Tỉnh thức rất đơn giản: Chỉ cần nhận ra vòng lặp vô thức khiến mình luôn phải làm thế này hay thế kia (phải…để…). Sau đó buông xả hết những lý do bên ngoài (điều ta nghĩ là quan trọng và có ý nghĩa), để sống chân thật với sự thoải mái hằng có bên trong.
Thế thì, mọi điều đều là Tự nhiên làm, ta không cần phải gắng sức.
Tuy vậy, nếu bạn dùng tâm trí để hiểu từ “thoải mái”, đôi khi nó sẽ dẫn đến những lựa chọn bản ngã.
Thoải mái đôi khi không phải là muốn gì ăn nấy, mà là ăn thứ cơ thể này cần (chứ chưa hẳn là thứ bạn muốn).
Thoải mái đôi khi không phải là sống tùy tiện theo hứng, mà là kỷ luật khi cần thiết và nghỉ ngơi khi cần thiết.
Thoải mái đôi khi không phải là ‘dễ’ theo khái niệm của tâm trí, mà là thuận như Tự nhiên nó thế. Hành động khi thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Thoải mái đôi khi không phải là không làm gì, mà là làm như không làm, vô vi, thong dong.
Thoải mái không phải là nuông chiều theo cảm xúc, hay được tự do bộc lộ cảm xúc lên người khác. Thoải mái chỉ là cho phép cảm xúc được diễn ra, riêng tư, an toàn, không phán xét, trong nhận biết. Sự khéo léo của người có trí tuệ nằm ở chỗ biết khi nào nên bộc lộ cảm xúc với người khác, khi nào nên giải tỏa nó một cách kín đáo riêng tư. Cảm xúc cần được nhận diện, mà không cần gây tổn thương bất kỳ ai.
Thoải mái không phải là không cần tới thử thách. Chỉ khi có một áp lực hay nỗ lực nhất định, bạn mới phá vỡ hàng rào an toàn cũ và tiến hóa. Thoải mái chỉ đơn giản là đi cùng với dòng nước, mượn sức nước để mình đi xa hơn khỏi vùng an toàn.
Thoải mái không phải là ích kỷ, vì lợi ích của bản thân mà bất chấp gạt đi sự bền vững cho tất cả. Thoải mái chỉ là có giới hạn khi cần thiết để bảo vệ mình, và mở rộng giới hạn khi có thể, để ôm lấy cả đất trời. Tất cả cùng thắng (Win-Win).
Hãy nhìn tự nhiên mà xem, hạt mầm nhỏ cần phá vỡ lớp vỏ, vươn lên khỏi phần đất cứng phía trên để đón ánh sáng và phát triển thành một cái cây.
Chú nhộng cần trải qua hành trình phá vỡ cái kén đầy đau đớn để trở thành chú bướm xinh đẹp.
Con người cũng cần những thử thách lớn hơn bản thân họ để trưởng thành, để biết rằng mình không biết, và khiêm cung hơn.
Thoải mái không thể được hiểu và thực hành máy móc, khi bạn chưa phát triển Tuệ giác. Vì nó rất dễ sa vào ham muốn của bản ngã. Khi đó, càng sống thoải mái theo “cái tôi”, càng ngã mạn, tùy tiện hay phóng túng.
Sống theo sự thoải mái cần có một hành trình, thử và sai, để ngày càng trưởng thành tâm linh và có những cái vỡ lẽ ra từ bên trong. Quả trứng vỡ từ bên trong là sống, vỡ từ bên ngoài là chết.
Để phát triển Trí tuệ, thay vì hỏi “Điều này có đem lại sự thoải mái cho tôi hay không?” hãy hỏi “Điều gì là tốt nhất cho Tất cả?”
Tiên Alien
Để lại một bình luận