Sự chết đã luôn diễn ra, một cách lặng thầm hiển nhiên đến nỗi ta ít để ý đến, như mỗi hơi thở vào và ra, như mỗi ngày có vô số tế bào bên trong chết đi để thay tế bào mới, như mặt trời lặn rồi lại mọc. Nhưng những ngày gần đây thì khác, sự mất mát hiển lộ khắp mọi nơi.
Mình biết có những sự mất mát rất đau đớn, đôi khi nó trông như sự chia cắt vĩnh viễn đối với những người hoặc những điều mà ta rất mực yêu thương. Và mình cảm nhận nó đủ sâu sắc để không thể nói rằng nỗi đau đó là ảo ảnh. Mình không nói về tình yêu vô điều kiện, cũng chẳng biết về nhất thể hay sự sống sau cái chết. Những thứ đó quá huyền học và xa vời. Mình chỉ biết hiện tại ở đây, những gì mình có thể quan sát thấy và chạm đến bằng chính đôi tay trần, chính trái tim còn đang đập trong lồng ngực.
Những ngày này, sự hỗn loạn bên ngoài nhắc mình ngồi xuống với bản thân. Nhắc mình tắt âm nhạc mà mình thường dùng để tránh đi tiếng im. Chỉ để ngồi thật im trong căn phòng tối, lắng nghe âm thanh của sự tĩnh lặng.
Mình nghĩ đến sự chết – cái diệt. Thế giới vật chất mà chúng ta đang trải nghiệm được dệt thành từ những sợi vô thường, đồng nghĩa là có nhị nguyên. Khởi đầu sinh ra kết thúc. Sự sinh tạo ra cái chết. Thế thì cái chết là hiển nhiên, và nó cũng đẹp như là sinh vậy. Chúng ta, loài người, dễ dàng chấp nhận quy luật sinh-diệt của tự nhiên: Ta đâu có đau lòng khi bông hoa mới nở hôm trước nay đã tàn. Ta đâu có luyến tiếc khi đám mây đã chuyển thành cơn mưa. Thế nhưng ta lại buồn thậm chí là đau khổ khi đối diện với sự mất mát con người.
Có thể bạn cho rằng sinh mạng con người hẳn quan trọng hơn cây, cỏ, sâu, bọ và muôn loài khác. Hoặc có thể chúng ta chỉ quá vướng bận vào cái “tôi” và “của tôi”. Thực tế thì, con người chẳng đứng đầu trong muôn loài, mà ta chỉ là một mắt xích nhỏ. Sự đến và đi của chúng ta quan trọng và đau đớn chỉ vì ta dính mắc vào “cái tôi”: “Tôi”, gia đình “của tôi”, đất nước “của tôi”, đồng loại “của tôi”,… “Cái tôi” cần được nuôi dưỡng, và tiếp sinh lực để duy trì (vì nó không thường hằng). Thế là những tôn giáo hoặc tổ chức tâm linh được hình thành, sẵn sàng nuôi dưỡng giấc mộng về một đời sống vĩnh cửu bên kia thế giới. Dù bạn có tâm linh hay không, hẳn là ít nhiều việc bạn làm trong ngày, dù ý thức hay không ý thức, đều để bạn (nói chính xác hơn là “cái tôi” của bạn) bất tử. Chúng ta viết những cuốn sách, xây trường học, phát minh ra cỗ máy mới, hoặc chỉ đơn giản là làm một người mẹ thật tảo tần,… chỉ để được nhớ tới, nhắc tới, khắc bia mộ, tốt hơn nữa là đi thẳng vào sách lịch sử… chỉ để (cái danh – một cách ta định dạng bản thân) sống tiếp sau khi mình rời đi. Một số khác thì bám vào những “chiếc thuyền Noah” như một sự cứu cánh, bằng cách tu tập với niềm tin vào một linh hồn – có danh tính, sau khi rời khỏi cơ thể vật lý. Họ tin rằng cơ thể này là tạm thời, nhưng lại bất chấp để tin vào một “cơ thể” khác vi tế hơn, và vì chính nhân dạng đó mà chịu khổ luyện, từ bỏ cuộc đời đang diễn ra trước mắt để chuẩn bị cho đời sống ở bờ bên kia.
Hãy thử quan sát, đối diện với những sự thật trần trụi kể trên, để thực sự thừa nhận với bản thân xem bạn đang vận hành cuộc đời mình bằng những giá trị, niềm tin nào. Nhận diện được cái chết, ta mới thực sự biết sống là gì. Và mình tin rằng, khi thực sự rũ bỏ mọi vướng bận về cái hữu hạn của “cái tôi”, ta mới thực sự tự do sống. Sự sống đang diễn ra ở đây, đừng bỏ lỡ nó chỉ vì lo sợ cái chết sẽ gõ cửa. Mình có một người thân lúc nào cũng chẳng cho mình lên núi hay xuống biển, chỉ đơn giản vì sợ mình xảy ra chuyện. Nếu thế thì mình có thể sống đến thật già, nhưng chả biết sống là gì. Và đối với mình thì, như vậy là chết-khi-còn-đang-thở.
Được ở trên trái đất, trong hình hài này, trong một số năm có hạn, là một may mắn, một niềm vui, một điều đáng ăn mừng. Mình không biết hạnh phúc định nghĩa thế nào, nhưng mình cảm nhận nó qua những điều tử tế nhỏ nhặt. Mình không biết tình yêu là sao, nhưng mình thấy yêu qua một cái chạm đến một tâm hồn khác đồng điệu. Mình không biết tự do là gì, nhưng mình trải nghiệm nó qua việc cho phép mình được thử những điều mới. Thế thì sự sống vô hình, nhưng nó có hiện hữu. Và được sống trong cơ thể vật lý này là cơ hội để trải nghiệm hạnh phúc, tình yêu và tự do.
Rồi mình nghĩ đến cái chết của mình – nhân vật Tiên này. Mình nghĩ mình luôn sẵn sàng cho nó, bằng cách là mỗi ngày còn thở mình đều đã sống hết mình. Mình đã dám yêu hết lòng, bất chấp rủi ro của việc bị từ chối hay phản bội. Mình đã dám dốc hết sức cho công việc, bất kể người ta cứ mãi tính toán thiệt hơn. Mỗi ngày, khi mình cảm thấy muốn ăn gì, muốn nghe gì, muốn làm gì, hay chuyện trò cùng ai, mình đều đáp ứng cho bản thân ngay lập tức, không trì hoãn hạnh phúc ở tương lai, cũng không vì những yếu tố ngoại cảnh như là chuẩn mực đúng-sai mà ép buộc mình. Sự trọn vẹn đã có mặt, nên mình chẳng thấy có điều gì dở dang.
Mình cũng không vận hành đời mình với những ước mơ lớn lao, những ý nghĩa to tát, nên luôn cảm thấy mình làm xong rồi. Mỗi hành động mình làm nó đều xong ngay tại đó, sự hoàn thành của nó không ở thì tương lai.
Chị Nhung Kate nói rằng “Cái chết xưa nay chỉ buồn thảm với người sống mà thôi.” Thế thì, nếu thần chết tới, mình chẳng có gì vướng bận cho mình cả. Mình chỉ muốn nói với người thân và những người thương yêu mình là mình đã sống rất vui, thế thì khi mình chết đi hãy ăn mừng vì mình đã từng ở đây, là một mảnh ghép nào đó trong cuộc đời bạn. Và dù trông nó như là sự chia ly vĩnh hằng giữa chúng ta, nhưng mình sẽ chẳng đi đâu cả. Mình vẫn luôn ở đây, trong hơi thở bạn hít vào thở ra, trong chiếc lá ngoài ban công nhà, trong ly nước mát lành bạn uống,… Như cách ông bà, tổ tiên mình đang luân hồi bên trong mình. Như cách dòng sông bốc hơi thành đám mây rồi lại chuyển mình thành cơn mưa đi vào lòng đất. Dòng sông giờ ở trong cái cây. Đám mây “kia” giờ lại hòa ra biển cả…
Người ta thường bảo nhau hãy sống sao cho khi bạn đến với thế giới, bạn khóc, mọi người cười; và khi bạn rời đi, bạn mỉm cười, mọi người khóc. Mình lại chẳng mong muốn như vậy, sao mình có thể vui khi biết rằng sự ra đi của mình trở thành cái mất mát cho người khác? Mình chẳng muốn để lại bất kỳ “dấu vết” nào, sự phụ thuộc hay cần tới của bất kỳ ai vào mình cả. Mình muốn đến và rời đi như một cơn gió, như một bông tuyết hoàn thành màn biểu diễn đẹp đẽ nhất trong khả năng của nó rồi tan vào mặt đất, chẳng thể phân biệt được nó nữa trong đám tuyết dày. Nếu thực sự thương mình, thế thì hãy cười vì mình đã từng ở đây, trên mặt đất. Và rồi cứ sống tiếp cuộc đời bạn trọn vẹn và vui vẻ.
Mình trân quý cuộc sống này tạo ra môi trường để mình gặp bạn, tạo nên những trải nghiệm và câu chuyện có ý nghĩa cùng nhau. Nhưng mà chúng ta không chỉ đơn giản là mình và bạn riêng rẻ, hay cuộc sống và cái chết tách biệt. Sống không đối nghịch với chết một chút nào. Như cách mình và bạn chẳng có mấy khác. Tất cả chỉ là một vòng tuần hoàn bất tận bên trong cái Không, cái Consciousness mà thôi. Hình tướng bên ngoài chỉ là một chiếc áo tạm bợ, cởi bỏ lớp áo này, ta trở về với bản chất thật của mình. Đương nhiên sẽ tốt hơn nếu bạn nhận ra chiếc áo, khi còn mặc nó. Bạn không nghĩ mình là chiếc áo, đồng thời sử dụng chiếc áo để tham gia vào những trò chơi cuộc đời mà bạn thấy thích thú.
The river is flowing.
Flowing and growing.
The river is flowing back to the sea.Mother earth carry me
The child I will always be.
Mother earth carry me
Back to the sea.
Mình viết bài này không phải để thuyết phục bạn tin hay không tin. Bạn chỉ cần trải nghiệm thôi, trải nghiệm sự sinh-diệt, vô thường, để nhận ra vẻ đẹp của nó, để ôm ấp những nỗi sợ, bất an, bám chấp của bạn, và rồi đối diện thật dũng cảm.
Tiên Alien
Trả lời