Có vô số “thực tại” cùng lúc có mặt tương tự như các app đang “chạy ngầm” trong thiết bị của chúng ta. Chỉ cần ta mang sự chú tâm của mình vào “thực tại” nào, giống như bấm chọn app nào, ta NGAY LẬP TỨC trải nghiệm “thực tế” (Reality) đó. Không có khoảng cách hay giới hạn trải nghiệm. Chỉ có tâm trí bị giới hạn giống như người dùng tự nghĩ rằng mình chỉ có thể xài 1 2 cái app nào đó mà không được xài những app khác.
Ví dụ như khi mình đi du lịch, mà bỏ hẳn laptop ở nhà, công việc mà hàng ngày mình đau đầu chạy deadline đột nhiên trở nên chẳng-liên-quan gì đến mình cả. Tâm trí mình không chọn chơi “game” đi làm nữa, không còn vướng bận nó nữa thì mình trải nghiệm thế giới hoàn toàn khác. Chỉ có biển xanh, cát trắng, cây cối, bầu trời. Tất cả những gì từng rất áp lực của hôm qua đột nhiên biến mất khỏi tầm trải nghiệm của mình.
Khi mình làm việc, cả “thế giới” công việc hiện ra với những thử thách, khó khăn cần “giải mã”. Mình sống trong đó ít nhất là 9 10 tiếng một ngày.
Khi đang trải nghiệm “thực tại” công việc, mọi “phiên bản” khác của mình rơi vào trạng thái “chờ”. Tiên khi là người yêu của ai đó, bạn thân của ai đó không đang có mặt. Mình tạm “quên” luôn những trải nghiệm đó đi. Cho đến khi “thoát” ra công việc thì lập tức “nhớ” ra À mình đang có người yêu và người yêu đang chờ mình trả lời tin nhắn.
Đôi khi sự “quên” đó không thực sự rõ ràng như là bạn thức dậy sau một giấc ngủ rất sâu và phải mất nhiều phút để “nhớ” ra mình là ai, hôm nay là thứ mấy, “nhớ” ra cái chân đang đau để… đau tiếp, chứ lúc ngủ nào có thấy đau?!
Vì mọi người cứ mải sống trong suy nghĩ, khi làm việc nghĩ đến trưa nay ăn gì, khi ăn thì check mail công việc,… nên nút “thoát” từng “thực tại” riêng lẻ bị xóa mờ. Dù nếu bạn quan sát thật kỹ thì trong khoảnh khắc bạn vẫn đã hoàn toàn 100% trải nghiệm một “thực tại” nào đó, dù chóng vánh.
Mỗi người lại sống trong những “thực tại” mà họ quan tâm. Ví dụ như một cô giáo yoga sẽ để ý đến những điều liên quan đến bộ môn đó, tạo điều kiện cho việc gặp gỡ những người có cùng sự quan tâm, đến những nơi có cùng tần số. Cô ấy đi đâu cũng vẫn ở trong “không gian” yoga đó.
Hồi trước có thời mình “đi tu”. Mình nhìn thế giới theo cách thức tu tập đó. Mà sau này khi mình đã không còn tu nữa, mình thấy thế giới hoàn toàn khác. Thế thì không phải cách nhìn cũ là “duy nhất” đúng. Đó cũng chỉ là một cách mà thôi.
Khi mình va chạm nhiều hơn với cuộc sống, gặp nhiều người, lắng nghe nhiều chuyện, đặc biệt là những người đang sống trong “thế giới” khác, mình lại được mở rộng thêm ra. Lúc nhỏ bước ra khỏi nhà đạp trúng cái ao, nghĩ rằng ao là biển cả. Mà sau khi dũng cảm bỏ cái ao đi tiếp mới thấy còn có hồ, có sông, có biển, có vô số điều mà mình chưa chạm tới bao giờ.
Điều quan trọng không phải là trở nên thật to lớn và biết thật nhiều. Quan trọng là nhận ra mình chẳng biết gì cả. Khi biết mình không biết, mình cởi mở với những “thực tại” mới để xem nó có phù hợp với mình hay không, mình có thoải mái khi trải nghiệm nó ở hiện tại hay không. Và mình có muốn tiếp tục tham gia vào đó hay không.
Tương tự như khi ta khổ, chỉ cần mang sự chú tâm sang điều khác làm ta thoải mái thì cái khổ lập tức mất đi “năng lực” của nó. Chỉ có điều phần lớn mọi người không biết cách sử dụng “siêu năng lực” “thoát xác” này của mình. Lúc này họ rơi vào tình huống “đứng máy” dù vùng vẫy cách nào thì màn hình vẫn không hoạt động. Chúng ta khổ đơn giản vì ta chọn “điều kiện” cho cái khổ nảy sinh. Ta cũng ưa trải nghiệm khổ nhiều như trải nghiệm sướng.
Tiên Alien
Trả lời