My most incredible adventure didn’t involve any travelling, any walking, any driving. It involves sitting, while mentally taking a cruise inside the scope of [your] beautiful mind…
Thật ra mình không biết đặt tiêu đề sao cho phù hợp. Mà tiêu đề cũng không quan trọng lắm đâu vì mình viết bài này không phải để cho đại chúng đọc. Bài viết này dành cho mình, cho những bạn đang trên hành trình giống mình, và cho những ai đang tò mò nhưng có tâm trí cởi mở. Đây là câu chuyện mang tính cá nhân. Mình không có nhu cầu thuyết phục ai, hoặc “tỏ ra nguy hiểm” hoặc chứng tỏ điều gì cả. Mình chỉ muốn ghi chép lại những điều mình đang trải qua giống như một người học trò đang chép lại bài học của mình. Nên nếu như bạn cảm thấy không phù hợp với bạn, bạn có thể rời đi từ dòng này. Mình sẽ rất hoan hỉ.
Bạn không biết là mình đã trải qua những gì để đến được đây, vì vậy làm ơn đừng đặt những câu hỏi mang tính xát thương, hoặc gán cho trải nghiệm của mình một “khái niệm” nào đó bạn đã biết, hoặc tệ hơn nữa là phán xét. Điều đau lòng nhất không đến từ phán xét của người lạ, mà là từ những người đi bên cạnh dưới vỏ bọc “lo lắng” cho mình. Hãy nhớ rằng mọi “quan ngại” (nếu có) bạn nhìn thấy ở mình chỉ phản ánh nội tâm bên trong bạn mà thôi.
Vì sao mình phải nói những điều này? Vì dù không thể kiểm soát được cách người ta nhìn nhận về mình, nhưng mình có thể bảo vệ bản thân trong khả năng. Một trong những bài mình đang học có lẽ là dũng cảm bước ra ánh sáng thay vì che giấu đi một phần để hòa nhập. Nên mình viết bài này. Thế thôi. Mình không muốn giải thích nhiều nữa. Những người hiểu mình sẽ luôn hiểu cho mình, những người không hiểu sẽ không bao giờ hiểu.
Để bài viết không quá “cliché”, và bạn không phải băn khoăn về tình trạng của mình (vì dù gì bạn cũng không rõ đầu đuôi câu chuyện) thì mình sẽ viết bài này theo dạng bài học: Những điều mình đã và đang học trong thời gian gần đây.
Dẫn đề
Đối với mình, thiền và tu thân có nghĩa là quan sát để nhận ra những tổn thương, những vấn đề bên trong bản thân để sửa đổi. Sửa đổi giúp chúng ta trưởng thành hơn lên, ngày càng tiến gần hơn với Phật tánh, Thượng đế tính bên trong của mình. Điều đó không có nghĩa là mình tốt lành hơn người. Điều đó chỉ có nghĩa là mình lựa chọn con đường này, vì mình thôi. Ai rồi cũng phải thay đổi để lớn lên, chỉ là mình đăng ký lớp “nâng cao” để lớn lên lẹ hơn một chút.
Thời gian gần đây vì nhiều lý do chủ quan và khách quan thì bài học đến dồn dập, và là thời kỳ thử thách đối với mình. Chúng ta trưởng thành theo vòng xoáy trôn ốc. Sẽ đến một điểm, khi đủ lượng, bạn sẽ gặp thử thách để lên nấc tiếp theo. Đó cũng là điểm bạn học lại những bài học bạn đã hoàn thành ở nấc trước, phiên bản nâng cao hơn.
Chuyện đi tu cũng giống như bạn đi học ở trường. Lý thuyết bạn nắm hết, bạn trả bài ro ro, còn khi đi thi hoàn thành bài hay không là một chuyện khác. Tụi mình nắm các quy luật của đất trời, của Vũ trụ, nghiệp quả,… giống như những quy tắc trong đánh đàn. Còn chơi nhạc hay hay không tùy vào mỗi cá nhân, vào khả năng và thời gian họ bỏ ra để rèn luyện mình.
Sau mỗi lần trải qua thử thách, có đau khổ, mỏi mệt, khó chịu, bản thân mình lại bước ra cứng cáp hơn thêm. Nếu như bạn có thấy mình viết hay, thì chắc do mình đã trải qua đủ nhiều. Có những người chỉ cần té một cái là tự động thay đổi, có những người trầm luân mãi vẫn quyết định sống theo lối cũ không còn phù hợp. Nên mình không nói là mình khổ nhiều hơn người. Mình chỉ biết là mình khổ đủ để bản thân quyết định sống khác đi.
Chúng ta chết để tiếp tục sống.
Hành trình phát triển bản thân là vô tận vì nó bao gồm cả sự sáng tạo ra cái mới. Chúng ta có vô số kiếp sống trước đây, vô số những bài học chưa hoàn tất, và cả những vấn đề ta tự tạo ra cho mình. Nên hành trình chữa lành không thể kết thúc trong ngày một ngày hai.
Sự thật của mỗi chúng ta là khác nhau, thậm chí sự thật của bạn hôm nay đã không còn giống hôm qua nữa. Một ví dụ của điều này là lúc trước mình ăn chay chưa toàn phần vì mình không có phân biệt chay mặn, mình tôn trọng mọi thói quen ăn uống, nhưng ăn chay nhiều hơn vì cơ thể yêu cầu. Mình ăn chay không có nghĩa mình thanh cao hơn. Suy cho cùng, mọi thức ăn đều là phước lành, quan trọng nằm ở cách ăn làm sao cho phù hợp với lẽ tự nhiên. Nhưng sau này mình ăn chay toàn phần vì dù mình không phân biệt nhưng mình tỉnh thức thực hiện lựa chọn đó. Vẫn là mình nhưng sự thật (quan điểm sống) dẫn đến lối sống đã khác rồi. Điều đó không có nghĩa là phủ nhận mình trước đây. Nó chỉ có nghĩa là chúng ta trưởng thành, mở rộng giới hạn của bản thân, biến vùng khó chịu thành vùng dễ chịu.
Chúng ta đã chết vô số lần. Cái chết ở đây không chỉ là cái chết vật lý khi bạn phải hoàn toàn rời bỏ xác thân. Cái chết có thể diễn ra khi con người cũ của bạn chết đi và hồi sinh trong chính thân xác của bạn. Trong tâm linh, chúng ta gọi là các lần điểm đạo. Lúc Chúa Jesus nói câu nổi tiếng “Cha ơi, sao Cha rời bỏ con?”, là một lần Người chết đi, cũng là lần Người được điểm đạo để lên một tầng mới.
Cái chết diễn ra khi bạn thức tỉnh tâm linh (theo những gì mình trải qua thì con người ta thức tỉnh tâm linh nhiều lần). Mỗi lần chết đi đều đau đớn và đầy nước mắt. Một điều thú vị là theo Joshua David Stone quá trình sinh nở (vật lý) còn chấn động hơn quá trình chết. Trải qua sự sinh, bạn – một linh hồn với tất cả hiểu biết, đi vào trong cơ thể vật lý đầy giới hạn và quên mất mình là ai, dần dần đồng hóa bản thân với vật chất.
Nhưng cái chết là một phước lành vì chỉ có chết ta mới được sinh ra lần nữa. Giống chú nhộng phải mất đi để chú bướm xinh đẹp biểu hiện, giống hạt mầm mất đi để cây được đâm chồi, con người cũ của ta cần chết để con người mới được sống.
Đây là lần chết đi thứ hai của mình trong kiếp sống này. Lần đầu tiên là hai năm trước, khi mình trải qua khủng hoảng và thức tỉnh tâm linh. Lần nào bài học cũng khó và đau đớn cả. Sự đau đớn giúp mình dễ thấu cảm, dễ cảm thông, không phán xét, tha thứ và đối xử tử tế với người khác. Mình học được là ai cũng có nỗi khổ của họ, mới hình thành nên những biến dạng, những hành vi tổn thương người khác. Đương nhiên ở giữa hai lần chết mình có vô số lần “vỡ lẽ ra”, nhiều lần thay đổi bản thân, nhưng chết là khi tất cả mọi giá trị sống sụp đổ, là khi bạn chẳng còn hiểu gì cả, khi mà lập trình cũ chỉ đơn giản là không hoạt động nữa. Mình trở về điểm 0 trên vòng xoáy trôn ốc, lần này ở vị trí cao hơn.
Để cho một thứ không còn sức sống được chìm xuống, được chết đi cũng là một đức độ. Không thể có sự tái sinh nếu trước đó không có cái chết.
Thai nghén (hoặc là hấp hối)
Đương nhiên khi chết đi bạn sẽ không hồi sinh ngay tức khắc. Quá trình “chết dần chết mòn” diễn ra nhanh hay chậm, đau nhiều hay ít phụ thuộc vào chuyện bạn có sẵn sàng buông bỏ và xuôi theo dòng chảy hay không. Khác với lần trước, lần này mình được trang bị kiến thức tâm linh khá đầy đủ về các bước thoát khổ như là chấp nhận nỗi khổ, buông xuôi cái muốn mình không khổ, và để nỗi khổ đi xuyên qua và mình cũng có kha khá “kinh nghiệm” trong chuyện này. Nhưng thử thách luôn khó hơn khả năng của bạn (thì mới gọi là thử thách) để bạn trưởng thành. Nên quả thật lần này mình cũng khá vất vả.
Lần này mình khá là “chướng”. Mình đã xây dựng cho bản thân các giá trị vững chắc, cắm rễ sâu xuống đất. Đột nhiên cái cây bị chặt nên mình bướng bỉnh không chịu (và không kịp) chấp nhận. Mình đau do chính sự bướng bỉnh của bản thân.
Đột nhiên mình thấy chẳng có cái gì có ý nghĩa thực sự nữa cả. Và mình không còn hiểu điều gì hết. Mình cảm thấy trống rỗng hoàn toàn. Không còn gì nữa. Tất cả những cuốn sách mình đọc. Tất cả những kỹ thuật mình luôn thực hành. Tất cả những khái niệm mình đã từng rất hiểu. Tất cả những điều mình cố gắng để đứng dậy vì. Tất cả đều vô nghĩa. Tất cả đều biến mất. Chỉ còn một mình mình giữa Vũ trụ bao la. Không có từ ngữ nào diễn đạt vừa vặn cho trạng thái này. Một sự trống rỗng mênh mông.
Trong thế giới này chẳng có gì sất, tôi cảm thấy mình chẳng hiểu gì cả.
– Masanobu Fuokuka
Mất khoảng một ngày sau thì tâm trí mình đuổi kịp trạng thái mà linh hồn đang trải qua. Thực ra mình biết thời khắc đó sẽ tới. Cái tôi (ego) của mình bắt đầu nhảy vào, xây dựng các “thuyết âm mưu”. Mình bắt đầu đặt một vạn câu hỏi vì sao. Vì sao mình làm những chuyện mình làm? Liệu mình có đang đi đúng hướng? Mình đặt câu hỏi phủ định cho tất cả những điều bản thân đang tin vào.
Thực tế là trong 3 ngày mình quyết định tạm dừng mọi thứ và chẳng-làm-gì-cả, chẳng đọc sách, chẳng xem phim giải trí, không gì hết. Hiện tại, khi ngồi viết bài này vào ngày thứ 5 sau “cái chết”, mình vẫn chưa “chết” xong, chưa hoàn toàn ổn định trong trạng thái mới. Nhưng mình viết từ góc nhìn thông thái của Cái Tôi Cao hơn để bạn, những người đang đọc, không bị ảnh hưởng năng lượng từ mình. Hãy hiểu bài viết này mang tính chất chủ quan, hãy đọc một cách cởi mở, chọn lọc và tự xác minh lại sự thật.
3 ngày đó mình chỉ ngồi cười và hát thôi. =)) Trong một khoảnh khắc mình cảm thấy mình hiểu chú Istvan Sky. Mình hiểu ánh mắt đó, nụ cười đó và cách hát đó. Âm nhạc của chú đã chữa lành trái tim mình nhiều lắm! Thật lòng không biết khi giác ngộ mình có từ bỏ hết đi khắp nơi vừa cười vừa hát như chú không? =))
Vượt qua, vượt qua, mọi khó khăn trở ngại để đến bờ giác ngộ.
– Bát nhã tâm kinh
Cuộc trò chuyện thứ nhất
Đêm đầu tiên, mình trò chuyện với bản thân. Mình đã trải qua một ngày khó khăn. Tối hôm đó, mình ngồi thiền nhưng chẳng thiền tĩnh được nên mình thiền kiểu tâm sự với bản thân. Mình nắm tay mình và bắt đầu khóc và xin lỗi. Quá trình tu tập giống như đăng ký vào một lớp học nâng cao, nơi mà bài học đến nhanh, nhiều và khó để rèn luyện bản thân. Có lẽ thời gian qua mình đã cố quá, nên giờ quá cố rồi. :)) Mình xin lỗi mình vì đã bắt bản thân học quá nhiều. Thời gian cả nước nghỉ ngơi vì lệnh cách ly thì mình lại “tăng ca”, hết làm việc thì đọc sách, không đọc sách thì ngồi tu thiền “cắm mặt”. Mình đọc rất nhiều sách cùng lúc, và kiến thức nào cũng căng não cả. Mình cảm thấy thời gian có hạn, phải tranh thủ học thôi. Mình chỉ nhìn thấy bản thân chưa đủ chăm chỉ, chưa đủ thành tựu, chứ không nhìn vào những điều mà mình đã đạt được.
Vũ trụ lại rất thương chúng ta, khi bạn tu tập càng chăm chỉ, Vũ trụ sẽ gửi bạn một đống vấn đề để bạn giải quyết sỉ. Do trước giờ mình chỉ thấy đi mãi chẳng đến nơi, chứ chưa bao giờ thấy “quả báo” đến sớm vậy, nên mình cứ cắm mặt mà đi. Lần này thì mình “bị đè” thật rồi.
Thế nên mình khóc và xin lỗi bản thân. Lần đầu tiên trong 2 năm qua, mình quyết định không tu nữa. Mình không tu để thăng lên, không cần biết về Thượng đế. Lại càng không muốn phát triển bản thân nữa.
Mình ở đây cũng được! Mình còn nhiều tổn thương, còn nhiều điều chưa hoàn thiện cũng được. Các bạn đồng tu muốn bay lên trời thì cứ việc. Mình chỉ muốn ngồi yên ở đây thôi. Mình khóc như một đứa trẻ ăn vạ khi trò chơi nó rất thích không vui nữa. Phải chăng là thời gian qua mình không đủ chánh niệm, chỉ muốn bản thân giỏi lên?
Bạn không thể hoàn thiện chính mình. Khi bạn chấm dứt việc tự hoàn thiện chính mình, cuộc sống sẽ tự hoàn thiện.
– Osho
Suốt thời gian qua, mình luôn nỗ lực để vượt lên trên bản ngã. Chưa bao giờ chịu nhận ra bản ngã (ego) của mình đã thương và nghĩ cho mình nhiều như thế nào. Nhờ có bản ngã biết sợ hãi bảo vệ mình khỏi tình huống nguy hiểm; ghen tuông để mình được trải nghiệm tình cảm một cách con người thường tình nhất; mong muốn để mình biết nỗ lực và phấn đấu; giận dữ để báo hiệu mình đang tổn thương;… Khi chúng ta còn ở trên Trái đất, trong một số trường hợp, bản ngã vẫn cần thiết. Sai Baba nói rằng “God equals man minus ego.” Ở đây Ngài nói đến ego tiêu cực, chứ không phải là bản ngã tích cực. Từ chối, che giấu hay đè nén bản ngã chỉ khiến em ấy tổn thương và gào thét. Có lẽ cách tốt nhất vẫn là nhận diện, đối diện, ôm ấp vỗ về và giải phóng em vào ánh sáng vì em không còn phù hợp với sự phát triển cao nhất của chị.
Lần đầu tiên trong đời mình không muốn biết Thượng đế, không muốn kết nối với các vị nào cả. Mình chỉ cần bản thân mình thôi! Mình đã quyết định mọi thứ bằng ý chí, nhưng quên hỏi các lớp cơ thể vật lý, cơ thể cảm xúc, đứa trẻ bên trong hay phàm ngã của mình rằng chúng có sẵn sàng hay chưa. Mình chọn mình. Dẫu cho Trái đất có tiến về phía trước, mình vẫn ở đây bên cạnh mình, đừng lo lắng nhé, chúng ta sẽ không đi đâu cả. Tha thứ lớn nhất là tha thứ cho bản thân phải không? Chúng ta thứ tha cho nhau nhé.
Father, forgive them, for they do not know what they are doing.
– Master Jesus
Cuộc trò chuyện thứ 2
Đêm thứ hai, mình lại ngồi thiền sau một ngày không-làm-gì-cả. Lần này, trong tuyệt vọng, mình nói chuyện với Thượng đế. Chuyện này nếu bạn đọc Ăn, cầu nguyện, và yêu rồi thì sẽ thấy chẳng có gì lạ. Khi con người ta đường cùng, người ta chỉ còn cách nói chuyện với Thượng đế thôi. Dù thực tế là trước giờ mình cũng hay kết nối, nói chuyện với các vị trong thiền, nhưng lần này cuộc nói chuyện hơi “dỗi”. Mình nghĩ mình “giận”. Suy cho cùng Thượng đế cũng là mình, nên nếu giận Ngài cũng là giận mình đó.
Mình kêu gọi Thượng đế thế thôi, chứ mình nghĩ là một thiên thần nào đó, hoặc Cái Tôi cao hơn trả lời mình. Mình không chịu trách nhiệm cho tính xác thực của câu chuyện này. Cuộc nói chuyện cũng khá dài, nhưng mình quên gần hết rồi, do chẳng ghi chép lại. Vài điểm quan trọng mình còn nhớ như sau:
Mình: Thượng đế ơi, sao con chẳng hiểu gì nữa cả? Con thấy chẳng có gì quan trọng nữa. Tại sao Người nói con là con trai, con gái của Người, nhưng Người lại đẩy chúng con đi thật xa xuống tận Trái đất? Tại sao tất cả chúng con vẫn phải thương Người, phải nỗ lực để quay về nhà? Con thấy không công bằng! Nếu con là con của Người, con phải được về nhà bất cứ lúc nào mà con muốn. Con phải được thương yêu vô điều kiện, chứ không phải là chỉ khi con làm điều tốt mới nhận được quả lành (theo luật Nhân quả). Con phải được tặng quà dù không nhân dịp gì cả…
Thượng đế: Tiên à, (đấy Ngài luôn bắt đầu câu chuyện bằng cách gọi “Tiên à”) nhìn các con đau xót ta cũng rất đau lòng, vì các con là một phần của ta. Nhưng đây là luật ở Trái đất, ta chẳng làm khác được (ý nói về Tự do ý chí, các vị không thể can thiệp). Có lẽ vì tất cả chúng ta đều mong các con trưởng thành, trở về nhà với phiên bản cứng cáp nhất. Cha anh trên trời cần con trưởng thành để cùng chúng ta sáng tạo. Nếu mọi thứ quá dễ dàng, con sẽ chẳng học được gì cả.
Mình: Bây giờ con chẳng hiểu gì nữa. Con không biết là lựa chọn của mình là đúng hay sai. Cũng không biết phải làm gì.
Thượng đế: Linh hồn không cần biết đúng sai. Linh hồn cần trải nghiệm. Con đã lựa chọn trải nghiệm này để hoàn thành bài học của mình.
Mình: Tại sao con thấy mình rất là cố gắng, nhưng cuối cùng kết quả vẫn không như mong đợi? Tại sao nói là có tự do ý chí trong khi những trải nghiệm khó chịu vẫn diễn ra?
Thượng đế: Con gái, con phải học cách chấp nhận từ bỏ sự kiểm soát mọi thứ. Không phải con cứ đi tu là cuộc đời vận hành như con mong đợi. Có những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của con. Đúng là con có tự do lựa chọn. Nhưng linh hồn con đã chọn từ rất lâu trước đây rồi (ý nói trước khi đầu thai). Con phải tin vào sự lựa chọn của mình.
Thượng đế tiếp tục nói: Con phải học được là cuộc đời vô thường. Vũ trụ không vận hành theo ý chí của con. Con hãy mở lòng đón nhận xuôi theo dòng chảy. Cha và anh đợi con nơi xuôi dòng.
Cuộc trò chuyện thứ 3
Cuộc trò chuyện thứ 3 diễn ra vào đêm thứ 3, với thầy Tài. Vì cuộc trò chuyện này cũng chẳng khác gì mình nói chuyện với Cái Tôi cao hơn minh triết của mình cả, nên mình không xin phép mà chia sẻ một vài ý ở đây.
Mình: Em đã điên 3 ngày rồi. Và em không làm được gì cả. Phải làm thế nào để em làm việc lại? (Mình nói chuyện hơi quạu thật, do người mình khó chịu quá)
Thầy: Khác thường không phải là bất thường. Biến khác thường trở thành bình thường, mở rộng tầm nhìn ra. 3 ngày là một khoảng thời gian rất ngắn. Thế nào là nhịp sống bình thường? Công việc bình thường? Hay mối quan hệ bình thường? Tại sao phải trở lại bình thường?
Mình: Vì giờ em không làm được gì cả. Cũng không hiểu gì cả.
Thầy: Thế thì hãy enjoy việc không làm gì cả. Không cần nghĩ gì cả. Tâm trí trống rỗng.
Mình: Em nghỉ ngơi trong bất an vì các sếp của em đang gào thét. Còn em thì cứ ngồi hát. 🙂
Thầy: Kệ họ gào thét. Sẽ chẳng bao giờ như trước nữa. Chào đón new self.
Mình: Em phải mất bao lâu để ổn định lại?
Thầy: Em luôn ổn định. Đó chỉ là trạng thái mới thôi. Đừng coi đó là vấn đề.
Mình: Vì sao em thấy nó không ổn định?
Thầy: Đó là tâm trí, tư tưởng chưa sẵn sàng thôi.
Mình: Vậy phải làm sao để sẵn sàng?
Thầy: Bằng tư tưởng của em thôi. Tiếp nhận hiện tại như nó là. Em vừa viết một bài rất hay mà. Em biết phải làm gì mà.
[…] Mình: Làm sao để em biết là em đang làm đúng? Hoặc đang đi đúng hướng? Hoặc biết thay đổi này là tốt?
Thầy: Chính những suy nghĩ phân cực đó mới tạo ra vấn đề. Tại sao em không tin vào chính mình, vào Chân thần, vào Cái Tôi Hiện Diện của em? (ý nói là Chân thần đã chọn đường hãy tin vào sự dẫn dắt này)
Mình: Em nghĩ là em có tin. Mà có nhiều lúc em vẫn làm sai, nhiều lúc mọi thứ không như mong đợi, nhiều lúc em vẫn tổn thương người tổn thương mình. Vậy chắc do phàm ngã em đi lạc?
Thầy: Tất cả chỉ là trải nghiệm để học hỏi. Không bao giờ có lựa chọn sai, là một tư duy và tầm nhìn dài hạn. Lựa chọn tiếp nối lựa chọn để đi đến thức tỉnh, giác ngộ. Chứ có phải một lựa chọn đâu? Nếu em không đau khổ sao em biết hạnh phúc là gì? Nếu không đói sao em thấy miếng ăn ngon?
Mình: Đôi khi em thấy thật mệt mỏi. Đôi khi em không muốn học bài học nữa. Đôi khi em không muốn trả nghiệp nữa. Không muốn phải xem xét bức tranh lớn nữa. Em thấy mình rất là cố gắng nhưng mà mình cũng chả đi đến đâu, mình vẫn còn quá nhiều vấn đề, vẫn làm sai, vẫn bị khùng.
Thầy: Ai cũng có những giây phút đó em. Chính vì mình cầu toàn. Mình vẽ ra một bức tranh mình tưởng là hoàn mỹ. Đừng coi đó là thử thách. Hãy nhẹ nhàng với bản thân.
Mình: Em còn muốn bỏ tu. Tu tập sao khó quá, đi mãi chẳng đến nơi.
Thầy: Cũng bình thường em. (chắc thầy gặp nhiều đứa như mình rồi) Ai cũng có lúc suy nghĩ. Mà tu là gì? Là sửa mình thôi. Sao mà bỏ được? Đơn giản đừng nghĩ nó nặng nề, mệt mỏi. Biết rằng dù nó là gì cũng đến rồi đi.
Hồi sinh
Mình là một linh hồn tích cực. Mình có thể khổ nhưng mình tin bản thân luôn được mình (ở trên cao) dẫn dắt. Giờ mình chỉ đang dỗi xíu thôi, nên chưa chịu thay đổi. Mình biết đến một lúc nào đó, khi sự ăn vạ chỉ đơn giản khiến mình mỏi mệt, mình sẽ buông xuôi theo dòng. Mà cũng có thể quá trình đó đang diễn ra rồi.
Mình ghi chép lại những dòng trên để “thấm nhuần tư tưởng”, để học cách chấp nhận món quà thay vì coi nó là “của nợ”. Con người chúng ta là vậy, chỉ thích những thứ quen thuộc thoải mái mà sợ hoặc từ chối sự đổi thay.
Mình cảm ơn bạn đã đọc đến đây. Mình chân thành cảm ơn bản thân, cảm ơn Thượng đế, cảm ơn thầy Tài, cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng mình trên hành trình “lột xác” này. Không có mọi người, quả thật mình chẳng biết làm sao. Nếu bạn muốn giúp đỡ mình, hãy đơn giản gửi mình tình yêu thuần khiết và ánh sáng (không nhận tình yêu đến từ thương hại hay lo lắng, bất an, thao túng,…).
Mình tin rằng sau đợt này bản thân sẽ “bất tử” (cười). Đáng ra mình có thể không public bài viết. Nhưng hiện tại mình biết có nhiều linh hồn cũng đang quằn quại để thức tỉnh vì sự thay đổi gia tốc của Trái đất. Nếu hữu duyên, mong bạn biết là bạn không đơn độc, mong là bài học của mình có thể giúp bạn vượt qua thử thách của bạn đỡ quằn hơn một chút. Bạn hoàn toàn có thể chia sẻ với mình, nếu sẵn sàng. Mình ôm tất cả các bạn thật chặt!
Namaste!
Tiên Alien
Ngọc Bảo says
bài này vs B cũng k “nặng đô” lắm haha 🙂 tất cả những trải nghiệm, cảm xúc kiểu này B đã từng trải qua r, có thể khác một chút nhưng cùng một bản chất, B đã trải qua liên tục trong giai đoạn “đi tìm đường”. Qua 1 tgian dài cho đến khi B tìm được người Thầy mà mình cần, Thầy giải đáp hết thắc mắc về cuộc sống cho B bằng một ngôn từ dễ hiểu, hiện đại và rất logic kể cả những vấn đề Tâm linh (góc nhìn của Thầy khá giống vs triết lý đạo Phật). Nhìn lại khoảng thời gian đó B mới hiểu tất cả nó cũng chỉ sản phẩm của Tâm trí, do mình đã nạp vào quá nhiều thông tin hỗn độn, sau tất cả thì Sự thật không thể nào đc “chạm tới” thông qua con đường của Tâm trí hay Suy nghĩ. Cuộc sống vs góc nhìn mới hiện tại của B nó hiển nhiên và đơn giản hơn rất nhiều. Khi mình ko vui là do Tâm mình Đã identify vs thứ gì đó (k thể thay đổi – just let it be), khi mình stress là do Trí tuệ mình đã chống lại mình (sẽ ko làm gì tốt được), khi mình thất vọng chỉ đơn giản là do mình đã kỳ vọng, chỉ cần bỏ dần n kỳ vọng, tập bỏ những “kết luận”, vọng tưởng… Cách B hay áp dụng đó là tự nói 3 từ “Tôi ko biết”, tuy rất đơn giản nhưng nếu Thực sự mình cảm thấy ko biết thì mình sẽ lập tức bớt đc những “kết luận”, phán xét, vọng tưởng,.. ngay – nếu thấy phù hợp bạn có thể thử nha (một vài chia sẻ cá nhân hy vọng giúp đc ai đó tham khảo).
P/s: btw bài nhạc tớ thấy khá hay mặc dù hơi lạ lẫm vs cái mv concept 🙂
Tiên Trần says
Tuyệt vời quá. Cảm ơn Bảo! Dạo này mình hay nói “Mình không biết gì cả.”, và cũng bắt đầu thừa nhận là “Mình điên.” rồi. Có lẽ trước đây lúc nào mình cũng “phải” biết, phải hiểu nên hơi áp lực. Giờ mình đang dần sống tự do hơn, tự do thể hiện mình như mình là, không đắn đo nhiều suy nghĩ của người khác nữa. Mình nghĩ mình sợ mọi người không hiểu Tâm linh, sợ mọi người nói mình khùng nên lúc nào cũng rất cẩn trọng. Mà thôi mình lỡ khùng thiệt rồi nên kệ mọi người haha.
Ngọc Bảo says
Uhm 3 từ “tôi không biết” nó mạnh mẽ lắm, nếu “tụng” thực sự nó sẽ giúp mình giảm bớt gánh nặng nơi Tâm; riêng còn 3 từ “mình điên rồi” thì B k chắc nha 🙂 Anw B thấy Tiên can đảm hơn B nh r hehe, vs B thế giới Tâm linh rộng lớn đó B cũng chỉ để trong lòng (hoặc ít nhất là trên tienalien.com:) Ngoài cs thì mình cũng là ‘một ng bình thường’ th kk.. nhưng dù sao cách tu B theo đuổi cũng là tu để ‘trở thành ng bt’ mà.. nên, nói chung B thấy ổn 😀
P/s: rút kinh nghiệm ko để link fb trên web của Tiên nữa, để bỗng một ngày lại ‘đc nổi tiếng ké’ 🙂
Tiên Trần says
Tiên cũng tu để trở thành người bình thường sống giữa đời thường. Mà chắc trạng thái “bình thường” của Tiên khác Bảo 1 chút. Trạng thái bình thường của mình là mình hoàn toàn được là mình trước mọi người, mình quan tâm điều gì, điều gì làm trái tim mình vui,… Khác thường không phải là bất thường phải không?
Bảo yên tâm Tiên thấy trên website của mình khá “an toàn” vì Tiên đã có 1 ý định chỉ có những năng lượng lành tính, đủ duyên mới ghé qua thôi. 🙂
Linh says
Chào em, có lẽ con đường mỗi người đi qua có nhiều điểm chung, và có những bài học độc nhất cho mỗi người. Chị không biết nói rõ lòng mình, nhưng chị biết em đã ổn (vì thật ra lúc nào mình cũng ổn và toàn vẹn mà), hì, có lúc mình ngừng học mà vẫn đang học đó chứ.
Tiên Trần says
Chính xác chị ơi. Buông cũng là một hành động. Ngừng học cũng là học. Đau cũng là một phần của quả trình chữa lành. Cảm ơn chị đã đồng hành!
Thu Hoài says
Hi Chị Tiên! Em thấy bài này chị đã viết từ 1 năm trước nhưng đến tận bây giờ em mới có đủ duyên để đọc bài chị viết vì quả thực là em cũng đã từng trải qua những khó khăn và đau đớn rồi rút ra những bài học như lần chết thứ 1 của chị, rồi bây giờ em đang trong giai đoạn khó chịu như lần chết thứ 2 của chị vậy. Em không biết phải làm thế nào để giải toả được hết sự trống rỗng trong suy nghĩ của em, em có đọc sách và đọc những bài viết liên quan đến tâm linh và Phật giáo nhưng càng đọc nhiều em lại càng thấy mình chẳng hiểu gì, em lại thấy bản thân mình quá kém cỏi khi không thế hiểu nổi những điều đó từ đó em lại càng khó chịu hơn và đặt ra rất nhiều câu hỏi. Như: Tại sao em lại tìm hiểu những điều này? Tại sao em càng học thì lại càng cảm thấy trống rỗng và không hiểu gì? Người ta nói nếu đủ giác ngộ sẽ không cần dùng đến não trái nữa, lúc đó người ta sẽ quyết định và hành động theo tâm không của mình nhưng vẫn có sự tỉnh thức nhưng em vẫn chưa thể ứng dụng được và điều đó cũng làm em suy nghĩ hic hic :((( Nhưng không sao, khi đọc bài viết của chị, em đã biết là mình không hề đơn độc trong con đường mình đi, có rất nhiều câu hỏi em thắc mắc cũng đã được giải đáp trong bài viết của chị. Em cảm ơn chị rất nhiều vì bài viết này khá là hay và giúp em được thoải mái hơn trong tâm hồn mình.
Tiên Trần says
Chào Thu Hoài,
Cảm ơn em vì đã tin tưởng và chia sẻ cùng chị. Chết là một quá trình đau đớn, nhưng nó sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều nếu ta nhìn nó như một sự chuyển hóa, một bước chuyển giao. Thay đổi là điều tất yếu trong cuộc sống. Và nếu may mắn “được” chết đi, có nghĩa là em đang chào đón một phiên bản mới tự do hơn của chính mình. Chị chúc mừng em dù em có đang cảm thấy khó chịu hay dễ chịu. Đọc chia sẻ của em, chị nghĩ rằng em đã tìm kiếm bên ngoài đủ nhiều rồi. Đến lúc đóng tất cả lại, để lắng nghe chính mình. Trong em đã luôn có câu trả lời mà em luôn đi tìm ngoài kia. Hãy tin mình hơn tất cả. Chị biết là rồi em sẽ như chú bướm sải cánh trên bầu trời, sau những ngày thai nghén trong chiếc nhộng chật hẹp. Hãy nghe em và tin em, nhé em!