Hỏi: Mình hiểu ý Tiên và đồng tình với cái tương đối. Tuy nhiên mình nên chọn giải pháp nào trong một số trường hợp như thấy hàng xóm xả rác, hút thuốc, đem chó ị chỗ công viên chung, chen xếp hàng nơi siêu thị, hay lớn hơn là những quyết định làm khổ một số người, vậy ta nên im lặng xem sự việc hay con người như nó đang là, hay mình nên lên tiếng?
Một câu hỏi khác: Làm thế nào để bỏ những cái “muốn” bạn nhỉ? Nếu những cái muốn là những cái mình nghĩ là nên, ví dụ muốn con khỏe mạnh, vui vẻ… Làm thế nào để bỏ những cái muốn mà không phải kiểu bỏ bê, bỏ mặc? Hàng ngày chúng ta vẫn phải giao tiếp với người khác, với con cái chẳng hạn, vẫn cần đưa ra những quyết định, nên vẫn cần nghĩ cái gì nên, không nên, làm thế nào để không nghĩ được bạn?
Ví dụ khi mình không muốn con xem tivi trong giờ ăn cơm mà con cứ xem mình sẽ thấy khó chịu ấy, mình nên thế nào khi ấy thì sẽ thoải mái? Vậy mình không muốn khó chịu thì cần không muốn con hạnh phúc, không muốn con khỏe mạnh, không muốn con tự lập… hay nên thế nào… hay cứ kệ tất cả, khi mình muốn gia đình hạnh phúc vui vẻ thì mình hướng về đất để làm, còn nếu không muốn gì cả thì mình cứ kệ tất cả à?
Đáp: Trên đây là những câu hỏi rất chi tiết về đời sống thường nhật của chúng ta, nên mình thấy chúng thực tế và cần thiết. Mà thông thường mình sẽ quay về gốc (chung) để trả lời những câu hỏi (riêng). Vì mình sống tiệm cận với cái gốc nên thực ra mọi thứ rất đơn giản. Còn nếu bạn thấy tình huống phức tạp, rất có thể bạn đang lạc trên các ngọn cây rồi.
Chúng ta vẫn có thể duy trì một lối sống tâm linh (thuận tự nhiên) trong khi vẫn tham gia và đời một cách hết sức bình thường mà không gặp trúc trắc, mâu thuẫn nào. Mà chính xác là nếu bạn sống thuận tự nhiên, thuận với Đạo, thực sự, thì bạn sẽ không mâu thuẫn, lăn tăn hay băn khoăn. Khi có “đấu tranh tâm lý” xảy ra, đó là khi có sự khác biệt giữa cái bạn nghĩ là Đạo và Đạo mà thôi. Đạo chủ trương không có mâu thuẫn, phân biệt, chia chẻ, đấu tranh. Cái gì dễ là đúng rồi.
Đạo là đời mà đời cũng là Đạo. Chúng không là hai thứ để phải lựa chọn, so đo. Khi chọn Đạo, bạn không hi sinh đời, không thoát ly khỏi đời, trái lại còn tham gia nhiệt tình vào đời sống nữa. Một thiền nhân thực sự (hay Lão Tử gọi là Thánh nhân) nếu gặp ngoài đời bạn sẽ không phân biệt được họ. Họ trông thật bình thường. Bạn nghĩ rằng một người giác ngộ là phải thật điềm tĩnh, uy nghiêm, không còn sân hận, đó là cũng chấp vào hình tướng.
Ở đây mình sẽ tạm gọi là tự do mà chấp vào sự tự do, sống duy tâm nhưng vướng bận vào duy tâm. Nghĩa là bạn nghĩ rằng phải thế này hay thế kia thì mới là Đạo, mới tự do, mới là “chuẩn” tâm linh. Thực tế thì Đạo là tất cả. Đạo ủng hộ mọi thứ, không loại bỏ bất kỳ thứ gì. Sao cũng được mà không sao cũng xong. Khi bạn phải cố để sống thiền, thực chất là đang tách mình khỏi Thiền.
Sự từ bỏ mà mình thường hay nói tới đôi khi chỉ là cái buông trong tâm thức mà thôi. Vì vướng bận vào ngoại cảnh, nên khổ sinh. Thế thì thôi đừng mong cảnh theo ý mình, vẫn làm những việc cần làm và nên làm, nhưng kết quả thế nào thì nương nhờ vào nhân duyên, đất trời.
Xét ở góc nhìn tuyệt đối, thực ra đôi khi không khát khao gì, không được khổ cũng là một cái khổ. Bạn nghĩ xem toàn bộ Tạo hóa này đã vận hành vô vạn nhân duyên để bạn được ở đây trong hình hài này, có gia đình thế này, và những tình huống như bạn đang đối diện. Thế mà bạn tìm mọi cách để thoát khỏi nó, chạy đuổi theo một điều gì đó vô hình xa xôi.
Bạn vẫn có thể có những khát khao chính đáng như là mong cho gia đình khỏe mạnh, vui vẻ, nhưng không nhất thiết gia đình hòa thuận bạn mới vui. Bạn vui sẵn rồi, và bạn làm tròn bổn phận của mình trong gia đình. Còn kết quả thế nào thì tùy duyên vậy.
Bước thêm một bước để nói về cách hành xử đối với những người xung quanh, trong mọi trường hợp, mình chọn làm phần của mình. Làm phần của mình có nghĩa là cất tiếng nói nếu thấy cần thiết (nếu nhận biết rằng tiếng nói của mình có thể có khả năng làm thay đổi lựa chọn của người khác theo chiều hướng tích cực) và hành động nếu thấy phù hợp. Còn kết quả, liên quan đến lựa chọn của người khác (như là họ có làm theo lời khuyên của mình hay không) thì không liên quan đến mình.
Đương nhiên mình biết nuôi dạy con cái lại là một phạm trù khác, vì đứa trẻ đôi khi chưa có đầy đủ năng lực ra quyết định như một người trưởng thành. Tuy nhiên, mình tin rằng vẫn có những lối hành xử cổ vũ sự tự do của con, để con phát triển trở thành chính con. Mà phần này thì mỗi bậc làm cha mẹ tự tìm cho mình đáp án thông qua trải nghiệm vậy.
Mình nghĩ quan điểm “Không mong muốn đồng nghĩa với mặc kệ tất cả.” là một suy luận logic của con người. Mà thực tế thì tâm linh không thể được máy móc áp dụng như vậy, mà cần tiếp cận bằng góc nhìn phi logic. Tâm linh đích thực chính mà mong muốn chiến thắng dành cho tất cả, ai cũng hạnh phúc, hòa bình, an ổn với nhau.
Bạn vẫn có thể khóc, có thể cười, có thể “sân si”, lên tiếng bảo vệ bản thân, sống thật tạo nét (và tạo nghiệp) chỉ cần có nhận biết. Nghĩa là khi tức giận, bạn biết tôi đang tức giận và tôi đang chọn cơn giận này. Khi khổ, hãy thừa nhận rằng khổ là do bạn chọn. Rằng bạn thích khổ.
Mình cổ vũ bạn là chính bạn, chứ không ủng hộ bạn thành Phật (khi bạn chưa biết điều Phật biết). Nghĩa là hãy bắt đầu tại chính nơi bạn đang đứng, thật thà với chính suy nghĩ, cảm xúc của mình hiện tại. Trở thành chính mình (đầy tham, sân và si) đã, rồi Phật bên trong sẽ theo sau.
Nếu bạn có cái muốn, cứ muốn hết mình. Đồng thời cũng hãy khổ hết sức. Đừng rén, đừng gồng, đừng nửa vời, đừng đứng núi này trông núi nọ. Bạn đang đầy giận dữ, nhưng vì lý thuyết mà cố để bình tĩnh, thì cũng chẳng để làm gì. Đừng phản bội chính mình để đổi lấy giác ngộ giả tạo.
Hãy là mình thật đậm nét trước đã, rồi tự bạn sẽ có câu trả lời. Nếu câu trả lời được nói ra từ mình, nó cũng chỉ ở bên ngoài mà thôi. Mà đã có đầy người nói về Sự thật rồi.
Tiên Alien
Trả lời