Một bài viết tiếp theo của bài Sự thật.
Sau đây là những câu hỏi tu từ. Mình không cần bạn thuyết phục mình về tính “cần thiết” của tất cả những điều mình đặt câu hỏi. Mình cũng không phủ nhận giá trị của chúng trong đời sống con người. Mình đặt câu hỏi chỉ để bản thân mình và bạn, nếu đủ cởi mở và kiên nhẫn, nghiêm túc nghĩ về những điều chúng ta cho là ý nghĩa và quan trọng trong cuộc sống.
Tại sao chúng ta PHẢI thức dậy sớm vào buổi sáng?
Tại sao chúng ta PHẢI ăn đủ 3 bữa một ngày?
Tại sao chúng ta PHẢI uống đủ 2 lít nước một ngày?
Tại sao chúng ta PHẢI tập thể dục?
Tại sao chúng ta PHẢI luôn tích cực?
Tại sao chúng ta PHẢI vượt qua? PHẢI mạnh mẽ?
Tại sao chúng ta PHẢI trả lời tin nhắn?
Tại sao chúng ta PHẢI duy trì các mối quan hệ?
Tại sao chúng ta PHẢI nhường người khác trong khi bản thân không thoải mái?
Tại sao PHẢI cúi đầu? PHẢI nhìn trước ngó sau? PHẢI cư xử theo một cái cách mà cộng đồng sẽ chấp nhận mình hoặc căng thẳng hơn là để chấp nhận bản thân?
Tại sao chúng ta PHẢI thử món ăn mới ra? PHẢI check-in chỗ nổi tiếng mới mở? PHẢI mặc bộ quần áo theo xu hướng cập nhật mới nhất?
Tại sao chúng ta PHẢI đi du lịch ít nhất vài lần trong năm? Tại sao khi đi du lịch PHẢI thử hết món ngon địa phương, thăm hết các địa điểm nổi tiếng?
Tại sao chúng ta PHẢI hoàn thành hết danh-sách-những-điều-cần-làm trước … tuổi?
Tại sao chúng ta PHẢI kết hôn? Tại sao kết hôn rồi PHẢI duy trì cuộc hôn nhân đến cuối đời?
Tại sao chúng ta PHẢI có một cái kết có hậu? Hay một cuộc tình kéo dài đến hơi thở cuối cùng?
Tại sao chúng ta PHẢI tìm được soulmate?
Tại sao chúng ta PHẢI có một công việc ổn định?
Tại sao chúng ta PHẢI có được quyền lực hoặc sự công nhận?
Tại sao chúng ta PHẢI có nhiều tiền?
Tại sao chúng ta PHẢI có một chiếc điện thoại được cài đặt 4G hay 5G?
Tại sao PHẢI chữa lành?
Tại sao PHẢI sửa mình?
Tại sao PHẢI trả nghiệp?
Tại sao PHẢI tu tập chăm chỉ?
Tại sao PHẢI ngồi thiền cắm mặt?
Tại sao PHẢI đọc thật nhiều sách? Học thật nhiều khóa học?
Tại sao PHẢI thế này hay thế kia?
Tại sao PHẢI hỏi tại sao? 🙂
Chúng ta không phải là bánh. Tại sao phải chui vào khuôn?
Bản chất những hành động, thói quen, quan điểm sống đó tự thân nó chẳng có vấn đề gì. Vấn đề nằm ở chữ “phải”. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta sao chép y nguyên lối sống của một vị thầy nào đó, một người dẫn dắt, một người thành công hoặc đơn giản là một hình mẫu nào đó mà ta theo đuổi. Hoặc ta sống theo khuôn mẫu từ bé đến lớn mà chẳng bao giờ đặt câu hỏi rằng chiếc khuôn đó có vừa vặn với mình hay không. Khuôn mẫu đó đã có từ bao đời sao mà sai được? Hoặc giáo dục đó đã được nghiên cứu kỹ lưỡng chỉ có ta sai chứ sao thầy cô, nhà khoa học, nhà thần học,… sai được?
Mình? Mình ở đây là gì vậy? Bạn còn chẳng rõ bản thân. Nên thôi trong lúc chờ tìm ra “mình” đó thì ta cứ sống “tốt” theo chuẩn cái đã. Còn tìm ra hay không ra “mình” thì… hên xui.
Nhiều bạn hỏi mình về cách thức. Họ cần mình đưa ra một danh sách dài những hành động cụ thể cần làm để đi đến một cái đích mà họ mong muốn. Nhưng mình không phải là bạn, và bạn không phải là mình. Mỗi chúng ta có vô số cách phù hợp khác nhau để trở thành chính mình. Chắc do mình từ bé đến lớn đã không thể và không thích đi theo danh sách những điều cần và phải làm mà những người đi trước để lại. Mình tự thắp đuốc mà đi. Mình chỉ là kẻ kể chuyện, mình kể bạn nghe rằng bạn có thể sống khác đi, hạnh phúc hơn, có quyền đưa ra nhiều lựa chọn hơn trong cuộc sống. Bằng cách lắng nghe bản thân bạn, trái tim bạn, bạn sẽ tự có câu trả lời mà bạn cứ liên tục đi hỏi người khác.
Điều gì thực sự có ý nghĩa?
Những điều mình đặt câu hỏi ở trên bản thân chúng vẫn chưa mang lại phúc lạc vĩnh cửu. Chúng là sản phẩm của thế giới này. Chúng là những bộ áo giáp ta mua cho nhân vật trong lúc nhân vật của ta còn trong trò chơi.
Mọi thứ chỉ có nghĩa vì ta gán cho chúng một ý nghĩa nào đó. Con người thật lý sự (và mình cũng là một người chuyên lý sự) và họ PHẢI có một mục đích sống (hi vọng là cao cả), một ý nghĩa cuộc đời, một sứ mệnh nào đó họ mới an lòng sống. 🙂 Còn không thì họ quyết định từ bỏ cuộc sống (đang diễn ra ở đây bây giờ) để đi tìm cho ra cái mục đích cuộc đời mình.
Mình là một kẻ tìm kiếm nhạy cảm với cái khổ. Và có lẽ mình đã “đậu phải cành mềm” quá nhiều lần để nhận ra những thứ mà mình cho là có giá trị thực sự thật ra cũng chẳng thường hằng. Chúng đến và đi. Việc vươn tới chúng, lấy chúng làm động lực, “bàn đạp” cuộc sống, vì chúng mà hi vọng rồi cũng vì chúng mà thất vọng, dựa vào chúng,… không đem lại cho mình chân phúc.
Tất cả những thứ đó, từ những thứ “đời thường” như đi làm kiếm tiền, lập gia đình đến việc tu tập tâm linh để thoát khổ; từ việc yêu một tâm hồn khác đến việc yêu “bản thân” khi ta còn chưa rõ bản thân là gì; từ việc tham sân si ngoài đời đến tham sân si trong tu thiền;… đều là những trò chơi. Có trò được lập trình tinh vi đến nỗi người chơi tưởng mình đã thức dậy. Họ thực ra chỉ tham gia vào một trò chơi khác, nơi “cái tôi” vẫn còn là nhân vật chính mà thôi.
Cái lò là vũ trụ
vũ trụ này cũng chỉ là một giấc mơ trưa.
– Masanobu Fukuoka
Chẳng có gì trên đời là có ý nghĩa cả!
Ý nghĩa sinh ra cùng với tâm trí con người. Ý nghĩa tồn tại song hành với “cái tôi”. Ở đây bỏ qua những “cái tôi” ích kỷ, tổn thương, tham lam một cách quá rõ ràng. Những “cái tôi” đó quá dễ để nhận diện, để người ta nhảy vào lên án hoặc đổ tội.
Có những “cái tôi” khác tinh vi hơn, khoác lên mình chiếc áo tử tế đến nỗi người ta không nghĩ rằng mình có một “cái tôi”; họ nghĩ “cái tôi” đó chính là họ. Về mặt đời thường, những “cái tôi” này cắn răng đến phòng tập gym mỗi tối chỉ vì như vậy là “tốt cho sức khỏe”. Những “cái tôi” này chăm chỉ đi học thêm ngoại ngữ, học đàn, học đánh golf,… chỉ để làm dày dặn thêm CV của mình. Những “cái tôi” này ngồi trong lớp học mà họ chẳng ưa thích chỉ để có cái bằng mà họ chẳng xài bao giờ. Những “cái tôi” này cố gắng trở thành người vợ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” để giữ chồng.
Về mặt tu tập, những “cái tôi” này cần được dung dưỡng bằng cách thấy chính bản thân đang làm điều tốt, đang cố gắng vì một sứ mệnh nào đó cao cả, đang tu tập chăm chỉ chính chuyên, đang hoan hỉ trả nghiệp. Những “cái tôi” tạo ra hoặc nhận và lựa chọn một ý nghĩa nào đó cho sự tồn tại của họ trên Trái đất này. Những “cái tôi” luôn khao khát ở hành tinh nào đó khác chứ đừng ở đây vào lúc này. Những “cái tôi” cần được nghe thật nhiều người nói với họ rằng họ là Thượng đế, rằng họ vô tội… Và dù đó có là sự thật, họ không tự nhận thức được nên phải liên tục đi tìm, đi nghe người ta nhắc cho mình là mình là Phật, có Phật tánh bên trong họ mới yên tâm tiếp tục cắn răng trả nghiệp, chữa lành hoặc tiếp tục tu tập khổ hạnh. Những “cái tôi tâm linh” tu tập ĐỂ giải thoát, ĐỂ thăng lên. Họ sẵn sàng đánh đổi bình yên của hôm nay để lấy phúc lạc của một tương lai nào đó bên kia thế giới.
Phải nói rõ là chúng ta rất nhiều lúc không nhận diện được “cái tôi” này. Chúng ta đồng hóa mình với “cái tôi” đó. Chúng ta nghĩ đó là bản thân mình. Những “cái tôi”, mà ta nghĩ là ta đó, là những nhân vật cố gắng, chăm chỉ, hi sinh và thật đáng thương.
Mình chẳng có vấn đề gì với những hành động đó cả vì rõ ràng dù xuất phát từ “cái tôi” nó cũng có ích cho đời phết đấy. Vấn đề nằm ở chữ “vì” và chữ “để”. Khi ta làm việc gì đó không xuất phát từ sự vui thích, tình yêu, niềm hoan hỉ thực sự thì hành động đó chỉ mang tính chất “đánh đổi” và phục vụ cho “cái tôi” tinh vi. Mình cũng chẳng phán xét ai. Nếu bạn vẫn cảm thấy mọi thứ có hiệu quả, hãy tiếp tục trò chơi mà “cái tôi” là nhân vật trung tâm. Còn nếu bạn (cũng như mình cách đây ít lâu) đã quá mỏi mệt với việc khổ hạnh, thì hãy đặt cái khổ xuống, đặt tham xuống, đặt cái “vì”, cái “phải”, cái “để”, đặt điều kiện của bạn xuống đi.
Trong thế giới này chẳng có gì sất, tôi cảm thấy mình chẳng hiểu gì cả.
– Masanobu Fuokuka
Cái chết của “tôi” chính là sự hồi sinh của con người bạn thực sự là!
Đến đây “cái tôi” của bạn có thể sẽ nổi giận và cảm thấy bị “đe dọa” vì “tôi” sống nhờ vào ý nghĩa và hi vọng. Khi ý nghĩa, sứ mệnh, vai trò, hi vọng,… mất đi còn gì để nuôi “tôi” nữa?
Tôi là ai nếu không còn “tôi” nữa? Bạn sẽ sợ. Điều gì sẽ cho bạn động lực thức dậy mỗi sáng? Điều gì sẽ làm trái tim bạn hân hoan? Điều gì sẽ là động cơ thúc đẩy bạn phát triển và tiến hóa? Điều gì khiến bạn gắn bó với một người?
Chính tình yêu vô điều kiện đơn thuần và sự vui thích là câu trả lời.
Bạn sẽ ăn chay vì bạn thích thế.
Bạn yêu một người vì yêu thôi, chứ chẳng cần.
Bạn làm việc vì việc đó làm bạn vui, bạn chẳng cảm thấy như đang làm việc chút nào.
Bạn tập thể dục vì bạn thích cơ thể toát mồ hôi.
Bạn cho đi vì bạn thích cho đi, chứ người ta có nhận không thì… kệ họ.
Bạn thư giãn, thoải mái, tận hưởng. Mỗi khoảnh khắc đều là duy nhất. Mỗi trải nghiệm đều tuyệt vời.
Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?
Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không?
Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.
Hoa nở, chim hót là cách mà thiên nhiên thể hiện bản thân nó. Hoa đâu nở để con người khen nó đẹp. Nhưng trong chính việc là nó, tự nhiên và cởi mở, nó mang lại cho cuộc đời một dấu ấn không thể thay thế.
Con người cũng vậy. Khi ta hoàn toàn sống với trái tim mình, làm điều mình yêu, trở thành chính mình nhất, bạn sẽ mang lại cho đời một sắc màu không thể trộn lẫn. Và đó cũng chính là bản chất của sáng tạo.
Dù bạn có là ai, đang ở đâu trên hành trình của mình, chúc bạn nhiều niềm vui ở đây!
Tiên Alien.
Trả lời