Sài Gòn đang vào mùa mưa. Mưa từ bên ngoài, tràn lên cả Facebook. Trời mưa dễ làm con người ta tâm trạng, hoặc cảm thấy khó chịu vì ẩm ướt, vì bẩn giày, vì bị kẹt ở một nơi nào đó. Nhưng ta quên mất là cũng dưới những cơn mưa này, những tháng ngày ta bé, ta đã lén ba lén mẹ để tắm mình trong làn nước mát rượi. Ba mẹ sợ ta cảm lạnh, bắt phải vào nhà và cấm sau đó không được tắm mưa nữa. Lúc đó ta ước, ước gì lớn thật mau, để tự do thoả thích làm điều mình muốn. Để rồi khi ta lớn lên, ta cũng lại trở thành những người lớn đầy lý trí. Ta đã đủ lông đủ cánh để thực hiện những ước mơ ngày nhỏ, nhưng tâm trí ta đã bị đặt vào trong một chiếc hộp vô hình với những nguyên tắc và giới hạn do chính ta tạo ra.
Để thành “người lớn” ta đã đánh đổi điều gì?
Ta mất đi khả năng sáng tạo không giới hạn. Làm cái này cũng được đấy, nhưng mà … kỳ quá! Làm cái kia sao nghe có vẻ không tưởng? Trẻ em không có nhiều kiến thức nên cũng chẳng có ranh giới nào cho tư duy. Hãy hỏi một đứa trẻ làm thế nào để bỏ con voi vào tủ lạnh. Nó sẽ trả lời cho bạn là hãy mở tủ và đặt con voi vào.
Chúng ta mất đi khả năng hạnh phúc từ những điều nhỏ bé. Niềm vui của trẻ con đơn giản lắm. Chỉ với vài hòn bi nhỏ là chúng có thể chơi say sưa cả ngày. Người lớn cả thèm chóng chán, lại có thói quen bận rộn, chẳng thể tập trung vào một cái gì quá lâu.
Càng biết nhiều, càng học rộng, ta càng đóng khung suy nghĩ trong một cái lồng. Ta không còn háo hức với những điều mới lạ như ngày trước, thay vào đó là những định kiến và phán xét khi nghe những thông tin có vẻ trái với những điều ta đã biết.
Mà đâu riêng gì người lớn, những đứa trẻ thành thị ngày nay nếu không được khuyến khích học hỏi, vui chơi lành mạnh, cũng lớn lên là những đứa trẻ bị đóng khung trong những màn hình Ipad, Ti vi. Càng lớn, ta càng suy nghĩ phức tạp, rồi tự làm cuộc sống của mình trở nên rối ren.
Ngày bé chúng ta yêu thương mọi người như nhau. Ta vô tư chơi đùa với những đứa trẻ khác mà chẳng cần biết tên hay hoàn cảnh gia đình. Chúng chỉ cần ngồi cạnh nhau đã thành bạn thân mãi mãi (BFF). Lớn rồi ta nhìn nhau bằng đôi mắt ngại ngùng hoặc dè chừng. Lúc yêu đương cũng chẳng dám thương hết lòng, ra đường thì sợ cướp giật, chơi với bạn thì sợ bị lừa. Ta cũng không còn hồn nhiên vui vẻ. Lúc đạt được thành công rồi ta lại muốn thành công tiếp nữa, ta hiếm khi thoả mãn, càng ít đi sự hài lòng.
When I was 5 years old, my mother always told me that happiness was the key to life. When I went to school, they asked me what I wanted to be when I grew up. I wrote down ‘happy’. They told me I didn’t understand the assignment, and I told them they didn’t understand life.
– John Lennon
Người lớn chúng ta phải học từ những đứa trẻ.
Để có chất lượng cuộc sống tốt hơn, sống đơn giản nhưng hạnh phúc hơn, hãy ngồi xuống và học từ những đứa trẻ. Chúng ta có thể mang trong mình những hiểu biết, sự tự do, độc lập và trách nhiệm của một người lớn nhưng chọn cách sống hạnh phúc, vô tư không tính toán như một đứa trẻ con. Thời gian, tuổi tác chỉ là những con số mà con người tự đặt ra để đưa xã hội vào khuôn khổ. Hãy tự mình tháo nắp chiếc hộp và bước ra tận hưởng thế giới bên ngoài với khao khát, và cách nhìn cuộc sống đầy hi vọng của một đứa trẻ.
Hãy vui đùa như trẻ con.
Chúng ta gắn cho người lớn “nhãn dán” phải cư xử chuyên nghiệp, phải nghiêm túc, phải sống đúng chuẩn mực xã hội. Nhưng chẳng có xã hội nào quy định những trò trẻ con người lớn không được chơi cả. Ai bảo lớn rồi thì không được tô tượng, không được buộc tóc hai chùm? Ai bảo người lớn không được nhảy múa, không được chạy ra ngoài trời và tận hưởng những cơn mưa? Ai bảo người lớn thì không được chơi búp bê và đặt tên cho chúng?
Trong mỗi “người lớn” luôn tất bận với công việc, với cơm áo gạo tiền, luôn có một đứa trẻ vô tư, hồn nhiên, khao khát tự do và mê chơi đùa. Hãy tạo cho mình thói quen vui vẻ sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng, sau thời gian phải làm “người lớn” với xã hội. Thỉnh thoảng những quyết định điên rồ, những ngẫu hứng phút chót sẽ đem đến những kỷ niệm không thể nào quên.
Stay hungry. Stay foolish.
– Steve Jobs
Thực hiện ước mơ tuổi thơ.
Cùng với sự tự do của người lớn, hãy ấp ủ và thực hiện những ước mơ thời bé thơ. Ước mơ của trẻ con bắt nguồn từ sự tò mò về thế giới xung quanh và tình yêu thương vô điều kiện. Hỏi một đứa trẻ về ước mơ của nó, bạn sẽ nghe được bao nhiêu ước mơ lớn lao. “Con muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho những trẻ em nghèo miễn phí”; “Con ước làm ca sĩ vì con rất thích hát”; “Con ước được lên mặt trăng thăm chú cuội và chị Hằng”.
Những ước mơ nghề nghiệp đó đâu có gì là không tưởng, nhưng rồi ta bỏ rơi chúng đâu đó trên hành trình trưởng thành. Điểm thi vào Đại học Y cao quá, thôi thì ta đi học… Kinh tế. Đời nghệ sĩ bấp bênh, thị phi lắm, hoặc ai đó nói với ta giọng hát ta không đủ hay, ngoại hình chưa đủ bắt mắt để có thể trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, thế là ta bỏ ngang. Ta chọn cho mình những “ước mơ” nghe có vẻ thực tế hơn. Ta theo học ngành nghề của gia đình để đảm bảo ra trường kiếm được việc. Ta cũng không còn hoài bão giúp trẻ em mồ côi, hay người già neo đơn nữa, vì ta lo thân ta còn chưa xong!
Thành công phải đi kèm khả năng, sự nỗ lực và quan trọng hơn cả là một ước mơ đủ lớn. Chẳng có giấc mơ nào là không tưởng. Bạn có thể không nhảy đẹp để đi làm dancer, nhưng bạn hãy nuôi dưỡng hạt mầm đam mê nhảy của mình mỗi ngày bằng việc đăng ký thử một lớp. Bạn có thể không đủ điều kiện để vào NASA, nhưng bạn có thể tham gia các trò chơi mạo hiểm không trọng lượng. Bạn muốn làm gì, hãy bước ra ngoài làm ngay đi. Ngày mai có nghĩa là không bao giờ cả. Có rất nhiều con đường để nuôi dưỡng giấc mơ, bạn chẳng cần phải đến được đích, quan trọng là tận hưởng niềm vui trên cuộc hành trình và biết đâu lỡ gặp may bạn làm được thì sao? ?
Ngồi xuống đây nhìn mây bay
Ngồi xuống đây vọc lá trên tay
Ngày ấu thơ từng hay mơ
Đâu có ngờ mọi điều sẽ (giờ) tan vỡ– Điều buồn tênh
Đơn giản hóa mọi thứ.
Hãy nhìn mọi thứ đơn giản như bản chất của nó, không phán xét, không suy diễn. Đi trên đường bạn thấy hai chiếc ô tô va chạm với nhau, bạn biết là “À hai chiếc ô tô vừa va chạm với nhau ở chỗ này”. Chứ không suy ra là “Lái xe kiểu gì bất cẩn thế! Chắc hai ông này một ông say rượu, ông kia mua bằng lái xe. Xã hội ngày nay đi đường cũng chẳng an toàn nữa. Đáng sợ quá!”
Cuộc đời vốn đơn giản, chỉ có đầu óc con người mới làm cho mọi thứ phức tạp lên thêm. Hãy nói khi bạn đã chắc chắn sự thật. Còn bạn nghe bạn của ông chú của bà hàng xóm nói về một ai đó thì tính xác thực của câu chuyện đã không còn xác minh được rồi. Bạn không thích một người, hãy đơn giản là ngừng chơi với họ. Bạn cảm thấy công việc không phù hợp, hoặc bạn muốn phát triển ở một nơi khác, hãy đơn giản xin nghỉ. Trẻ con lúc không thích chúng sẽ không ăn. Chúng không bao giờ cố gắng ăn và giả vờ khen ngon lấy lòng ai cả.
Hãy tập yêu người vô điều kiện.
Hãy yêu đời, yêu người với một tình yêu dũng cảm đầy niềm tin và hi vọng dù bạn đã từng đi qua tan vỡ. Người lớn mang trong mình những tổn thương để rồi họ chọn thu mình lại chẳng tin ai hoặc gây tổn thương cho người khác. Trẻ con mau giận, nhưng cũng mau quên. Cái quên là một khả năng đặc biệt giúp ta tránh khỏi phiền não không đáng có. Tha thứ cho người thực ra là giải thoát cho mình. Đôi khi sự mạnh mẽ không phải là một mình chống lại thế giới, mà là chọn mở lòng ra yêu thương một lần nữa dù đã từng tổn thương.
Chủ nghĩa vật chất ngày càng phát triển. Con người càng có xu hướng coi trọng giá trị đồng tiền hơn tình yêu thương đồng loại, kể cả với chính bản thân mình. Trời mưa, ta sẽ tháo vội đôi Ultraboost đắt tiền để đi chân đất. Ta thương tiếc đôi giày chứ chẳng thương cho chân mình. Ta quên mất mục đích nguyên sơ của việc sản xuất ra những chiếc giày là để bảo vệ cho bàn chân khỏi những tổn thương không đáng có. Bạn bè vô tình làm chiếc xe của ta bị hỏng. Ta giận bạn cả tháng, chứ đâu có kịp nhớ là xe chỉ là phương tiện để giúp bạn và ta gặp nhau dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Ta tưởng mình đang hướng tới “mục đích”, nhưng cái mà ta luôn bảo vệ chỉ là những “phương tiện”. Trẻ con thường vô tư chơi đùa để học hỏi. Chúng chẳng quan tâm chiếc áo mới đắt tiền sẽ bẩn, chẳng quan tâm chiếc đồng hồ nếu tháo hết linh kiện ra sẽ hư. Đồ vật hư hỏng có thể sửa, có thể mua cái mới, hoặc đơn giản những vết xước trên đồ vật nhắc cho ta nhớ về những trải niệm tuyệt vời. Còn sức khoẻ của con người, tình cảm giữa mọi người với nhau mất đi rồi khó lấy lại được. Thậm chí khi ta la mắng, cấm cản trẻ con vì chúng lỡ tay làm hư hỏng vật gì, ta vô tình đóng cánh cửa ước mơ, tò mò khám phá thế giới của chúng
People were created to be loved. Things were created to be used. The reason why the world is in chaos, is because things are being loved and people are being used.
– John Green
Con người dành vài năm để học làm người lớn, nhưng cần cả đời để tìm lại những phẩm chất tuyệt vời của trẻ con. Vì vậy, hãy nuôi dưỡng những hạt giống tốt trong con trẻ. Hãy để chúng tự do sai lầm để học hỏi. Hãy khuyến khích chúng ước mơ và dũng cảm theo đuổi ước mơ. Hãy để chúng tự do sáng tạo. Hãy luôn yêu thương chúng vô điều kiện để chúng lớn lên với gốc rễ niềm tin vững vàng, đem tình yêu bao la đó ra ngoài xã hội.
Xin chào mình là một em bé,
Tiên Alien
Để lại một bình luận