Hỏi: Mình có 1 thắc mắc trong câu nói này mà mình vẫn không thông toả cho lắm. Mình không nhớ chính xác nguyên văn nhưng đại loại là “Đừng phán hay nhận xét người khác vì chúng ta đang tự phán hay nhận xét chính mình, những điều ta thấy không hài lòng từ người khác cũng chính là sự phản chiếu từ bên trong chính mình.”
Mình không hiểu cho lắm ở khúc những điều mình không thích hoặc không hài lòng từ người khác chính là sự phản chiếu từ bên trong, ví dụ như 1 người họ có những hành động như cướp của, giết người, hoặc toan tính đi, đa phần nếu mọi người nhìn thấy sẽ phán xét đó là điều không tốt và đáng bị lên án như vậy những người nhận xét những hành động đó là không đúng thì bên trong họ là sự phản chiếu từ những bản chất như vậy hả Tiên?
Đáp: Đầu tiên thì cá nhân mình thích những câu hỏi lật lại vấn đề như thế này. Khi tiếp nhận bất kỳ thông tin nào mà bạn không cảm thấy khớp với mình, bạn nên đặt câu hỏi cho nó, thay vì máy móc chấp nhận nó như là điều nên làm. Ngoài ra, tâm thế đặt câu hỏi cũng quan trọng. Nếu bạn đặt câu hỏi để hiểu, thì sự hiểu biết mới có thể được truyền đạt. Còn bạn đặt câu hỏi để khẳng định cái đã biết của bạn, không có câu trả lời nào có thể thỏa.
Trả lời cho câu hỏi trên thì, mình nghĩ câu này (và nhiều câu phát ngôn khác trong tâm linh) không thể hiểu bằng logic như vậy. Nếu bạn muốn đánh giá đúng và sai (theo nghĩa đạo đức, luật pháp…) thì những hành động như ăn cướp hay làm hại người chúng ta vẫn có thể nhận định đó là hành động bất thiện (theo ngôn ngữ của Phật giáo).
Có thể chúng ta sẽ không phán xét hoặc tấn công những người đã làm những hành động đó (dù bằng suy nghĩ, lời nói, hay hành động), vì khi làm như vậy chính ta cũng chẳng khác gì họ cả. Nhưng chúng ta vẫn có cái nhận biết là hành động đó là bất thiện. Mình thích từ “bất thiện” hơn là cái xấu hay cái ác, vì bất thiện có nghĩa là họ cũng có tiềm năng để trở nên thiện trong tương lai. Và đương nhiên, họ vẫn phải trả giá cho hành động của mình.
Phật giáo tin vào nhân duyên. Cụ thể hơn mỗi chúng ta đều mang trong mình Không tính, còn thiện hay bất thiện chỉ là ở dạng hạt mầm. Có thể bình thường người ấy là người tốt, nhưng hội tụ đủ nhân duyên, điều kiện, hạt bất thiện nảy mầm. Lúc này, người đó có hành động bất thiện, là quả của hạt bất thiện bên trong. Và ngược lại. Thế thì bám chấp vào chuyện phân định nhân cách một người là tốt hay xấu, không thực sự chính xác. Chúng ta biết hành động đó là bất thiện là đủ rồi.
Xét theo nghĩa tuyệt đối, kể cả những hành động “xấu” cũng chẳng có vấn đề gì cả. Chỉ cần nhớ rằng mỗi hành động đều sẽ có hệ quả đi kèm với nó. Giống như có nước bốc hơi thì phải tạo thành cơn mưa, thứ người ta gọi là nghiệp xấu thực chất chỉ là kết quả mà thôi. Thế thì chỉ cần biết mỗi hành động đều dẫn đến một kết quả tương ứng.
Không có hành động nên hay không, cũng không có nghiệp tốt hay xấu. Chỉ có những hành động và kết quả thuận ý hay trái ý bạn. Thế thì nếu bạn chuẩn bị cho mình một tâm thế chấp nhận những gì mình đã tạo tác, thì chẳng có gì là vấn đề. Người ta gọi đây là chịu trách nhiệm. Mình không dùng từ này vì khi nhắc đến chịu trách nhiệm, người ta lại nghĩ là xấu. Nhưng chúng ta cũng có thể chịu trách nhiệm với hạnh phúc của mình mà.
Thánh nhân cũng có quá khứ. Tội đồ cũng có tương lai.
Quay lại câu nói ở trong câu hỏi, mình thấy thường thì chúng ta hay để ý đến một số thứ là vấn đề của chính chúng ta. Ví dụ như chúng ta có cái muốn mình là người hiểu biết, thì suốt ngày sẽ xăm soi để vạch lá tìm sâu, chứng minh người khác là thiếu hiểu biết, để nâng tầm bản thân lên.
Nếu bạn để ý bạn sẽ thấy mỗi người có 1 vài “chỗ cấn” khác nhau. Cái “chỗ cấn” này chính là điều họ vướng bận, là điều họ coi là quan trọng, vì vậy mà không nhìn thấu sự vật, sự việc. Ví dụ, bạn coi giác ngộ là quan trọng, bạn sẽ xăm soi xem người này người kia là giác ngộ, tỉnh thức hay chưa. Thường thì nếu bạn thấy người ta chưa ngộ, người u mê là bạn. Vì ở góc nhìn Tỉnh thức, chẳng có ai là không tỉnh thức cả, mỗi người đều chỉ đang tham gia rất nhiệt tình vào trò chơi của họ trên đời mà thôi. Chỉ khác là có người biết mình đang chơi, có người nhập vai hơn.
Nếu bạn coi ăn chay là quan trọng, người khác ăn mặn sẽ trở thành tội đồ. Mà bạn không nhận ra rằng việc phán xét người khác là tội đồ cũng chính là một tội ác. Chính sự phán xét đúng-sai, trắng-đen, tốt-xấu, đã gây ra sự chia chẻ, chia cắt chúng ta khỏi cái Một hằng có. Bản chất mọi thứ đều trong suốt. Bạn không thấy nó trong suốt chẳng qua là do lăng kính của bạn vẩn đục mà thôi. Còn người khác hay thứ bên ngoài chẳng liên quan.
Tiên Alien
Trả lời