Hỏi: Xin chào em,
Em cho chị hỏi thêm là làm sao để mình có thể quan sát cơn đau hay suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác 1 cách khách quan như nó đang là mà không chìm đắm hay đồng hóa mình với nó được vậy em? Và chị đọc đâu đó nói rằng, cái gì càng tập trung thì nó càng mở rộng. Ví dụ như cơn đau xuất hiện ta quan sát nó và cho phép nó được diễn ra nhưng vì đau quá ta sẽ chìm đắm vào nó và làm cơn đau gia tăng.
Trong đời sống, để hiểu bản thân thì ta cần quan sát hết thảy và trải qua để hiểu là khi tình huống đó xảy ra thì ta sẽ cư xử như vậy, hiểu rồi thì lần sau ta sẽ quan sát nó 1 cách bình tĩnh hơn để có thể kiểm soát nó. Vậy đúng không em? Nhưng cũng như chị nói phía trên, làm sao để mình không đắm chìm vào và vẫn là mình được vậy em?
Hoặc trong người có 1 căng thẳng thì càng quan sát thì sẽ càng căng thẳng hơn. Em giải đáp giúp chị với.
Chị cảm ơn.
Đáp: Cảm ơn câu hỏi rất hay của chị. Câu hỏi này chứng tỏ người hỏi đã dấn thân để tìm câu trả lời rồi. Em thích những câu hỏi có sự chủ động như vậy, hơn là những câu hỏi xuất phát từ những người thậm chí còn chưa bước một bước nào và hỏi chỉ vì họ ưng hỏi.
Trả lời câu hỏi của chị, hướng dẫn “hãy quan sát đi” là một cách diễn đạt mà nếu chúng ta vướng bận vào ngôn từ trong khi chưa thực sự hiểu nó có thể gây ra khó khăn trong thực hành. Cụ thể trong trường hợp này là những băn khoăn của chị.
Thay vì nói “Hãy quan sát”, em sẽ dùng “Hãy cho phép”. Nghĩa là có bất cứ suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác nào xuất hiện trong nhận thức của mình, hãy cho phép chúng diễn ra, không phán xét, dán nhãn (đúng-sai, nên-không nên,…), không can thiệp (cố để nó tiếp tục hay dừng lại). Đó chính là quan sát thuần túy.
Giống như chị bước vào rạp chiếu phim, lúc xem phim những cảm xúc, suy nghĩ sẽ phát triển theo mạch bộ phim. Nhưng chị vẫn là khán giả ngồi trên ghế chứ đâu hóa thân thành nhân vật. Cảm xúc, suy nghĩ xuất hiện khi chị đang thực hành cũng giống như quá trình chị đang xem phim vậy, chị hãy thả lỏng, buông bỏ cái muốn quan sát (xuất phát từ cái tôi tâm linh) này xuống và hết mình với những cảm xúc, suy nghĩ đó. Chị hãy tưởng tượng chị xem phim mà chẳng cảm thấy gì, chẳng đọng lại chi, thế thì chị chỉ “thấy” phim thôi, chắc chắn sẽ vô cùng nhạt nhẽo. Thế mà chúng ta, trong thực hành của mình, lại đòi quan sát thôi mà không vướng bận vào cảm xúc. Đó cũng là một cái tham. Và nỗi sợ cũng có mặt khi lo mình dính mắc vào cảm xúc, suy nghĩ, sợ rằng nó sẽ phát triển quá tầm kiểm soát của mình.
Thực hành tỉnh thức là một quá trình buông bỏ sự kiểm soát, bỏ đi những cái tưởng, cái mình nghĩ nó phải là. Để CHO PHÉP tự nhiên diễn ra theo nhịp điệu của riêng nó. Hãy thử một lần cho phép cảm xúc diễn ra trong an toàn và riêng tư (không gây tổn thương cho chính mình và người khác). Thả lỏng để cảm xúc phát triển đến cao trào, rồi chị sẽ thấy, lẽ tự nhiên, nó sẽ thoái trào nhanh chóng.
Về cơ bản, cố quan sát sẽ không thấy ra được. Cố kiểm soát sẽ mất kiểm soát.
Thay vào đó, hãy THẢ LỎNG, buông bỏ hàng rào phòng thủ, cho phép mọi điều đến rồi đi.
Dần dần, chị sẽ thấy tần suất của những cảm xúc tiêu cực vơi đi, vì chúng đã được nhận biết, hiển lộ trong không gian an toàn và hết năng lượng. Nếu mà kìm nén thì chúng sẽ mãi ở đó, làm mình làm mẩy, làm khó mình.
Như chị đã thấy đó, nếu mình đang căng thẳng mà cố tình để quan sát sự căng thẳng đó thì mình sẽ gồng và mệt mỏi hơn. Và ý kiến khi mình tập trung vào cái gì thì cái đó phát triển cũng đúng, nhưng chưa đủ. Cách tiếp cận cũ của chị là cố ý để quan sát, thì thực ra chị đang tập trung vào kiểm soát chứ không phải là ôm ấp và cho phép. Cho phép thực sự diễn ra khi chị tin rằng mọi thứ đều an toàn để trải nghiệm, không có gì là xấu, tiêu cực cả.
Đừng sợ hãi, vì khi chị hoàn toàn thả lỏng, bỏ đi cái kiểm soát thì cơ thể sẽ tự động nổi trên mặt nước chứ không chìm. Chị chỉ chìm khi sợ hãi và cố để kiểm soát. Hãy thử đi đến tận cùng của cảm xúc, hết mình với trải nghiệm đau đớn, ở đó là nơi Tuệ nở hoa.
Chúc chị tinh tấn.
Tiên Alien
Để lại một bình luận