Tiếp theo của bài Cho – Nhận và sự Tự do.
Cho và nhận là hai cực của cùng một đồng xu.
Điều đó đồng nghĩa là người cho cũng chính là người được nhận. Được đón nhận điều bạn cho đi chính là một phước lành mà người nhận đã dành cho bạn. Đừng nghĩ rằng bạn đang “làm ơn” cho người khác. Người ta không nhận, lấy gì bạn được cho đi?
Nếu như không có người đọc, người viết viết cho ai xem?
Nếu như không có bệnh nhân, nhà chữa lành sao có thể chữa lành?
Nếu chẳng có học trò, thầy không thể là người dạy.
Cho và nhận là sự dịch chuyển năng lượng.
Nếu nhìn rộng ra một chút, ta sẽ thấy cho – nhận đang diễn ra mỗi ngày theo muôn vạn cách khác nhau, chẳng cần phải thông qua một đối tượng là món quà, tiền bạc hay niềm yêu thích.
Miễn là bạn còn sống ở trên đời, bạn đang cho và nhận từng giây phút, kết nối với vạn vật bằng vô vạn cách vi tế khác nhau, thông qua việc hít vào và thở ra, qua một ánh mắt, một nụ cười, lời cảm ơn hay một cái xoa lưng. Hoặc đơn giản hơn, sự hiện diện bình an của bạn đã mang lại năng lượng rất khác cho những người và vật bạn chạm đến.
Thế mà, chúng ta lại không thoải mái với cho và nhận hiển lộ qua một phương cách hữu hình nào đó. Ví dụ, chúng ta ngại khi phải nhận vật chất quá lớn, hoặc nhiều lần. Hoặc chúng ta cảm thấy “mang nợ” khi phải nhận một khối tình cảm mà ta không thể hồi đáp.
Như vậy chẳng phải là “chấp tướng” hay sao? Nếu bạn cảm thấy mắc nợ, bạn nên cảm thấy nợ nần mọi thứ, nợ sự sống, nợ cuộc đời. Chẳng có gì trên đời này là tách lìa riêng lẻ được cả. Bạn không thể sống tự lực một mình mà chẳng cần đến điều gì bên ngoài. Chẳng có ranh giới nào rõ ràng giữa bạn và thực tại cả. Thực tại ở trong bạn, bạn cũng ở trong thực tại.
Nếu bạn xem cho và nhận như là một điều “làm ơn” mà một người cụ thể nào đó dành cho một người khác, thế thì bạn đang nhìn mỗi chúng ta như những thực thể tách rời. Phải có chủ thể và đối thể mới có người cho và kẻ nhận.
Nhưng nếu bạn chỉ đơn giản thấy cho và nhận như là một sự dịch chuyển năng lượng Vũ trụ từ dạng này sang dạng khác, từ “đây” sang “kia”, với “đây” và “kia” cũng chẳng khác nhau, bạn sẽ thấy chẳng ai cho, chẳng ai nhận, ai cũng là người cho và được cho. Mà Vũ trụ thì luôn dư giả và trù phú, sao bạn lại sợ thiếu khi được cho nhiều?
Nếu bạn sống với tâm thế đó, bạn cũng sẽ chẳng muốn hơn thua với ai, vì dù bạn có hơn người, bạn và người cũng là giống. Bạn hơn thua với chính mình thì có ích gì?
Cho đi thoải mái, nhận lại dễ dàng, để năng lượng Vũ trụ được luân chuyển tự do thông qua những “hình tướng” là mình và bạn. Thế thì chiếc bình của chúng ta sẽ luôn được rót đầy phước lành. Tích trữ hoặc giữ cho riêng mình không làm bạn đầy thêm, trái lại, nó làm bạn xây dựng hàng rào với sự dịch chuyển tự nhiên của năng lượng.
Do đó, mình luôn mở để đón nhận mọi món quà, niềm yêu thích từ mọi người, trong sự trân trọng và biết ơn. Mình đơn giản cho phép người muốn cho được cho. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa là khi mình nhận, mình có trách nhiệm và nghĩa vụ phải phản hồi lại một năng lượng tương ứng. Cụ thể hơn, mình sẽ không vì bạn yêu thích mình, tặng quà cho mình mà đối xử với bạn khác đi.
Đối với mình, mọi hành động đẹp nên chấm dứt ở trong chính nó. Nghĩa là cho chỉ để cho. Và nhận chỉ để nhận. Không có nguyên nhân, điều kiện hay hệ quả đi kèm. Nếu mình yêu thích bạn, chỉ vì bạn đối tốt với mình, mình cũng có thể ghét ai đó, chỉ vì họ có những hành động không tốt.
Thế nhưng, mình không vui hơn nếu như được nhiều người yêu thích hơn, và (do đó) cũng chẳng buồn hơn nếu như có thêm vài người ghét. Chuyện yêu – ghét, cho – nhận, đều là ngoại cảnh, chẳng có lý do gì mà mình phải vì cảnh mà vui buồn cả.
Bạn không thể cho nếu bên trong còn đang thiếu.
Năng lượng là thứ không thể nói dối. Dù trên bề mặt bạn có tỏ ra hào phóng thế nào, nhưng nếu bên trong thiếu, điều bạn cho đi chỉ như chiếc phễu khổng lồ hút cạn năng lượng của người nhận mà thôi. Bạn có sự mong cầu tinh vi và ngấm ngầm. Bạn sắm vai “nạn nhân”, hết mình hi sinh.
Bạn tung hô vị thầy, để nuôi dưỡng cái tôi của bạn. Bạn thần tượng ai đó, để bồi đắp ảo mộng của bạn. Bạn chăm sóc người khác, để xây dựng chiếc lồng giam cầm người bạn yêu. Sự cho đi đó mang màu sở hữu, chính bạn bóp nghẹn đối phương bằng nỗi sợ của mình.
Cho đi nếu thiếu trí tuệ sẽ chuyển thành gánh nặng.
Đôi khi bạn cứ cho đi, mà chẳng bao giờ tự hỏi xem người nhận có thực sự hoan hỉ với món quà đó hay không. Đôi khi sự quan tâm của bạn xuất phát từ sợ hơn là yêu. Ví dụ như, bố mẹ bảo bọc con cái quá mức, luôn chăm sóc cho con từng bước chân, bảo vệ con khỏi mọi tác nhân (có vẻ) nguy hiểm từ bên ngoài. Mà như mình đã đề cập trong bài Tin tưởng là gốc của thương yêu, sự bảo vệ đó không đồng nghĩa với yêu, mà xuất phát từ nỗi sợ của chính bố mẹ và thiếu vắng niềm tin ở khả năng tự lực của con cái.
Tương tự như vậy, ai trong chúng ta chắc chắn cũng có không ít lần cảm thấy mỏi mệt vì những lời thăm hỏi, quan tâm, đôi khi là xâm phạm vào không gian cá nhân từ họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp hay những người xung quanh.
Hoặc rất nhiều lần chúng ta can thiệp vào “vấn đề” của người khác, vô tư đưa ra lời khuyên, hay phán xét, rằng họ nên làm khác đi. Thế nhưng phần lớn chỉ có chúng ta thấy đó là “vấn đề” mà thôi, thế thì vấn đề ở trong ta, không có ở trong người đâu.
Mình nghĩ hành động đẹp nên là “Tôi yêu thương bạn và tôi tin tưởng bạn đủ nhiều để biết rằng bạn đang làm hết khả năng bạn có thể đối với cuộc đời bạn. Dù bạn có đang thế nào, tôi biết rồi chuyện này cũng sẽ qua, bạn sẽ làm được.” Và vì niềm tin mình lớn hơn nỗi sợ, nên mình sẽ an tâm thay vì lo lắng.
Năng lượng đã thể hiện bạn, trước cả khi bạn cất lời.
Thế nên, vấn đề không phải là bạn tặng quà giấu tên hay không giấu tên, món quà đắt tiền hay đơn giản, tình cảm nhiều hay ít,… chúng chỉ là chiếc lá trên ngọn cây. Điều quan trọng là tâm thế của bạn khi cho đi, mà đôi khi nếu bạn không tỉnh giác, chính bạn cũng không nhận ra sự mong cầu hồi đáp ngấm ngầm.
Nếu tâm bạn hoàn toàn thiện chí, dù bạn chẳng cần tỏ bày hay hành động cụ thể, người khác cũng sẽ cảm thấy an toàn khi ở trong không gian năng lượng của bạn. Sự chấp nhận và nuôi dưỡng của bạn sẽ giúp họ thoải mái bộc lộ chính mình.
Cách tốt nhất, nếu như bạn chưa đủ đầy bên trong, nếu chưa phát triển trí tuệ để nhận biết đâu là hành động đúng, thế thì đừng làm gì cả. Hành động đúng, không thể được gạch đầu dòng như những ví dụ điển hình, mà phải tùy trường hợp mà lựa chọn. Do đó, người có trí tuệ sẽ biết đâu là việc cần làm, đúng lúc đúng chỗ. Đôi khi sự giúp đỡ là cần thiết, khi khác chính sự không giúp đỡ mới là giúp đỡ.
Chung quy lại là để cho và nhận trong hoan hỉ và tự do, vẫn phải quay về trụ vào chính mình, biết mình trước, rồi muốn làm gì (hay không làm gì) cũng được.
Tiên Alien
Trả lời