Em tu theo trường phái nào vậy Tiên? Theo Phật giáo hay thuyết Vũ trụ?
Em thiền phương pháp nào? Vipassana hay thiền năng lượng?
Em ăn chay theo hệ nào? Ăn chay kiểu yoga hay đạo Phật? Vegetarian, Vegan hay Raw Vegan?
Lý tưởng sống của em là gì? Bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật, đấu tranh nữ quyền chứ?
…
Đó là những câu hỏi mà người ta hay đặt cho mình trong vài buổi đầu gặp mặt để dễ “định dạng”, “xếp lớp” mình thuộc phe nào, quan điểm của mình ra sao… Nếu may mắn “đồng hội cùng thuyền”, họ sẽ có xu hướng cảm thấy có kết nối với mình, ưa thích mình hơn thậm chí tin tưởng mình hơn. Con người có xu hướng tin tưởng và làm việc cùng với những người giống họ, hoặc những người họ quen biết, một cách vô thức hay có ý thức.
Quay lại với câu hỏi đầu bài: Mình tự thấy mình như là nước, chứ không phải cái bình. Nước đổ vào bình sẽ có hình cái bình, đổ vào ly sẽ có hình cái ly, đổ ra biển thì hòa vào biển cả. Mình chẳng tu theo trường phái nào. Thậm chí mình còn chẳng tu. Mình sống bình thường, đem thiền vào từng khoảnh khắc mà mình có thể nhận biết. Mình chẳng thiền theo pháp nào vì đôi khi mình cảm thấy vướng vào pháp che mờ sự thật đang hiện diện. Đương nhiên nếu pháp giúp bạn ngộ thì nó phù hợp với bạn.
Vài người nói rằng phải có một con đường với một đích đến cụ thể, vì dù mọi đường đều đến La Mã ít nhất mình PHẢI đi MỘT CON ĐƯỜNG nào đó chứ. Nếu không nương vào pháp sao có thể đắc đạo? (những người chưa ngộ hay hỏi thế) Mình không rõ đắc đạo là gì, nhưng mình biết con đường là ở đây, hiện diện trong đời sống thường nhật. Con đường cũng chính là đích đến. Đích đến đã ở đây rồi, còn đi đâu nữa ta?
Mọi người đọc một bài viết rồi tự “đóng khung” rằng đó là người viết, rằng người viết chỉ có thế. Nhưng trên thực tế thì người viết đã chết đi khi bài viết hoàn thành. Họa sĩ không còn đó khi bức tranh hoàn tất những nét cuối. Cái mọi người đang đọc, đang xem, đang nghe chỉ là tàn dư của một ngôi sao đã tắt từ rất lâu. Em của hôm qua không còn là em của hôm nay. Em viết xong là em cũng mất.
Mọi người không thể biết mình bằng cách đọc mình hay nghe mình. Bạn chỉ có thể biết khi kết nối với mình trong một khoảnh khắc, một cái chạm. Hết. Khoảnh khắc đó qua đi mình đã hồi sinh mất rồi. Bạn mới gặp mình hôm qua, chưa chắc bạn biết mình hôm nay. Sáng thức dậy mình là bản thể mới toanh rồi. Bạn phải chạm mình lại từ đầu, làm quen với mình lại từ đầu, bằng tâm trí rỗng rang không nhuốm màu quá khứ. Còn không thì bạn chỉ biết mình cũ, chứ không phải mình đâu.
Ủa đọc nảy giờ chưa hiểu Tiên là ai? Tiên theo phe nào? Tiên đứng lên vì điều gì?
Vâng đúng rồi! Em không là ai, em không theo phe nào và cũng chẳng đấu tranh vì cái gì cả. Em chơi hệ Tự do (em tính viết em chơi bê đê mà thôi nghe dễ hiểu lầm quá). Mọi người thấy gì qua sự trung dung của em thì cũng chỉ là suy nghĩ của mọi người thôi. Em là tấm gương, là mặt hồ tĩnh lặng. Mọi người thấy gì thì đó là mọi người. Đâu liên quan gì đến em đâu. hihi
Trung dung kiểu mình thì chơi được với mọi hệ, nhưng chẳng quá gắn bó với hệ nào. Tự do nằm ở sự linh hoạt. Trung dung không có nghĩa là không có chính kiến, hay là “hai mặt”. Trung dung là đa màu, đa mặt, đa dạng,… đa nhân cách. Không làm nhưng không việc gì là không làm.
Chính vì không bám dính vào một (vài) quan điểm, lối sống nào, mình dễ dàng cởi mở, chấp nhận bạn như bạn là. Bạn không cần đứng bên trái hay bên phải, bạn đứng ở điểm 3/4 vẫn được. Bạn không cần luôn ăn chay, ăn chay 68% cũng được. Hôm nay bạn thiện, ngày mai vì nảy sinh một vài nhân duyên, bạn trở nên bất thiện. Hôm nay bạn bên cạnh mình, ngày mai bạn đã không còn ở đây. Dù sao thì đó cũng chỉ là những biểu hiện khác nhau của bạn thôi mà.
Những lựa chọn sống, quan điểm suy nghĩ,… đều không phải là mình, không phải là bạn. Bạn với mình có khác nhau đâu mà.
Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta.
Kinh Vô Ngã tướng
Tiên Alien
Trả lời