Hay đúng hơn, tại sao mình cảm thấy cho lời khuyên không phải là cách hiệu quả để giúp ai đó?
Lý do đầu tiên, chúng ta độc nhất.
Bất kể chúng mình giống nhau thế nào thì mỗi chúng ta đều trưởng thành trong những hoàn cảnh khác nhau, có những đặc điểm tính cách, góc nhìn thế giới, cũng như trải nghiệm sống khác nhau.
Chúng ta khác nhau về khả năng ăn cay (cách người ta thường dùng để chỉ khả năng chịu đựng và chấp nhận rủi ro trong đầu tư). Điều này có nghĩa là việc chơi tàu lượn siêu tốc với một số người là quá sức tưởng tượng, trong khi đối với những người khác thì mức độ cảm giác mạnh đó mới đủ thỏa mãn.
Chúng ta khác nhau về nỗi sợ, điểm yếu hay còn gọi là “giới hạn an toàn”. Nếu ở trên là khả năng lao ra để “được thêm”, thì ở đây là vùng để lui vào để “bảo toàn”, dù về bản chất có vẻ như chúng nằm ở 2 cực trên cùng một thang đo. Ví dụ như đối với một số người mất mát trong sự nghiệp không ảnh hưởng lắm đến mức độ hạnh phúc của họ, chừng nào khía cạnh tình cảm của họ vẫn tốt. Gia đình là “điểm yếu” của họ, nơi họ sợ mất mát nhất.
Chúng ta khác nhau về thứ tự ưu tiên, dẫn đến trong cùng tình huống nhưng ra những quyết định trái ngược. Ví dụ khi một người mẹ thấy con mình té ngã, cô ấy có thể sốt sắng lo lắng và đỡ con dậy, trong khi một người mẹ khác sẽ cho phép con tự đứng dậy. Một người ưu tiên sự an toàn của con, trong khi người kia ưu tiên dạy con tính độc lập, dù cả hai đều thương con rất nhiều. Vấn đề không phải học xem nên làm gì và làm như thế nào là đúng nhất. Mà là xem xét tình huống cụ thể, đưa ra quyết định dựa trên ưu tiên của mình và rút kinh nghiệm từ đó.
Lý do thứ hai, không có lựa chọn nào là tuyệt đối đúng và mình cũng không có khả năng chịu trách nhiệm cho kết quả của người khác.
Nếu bạn nhận lời khuyên từ mình và làm theo, mình không đảm bảo được rằng bạn sẽ hạnh phúc với lựa chọn đó. Mình không gánh được trách nhiệm của mọi hệ quả xảy ra với bạn. Chỉ có bạn mới làm được điều đó thôi.
Một quyết định là tối ưu với mình chưa chắc nó có hiệu quả với bạn. Vì như đã nói ở trên, bạn khác mình nhiều đến nỗi bạn không thể có cùng một thái độ, một bản lĩnh, một góc nhìn đối với chuyện xảy ra giống mình được. Có những thứ mình thấy nhẹ như lông hồng bạn mang vào vẫn thấy nặng là nặng. Chẳng phải vì ai hay hơn ai, chúng ta chỉ đơn giản độc nhất, với nhân duyên và nghiệp lực của mỗi người thôi.
Lý do thứ ba, không can thiệp.
Mình luôn cảm thấy mọi thứ xảy ra đều cần thiết. Và có lẽ cuộc đời này chẳng có vấn đề gì. Nên can thiệp vào dòng chảy là điều không cần thiết. Mình không nói việc tác động vào là không thể, hay sẽ mang đến kết quả tiêu cực. Mình chỉ thấy nó không cần thiết, mọi người đều đang ở chính nơi họ cần ở.
Điều này không có nghĩa là chúng ta không làm gì, hay vô cảm trước mọi sự. Ta có thể giúp đỡ, nhưng không chấp vào kết quả. Ta có thể cho lời khuyên, nhưng không ép buộc. Ta có thể tác động thay đổi nếu cảm thấy mình có thể tạo ảnh hưởng tích cực, và chịu trách nhiệm ở mức độ nhất định với đối phương.
Mình độc lập tự chủ đến mức rất khó để có ai đó mình có thể coi là sư phụ. Mình tin mình, nhiều hơn tin Osho hay Phật. Thường thì mình chỉ nhận một người làm mentor khi mình thấy họ hội tụ đủ 2 đặc điểm: 1 là họ có cùng thế giới quan, nhân sinh quan (philosophy) với mình. Vì thực ra ai cũng đúng trong “hệ quy chiếu” (hay thực tại) của họ hết á. Nhưng mình chỉ có thể áp dụng nếu người thầy cũng cùng thế giới với mình. 2 là họ phải là chuyên gia trong lĩnh vực mình bái sư. Nếu không thì còn gì để học nữa? Thậm chí khi có sư phụ rồi mình vẫn sẽ liên tục kiểm tra, quan sát, đối chiếu với Sự thật của bản thân. Cuối cùng thì mình chịu trách nhiệm cho mình, chứ thầy đâu có trưởng thành thay mình được?
Nên thực tế thì mình không có thầy theo nghĩa mọi người vẫn nghĩ về guru. Hoặc tất cả mọi người đều là thầy của mình theo nghĩa là mình quan sát, soi mình trong mọi người mọi lúc.
Cuối cùng, đi đôi giày của đối phương.
Khi mình nghe ai đó chia sẻ về vấn đề của họ, thay vì mình nhìn từ góc của mình để phân định, mình sẽ lắng nghe từ góc người kia để thấu hiểu vì sao họ cảm thấy những gì họ thấy. Có những chuyện nếu áp vào mình thì xử lý rất dễ, nhưng nếu mình là đối phương mình cũng thấy khó y như họ thấy vậy. Thế là mình sẽ thấy Chà khó thế nhỉ! Mình cũng không biết luôn! :))
Thường những người lắng nghe mắc phải lỗi áp bản thân họ lên tình huống của người kể để phán xét hay đánh giá. Nên khi họ cho lời khuyên thì nghe như “Nói thì dễ rồi.”
Nhưng mình thường mang giày của đối phương để xem xét, mình sẽ phản hồi rằng “Ừm khó thật đấy. Nhưng có cách khác ngoài những cách bạn đang thấy. Có lối ra cuối đường hầm.” Sau tất cả, mình tin rằng mỗi nút thắt đều có một (vài) cách hóa giải.
Mình tin vào khả năng tự hóa giải của bạn và của mình, trong sự hiện diện, lắng nghe và cổ vũ lẫn nhau. Chúng ta đều có thể tự mình trưởng thành, nhưng cùng với nhau. Mọi câu trả lời đều có sẵn trong ta. Người kia có chăng là chất xúc tác để ta nhìn thấy, hiểu ra.
Tiên Alien
Để lại một bình luận