Chúng ta đã hiểu rằng cần để tất cả mọi người tự do khỏi sở hữu, ý kiến riêng, can thiệp của mình. Chính sự cho phép đó, mình gọi là tử tế, hay Phật gọi là từ bi. Chứ từ bi không chỉ là bố thí, cho đi một cách máy móc, giúp đỡ mà không ý thức được kết quả là lợi hay hại cho người được giúp.
Mỗi cá nhân đều có hành trình trưởng thành của riêng mình. Còn hiểu biết và tầm nhìn của chúng ta bị giới hạn bởi trải nghiệm riêng. Nghĩa là chỉ cho người khác cách hiệu quả với ta chả khác gì chỉ đáp án trong khi khác đề thi. Ví dụ cùng một việc không hài lòng với người yêu, nhưng có người học bài buông bỏ thứ không phù hợp, còn người khác học bài chấp nhận và tha thứ.
Ngoài ra, điều dễ với bạn chưa chắc đã dễ với mình. Ví dụ một người có thể xin nghỉ công việc không còn phù hợp với họ mà không chớp mắt, còn người khác thì phải đắn đo suy nghĩ cả năm trời.
Thế thì thay vì áp đặt góc nhìn của mình cho là đúng là phải, mình có thể chỉ cần lắng nghe, và cho phép đối phương được trải nghiệm những điều đang trội trong dòng chảy của riêng họ.
Nhưng sự cho phép, không can thiệp này có thể rất giống với thờ ơ, vô cảm. Thỉnh thoảng chúng ta sẽ bắt gặp bạn mình, con mình đâm đầu vào cột điện, nghĩa là làm điều mà ta biết chắc kết quả của nó chẳng có gì tốt đẹp, có hại cho bạn lẫn người khác.
Hơn nữa, đối với trẻ em, khi chúng còn chưa có đủ năng lực đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với các quyết định, làm thế nào để giáo dục nhưng vẫn cho con không gian lớn lên trong tự do trở thành chính con? Chứ không phải một bản sao của cha mẹ (mang những điều cha mẹ thấy đúng sai theo vào hành trang đời mình)?
Để mang đến sự tự do cho đối phương, đối với tất cả mọi người đến hỏi ý kiến mình (cần mình tư vấn), dù là bạn bè, em, người yêu/chồng, hay con (chưa có), thì mình đều làm như thế này:
Đầu tiên, mình tin vào năng lực và lựa chọn của đối phương. Nghĩa là dù họ đang trải qua thử thách gì, khó khăn và điên rồ ra sao, mình cũng tin họ sẽ vượt qua thôi, dù lâu hay mau. Mình tin đó là phần không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của họ. Đó là điều cần thiết.
Điều này giúp mình bỏ đi cái ý tưởng phải sửa chữa tình huống hay đối phương. Mọi thứ trên đời này chỉ là trải nghiệm thôi. Dù nó có ra sao cũng đều tuyệt vời hết. Rồi sẽ có lúc họ không chọn trải nghiệm đó nữa, nhưng trước tiên họ cần đi qua nó.
Tiếp theo, mình sẽ lắng nghe. Chỉ lắng nghe mà cũng chẳng khuyên nhủ gì. Mình thấy loài người cần được nghe, nhiều hơn được bảo phải làm gì. Ai cũng đang cố gắng kiểm soát thực tại của họ bằng cách bảo người này người kia phải làm thế này, phải sống thế nọ. Họ thích can thiệp vào chuyện của người khác, nhân danh sự quan tâm và tình yêu. Một cô gái gầy sẽ toàn bị bảo nên ăn nhiều vào. Một cô gái béo sẽ bị nhắc bớt ăn lại. Dù họ không biết là ai cũng đang chăm sóc tốt cho cơ thể mình, trong khả năng và mức độ nhận thức về cơ thể họ. Họ không cần được nhắc, họ cần được “để yên”.
Sau đó, là phần mình gọi là định hướng và giáo dục. Thường mình sẽ chẳng bảo ai làm gì. Thay vào đó, mình sẽ đưa ra khoảng 2 đến 3 con đường (option) để hóa giải tình huống, cũng như kết quả đi kèm với nó. Nghĩa là bạn chọn A, kết quả có thể là A’, tình huống xấu nhất là A”. Tương tự với B, C… Hãy ướm thử xem bạn thích kết quả nào, cũng như không thể chịu nổi hậu quả nào. Bạn có thể chọn mọi thứ bạn muốn, không có đúng hay sai, trái đạo đức hay không. Nhưng hãy sẵn sàng chịu trách nhiệm cho hệ quả kèm theo. Nếu không thì đừng chọn.
Cuộc sống chỉ đơn giản vậy thôi. Hãy luôn chơi với tâm thế có chơi có chịu. Khổ chỉ sinh ra khi chơi mà không dám chịu, không cam tâm với kết quả. Điều này áp dụng cho mọi tình huống.
Cuối cùng, sau khi đã chắc chắn đối phương ý thức được các lựa chọn và kết quả (nhân-quả), cũng như tình huống xấu nhất, mình sẽ để họ tự chọn. Nhiệm vụ của mình đã hết. Dù họ có chọn gì, cũng chẳng liên quan đến mình. Mình chỉ xuất hiện để chắc chắn rằng họ biết bản thân họ, cuối cùng, phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của họ. Họ không thể dựa vào mình một chút nào, kể cả khi họ có là con mình, hay người yêu…
Mình quan niệm sự giúp đỡ tốt nhất chính là làm cho đối phương không cần đến sự giúp đỡ của mình nữa. Còn nếu mình giúp mà khiến người ta cần mình hơn, dựa vào hay phụ thuộc mình hơn thì đó không phải là giúp. Mình ở đó để làm cầu nối mọi người với năng lực tự chịu trách nhiệm của họ, trong nhận biết.
Người ưa chữa lành cho người khác thực chất muốn người khác khổ sở để họ được chữa tiếp. Họ thích cảm giác được cần tới, được trở nên có ý nghĩa. Sự phụ thuộc, bám chấp của người khác càng củng cố cái tôi của họ.
Không phải ai trên đời cũng thích tự do đâu. Vì tự do phải tự lo, gắn liền với bản lĩnh tự giải quyết vấn đề, tự làm tự chịu. Còn họ thích đi hỏi ai đó, đi nhờ ai đó như một dạng “ký sinh” tinh thần. Có ai đó cần chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của họ thay họ. Chứ họ không gánh nổi.
Người ưa độc lập, tự do, hạnh phúc thì sẽ tìm mọi cách nhanh nhất tốt nhất có thể sao cho không có ai tổn thương để chữa lành. Họ tôn trọng tự do của mình và người khác nhiều đến nỗi họ sẽ nhận biết ngay lập tức sự mong cầu dựa vào ngấm ngầm. Họ sẽ lựa chọn cách không từ bi theo lẽ thường nhưng lại tốt cho tất cả về lâu dài.
Tiên Alien
Để lại một bình luận