Nghỉ ngơi chất lượng
Hôm trước mình viết “Bạn không cần thêm một khoá retreat, mà cần cho mình những lúc nghỉ ngơi chất lượng” thì có bạn nhắn mình hỏi “Làm thế nào để nghỉ ngơi chất lượng?”
Mình có một cô bạn đi làm 9-2-5, dù đã ngủ khoảng 9, 10 tiếng một ngày nhưng vẫn luôn cảm thấy áp lực, không có đủ thời gian, luôn trong tình trạng mệt mỏi vì thiếu ngủ và burnout. Thế thì vấn đề không nằm ở số tiếng bạn ngủ, mà nằm ở chất lượng giấc ngủ. Nếu bạn ngủ nhưng não vẫn hoạt động, lo lắng về công việc và những vấn đề chưa giải quyết thì bạn đâu có ngủ, bạn chỉ nhắm mắt suy nghĩ vô thức mà thôi.
Mình biết có những người cả năm làm việc cực kỳ căng thẳng, rồi dành cho mình 10 ngày, nửa tháng đi retreat, hoặc thiền để cân bằng lại. Dù vậy trong suốt thời gian “trên núi” vẫn không thể buông bỏ công việc và những vấn đề cần giải quyết. Thế thì họ chỉ đang đổi chỗ làm việc mà thôi. Quan trọng không phải là số lượng ngày nghỉ, mà là chất lượng nghỉ ngơi của bạn.
Bạn có nghỉ ngơi chất lượng không?
Nghỉ ngơi chất lượng là 100% thư giãn, thả lỏng, ở trong Hiện tại, ngắt kết nối với những điều đang không thực sự Ở đây.
Với nhịp độ công việc ngày càng nhanh và nhiều như hiện nay thì việc nghỉ ngơi thực sự lại đóng vai trò nền tảng. Mình nhìn nhận sự nghiệp như một cuộc marathon không có điểm kết thúc. Rằng mình sẽ chẳng bao giờ hoàn toàn hài lòng và lúc nào cũng có chỗ để phát triển, làm tốt hơn nữa. Trừ khi một giai đoạn nào đó trong đời mình quyết định dừng lại và chọn ưu tiên khác. Nhưng dù bạn ưu tiên gì, sự nghiệp hay chăm sóc gia đình, thì mình tin rằng chúng ta luôn cần nghỉ ngơi.
Nếu mình cứ dùng hết năng lượng, hết sức để chạy đua với thời gian, (giả định là bạn còn sung sức để làm vậy), thì sớm hay muộn mình cũng kiệt sức và burnout. Đây là cách nhanh nhất để ta không đi được đường dài.
Mình nhận ra điều này khi mình tập một thói quen mới, ví dụ như đọc sách. Những ngày đầu rất hăng hái đọc tận 50 trang. Sau đó thì… bỏ ngang vì hết sức. Thay vào đó, sau này, đối với các thói quen nhỏ thì mình làm những việc nhỏ thôi, nhưng có thể duy trì lâu dài.
Việc lao động và nghỉ ngơi cũng vậy đó, nếu bạn là một bà nội trợ toàn thời gian, ngày nào cũng quần quật từ sáng đến tối mà không biết điểm dừng, sẽ có ngày bạn khủng hoảng và bỏ cuộc.
Nghỉ ngơi cũng giúp tăng năng suất
Từ lúc nhận ra chân lý này, mình không còn cảm thấy tội lỗi khi dành thời gian nghỉ nữa, đồng thời nó là động lực để mình nghỉ ngơi thực sự.
Để nghỉ ngơi chất lượng, mình tin rằng bạn cần thấm bản chất của nghỉ ngơi, rằng nó cần thiết thế nào cho mục tiêu dài hạn của bạn thì tự động bạn sẽ làm được, thay vì chỉ bạn những “cách thức”. Vì rõ ràng ai cũng biết cách, họ chỉ không chọn thực hiện nó vì nhiều ưu tiên khác mà thôi.
Giống như nhiều bạn hỏi mình làm sao để không suy nghĩ lúc thiền. Mình thấy việc nhận ra suy nghĩ và lựa chọn quay về với đối tượng quan sát (thường là hơi thở) là lựa chọn chủ động từng phút giây. Bạn chỉ cần kiên nhẫn chọn nó mọi lúc, là xong. Nhưng bạn không chọn thế mà bị suy nghĩ, cảm xúc cuốn đi.
Tương tự như vậy, nghỉ ngơi chất lượng cũng là một lựa chọn tỉnh thức. Nhưng bạn thấy khó vì đối với bạn có nhiều thứ khác quan trọng hơn để quan tâm. Thực tế, thư giãn là trạng thái tự nhiên của chúng ta. Nên nó là chuyện dễ nhất, bạn chẳng cần làm gì. Nhưng do chúng ta đã gồng quá lâu, nên quên mất cách thả lỏng.
Thế thì bạn đầu ta cần luyện tập. Giống như kiên nhẫn thiền, kiên nhẫn “mở tim” trong một động tác yoga, học cách thư giãn cũng cần được thực hành nhiều lần.
Ví dụ, thông thường trong một ngày mình chỉ giới hạn thời gian làm việc ở một số giờ nhất định. Khi thời gian làm việc là cố định, mình sẽ không còn cách nào khác ngoài việc nâng cao hiệu suất và tìm ra cách làm việc thông minh hơn. Sau đó thì mình cho phép bản thân nghỉ ngơi, ngắt kết nối, và hoàn toàn không bận tâm về vấn đề công việc nữa. Khi nghỉ ngơi chất lượng thì dù 5 phút, hay 10 phút cũng là đủ rồi.
Và điều thú vị là trong trạng thái thư giãn thực sự, mình lại có thêm nhiều ý tưởng mới cho công việc. Thế thì nghỉ ngơi cũng chính là cách để mình làm việc hiệu quả hơn, và sống nhiều hơn thay vì chỉ biết làm và làm như những chú hamster chạy trong vòng luân hồi bất tận của công việc.
Tiên Alien
Để lại một bình luận