cắt. Sự nghiệp của ta là “sứ mệnh cuộc đời”, là chuyện ta đến với Trái đất này để hoàn thành. Ta là “starseeds”, “lightworkers”, “healers”, đến đây để “giúp nhân loại thức tỉnh”, “nâng cao rung động tần số Trái đất”.
Ta đồng hóa mình với nhân vật “Tôi” mà ta nghĩ mình là. Sau đó, tự phán xét, thậm chí trừng phạt bản thân vì đã sống khác với mình mẫu mà ta xây dựng. Vì ta không được tự do thoải mái, nên ta cũng ép người khác vào khuôn phải – trái, đúng – sai, đạo đức – vô đạo đức. Ta như anh cảnh sát đứng ngay cột đèn giao thông, chỉ chờ ai đó vượt đèn đỏ mà tuýt còi.
Đôi khi mình ước gì mình sống trên đời cũng nhẹ nhàng như đi quay phim. Trong chuyện làm diễn viên, mình đơ bao nhiêu, không bị ảnh hưởng bởi tình huống bao nhiêu, hà cớ gì ngoài đời cứ phải để cảm xúc trồi lên thụt xuống, tự “nghiêm trọng hóa” vấn đề, tự sinh khổ?
Ngoài đời, chúng ta lại thoát vai quá chậm. Mọi khoảnh khắc đều sinh diệt liên tục. Tuy vậy, tâm trí cứ mãi quay lại những trải nghiệm trong quá khứ, nên nhân vật “Tôi” liên tục diễn cảnh đau thương.
Hôm nay là Ngày Sân khấu Việt Nam. Cuộc đời chính là vai diễn lớn nhất. Bạn muốn đóng vai khổ hay sướng là do bạn chọn. Bạn tạo nên cả sân khấu này. Hãy sống sao cho thật rực rỡ.
Tiên Alien
Để lại một bình luận