Mình vừa xem bộ phim tài liệu Ranh giới – Bộ phim như lời tri ân gửi tới đội ngũ cán bộ nhân viên ngành Y đang tham gia chống dịch. Thường thì mình sẽ chọn im lặng trước các bộ phim hay quyển sách,… Tự mình thấy tác phẩm đã diễn tả chính nó. Mình muốn bạn hãy chạm vào phim một cách trực tiếp, mà chẳng cần thông qua mình.
Nhưng hôm nay mình muốn viết một chút.
“Mở mắt ra nè, mở mắt ra nhìn tôi, đừng có nhìn ai khác nhé
Bây giờ chị chỉ có một nhiệm vụ duy nhất thôi. Hít sâu vô…”
Bộ phim sẽ chạm đến mỗi người trong chúng ta vào những khoảnh khắc khác nhau. Để rồi ta nhận ra ta, trong nhau. Có thể bạn sẽ thấy hình ảnh chính mình trong những ngày sinh nở khó khăn. Cũng có thể bạn sẽ thấy người thân mình hen suyễn thường khó thở. Có thể người bạn của bạn cũng đang tất tả ngoài kia để giành giật từng mạng sống hay hỗ trợ bà con vùng dịch.
Ta thấy nỗi đau của sự chia lìa. Nhưng đằng sau nỗi đau đó, hẳn là tình yêu thương nhiều lắm.
Xem phim, mình càng ý thức được về sự vô dụng của mình. Mình thấy thật nực cười khi mình chỉ ngồi trong căn phòng máy lạnh, với sự thoải mái tiện nghi và gõ những dòng chữ tưởng chừng như chả giúp ích gì cho ai ngoài kia một cách thực tế cả.
Nhưng bộ phim cũng nhắc mình trân trọng hơi thở vào ra thoải mái mình đang được thụ hưởng, bữa cơm giản dị mỗi trưa và chiều, hay là chuyện mình vẫn còn được ngồi gõ chữ trong bình an. Mọi thứ tưởng chừng như thật bình thường, bỗng trở nên phi thường lạ.
Ở nhà lâu ngày, mình dường như tách ly khỏi thế giới ngoài kia. Để tự mình bình an, mình đã chẳng xem tin tức hay đọc báo từ lâu lắm rồi. Hôm nay, được xem những thước phim này, mình như được “kéo về” mặt đất, thực sự nhìn thấy những gì đang diễn ra.
Đội ngũ y bác sĩ quả thật là thần kinh thép, người ta hay ví như những siêu anh hùng cũng không sai. Nhưng mình nghĩ họ cũng là con người, họ cũng là cha là mẹ là anh là chị của ai đó. Họ có gia đình riêng để yêu thương và bảo vệ, nhưng vẫn chọn cống hiến cho cái chung.
Suốt 50 phút phim, mình thấy họ thật điềm tĩnh, xử lý tình huống và đối diện với khó khăn hay mất mát thật vững vàng. Nhưng mình tin họ cũng bối rối, cũng bất an trước vô số những biến cố khó lường của tình huống mới phát sinh, cũng đau lòng khi phải lựa chọn sinh tử, cũng bất lực khi nỗ lực hết mình nhưng kết quả vẫn không thắng nổi tử thần… Nhưng họ chỉ đơn giản lựa chọn tiếp tục tiến về phía trước, vì mọi thứ có thể chuyển biến thật nhanh chỉ trong một phút giây lơ là.
Ranh giới nằm ở đâu?
Có lẽ tựa phim nói về ranh giới giữa sinh và tử, hay giới hạn và sức chịu đựng của con người. Nhưng qua bộ phim, mình muốn nói về ranh giới giữa chúng ta, giữa ta với sự sống thường hằng, giữa ta với tự nhiên.
Sự độc lập, tự lực, trụ vào chính mình được tìm thấy trong rất nhiều bài mình viết. Nhưng không có nghĩa là chúng ta có thể sống hoàn-toàn-một-mình, như một cái cây có bén rễ sâu vào trong lòng đất, cũng không thể tự sinh sôi nếu thiếu đi chất dinh dưỡng từ đất, gió, ánh nắng,…
Dù bạn có ra tận đảo hoang, hay trên núi cao, sự sống của cái thân nhỏ bé này cũng cần nương nhờ vào đất vào trời. Hay đơn giản hơn, ly cà phê hôm nay bạn uống đã đi qua bao nhiêu bàn tay để đến với chiếc ly của bạn.
Chúng ta kết nối lẫn nhau bằng muôn vạn cách, dẫu rằng bạn có ý thức hay không ý thức về nó, sợi dây vẫn luôn ở đây. Vạn vật nương nhờ nhau, tương tức lẫn nhau, cùng nhau sinh hóa. Một cái đập cánh của con bướm có thể tạo ra một cơn bão ở cách đó thật xa cơ mà.
Nên ta cần nhau, nhiều hơn mức ta có thể nghĩ.
Và chúng ta chạm vào nhau, nhìn thấy nhau, cổ vũ lẫn nhau mà đôi khi chẳng cần một nỗ lực trực tiếp. Cách ly tại nhà chỉ là những rào cản vật lý. Hoặc đôi khi ranh giới của cơ thể khiến ta nghĩ rằng mình không thể cảm nhận được điều đối phương cảm nhận.
Mình từng cảm thấy bất lực và thật buồn khi nghĩ rằng mình không thể cảm nhận cái đau mà bạn cảm thấy, niềm vui lấp lánh trong mắt bạn hay cách bạn yêu một bài thơ,… Nhưng rồi mình nhận ra sự giống nhau giữa chúng ta. Mình không cần cảm nhận y như bạn cảm nhận, nhưng mình từng trải qua. Sự thấu cảm, sẻ chia lập tức có.
Có thể mình chưa bao giờ phải kết thúc một cuộc hôn nhân, nhưng mình từng cô đơn trong chính mối quan hệ của mình. Có thể mình chưa bao giờ đối diện với khoảnh khắc cận tử, nhưng mình từng tụt huyết áp đến bất tỉnh trong phòng tập. Có thể mình chưa bao giờ chịu bạo hành, nhưng chính mình “bạo hành” mình bằng nhà tù tâm trí…
Hoàn cảnh có khác nhau, và đương nhiên bạn có thể nói rằng chiều sâu nỗi đau cũng khác. Nhưng điều đó chẳng liên quan đến độ rung cảm của tâm hồn trước nỗi đau cả. Đôi khi chỉ cần một cú tát nhẹ, mình đã bừng tỉnh rồi.
Mình không thể cảm nhận chính xác điều bạn cảm nhận. Nhưng mình có thể cảm nhận bạn. Mình biết bạn, trước cả khi chúng ta gặp nhau. Ranh giới hay sự chia lìa bỗng hóa thành hư vô.
Và vì mình tin mình nên mình cũng tin bạn nữa. Mình tin vào đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, chính phủ, bộ đội,… tất cả những ai đang nỗ lực hết mình ngoài kia. Mình tin bạn sâu sắc đến nỗi mình an tâm, thay vì hoang mang hay lo lắng. Mình biết chúng ta sẽ cùng nhau đi qua, dù thế nào chăng nữa.
Hôm nay mình vừa kể với bạn mình là 9/9 là ngày May mắn. Đương nhiên nó chỉ mang ý nghĩa biểu tượng. Nhưng mình tin vào may mắn, như kiểu bằng một phép màu nào đó ông trời cũng không phụ lòng người đâu. Chỉ cần ta chân thành, hết mình, toàn tâm toàn ý, nghiệp lực sẽ đứng về phía ta mà thôi (Karma is on our side).
Bình an trong chúng ta,
Tiên Alien
Trả lời