Người ta thường bảo nhau là lớn lên không thấy Tết được vui như hồi xưa.
Có thể là do càng lớn, họ càng sống nhiều hơn trong tâm trí, trong tưởng tượng của mình về cái “đáng ra phải thế” hơn là có mặt với cái đang là.
Truyền thông đã “định hướng” một số hình ảnh của Tết trong tâm trí chúng ta: Như là Tết thì phải đoàn viên, phải chỉn chu đầy đủ, phải chuẩn bị mâm cỗ, đi chợ hoa, phải thờ cúng tươm tất,… Tết là phải vui, Tết không vui thì xui cả năm. Tết là phải kiêng đủ thứ điều không đem lại may mắn. Tết là phải về nhà, không về nhà là không hiếu kính mẹ cha. Xong rồi Tết phải hội họp bạn bè, họ hàng, nếu không gặp nghĩa là mình không quý trọng mối quan hệ đó…
Những niềm tin đó nằm sâu trong hệ thống tư tưởng, văn hóa của chúng ta đến nỗi mà ta phải gồng lên để “giữ vững truyền thống”. Thế thì Tết mất vui, vì mệt, vì cố gắng để chạy theo hình mẫu xa vời. Trong khi Tết là dịp để chúng ta nghỉ ngơi, sau một năm dài vất vả, để ta tri ân gia đình, tổ tiên trong tình yêu và sự nhẹ nhàng.
Đương nhiên là truyền thống, văn hóa thì cần gìn giữ, nuôi dưỡng, để ta luôn nhớ đến gốc gác của mình. Và kể cả những “vất vả” trong lúc chuẩn bị Tết cũng vui nữa, thử nghĩ Tết năm nào đó mà không tất bật, không dọn dẹp nhà cửa hay chuẩn bị mâm cơm thịnh soạn hơn thường ngày thì cũng… nhạt lắm đấy.
Nhưng mà mình thấy có rất nhiều tập tục chỉ mang tính hình thức phô trương, không là bản chất. Có nhiều niềm tin cần được đặt xuống bớt, để tất cả mọi người cùng thoải mái, nhẹ nhàng, khởi đầu năm mới bớt áp lực hơn.
Ví dụ như là thay vì phải chuẩn bị mâm cao cỗ đầy, mình sắp xếp sao cho vừa đủ thôi. Hoặc thay vì phải có khổ qua, thịt kho (nếu mà cháy hàng siêu thị), thì mình nấu canh bầu, canh bí, hay gì mà chẳng được. Thay vì phải chạy deadline cuối năm, xong bon chen chợ hoa mùa dịch để “săn” cành đào to nhất, đẹp nhất, thì mình chưng cây khác, nhà có gì chưng nấy. Hoặc không có hoa, đâu có nghĩa là không có Tết. Nếu mà không sắp xếp được để gặp nhau, thì từ chối bớt, hẹn trong năm, chứ cuối năm thì ai cũng chồng chéo lịch cả.
Nào dễ, thuận, sắp xếp được, vui vẻ, thoải mái, thì làm. Mỗi năm Tết nhà mình lại khác: có năm ưng chưng đào, có năm chưng mai, có năm đi chùa (năm mà dịch căng quá thì tu tại tâm thôi, chùa chiền cũng là hình thức), có năm ở Sài Gòn, có lúc về quê. Tết đối với gia đình mình là một kỳ nghỉ dài, mà nghỉ thì không ai phải “làm việc” cả.
Mình biết có nhiều gia đình chuẩn bị Tết cực kỳ chu đáo, tươm tất, dư dả, và họ thích thế, cũng như có khả năng (về vật chất, thời gian, công sức) đó. Thế thì chuyện đó cũng là dễ, là thuận đối với họ. Mình biết nhiều gia đình có niềm tin tâm linh tín ngưỡng họ coi trọng, có thờ có thiêng, có kiêng có lành, nhiều nhà làm ăn lại còn trọng hơn các lễ nghi thờ cúng. Mình tôn trọng lựa chọn đó.
Chỉ đơn giản là, nếu mà bạn có lỡ mệt quá, trên hành trình chuẩn bị cho Tết, thì cứ ngồi xuống, hít thở sâu, thư giãn, chọn làm những gì có ý nghĩa nhất thôi. Nếu mà sự chuẩn bị cố công không như mong đợi, thì cứ nhận những gì đến trong hoan hỉ và biết ơn.
Một lý do khác để người ta thấy Tết này không vui như Tết xưa là do người ta ưng so sánh. Nếu ta thấy mỗi năm mỗi khác, ôm ấp tính “độc nhất vô nhị” của trải nghiệm đó mà không “hoài cổ” thì đâu vấn đề chi. hì hì
Cả nhà chuẩn bị Tết đến đâu rồi nào?
Tiên Alien 🌸
Để lại một bình luận