Đây không phải một bài review đi phượt của những người mê mạo hiểm. Đây là chuyện đi trekking từ góc nhìn của một cô gái thích rèn luyện tâm trí hơn là rèn luyện cơ thể.
Bắt đầu với mục tiêu phá bỏ giới hạn bản thân
Mình đi trekking không phải vì mê phượt. Mục đích chính của chuyến đi này là để phát triển bản thân. Đây có lẽ là chuyến đi điên rồ và mạo hiểm nhất mình từng thực hiện, nằm trong chuỗi những hoạt động mình phải làm để phá bỏ giới hạn của bản thân, bước ra khỏi vùng an toàn để xem một cô gái nhỏ bé về ngoại hình như mình có thể đi xa được đến đâu.
Như đã nói ở trên, mình có thể phát triển tốt về tâm trí nhưng mình không ham mê những hoạt động thể lực. Tuy vậy, để thực hiện được những việc mà tâm trí muốn, mình cần một cơ thể khỏe mạnh. Đó cũng là lý do để mình luôn cố gắng giữ cho cơ thể vận động bằng cách đi bộ và yoga. Hoạt động trekking cũng là một trong những cách để thử thách cơ thể vật lý, giúp cơ thể mình quen với vận động đòi hỏi độ sức bền tốt hơn.
Ngoài ra, mình sinh ra và lớn lên ở thành phố. Là một người thiền, mình coi trọng kết nối với đất mẹ thiên nhiên vì đó là kết nối gốc rễ. Đi leo núi, cách ly với khỏi bụi thành phố, không sóng điện thoại, chỉ có núi rừng, sông suối là cách để mình trở về với thiên nhiên và giải độc cơ thể lẫn tâm trí.
Trekking Tà Năng – Phan Dũng
Trekking là đi bộ dài ngày ngoài thiên nhiên, thường là qua nhiều địa hình khác nhau như núi đồi, rừng cây, sông suối. Phương tiện di chuyển là đôi chân, mái nhà duy nhất là lều trại dưới bầu trời đầy sao (vào những ngày không mưa) hoặc nhà của người bản địa (thường rất ít) và chỗ tắm là ao hồ sông suối. Đi trekking không chỉ vui, và “ngầu” khi bạn chinh phục được những đỉnh núi cao, mà còn vất vả và nguy hiểm tùy vào độ khó của cung đường bạn chọn.
Lần này, mình chọn Tà Năng – Phan Dũng, một trong những cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam. Mình đi Tà Năng vào đầu tháng 3, mùa khô có đồi cỏ cháy hồng. Cá nhân mình thấy đi mùa khô an toàn và dễ đi hơn một chút vì thời tiết thuận lợi, đất không quá trơn trượt và bùn lầy.
Đi Tà Năng có 2 cung đường: Một là leo đồi cỏ, cắm trại trên đồi ngắm bình minh lên với tổng chiều dài tầm hơn 30km. Cung mình chọn đi qua thác Jaly tuyệt đẹp nằm ẩn mình đằng sau nhiều vách núi đá và đèo dốc, tổng chiều dài tầm 55km. Trung bình mỗi ngày đi bộ tầm 15 -20km từ đường bằng đến nhiều con dốc với những cái tên rùng rợn như Dốc Cọp, Dốc Mẹ ơi (thực sự lúc leo dốc này bạn phải thốt lên “Mẹ ơi!” không biết bao nhiêu lần :)) ) và nhiều hồ, suối.
Tà Năng – Phan Dũng là cung đường trekking không khó cũng không dễ. Chỉ cần bạn có một thái độ tích cực, không ngại khổ, không ngại thiếu thốn đời sống tiện nghi, luôn đi theo sự hướng dẫn của người dẫn đoàn bạn sẽ hoàn tất chuyến đi thuận lợi.
Đi để học hỏi và trải nghiệm
Mình tin là sự học tốt nhất chính là tự trải nghiệm. Bạn có thể ngồi ở nhà và xem những trải nghiệm của người khác qua Ti Vi, qua mạng xã hội. Bạn có thể biết các kỹ thuật trekking hoặc kỹ năng sinh tồn trong thiên nhiên. Bạn có thể thuộc làu bản đồ địa lý. Nhưng chỉ khi bạn, chính bạn, bước ra ngoài kia, trải nghiệm, té ngã, kiến thức bạn có được mới thật sự là của bạn.
Mình có thể học về Lâm Đồng – Bình Thuận trong 45 phút ở lớp Địa lý nhưng mình phải mất 2 ngày để đi băng qua những ngóc ngách của Tà Năng (Lâm Đồng) xuống tới Phan Dũng (Bình Thuận). Đi đi! Để thấy đất nước mình đẹp lắm! Bạn có thể là “ai đó” ở nhà, nhưng khi đã đi lên rừng xuống biển, bạn chỉ là một chấm nhỏ xíu. Những thành tựu bạn đạt được, số tiền trong tài khoản ngân hàng, hoặc những điều nhỏ mà bạn ganh đua mỗi ngày để có được chẳng bảo vệ được bạn và sự sống của bạn ở giữa thiên nhiên bao la. Những điều làm bạn buồn thiệt nhiều cũng chẳng còn ý nghĩa đến vậy.
Khi đó bạn nhận ra những thứ thực sự quan trọng chính là kiến thức về cuộc sống, kỹ năng sống và tình đồng đội. Quan trọng nhất vẫn là hơi thở của bạn. Miễn là bạn còn sống, bạn vẫn có cơ hội bắt đầu lại từ đầu. Và vượt xa những mục đích chuyến đi mình đặt ra từ ban đầu, mình học được rất nhiều thứ khác từ chuyến đi 2 ngày 1 đêm đó.
Đi để rèn tính kiên trì
Mình học được là phải tiếp tục bước đi. Đã ra đến nơi trekking thì không có đường để quay về, chỉ có thể tiến về phía trước. Đường đi trekking là phiên bản tả thực của cuộc sống: cho dù bạn đã vượt qua rất nhiều ngọn đồi, lội qua bao nhiêu con suối, vẫn luôn có thật nhiều đồi và suối đang chờ bạn ở phía bên kia.
Bỏ cuộc không phải là một lựa chọn. Không được nghỉ ngơi quá lâu trên chiến thắng (ở đây là những suối nước mát rượi) vì bạn phải đến điểm cắm trại trước khi trời tối. Giữ một thái độ lạc quan, tích cực là rất quan trọng vì khi chán nản hành trình của bạn sẽ dài thêm ra và bạn sẽ phải chịu đựng suốt quãng đường còn lại.
Tận hưởng cuộc hành trình
Trekking là một hành trình chứ không phải cuộc chạy đua lên đỉnh núi. Tốc độ không quan trọng bằng sức bền. Mình học cách tận hưởng quãng đường đi thay vì chăm chăm vào đích đến. Đường trekking đẹp lắm! Có những cây mà nếu không đi chắc chẳng biết đến khi nào mình được thấy, được chạm tới. Mùa tháng 3, hoa gạo nở đỏ rực. Những chú bò đang gặm cỏ. Đồi cỏ hồng cháy vàng vì đang vào mùa khô. Rừng tre với những cấu trúc thú vị. Những dòng suối mát rượi mà mỗi lần dừng nghỉ mình cứ muốn thời gian ngừng trôi để ngồi ngâm chân cho dòng nước vỗ về mãi thôi.
Kết nối với thiên nhiên
Rồi tự nhiên mình thấy yêu và có sự kết nối với thiên nhiên đến kỳ lạ. Mình thực sự thích cảm giác sáng sớm dậy khi trời còn lạnh, sương xuống ướt lớp cỏ và đất dưới chân, mình bước xuống suối vốc nước suối rửa mặt, rửa tay. Cuộc sống thường nhật của mình xoay quanh khói bụi xe máy, những tòa nhà cao tầng sáng đèn không thể nào thấy được ông sao vì vậy nên chuyện rửa mặt bằng nước suối nó kỳ lạ lắm! Và cảm giác thích thú thế nào!
Mình thấy mình bị thiếu Vitamin C(ây cối) trầm trọng nên mình thèm lắm cảm giác được vây quanh bởi cỏ cây, hoa lá và dòng nước mát. Chuyện trekking nếu không tính những khúc đồi dốc đất cát rất trơn và khó đi, dễ bị trượt chân, những khúc đèo một bên là vực sâu, và những khúc leo núi đá tảng thì mình thích hết tất cả thiên nhiên! Mình còn nhặt một quả thông xinh xắn đem về nhà làm kỷ niệm nữa. :3
Thiền …đi bộ (hay còn gọi là Thiền hành)
Chưa bao giờ mình thấy mình sống chánh niệm đến vậy! Vì băng qua nhiều dạng địa hình khác nhau nên mình phải để tâm hoàn toàn vào mỗi bước chân để không bị té ngã. Mình không quen đi trên những dạng địa hình đèo dốc đất cát như vậy. Và chính vì không quen thuộc nên não mình hoạt động hết công suất để tập trung vào chuyện đi, chẳng có thời gian để nghĩ lung tung sang việc khác. Trên núi chẳng có sóng điện thoại. Mình chẳng thể vội vàng chia sẻ trải nghiệm của mình với bạn bè hoặc nói chuyện với mọi người ở nhà. Chỉ có mình và chuyến đi của mình, những trải nghiệm tại đây và bây giờ mà thôi.
Đi để dũng cảm hơn!
Mình đi để đối diện với nỗi sợ. Mỗi chuyến đi đều tiềm ẩn một vài rủi ro nhất định, và việc đi vào thiên nhiên còn nhiều rủi ro hơn bình thường vì xung quanh bạn không còn là xã hội tiện nghi của loài người nữa. Thiên nhiên là nơi còn nhiều điều bạn chưa biết, chưa tường tận. Nhưng nếu cứ mãi ôm nỗi sợ mà “ở nhà cho an toàn” thì bạn mãi mãi chẳng trưởng thành. Nếu bạn cứ ở trong vùng thoải mái, thì đó không còn là “cuộc sống”, mà chỉ là một “cuộc chạy trốn khỏi cái chết”. Cuộc sống là những gì đang diễn ra ngoài kia khi bạn đang sợ hãi núp mình trong bóng tối. “Magic happen out of your comfort zone.”
Và thế là mình đi, chẳng để chứng minh với ai, mà chỉ là để mình vượt qua nỗi sợ của bản thân, vượt lên chính mình. Phải chăng tất cả những nỗi sợ thường nhật của chúng ta: Sợ mất mặt, sợ cô đơn, sợ vấp ngã,… đều có nguyên nhân sâu xa từ sợ…cái chết? Mà nguyên nhân xa hơn nữa của sợ chết là chúng ta sẽ không được nhớ tới khi mình mất đi. Thế nên ta ra sức cố gắng để lại những “dấu ấn” của mình trong cuộc sống dù đó là “dấu ấn” tốt hay xấu.
Ta xây những công trình, ta viết sách, giúp đỡ người khác, ta nhồi vào đầu người khác ý tưởng của mình hoặc thậm chí ta gây tổn thương người ta,… tất cả đều là những “dấu giày” mang đậm chất cá nhân trên hành trình sống với hi vọng là mình tiếp tục sống ngay cả sau khi chết đi. Nhưng ý nghĩa cuộc sống (ít nhất là đối với chính bạn) không nằm ở những gì bạn để lại, mà nằm ở những trải nghiệm và bài học bạn mang theo. Tất cả những hành động bạn làm phải vì bạn trước tiên. Mà nếu đã vì chính mình thì còn gì phải sợ nữa? Đôi khi chúng ta dũng cảm không phải để đưa mình lên một vị trí tốt hơn, mà là để tự cứu mình khỏi nỗi sợ.
Không được sợ vì sợ sẽ chẳng làm được gì cả! Nỗi sợ chỉ là cảm giác.
Con phải sợ! Phải sợ! Vì chỉ vượt qua nỗi sợ, con mới dũng cảm được.
– Hai Phượng
Học cách đặt niềm tin vào người khác
Một trong những cách để không sợ nữa chính là cái biết rằng “Mình an toàn. Mình được bảo vệ và giúp đỡ bởi Vũ trụ và bởi những người xung quanh.” Sau khi đã vững một
mình, bạn cần bước ra ngoài và học cách cho đi cũng như nhận lại sự giúp đỡ từ người khác. Con người là một cá thể toàn diện, có thể cảm thấy đủ đầy tự thân. Tuy vậy, không thể phủ nhận tầm quan trọng của cộng đồng. Chúng ta cần những người giống mình để cảm thấy mình thuộc về một nơi an toàn, để phát triển tình yêu thương và lòng vị tha.
Trong hành trình trekking, mình đặt niềm tin vào anh Tour guide. Anh bảo “Không sao.”, mình tin là “Sẽ ổn thôi.”. Anh bảo “Sắp tới rồi.”, mình cũng tin như vậy dù “Sắp tới” của anh đối với mình là còn xa lắm. :)) Có đoạn mình phải ngồi xe máy phượt băng rừng, đi xuyên qua lòng suối, lên đèo, xuống dốc. Tàu lượn siêu tốc còn chưa mạo hiểm đến thế. Nhưng mình không sợ vì mình tin chú lái xe. :)) Chú ấy bảo chú đã chở hàng trăm chuyến chưa bao giờ gặp tai nạn nghề nghiệp cả. Viết đến đây, mình xin chân thành cảm ơn anh Lê Bảo dẫn đoàn, chú lái xe ôm băng rừng mà mình chưa kịp biết tên và rất nhiều anh chị đi chung đã giúp mình hoàn thành chuyến đi an toàn.
Buông bỏ kiểm soát là điều cần thiết.
Vì là di chuyển ngoài thiên nhiên nên việc chuẩn bị đầy đủ những vật dụng là vô cùng cần thiết. Mình quan tâm tiểu tiết và luôn muốn mọi chuyện suôn sẻ, trơn tru và tiện nghi nên thông thường trong chuyến đi của mình ngoài những vật dụng cơ bản còn có nhiều thứ là để dự phòng. Mình có thói quen lên kế hoạch chuyến đi thật kỹ để tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc.
Nhưng lần này, mình phải tập buông bỏ sự kiểm soát và chấp nhận những tình huống bất ngờ. Vì là hành trình dài hai ngày, mình phải giữ sức bền và sự dẻo dai, nên việc mang lỉnh kỉnh đồ đạc không phải là lựa chọn tối ưu. Mình buộc phải tối giản hóa mọi thứ. Ngoài ra, chính việc có gì xài đó, có sao sống vậy giúp mình tăng khả năng thích nghi với mọi điều kiện và ứng phó tình huống tốt hơn. Chuyến đi trở nên đáng nhớ hơn khi nó không còn là 100% bản kế hoạch mình đã lên sẵn ở nhà nữa.
Và rồi…ta trở về nhà.
Mình đi để thấy ở nhà là sướng nhất! Đôi khi do quá quen với cuộc sống tiện nghi, hiện đại chúng ta quên mất việc trân trọng nó. Mình đi để học hỏi, trải nghiệm và để nhận ra chẳng nơi nào thương mình như ở nhà. Về nhà, chưa bao giờ mình cảm thấy được tắm rửa khỏi lớp bụi đường bám đỏ khắp quần áo, được ngủ một giấc ngon lành trên chiếc giường thân thuộc mà không bị muỗi đốt, không phải co ro trong chiếc túi ngủ tuyệt vời đến vậy.
Cuối cùng, mình chỉ muốn nói là các bạn hãy đi đi. Đi để học những điều cần học. Đi để lớn theo cách của riêng bạn và nếu được hãy chia sẻ với mình nha!
Xem thêm về trải nghiệm trekking của mình tại:
Highlight Instagram: @_tientran
Cảm ơn các bạn,
Tiên Alien
Để lại một bình luận