Hôm nay mình lôi cây ukulele ra lau.
Dù mình chẳng bao giờ đàn, nhưng vẫn chẳng chịu cất đàn vào trong bọc. Cứ để đấy ngắm cho đẹp.
Năm ngoái, không biết thôi thúc thần kỳ nào đã khiến mình na hẳn cây đàn này về nhà, dù chưa đàn bao giờ, cũng chẳng biết có thể gắn bó lâu với bộ môn này hay không. Tiệm bán đàn ở ngay cạnh nhà, mình chỉ đi ngang, thấy, và na về, như chú kiến thấy cục đường phải tha về tổ cái đã, ăn được hay như thế nào thì tính sau.
À, mình thích ukulele do xem phim “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”. Mình cũng thích bản thân có thể đàn, và hát đơn giản như vậy, để khi mà trong lòng nhiều cảm xúc quá, thay vì viết, mình có một cách khác để tỏ bày.
Anh bán đàn bảo là đây là cây đàn ukulele lớn, tầm trung. Mới bắt đầu, chưa biết mình có thích và phù hợp không, thì có thể chơi đàn nhỏ hơn (size mini) xinh xắn lắm, thường có nhiều màu sắc, dù đương nhiên âm thanh sẽ không “đã” bằng.
Mà tai mình đâu có giỏi cảm thụ âm nhạc, có khi mình mới bắt đầu cũng chẳng phân biệt được hay với dở đâu. Thế mà chẳng hiểu sao mình thích cây đàn này. Anh bảo là vì cây đàn có vài vết xước nên giảm giá cho mình chút. Mình thấy sau này mình sống rất dễ chịu (so với phiên bản ngày xưa là cực kỳ cầu toàn, cái gì mà hỏng một chút là khó chịu lắm). Cho nên nếu đồ vật mình có vấn đề gì, mình cũng ừ chắc là nhân duyên nó thế. Vết xước là minh chứng cho thấy sự “từng trải” của đồ vật, có vật nào là vẹn nguyên với thời gian?
Mình hớn hở xách cây đàn về nhà. Hăng hái đăng ký đi tập đàn (dù nhân gian bảo đàn uku dễ lắm, có thể tự học được). Nhưng mình biết tính mình, đối với những bộ môn mà mình cần nỗ lực một chút (do đam mê không đủ lớn) thì mình cần đi học, để ai đó kéo mình ra khỏi sự trì hoãn và lười biếng.
Người ta hay kể về chuyện họ đạt được, hay làm được trên mạng xã hội, chứ ít ai kể những chuyện họ bỏ cuộc giữa chừng. Nên nếu bạn so sánh bản thân mình (với toàn bộ dữ kiện về bạn) với ai đó ngoài kia, thì đều là khập khiễng cả. Có rất nhiều điều người ta không kể, ví dụ như là người ta đã thức bao nhiêu đêm, nỗ lực bao nhiêu, để có được kết quả mà bạn nhìn thấy, hay ví dụ như người ta đã không-làm-được, hay không-biết những gì.
Hôm nay là một câu chuyện nhỏ về những thứ mình không làm được. Với tất cả niềm vui và hân hoan, mình đã mua đàn và đăng ký cả khóa học. Anh bán đàn ở sát nhà thì bảo là mình cứ qua tập, qua hỏi có gì anh chỉ thêm cho. Và mình chưa một lần nào làm thế. :))
Những ngày đi học đàn ở đầu đường nhà mình, mình thường hay ngủ gục. Thế quái nào người ta có thể ngủ gục trong lúc đành đàn nhỉ? 🙂 Nhưng tôi đã chán tôi phiên bản đánh đàn nhiều đến nỗi không thể nào giữ cho mình tỉnh táo và hăng say. :)) Mà lỡ đăng ký và đóng tiền cả khóa rồi nên mình cũng ráng chăm chỉ bước tiếp. Thế nhưng, học được nửa khóa thì mình đi châu Âu hẳn một tháng. Lúc quay trở lại thì thế giới bùng dịch, đến giờ mình chưa đánh đàn lại lần nào. 🙂
Chuyện tương tự cũng xảy ra khoảng nửa năm sau đó. Bằng một thôi thúc diệu kỳ nào đó, mình đã mê tiếng kalimba. Mình đã lựa mua một chiếc kalimba màu xanh lam ngọc rõ đẹp. Kalimba chắc là nhạc cụ dễ chơi nhất thế giới, mình tin con nít cũng có thể thành thạo. Mình cũng tập được bài Happy Birthday tặng bạn mình, sau đó thì… à, không có sau đó.
Về cơ bản, mình biết mình chỉ đơn giản không thích chơi nhạc cụ đến thế, hoặc chưa có ai gieo trong mình đủ hạt mầm. Mình có thích, đủ nhiều để chủ động gõ những cánh cửa, nhưng chưa đủ để đi tiếp hành trình.
Mà điều đó không ngăn mình tiếp tục gõ những cánh cửa mới. Mình cứ liên tục thử những cái mới, và tìm ra vô số điều không thực sự phù hợp với mình. Ví dụ như là học tiếng Đức, chụp ảnh phim hay vẽ tranh,… Mình thấy mình “dân chơi nửa mùa”. *cười* Nhưng mà có sao đâu chứ! Dẫu biết là sẽ kết thúc, nhưng mình vẫn ưa bắt đầu. Trải nghiệm, đối với mình, là tất cả. Mình thích mình phiên bản dám thử, dám sống, dám hết mình.
Và sau những lần dám thử đó, mình nhận ra là không phải mình cứ chủ động vài bước đầu tiên là mình sẽ có “trớn” để thành thạo nó. Mình nhớ có những năm mà mình cứ liên tục đăng ký hết lớp tiếng Đức này đến lớp khác với lời cam kết của trung tâm là sau khi hết khóa bạn sẽ đạt được một trình độ nhất định. Thế là mình cứ “nhắm mắt đưa chân” vào các trung tâm với suy nghĩ đơn giản là à chắc đi học mình sẽ giỏi như mình muốn. Nhưng không phải vậy. Để giỏi, cần có nỗ lực xuất phát từ bên trong, một sự cam kết với chính bản thân nữa.
Mình cần chăm chỉ học thêm từ vựng khi về nhà, làm bài tập, xem video tiếng Đức hay tìm người bản xứ nói chuyện,… Mình cần “nhúng” mình vào ngôn ngữ đó, hay mình sẽ hay gọi là toàn tâm toàn ý với điều mình đang học. Chứ không phải chỉ học trên lớp, với sự hướng dẫn của giáo viên là xong.
Cho dù là lớp ukulele, lớp ngôn ngữ, hay thậm chí là một khóa tâm linh, một lớp thiền. Ta thường hay có tâm lý “phó thác” cho thầy mà không nỗ lực tự thân. Cho dù bạn có theo học bậc giác ngộ nhất, tham gia khóa thiền dài ngày, hay đi hành hương ở những địa điểm tâm linh mạnh mẽ, nếu sự thay đổi không xuất phát từ bên trong, bạn sẽ nhanh chóng lại u tối và vô minh mà thôi.
Trong vô số những hạt mầm chưa có duyên để thành cây, thì mình tìm ra những hạt dành cho mình, ví dụ như là viết. Đương nhiên là mình vẫn cần tự giác và kỷ luật để nuôi dưỡng hạt mầm đó thành cái cây, nhưng nó không có trúc trắc, hay nói cách khác, không có sự “đấu tranh” nội tâm để hoàn thành.
Những thứ sinh ra dành cho mình thì nó dễ, nó thuận, nó trôi xuôi. Những lúc nhập vào dòng chảy tự nhiên đó, Vũ trụ làm thông qua mình, chứ mình không phải ngược sóng ngược gió để cố gắng.
Tiên Alien
Trả lời