Chúng ta luôn tìm kiếm “đồng minh”
Chúng ta luôn tìm kiếm những người giống mình, quan điểm tương đồng với mình, dù là trong sách vở, vị thầy hay bạn đồng tu,…
Bạn đặt câu hỏi không phải để nhận được câu trả lời, mà là để nhận được sự ủng hộ, đồng tình cho ý kiến của bạn.
Bạn cảm thấy một bài viết hay, không phải vì nhận ra điều gì mới mẻ, mà vì bài viết “nói hộ” những gì bạn nghĩ trong lòng.
Bạn mê một bài hát vì nó thay bạn hiển lộ những cảm xúc bên trong.
Bạn tung hô vị thầy, vì những gì thầy giảng bạn thấy đúng quá. Còn bạn không thấy đúng, thì dù người đó có uy tín đến đâu, bạn cũng chẳng đi theo.
Bạn yêu một người vì phiên bản của bạn khi ở cạnh họ.
Như những chú chim én bay đi tránh rét và trở về khi mùa xuân tới, chúng ta có xu hướng bị thu hút và ở cạnh những người giống mình, để mình được “cổ vũ” là mình nhất có thể, để cho mình được “đúng”.
Ngược lại, ta dễ cảm thấy bị xúc phạm hoặc “đe dọa” tinh vi nếu ai đó có lối sống khác, thậm chí là hướng đi trái ngược.
Nhận biết được điều này nghĩa là thôi đi tìm kiếm sự đồng thuận cũng như cảm thấy bị đe dọa khi có trái nghịch.
Thuận hay nghịch thực tế chỉ là “thức ăn” cho cái tôi mà thôi. Những gì bên ngoài chưa bao giờ là thước đo chuẩn xác cho bản chất thực sự bên trong cả.
Và sự tự do đích thực nằm ở việc gỡ bỏ sợi dây ràng buộc với ý kiến ngoài kia.
Tiên Alien
Trả lời