Mình ít viết về chuyện tâm linh trực tiếp. Mình muốn nội dung mình làm ra gần gũi, dễ hiểu, dễ tiếp cận với người đọc, người xem hơn là bị từ chối tiếp nhận ngay từ đầu. Mình thường gói ghém những quy tắc tâm linh vào trong những nội dung mình sản xuất sao cho ngay cả người bình thường cũng có thể hiểu và ứng dụng.
Nhưng thỉnh thoảng mình sẽ chọn viết về tâm linh thuần túy. Mình tiếp cận với tâm linh qua một góc nhìn thông thái, một hướng đi của trí tuệ, chứ không mê tín dị đoan. Vì vậy mình nghĩ mình có trách nhiệm trong việc truyền đạt một tư duy đúng về tâm linh đến cho mọi người.
Lưu ý: Bài viết được viết dựa trên trải nghiệm cá nhân. Mình không phải là chuyên gia khoa học. Mình chỉ là một kẻ đi tìm kiếm. Ở đây, mình sẽ kể cho các bạn nghe những gì mình tìm ra.
Vì sao mình tìm đến Tâm linh học?
Tâm linh (Spirituality) đối với mình là bộ môn khoa học tìm hiểu chính bản thân mình. Tâm linh không phải là điều gì kỳ bí, khó hiểu và vô căn cứ. Mọi thứ đều có lý do và quy luật riêng của nó.
Lúc còn đi học, mình thường cảm thấy thật tệ khi đầu óc mình không có tư duy các môn Vật lý, Hóa học, Toán học,… Mình có thể học tốt, nhưng mình không có khả năng tư duy bẩm sinh, như đối với nhiều bạn làm chuyện đó khá dễ dàng. Không phải vì mình muốn giỏi hay muốn thông minh. Mà mình thực sự đam mê kiến thức và ước gì mình cũng có khả năng biến kiến thức đó thành của mình.
Những năm đầu Đại học, mình bắt đầu tìm hiểu Tâm lý học. Lần đầu tiên mình cảm thấy là có một bộ môn khoa học mình thích và có khả năng. Những khái niệm, công thức trong Toán học mình phải mất thời gian rất nhiều để nhớ, thì những thủ thuật tâm lý mình nhớ và ứng dụng dễ dàng. Mình bắt đầu sử dụng những nghệ thuật tâm lý vào cuộc sống để phục vụ cho việc phát triển mối quan hệ với con người. Lúc đó, mình thực sự tin rằng chính mối quan hệ với con người sẽ giúp mỗi cá nhân có cơ hội phát triển.
Nhưng rồi, Tâm lý học cũng thất bại trong việc giúp mình hạnh phúc. Thực tế mình đã chịu tổn thương đau đớn ngay cả khi mình ứng dụng mọi nguyên tắc tâm lý mình đã học. Mối quan hệ của mình và con người không đạt kết quả như mình mong muốn.
Lúc đó, câu hỏi trong đầu mình vẫn luôn là: “Tại sao?”. Ngay cả Tâm lý học, nắm bắt tâm lý con người, cũng không thể giúp mình sống một cuộc sống chắc chắn. Chắc chắn ở đây là nếu bạn thực hiện theo công thức a + b bạn sẽ có đáp án c. Vì vậy, mình nghĩ mình phải đi tìm một công thức khác.
Mình đã không chắc công thức mình tìm có tồn tại trên đời hay không. Nhưng mình còn gì để mất đâu. Hành trình đó giống như là nhắm mắt đi trong bóng đêm.
Mình còn nhớ, lần đầu tiên mình ngồi thiền. Chỉ 10 phút ngắn ngủi trong căn phòng đã tắt điện của mình nhưng mà dài như 10 thế kỷ. Và thiền chính là cánh cửa đầu tiên để mình bước vào thế giới tâm linh kỳ diệu.
Tâm linh học thực sự là gì?
Nếu như Tâm lý chỉ nghiên cứu về tư duy của con người, thì Tâm linh nghiên cứu con người một cách tổng thể nhất.
Tâm lý học tiếp cận con người như là bộ não của họ. Rằng chúng ta chính là não, điều khiển mọi hoạt động của cơ thể. Và nếu chúng ta hiểu cách vận hành của tư duy con người, ta sẽ hiểu bản thân, hiểu mọi người và từ đó đạt được chìa khóa đến với mọi điều ta muốn.
Thực ra, nếu bạn nghiên cứu Tâm lý học đủ sâu, bạn sẽ chạm tới Tâm linh. Tâm lý là bộ môn để nói chuyện với con người – những người cần bằng chứng khoa học thực nghiệm để tin tưởng vào sự tồn tại của một khái niệm nào đó. Tâm linh mới chính là bộ rễ rộng lớn chạy ngầm bên dưới.
Tâm linh tiếp cận con người nhiều hơn chỉ là ở tầng tư duy hay hành vi. Trong tâm linh, chúng ta là những bản thể nằm trong lõi của bộ máy cơ thể bên ngoài. Chúng ta không phải là tâm trí. Chính ta phải là người kiểm soát tâm lý, cảm xúc, cơ thể của mình, chứ không phải ngược lại. Và chúng ta thiền để rèn luyện khả năng nhận diện bản thể.
Nếu bạn đánh đồng bản thân với cái đầu của bạn, bạn đã bỏ đi rất nhiều phần khác cũng có tiếng nói từ sự thông thái, ví dụ như là trái tim.
Nếu như Tâm lý học dùng thủ thuật để đối nhân xử thế, thì Tâm linh dạy bạn đối xử tốt với người khác một cách thuần túy từ trong tâm. Kỹ xảo Tâm lý có thể giúp bạn đạt được một số lợi ích nhất thời nhưng không bền vững. Và khi đối diện với những người có trực giác tốt, bạn sẽ không thể đánh lừa được họ.
Con người giao tiếp với nhau không chỉ bằng lời nói và cử chỉ (như Tâm lý học chỉ ra) mà còn bằng năng lượng. Chính ý định của bạn quyết định rằng bạn có tạo được thiện cảm đối với người khác hay không.
Tâm linh mà mình hay nhắc tới không liên quan nhiều đến tôn giáo. Hiện tại, mình là kẻ vô thần. Mình không tôn sùng tôn giáo nào. Người mình dựa vào duy nhất là bản thân. Tôn giáo duy nhất của mình là sự tử tế. Và mình tôn trọng cũng như tin tưởng mọi tôn giáo chính thống như nhau. Có thể đến một lúc nào đó mình sẽ tham gia vào một tôn giáo nào đó nếu thấy cần thiết và phù hợp. Nhưng hiện tại, mình vẫn ổn trong sự tu tập của mình.
Có một điều Tâm lý học, và các môn khoa học khác cũng phải thừa nhận rằng khả năng nhận diện thế giới của con người chỉ giới hạn trong 5 giác quan của họ. Chúng ta có ngưỡng nghe trong khoảng từ 16 Hz ≤ f ≤ 20 000 Hz. Có tồn tại những âm thanh trên và dưới ngưỡng này, chỉ có điều chúng ta không có khả năng nhận diện chúng bằng chính tai mình. Tương tự với nhìn, ngửi, nếm, chạm.
Có một số người có khả năng đặc biệt vượt qua khỏi giới hạn của người bình thường dù cho họ có sự thông thái (hiểu biết) về tâm linh hay họ chỉ dùng những khả năng đó để sống cuộc đời mê tín, huyền hoặc. Không có gì là phi thực tế trong thế giới tâm linh cả.
Đôi khi, loài người thực sự phải mở tâm trí họ ra để xem họ thiếu hiểu biết về vũ trụ nhiều đến mức nào. Mình cũng nằm trong “loài người”. Thực sự mình đang nỗ lực mỗi ngày để mở mang đầu óc và sự hiểu biết của bản thân.
Thực tế (Reality) không chỉ có một. Sự thật (Fact) đối với mỗi cá nhân là khác nhau. Tương tự với thuyết đa vũ trụ (multiverse). Mình là kẻ đã từng nhìn thế giới với một sự thật khác nên mình hiểu rất rõ. Vì vậy, nếu bạn có duyên đọc đến đây, mình mong bạn tiếp nhận mọi thông tin với sự chấp nhận rằng đó là thực tế của Tiên và đừng phán xét. Mình viết bài viết này có lẽ để củng cố thêm niềm tin của những bạn có cùng thực tế với mình. Và nếu may mắn mình có thể cho bạn một cách nhìn về một thực tế khác cách các bạn vẫn nhìn thế giới.
Vì sao mình chọn đi sâu vào thế giới tâm linh?
Tâm linh là môn mình đam mê và có khả năng.
Khả năng ở đây là khả năng tư duy, học hỏi, nhớ và ứng dụng những quy tắc tâm linh vào cuộc sống một cách dễ dàng, như thể mình sinh ra với nó vậy. Có những sự thật tâm linh mà mọi người cần thời gian để hiểu và chấp nhận thì chỉ cần mình được tiếp cận đến thôi mình đã chấp nhận nó như là sự thật hiển nhiên. Không cần chứng minh hay lý luận dài dòng.
Trong tâm linh, chúng ta không nói lý lẽ với nhau. Chúng ta học hỏi và tiếp cận mọi thứ bằng trực giác (intuition). Đương nhiên, ở những ngày đầu, khi tiếng nói trực giác của bạn chưa được thể hiện rõ, khi mà bạn còn vật lộn với bản ngã (ego), bạn cần tỉnh táo dừng lại và đặt câu hỏi: “Liệu niềm tin tâm linh này có đến từ sự thông thái hay không?”.
Bạn cần những dẫn chứng khoa học để bắt đầu với tâm linh. Các ngành khoa học như Vật lý lượng tử, Khoa học vũ trụ, Triết học,… đều gặp nhau. Nếu bạn tìm hiểu một hoặc vài ngành đủ sâu, bạn sẽ cảm thấy hứng thú nghiên cứu thêm những ngành khác. Chúng bổ trợ kiến thức lẫn nhau. Chỉ là chúng giải thích cùng một sự vật, hiện tượng theo những cách khác nhau mà thôi.
Tâm linh tiếp cận và giải quyết vấn đề ở tầng sâu nhất.
Nếu như Tâm lý học chỉ cổ vũ con người sống tích cực, vui vẻ và lờ đi sự thực rằng ở bên dưới họ là những con người tổn thương; thì Tâm linh dạy bạn phải đi đào sâu vào bên trong, đối điện với cơn đau, con quỷ bên trong mình để chuyển hóa chúng.
Mình biết có nhiều người không hề thích giải pháp tâm linh. Và mình cũng khẳng định là con đường này chẳng mấy dễ chịu. Mọi người thường lựa chọn giải pháp dễ dàng hơn. Nhưng giống như một bãi cỏ, bạn cắt đi phần ngọn thì vài bữa nửa tháng cỏ mọc lên lại và lần sau sẽ rậm rạp hơn lần trước. Vấn đề sẽ tiếp tục quay lại dù cho bạn chuyển chỗ, chuyển công tác, đổi người yêu,… nếu bạn chưa học được bài học cũ.
Những kẻ tu tập tâm linh sẽ đi đào xới hết đất lên, nhổ cỏ tận gốc để trải nghiệm đó không trở lại nữa. Đối với mình đây chính là giải pháp hiệu quả và triệt để nhất trong tất cả mọi giải pháp trên đời.
Việc đi sâu vào bên trong là một trải nghiệm không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi kẻ thực hành tâm linh thật nhiều dũng cảm và kiên nhẫn. Có rất nhiều bài học, bạn tưởng là đã chuyển hóa nhưng lần sau chúng vẫn quay lại dưới hình thức khác. Bạn lại phải kiên nhẫn giải quyết từ đầu.
Mình nhận ra rằng hành trình chữa lành này hầu như không có điểm kết thúc. Chỉ có một đường xoắn ốc đi lên, tức là lần sau bạn sẽ chữa lành ở tầng sâu hơn lần trước. Khi bạn càng giỏi, thử thách càng khó hơn.
Nhưng hành trình này là xứng đáng. Và cuộc sống của bạn chỉ có thể tốt và tốt hơn mỗi ngày, khi bạn loại bỏ dần những tổn thương và tiêu cực bên trong để có chỗ đón những điều tốt lành.
Tâm linh cho mình sự “chắc chắn” mình luôn tìm kiếm.
Con người chúng ta thường cảm thấy cuộc đời là “bể khổ”, là đầy rẫy những bất công và xui rủi. Đó là vì chúng ta không hiểu quy luật vận hành của Vũ trụ. Cũng giống như mỗi quốc gia đều có luật riêng, bạn phạm luật bạn phải trả giá. Chúng ta tan vỡ, khổ đau vì không hề biết đến, hoặc biết nhưng lờ đi những thiên luật ảnh hưởng trực tiếp đến mình.
Tâm linh cho mình sự hiểu biết về sự vận hành của mọi thứ. Khi mình hiểu, mình sống xuôi theo dòng chảy, cuộc đời mình tự nhiên theo đó mà xuôi dòng. Chỉ cần mình hiểu luật chơi, mình sẽ thắng được trò chơi. Đó là công thức của hạnh phúc.
Nhưng tâm linh không nói về sự chắc chắn tuyệt đối. Mọi thứ đều mang tính tương đối. Rằng cuộc sống là vô thường với vô vàn những khả năng có thể xảy ra mỗi phút giây.
Sống vô tư cho đời ta vô thường.
– Tiên Tiên
Như mình đã viết ở bài Thở đi con!, người tu tập không phải để sống cuộc đời bình yên vô vị. Tụi mình có nhiều cuộc chiến bên trong mỗi ngày, mỗi giờ để phát triển và tiến hóa. Chỉ có điều tụi mình hiểu về tính vô thường của cuộc sống nên đón nhận mọi khó khăn với một cái tâm vững vàng và một thái độ tích cực.
One of the most outstanding aspects of Ayurveda is its teaching that nothing is absolute. The utility, value and effect of anything is relative. Hence, the efficacy of its healing is dependent on the receiver, the time and the environment.
– Om Swami
Tâm linh dạy mình dũng cảm.
Mình trở thành con người mình đang trở thành đều là nhờ tu tập. Và mình sẽ không đánh đổi hành trình này với bất kỳ điều gì khác.
Mình bắt đầu làm những việc mình chưa bao giờ dám hoặc chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm. Mỗi con người chúng ta đều cần mở rộng giới hạn của bản thân mỗi ngày để phát triển. Nếu như mình mãi trốn trong chiếc bóng của sự an toàn, mình sẽ kết thúc cuộc đời mình với 0 cm tiến bộ.
Thiền là chiếc neo để mình dựa vào mỗi khi sợ hãi. Khi đối diện với nỗi sợ (hoặc cơn giận dữ) trong lòng, mình có thói quen quay về quan sát hơi thở. Từ đó, mình quan sát được nỗi sợ, cơn giận hoặc cơn đau. Khi bạn tách bạn ra khỏi những cảm xúc này, bạn sẽ thấy bạn không phải là nỗi sợ, hay nỗi đau. Bạn chỉ là kẻ quan sát quá trình này đang diễn ra trên thân.
Đối diện được với sự sợ hãi, mình càng có can đảm tiến về phía trước.
Những người tu tập tâm linh lâu dài thực sự là những chiến binh quả cảm và ham học hỏi. Trong tâm linh, người vừa là thầy của bạn trong lớp hôm qua, hôm nay đã trở thành “đồng môn” của bạn là chuyện bình thường. Mình từng nghe được ở đâu đó rằng, trong tâm linh, ai cũng là thầy và ai cũng là trò.
Chỉ cần bạn có một thái độ đúng đắn, không phán xét hành trình của kẻ khác, không so sánh trải nghiệm cá nhân, bạn sẽ đi được xa.
Dù cho bạn có thực hành tâm linh hay không, mình cũng cầu chúc cho bạn có nhiều trải nghiệm quý giá trên Trái đất này.
Tiên Alien
Để lại một bình luận